Gặp lại thí sinh đạp xe 300km đi thi ĐH
Chiều 7/7, tôi tìm gặp Ngô Văn Thuận trước cổng chợ Vinh, TP Vinh (Nghệ An). Khi ấy Thuận đang tay xách bọc nilông đựng sách vở, vai mang túi quần áo tìm cơ sở sửa chữa điện lạnh để làm thêm.
Thật không thể ngờ bởi Thuận đi xe đạp 300km ra thi đại học tại điểm thi Trường THPT Hai Bà Trưng, huyện Thạch Thất (Hà Nội) mới về quê được một hôm mà giờ đã vào chợ Vinh tìm việc làm. Thuận bảo: “Thi xong tôi phải vào đây tìm việc ngay chứ ở quê không có việc buồn tủi lắm”.
Chuyện Thuận đạp xe từ xóm 8, xã Xuân Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) ra Hà Nội dự thi bắt đầu từ gia cảnh của một học sinh nghèo đến mức nhà cũng có xe đạp nhưng bị hư nên Thuận phải mượn xe của bạn để đi.
Thuận kể: “Cha mẹ cũng đã vay mượn tiền cho tôi ra Hà Nội thi nhưng nghĩ đồng tiền vay nóng sẽ làm cha mẹ khổ nên tôi mượn xe đạp của bạn. Mượn xong, tôi sợ cha mẹ không cho đi nên phải giấu mặc dù từ nhỏ tới nay tôi chưa đi ra khỏi làng nhưng nghĩ cứ đi rồi sẽ đến. Tôi bắt đầu khởi hành lúc 13h ngày 29/6. Phải đi trước bốn ngày vì sợ đi 2-3 ngày mới tới. Hành trang chỉ có cái bút, bộ quần áo và 30.000 đồng”.
Ngô Văn Thuận tìm việc ở chợ Vinh
Video đang HOT
Đêm ấy, đi tầm 40km, Thuận lại xuống vừa dắt xe đi bộ vừa nghỉ. Do không biết đường nên khi gặp đường rẽ, Thuận gọi tổng đài Bưu điện Nghệ An để được hướng dẫn rồi đi tiếp. 24h mệt rũ người, Thuận tạt vào Bệnh viện Hữu Lực của TP Thanh Hóa nghỉ chân khoảng một giờ nhưng “chỉ ngồi chứ không dám nằm, sợ nằm ngủ kẻ xấu lấy mất xe”.
9h30 ngày hôm sau khi ra đến huyện Thanh Trì (HN), Thuận vào quán ven đường xin nước uống. Tình cờ Thuận gặp một người tốt bụng hỏi han. Đó là đại úy Nguyễn Quốc Khánh, Công an huyện Thanh Trì. Biết chuyện một thí sinh từ Nghệ An đạp xe 300km chỉ uống chứ không có gì để ăn, đại úy Khánh xem giấy tờ tùy thân rồi chở Thuận gặp một số cán bộ Huyện ủy Thạch Thất. Cuối cùng Thuận được gia đình ông Ánh cưu mang việc ăn ở và chở đi thi.
“Vì sao Thuận không thi ở cụm thi Vinh mà phải ra Hà Nội?” – tôi hỏi. Thuận nói: “Tôi chọn Trường Sĩ quan lục quân 1 để thi vì nếu được vào trường này, cha mẹ tôi sẽ đỡ một gánh nặng. Bởi cha mẹ làm nghề nông từ khi sinh tôi rồi nuôi tôi ăn học suốt 12 năm trời trong ngôi nhà sụm”. Nói đến đó, Thuận rưng rưng ánh mắt. Tôi hướng câu chuyện sang bài thi của Thuận. Thuận bảo: “Khi đọc xong đề, tôi xác định có thể đạt 8 điểm. Tôi đã làm hết khả năng của mình nhưng thú thật khi làm bài đầu óc tôi khó tập trung đến tối đa vì người quá mệt mỏi. Tôi nghĩ nếu trượt cuộc thi này tôi sẽ đi làm thêm ở chợ Vinh, chờ cơ hội vào Nam thi vào một trường dạy nghề nào đó”.
Trước khi gặp Thuận, thầy Nguyễn Trọng Mậu – chủ nhiệm ba năm học cuối cấp của Thuận – cho biết: “Thuận là học sinh khá giỏi thuộc lớp chọn của Trường THPT Yên Thành 2, nhất là môn toán, lý. Thuận còn là cán bộ của lớp, hiền lành đến ít nói nhưng sống giàu nghị lực. Không ai nghĩ một học sinh như thế lại cả gan đạp xe 300km để thi vào đại học như Thuận”.
Theo tuổi trẻ
Đạp xe từ Nghệ An ra Hà Nội thi ĐH: 300km của nghị lực và hy vọng
Đó là những vòng xe thẫm mồ hôi trên một con đường dài đầy khó khăn, vất vả nhưng ngập tràn tình người của cậu học sinh nghèo Nguyễn Văn Thuận (Yên Thành, Nghệ An) để theo đuổi niềm đam mê được học tập, ước mơ giảng đường.
Hành trình ấy đã viết nên một câu chuyện cảm động về niềm tin và lòng yêu thương.
Thí sinh Nguyễn Văn Thuận xem lại bài sau khi thi xong môn Hóa, môn cuối cùng trong đợt 1 kỳ thi đại học năm 2012.
Cuộc "Hành quân dã chiến" và những "kế hoạch" không thành
Sáng 3/7, trên Quốc lộ 1A (đoạn thuộc thôn Yên Phú, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội) có một cậu thanh niên đi xe đạp, mặt tái đi vì mệt mỏi vào xin nước uống và ngồi nghỉ nhờ ở nhà dân ven đường. "Sắp đến nơi rồi, cố lên!", Thuận tự nhủ... Xét ở tiêu chí về thể lực, có lẽ Nguyễn Văn Thuận hoàn toàn có thể được tuyển thẳng vào trường Sỹ quan Lục quân I (nơi em đăng ký dự thi). Xuất phát ở quê (huyện Yên Thành, Nghệ An) từ 1h trưa, đến 9h30 sáng hôm sau Thuận đã đến huyện Thanh Trì, Hà Nội. 300km đạp xe với chỉ một chai nước và vài cái bánh mỳ không. Lúc mệt thì dắt, đỡ mệt lại đạp. 30.000 đồng tiền dành dụm khi mang đi, đến Hà Nội vẫn còn tận... 10.000 đồng cho 2 ngày rưỡi ăn ở và lượt đi về. Trên đường đi, Thuận còn vạch sẵn một kế hoạch "tác chiến" rất cụ thể về nơi ăn, chốn ở khi đi thi tại Hà Nội. Rất đơn giản, ăn vẫn là bánh mỳ không, nước lọc uống hết thì xin, ở thì nếu có đình chùa nào gần điểm thi thì xin ngủ nhờ, không có thì ngay cổng trường thi, dưới cột đèn cao áp cũng là tốt lắm rồi.
Thế nhưng "kế hoạch" đó đã không thành. "Sáng hôm đó, khi xuống địa bàn, gặp trường hợp của Thuận, biết hoàn cảnh và cuộc "hành quân dã chiến" của em, tôi quyết định sẽ giúp đỡ ngay để Thuận có thể đến địa điểm thi tận huyện Thạch Thất cho kịp giờ", Đại uý Nguyễn Quốc Khánh, Công an phụ trách xã Liên Ninh (Công an huyện Thanh Trì) cho biết.
Được sự giúp đỡ tận tình của bà con và đặc biệt là đồng chí Trần Trọng Dực - Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội là một người dân xã Liên Ninh, nên hai đêm ở Hà Nội, Thuận được ăn nghỉ trong phòng trọ đàng hoàng. Chắc chắn đó là những giấc ngủ mà Thuận không thể nào quên. "Em quá may mắn khi gặp được bác Dực, chú Khánh, và cả những người mà em còn chưa biết tên trên đường em ra thi. Không có các bác, các cô, các chú cũng chẳng biết em còn sức mà làm bài nữa không", Thuận cảm động khi nhớ lại những vất vả đã qua.
Muốn đi thật xa trên đường đời
"Quê em là vùng đất mà cứ nắng thì hạn, mưa lại ngập. Gia đình thuần nông, dưới em còn một em trai 8 tuổi nữa, cũng hoàn cảnh anh ạ. Bố mẹ không muốn em đi thi đại học vì nếu đỗ biết lấy đâu tiền mà học" - Thuận khẽ nói. Ấy vậy mà Thuận vẫn quyết phải thi đại học bằng được. Được sự động viên của thầy cô giáo, tự tin vào lực học của mình Thuận chọn trường Sỹ quan Lục quân I, vì nếu đỗ bố mẹ sẽ không phải lo học phí. "Nếu không đỗ, em ở quê kiếm việc gì làm phụ bố mẹ, vừa làm vừa ôn, năm sau nhất định phải thi tiếp vì chỉ có học em mới đi được thật xa trên đường đời" - Thuận nói, mặt rắn rỏi. Chắc chỉ có quyết tâm sắt đá ấy mới giúp cậu học sinh có vóc người nhỏ nhắn, hiền khô này đạp xe cả quãng đường dài đến thế.
Sau khi kết thúc môn thi cuối cùng, Thuận vui vì làm bài tốt rồi lại vội vã trở về ngay. Có khác là lần này em về bằng ô tô. Đích thân Đại úy Nguyễn Quốc Khánh đưa em ra tận bến xe. Thuận run run tâm sự rằng cuộc sống còn rất nhiều khó khăn nhưng em sẽ nỗ lực để vượt qua tất cả bởi bên cạnh em luôn có sự thương yêu của gia đình, thầy cô, bạn bè, và em sẽ không đầu hàng trước những khó khăn nào để xứng đáng với tấm lòng của những người đã giúp đỡ em hết mình trên hành trình khó khăn đầu đời.
Theo Phú Khánh
An Ninh Thủ Đô
Vừa học vừa làm thêm cùng du học sinh Nhật. Hiện nay tình hình đi làm thêm của các bạn du học sinh cũng đang được quan tâm. Ở Sendai, các bạn chắc vẫn còn nhớ từ sau trận động đất lớn mới xảy ra, rất nhiều người đã cùng tập trung vào quá trình khôi phục lại các nhà máy sản xuất cũng như các nhà máy chế biến thực phẩm... nên...