Gặp lại cô gái trong bức ảnh nổi tiếng ‘Bác Hồ với Thanh niên xung phong’
Cô gái trong bức ảnh nổi tiếng “Bác Hồ với Thanh niên xung phong” là một nữ anh hùng tham gia Trung đội quyết tử ở cung đường 12A của tuyến đường Trường Sơn lịch sử.
Nhìn bà lão tóc bạc, sống bình dị cùng con cháu ở quê nhà Quảng Bình có lẽ ít ai biết bà Nguyễn Thị Kim Huế (xã Cảnh Hoá, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) là cô gái trong bức ảnh nổi tiếng “Bác Hồ với thanh niên xung phong”.
Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc bà Huế lên tặng hoa cho Bác Hồ, được đăng tải rộng rãi trên báo, tạp chí. Bà Huế vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh 5 lần.
‘Truy điệu sống’ trước lúc làm nhiệm vụ
Bà Huế kể, những năm tháng kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cung đường 12A từ Quảng Bình đi Lào là một phần quan trọng của tuyến đường Trường Sơn. Đó cũng là lý do đây là cung đường thường xuyên bị quân địch chọn là mục tiêu bắn phá.
Để bảo vệ cung đường này luôn thông suốt, cho những đoàn xe của bộ đội ta ra chiến trận suôn sẻ, 182 người của 17 xã của huyện Tuyên Hoá được cấp trên chọn lập ra đơn vị 759, Tiểu đoàn 75 trực thuộc công trường 12A.
Người nữ anh hùng năm xưa nay đã già và đang sinh sống tại nhà riêng ở xã Cảnh Hoá, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. (Ảnh: Trần Anh)
Khi ấy bà Huế mới 19 tuổi và đã có chồng, nhưng bà vẫn quyết tâm viết đơn tham gia lực lượng thanh niên xung phong. Sau đó, bà được phân làm Tiểu đội trưởng một tiểu đội thuộc Đại đội 6 gồm 16 anh chị em.
Tiểu đội của bà Huế được phân công đảm nhiệm mở đường và thông tuyến từ đoạn Khe Tang tới Cổng Trời. Đoạn đường này bị đế quốc Mỹ dội bom, đánh phá ác liệt nhất.
Bà Huế nghẹn ngào chưa thể quên được giai đoạn chiến đấu ác liệt đó, bởi nhiều đồng đội của bà đã ngã xuống mà không tìm thấy thi thể.
“Cuối năm 1965, một Trung đội Quyết tử được thành lập và Tiểu đội của tôi được biên chế trong Trung đội đó. Gọi là Trung đội Quyết tử nên trước lúc lên đường thường xác định lành ít dữ nhiều. Vì thế mỗi khi lên đường làm nhiệm vụ thì cả Trung đội đều được làm lễ truy điệu sống”, bà Huế nhớ lại.
Trận đánh ác liệt nhất mà có lẽ sẽ theo bà đến hết cuộc đời này, đó là ngày 3/7/1966, máy bay B52 của giặc Mỹ đánh phá ác liệt vào Km21 đường 12A. Khi đó, 10 đồng đội của bà đã hy sinh, chỉ ba thi thể được tìm thấy.
“Không thấy thi thể đồng đội, chúng tôi cố gắng đào bới tìm trong nhiều ngày liền. Đất sâu bao nhiêu bọn tôi không ngại nhưng chỉ sợ nhát cuốc lỡ đà rồi trúng đồi đội làm họ đau”, bà Huế nói trong nước mắt rưng rung.
Bản thân bà trong quá trình làm nhiệm vụ trên tuyến đường 12A cũng nhiều lần bị bom vùi lấp. Nhưng khi tỉnh lại bà vẫn quyết tâm ra trận để làm tròn nhiệm vụ thay cho những đồng đội đã ngã xuống.
5 lần được gặp Bác Hồ
Năm 1966 bà Nguyễn Thị Kim Huế được cấp trên cử đi học 3 tháng tại một trường trung cấp chính trị. Nơi đây, bà có cơ duyên lần đầu được gặp chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bà Huế kể, một ngày ở cuối buổi môn kiểm tra bắn súng có một cụ ông tóc bạc, mặc áo quần bà ba, đi dép cao su đến. Khi ấy tôi vẫn chưa biết đó là Bác Hồ cho đến khi Bác gần và hỏi: “ Sao cháu bắn súng giỏi vậy?”. Biết là Bác nên tôi lễ phép đáp: “Dạ thưa Bác, chỉ cần bình tĩnh, nín thở, nhắm trúng mục tiêu và bóp cò thôi ạ”.
Đến lúc tổng kết khoá học, Bác Hồ đến thăm và hỏi trước hội trường: “Cháu gái quê Quảng Bình hồi trưa bắn súng giỏi ngồi mô?” Tôi đứng dậy đáp “dạ” và được Bác khen: “Con gái Quảng Bình sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi, làm gì cũng giỏi”.
Cuối năm 1966, bà Huế lại có vinh dự khi nằm trong Đoàn đại biểu ngành Giao thông Vận tải Quảng Bình ra báo cáo thành tích với Bác.
Lúc đó, Bác nhìn một lượt rồi ôn tồn hỏi tôi: “Cháu gái vừa trẻ vừa giỏi báo cáo tình hình cho Bác nghe”. Sau khi hỏi về cuộc sống và công việc của đơn vị, Bác hỏi tiếp: “Cháu đã có chồng chưa?” Câu hỏi làm cô gái Huế khi đó khó trả lời, bởi nếu trả lời là có chồng thì sẽ không được đi chiến đấu.
Bác Vũ Kỳ đỡ lời và trả lời Bác: “Thưa Bác có rồi”. Bác lại hỏi: “Khi nào có con?”. Lúc này cô gái mới mạnh dạn thưa với Bác: “Dạ! Thưa Bác, đánh xong Mỹ, giải phóng miền Nam rồi cháu sinh con”.
Nghe cô gái trẻ trả lời như vậy Bác cười và ôn tồn nói: “Không được, cháu làm cách mạng tốt thì công tác gia đình phải tốt. Mà đánh Mỹ năm năm mười năm hai mươi năm hoặc lâu hơn nữa! Cho nên cháu phải sinh con, vừa làm công tác tư tưởng cho gia đình, vừa là tương lại để thay thế cháu”.
Năm 1967, tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc bà Huế vinh dự có mặt trong Đoàn đại biểu gồm 11 người tỉnh Quảng Bình, cùng đi trong đoàn còn có mẹ Suốt và chị Trần Thị Lý. Lần này bà Huế được vinh danh Anh hùng, được Bác Hồ gắn huy hiệu anh hùng lên ngực áo, quàng khăn rồi tặng một chiếc đồng hồ đeo tay của Nga.
Tháng 7/1967, vào dịp Đại hội Thanh niên xung phong lần thứ tư, bà Huế cùng chị Nguyễn Thị Nguyệt – Tổng Đội phó Tổng đội Thanh niên xung phong miền Nam, vinh dự thay mặt Đại hội tặng hoa cho Bác.
Khoảng khắc bà Huế mang hoa tặng cho Bác và được ghi hình lại, trở thành bức ảnh “Bác Hồ với Thanh niên xung phong” nổi tiếng và được đăng rộng rãi trên các báo và tạp chí. Hiện nay bức ảnh được bà Huế in ra và đặt ở nơi trang trọng nhất trong nhà.
Tại Đại hội Thanh niên xung phong toàn quốc năm 1967, bà Huế vinh dự được cầm hoa lên tặng Bác Hồ. Khoảnh khắc này được ghi lại và trở thành bức ảnh: “Bác Hồ với Thanh niên xung phong” nổi tiếng và xuất hiện nhiều trên các tờ báo, tạp chí. (Ảnh tư liệu)
Lần cuối cùng bà Huế được gặp Bác Hồ là khi bà được cử sang Liên Xô dự Lễ kỷ niệm 50 năm Cách mạng tháng 10 Nga. Trước lúc đi, đoàn của bà được ăn cơm cùng Bác Hồ. Trong bữa cơm, Bác dặn dò cách cư xử, cách trả lời báo chí như thế nào…
Hôm đó, Bác bưng bát cơm lên và cố làm rơi một hạt cơm xuống. Bác từ tốn nhặt lên và nói với những người trong bàn: “Hạt cơm này các cháu biết không! Biết bao nhiêu công đoạn, bao nhiêu mồ hôi của nhân dân mới làm ra nó”. Nói xong Bác liền cho vào miệng”, bà Huế nhớ lại.
MINH TRÍ
Theo VTC
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc lời điếu tiễn biệt nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười
Tại lễ truy điệu trang nghiêm, thành kính sáng 7/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài điếu văn đầy xúc động tiễn biệt nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười về nơi an nghỉ cuối cùng.
Thưa đồng bào, đồng chí và các bạn.
Thưa gia quyến đồng chí nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười.
Hôm nay, trong niềm xúc động và tiếc thương vô hạn Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Chính phủ nước CHXHCN , Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cùng đồng bào, đồng chí, bạn bè và gia đình tổ chức lễ truy điệu - nhà lãnh đạo xuất sắc có uy tín của nhân dân ta, người đảng viên cộng sản kiên trung về nơi an nghỉ cuối cùng.
Đồng chí mất đi là tổn thất to lớn với Đảng, Nhà nước và nhân dân, với gia quyến, để lại niềm tiếc thương với bạn bè quốc tế.
Đồng chí Đỗ Mười tên khai sinh là Nguyễn Duy Cống, sinh ngày 2/2/1917, tại xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Đồng chí sớm tham gia hoạt động cách mạng. Tháng 6/1939 được kết nạp và Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt nam.
Năm 1940 bị Pháp bắt và kết án 10 năm tù giam. Dù bị kẻ thù tra tấn dã man nhưng đồng chí vẫn kiên trung với cách mạng, không chịu khuất phục, cùng các chiến sĩ trong tù lên kế hoạch vượt ngục.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Lễ tang đọc lời điếu.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống Mỹ và Pháp, đồng chí được giao nhiều trọng trách. Đồng chí trực tiếp chỉ đạo xây dựng đường ống dẫn dầu huyết mạch, góp phần vào đại thắng mùa Xuân, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau hòa bình, đồng chí được Đảng và Nhà nước giao phó nhiều trọng trách.
Trong những năm 90, đồng chí đã đề xuất các bước chuyển, đề xướng chủ trương trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Trong bối cảnh đất nước bị bao vây về kinh tế, đồng chí đã có công bình thường hóa quan hệ của Việt Nam và các nước. Đồng chí chí triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của Đảng.
Từ 6/1991-12/1997, trên cương vị Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng, đồng chí đã cùng tập thể BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nêu cao tinh thần kiên định, lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân, toàn dân vượt qua nhiều thách thức, xây dựng và bảo vệ đất nước, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng mà nhân dân giao phó.
Trên 80 năm hoạt động và phấn đấu không mệt mỏi vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc và lý tưởng cộng sản cao đẹp, đồng chí Đỗ Mười đã có những đóng góp to lớn cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng Chủ nghĩa xã hội.
Là một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí suốt đời tận tụy với Đảng, với Tổ quốc, hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.
Là cán bộ lão thành cách mạng, được tôi luyện, trưởng thành qua các thời kỳ kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng chí Đỗ Mười luôn giữ vững ý chí của người chiến sĩ cách mạng, trau dồi đạo đức cách mạng, tìm tòi sáng tạo, có bản lĩnh chính trị vững vàng, hành động quyết liệt trong mọi công việc.
Dù ở cương vị nào, đồng chí cũng mang hết nhiệt huyết đóng góp vào các vấn đề lớn của đất nước. Đồng chí kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, xa rời quần chúng, tham nhũng. Đồng chí thể hiện rõ cần kiệm liêm chính chí công vô tư, sống giản dị khiêm tốn, đặt lợi ích của Đảng và nhân dân lên trên hết.
Cuộc đời hoạt động của đồng chí là tấm gương sáng để noi theo. Trong gia đình, đồng chí là người chồng, người cha, người ông, người cụ đức độ, giàu đức hy sinh và lòng nhân ái.
102 tuổi đời, 82 tuổi Đảng, đồng chí được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng; Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
Chúng ta có mặt tại đây để bày tỏ lòng tiếc thương, tiễn đưa đồng chí về nơi an nghỉ cuối cùng. Chúng tôi sẽ ra sức phấn đấu, đi theo con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ đi theo.
Vĩnh biệt đồng chí, chúng tôi quyết tâm đoàn kết một lòng, ra sức phấn đấu cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục đi theo con đường cách mạng vẻ vang mà Đảng, Bác Hồ kính yêu và nhân dân ta đã lựa chọn, kiên định Chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng nước Việt Nam dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên CNXH.
Trong giờ phút tiếc thương và xúc động này, chúng ta trân trọng gửi đến gia quyến đồng chí Đỗ Mười lời chia buồn sâu sắc nhất trước nỗi đau thương mất mát không gì bù đắp được.
Xin kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt đồng chí Đỗ Mười của chúng ta.
NGỌC NGA
Theo VTC
Phong trào Thi đua Quyết thắng là động lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ Những năm qua, phong trào Thi đua Quyết thắng đã được Quân chủng Hải quân triển khai thực hiện thường xuyên, có hiệu quả; trở thành động lực để Bộ đội Hải quân hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Đồng chí Trung tướng Trần Hoài...