Gặp “Hoa Trạng nguyên” cực giỏi môn Tin học
Trong số những gương mặt tiêu biểu nhận giải thưởng Hoa Trạng nguyên năm 2012, Vũ Đình Quang Đạt gây ấn tượng mạnh với bảng thành tích “khủng” mình đã đạt được ở bộ môn Tin học.
Năm 2009, Vũ Đình Quang Đạt giành giải Khuyến khích về giải toán trên máy tính cầm tay toàn quốc và giải Nhất Tin học trẻ toàn quốc. Năm 2010, cậu bạn đoạt giải Ba về giải toán trên máy tính cầm tay toàn quốc và giải Nhất học sinh giỏi quốc gia Tin học năm 2010. Năm nay, Đạt rinh Huy chương Bạc Olympic Tin học quốc tế vừa diễn ra tại Ý.
Hiện là học sinh lớp 12A2 Tin, Trường THPT chuyên KHTN – ĐH Quốc gia Hà Nội, Đạt vinh dự được nhận giải thưởng Hoa Trạng nguyên năm 2012. Với bảng thành tích dày đặc về bộ môn Tin học và giải toán trên máy tính, Quang Đạt trở thành cậu học sinh “tâm điểm” của trường và được các em học sinh lớp 10 và lớp 11 rất thán phục.
Yêu thích và đam mê bộ môn Tin học từ năm lớp 8, Quang Đạt nung nấu ước mơ thi vào trường THPT chuyên KHTN của Trường ĐH Quốc gia Hà Nội để có cơ hội tìm hiểu và học hỏi sâu thêm về môn học này. Tin học đến với Đạt như một cơ duyên trời định khi người anh họ đã tặng cho cậu cuốn sách “Ngôn ngữ lập trình Pascal” – đó là những kiến thức đầu tiên cuốn hút cậu một cách kì lạ.
Đạt kể: “Ngày đó chưa hiểu gì cả nhưng em càng đọc thì lại càng thấy thích và muốn tìm hiểu khám phá nó ngay lập tức. Chính những kiến thức trong cuốn sách đó là động lực đầu tiên thôi thúc em tìm đến với môn Tin học”.
Video đang HOT
Vũ Đình Quang Đạt chụp ảnh lưu niệm tại Ý khi tham dự Olympic Tin học quốc tế năm 2012.
Kể từ đó, cậu học trò quê gốc Quảng Ninh quyết tâm ngày đêm đèn sách để thi cho được và lên thủ đô học. Trong gia đình có bố làm kỹ sư còn mẹ ở nhà lo công việc nội trợ, một mình Đạt yêu thích và đam mê Tin học mà không có ai chỉ bảo hay hướng dẫn. Nhưng Đạt vẫn học tốt và đạt nhiều thành tích đáng nể kể từ khi vào học tại trường chuyên KHTN dù những ngày đầu làm quen với môn Tin học, em gặp không ít khó khăn song em đã vượt qua với lòng say mê thực sự.
Nhớ lại khoảng thời gian cách đây hơn 1 năm, Đạt kể: “Năm bắt đầu vào lớp 11, em hay làm sai bài tập thầy cho lắm nên cũng xấu hổ với bạn bè xung quanh. Ban đầu em còn lúng túng không hiểu vì sao mình làm sai, nhưng rồi dần dần lấy lại bình tĩnh và xem xét kĩ để sửa. Sau đó, mỗi khi làm bài em phải xem đi xem lại cẩn thận từng bước một để tránh sai sót”. Nhờ tính cẩn thận và cần cù chăm chỉ, Đạt đã không phụ lòng các thầy cô giáo bằng những thành tích đáng nể đã đạt được.
Đạt chia sẻ, sau này em muốn được làm lập trình viên thiết kế những phần mềm ứng dụng thông minh mang lại hiệu quả cao. Qua Dân trí, Đạt muốn gửi gắm lời khuyên đối với học sinh các trường THPT không chuyên là nên nắm vững những kiến thức cơ bản nhất liên quan đến môn Tin học. Đối với các bạn học chuyên thì nên học sâu và hiểu rõ về ngôn ngữ lập trình và thuật toán vì sẽ giúp ích trong các kì thi quốc gia và quốc tế.
Phạm Oanh
Theo dân trí
Học Địa để đi du lịch khắp thế giới
Đó là mong muốn của em Thân Đức Huy, hiện học lớp Chuyên Sử - Địa K20 Trường THPT Chuyên Bắc Giang. Trong lễ trao giải thưởng Hoa Trạng Nguyên năm 2012 mới đây, Huy cũng là một trong những gương mặt sáng giá được mọi người quan tâm.
Tôi gặp Huy khi em vừa về Hà Nội để nhận giải thưởng Hoa Trạng Nguyên năm 2012, với gương mặt rạng rỡ, em tâm sự: "Năm nào em cũng về Hà Nội đi chơi hoặc đi du lịch nhưng lần này được về nhận giải thưởng Hoa Trạng Nguyên, em có tâm trạng khác hẳn. Đến đây em còn được gặp nhiều bạn và các anh chị ở khắp mọi nơi cùng về, họ đều là những người rất giỏi nên em có cơ hội học hỏi và giao lưu".
Biết Huy học lớp chuyên Sử - Địa của Trường THPT chuyên Bắc Giang và đã đạt giải Nhất quốc gia môn Địa năm 2011, tôi hỏi: "Là con trai mà lại "siêu" môn xã hội như thế chắc em phải có niềm yêu thích đặc biệt với bộ môn này?". Huy cười hiền lành cho biết "Từ nhỏ em thích học các môn tự nhiên hơn nhưng lúc nào cũng thích tìm hiểu về các nước và được đi du lịch nữa. Đến năm lớp 10 thì em mới xác định được hướng đi của mình và chọn học chuyên môn Địa".
Thân Đức Huy có thành tích học tập đáng khâm phục.
Huy kể, môn Địa mang lại cho em nhiều niềm vui và sự thú vị rất đặc biệt. Vốn yêu thích và đam mê được đi du lịch nên em càng say sưa học hơn để tìm hiểu về vị trí, cảnh đẹp, phong tục tập quán của các nước trên thế giới. Mỗi một vùng miền, quốc gia lại có những nét đặc trưng riêng mà Huy muốn khám phá nên việc học với em càng thêm thu hút bởi "mỗi ngày lại là một điều mới".
Không giống với suy nghĩ của nhiều người khi cho rằng học các môn xã hội là "dài dòng" và "khó hiểu", với cậu học trò này thì: "Môn Địa là sự kết hợp kiến thức của 2 yếu tố xã hội và tự nhiên nên không hề nhàm chán. Những kiến thức thuộc chuyên ngành xã hội thì ai cũng nhận ra, còn về lĩnh vực tự nhiên thì đó là những bài tập tính tọa độ, xác định phương hướng, lập biểu bảng sao cho khoa học và cần cả năng khiếu vẽ nữa".
Là con trai lại học chuyên khối C, có nhiều lúc bạn bè vẫn hay trêu cậu là không mạnh mẽ nhưng với thành tích đạt giải Nhất quốc gia môn Địa cộng thêm bản lĩnh, sự dí dỏm thông minh trong cách nói chuyện, Huy đã hoàn toàn khiến các bạn nể phục. Với cậu bé này, những kiến thức mà môn Địa mang lại đã khiến em tự tin hơn rất nhiều khi nói chuyện, kể cả với những người lớn tuổi hơn. Gần 3 năm tìm tòi, học hỏi về bộ môn này, giờ đây Huy đã hoàn toàn tự tin để khẳng định: "Em không bao giờ hối hận vì đã chọn học môn Địa và em yêu thích nó".
Chia sẻ về bí quyết học của mình, Huy cười cho biết: "Trước tiên phải xác định mình thực sự thích học gì sau đó mới có những cách học sao cho hiệu quả nhất. Với môn Địa, ngoài học những kiến thức trên sách vở phải kết hợp với việc xem bản đồ, xem các chương trình truyền hình và phải biết khái quát liên hệ với nhau. Thêm một điều quan trọng, đó là muốn học tốt và hiểu sâu về môn Địa phải kết hợp học tốt môn Lịch sử để biết về quá trình hình thành và các giai đoạn phát triển của các vùng miền, từ đó mới có thể so sánh để hiểu sâu được".
Huy dự định năm học này sẽ thi vào Học viện Cảnh sát và tiếp tục tìm hiểu về bộ môn Địa mà em yêu thích. Huy cũng chia sẻ khi có điều kiện em sẽ dành tiền và thời gian để đi du lịch, khám phá những vùng đất mới và đến những đất nước mà từ trước đến giờ em chỉ tiếp cận trên sách vở và truyền hình.
Phạm Oanh
Theo dân trí
4 mục tiêu xây dựng xã hội học tập Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2011-2020 yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục hoàn thiện Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020 theo hướng xác định rõ 4 mục tiêu. 4 mục tiêu xây dựng xã hội học tập là:...