Gặp cô học trò dân tộc M’nông với thành tích học tập đáng nể
Nay H’Nga (thứ hai, hàng dưới từ phải qua trái) vinh dự được Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng tặng quà
GD&TĐ – Không có nhiều điều kiện thế nhưng Nay H’Nga, người dân tộc M’nông đã đạt thành tích xuất sắc trong học tập với đỉnh cao là Huy chương Bạc trong kỳ thi Olympic môn Địa lý năm 2013, 2014 và giải Khuyến khích tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Địa lý.
Thành tích đáng nể
Video đang HOT
Trong trang phục truyền thống với gương mặt khả ái và cách nói chuyện có duyên, Nay H’Nga đã để lại nhiều ấn tượng đẹp với mọi người trong buổi gặp mặt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với các em là học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số vượt khó học giỏi.
Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên ngay từ nhỏ Nay H’Nga đã ý thức được việc học của mình. Là người dân tộc thiểu số M’nông nên lên THPT em được học ở Trường THPT Dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng (Đăk Lăk).
Em tâm sự: “Càng khó khăn, em càng phải cố gắng học tập để sau này có một tương lai sáng lạn”.
Không chỉ đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện trong 12 năm học, mà thành tích học tập của Nay H’Nga cũng đáng để nhiều người thán phục.
Cụ thể, em đã từng đoạt Huy chương Bạc Bạc trong các kỳ thi Olympic môn Địa lý năm 2013 và 2014 được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh. Gần đây nhất, năm 2015 em đã đoạt giải Khuyến khích tại kỳ thi học sinh quốc gia môn Địa lý.
“Có được những thành quả này, ngoài sự nỗ lực, cố gắng của bản thân, em còn nhận được rất nhiều sự quan tâm, giúp đỡ của thầy, cô giáo, sự động viên của gia đình và bạn bè. Họ đã tiếp thêm động lực và niềm tin để em vượt qua những khó khăn của cuộc sống.” – Nay H’Nga nói trong niềm vui.
Bật mí về phương pháp học tập để đạt kết quả cao, Nay H’Nga bộc bạch: “Cách học của em cũng đơn giản, ở trên lớp bài nào chưa hiểu thì hỏi ngay thầy cô và bạn bè. Về nhà, em làm hết bài tập trong sách giáo khoa để củng cố kiến thức cơ bản trên lớp, sau đó mới tìm sách nâng cao để giải các bài tập khó hơn”.
Vẫn còn những băn khoăn, trăn trở
Tuy nhiên điều mà Nay H’Nga còn trăn trở đó là: Hiện nay, rất nhiều bạn là học sinh, sinh viên đang gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống và trong học tập.
Có những bạn còn sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, điện còn chưa đến với buôn làng, điều kiện đi lại còn khó khăn, nhất là những khi mưa to gió lớn, phải lội sông, lội suối hay đi bộ hàng chục cây số để đến trường, nhiều khi ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm.
Cũng chính vì hoàn cảnh khó khăn mà nhiều bạn phải nghỉ học giữa chừng để phụ giúp bố mẹ phát nương, làm rẫy.
“Bên cạnh đó, phần đông con em đồng bào chúng em có trình độ nhận thức còn hạn chế, chưa được tiếp cận nhiều với công nghệ thông tin. Mặt khác ở các bản, làng vẫn còn nhiều thói quen, tập quán, phong tục lạc hậu.
Chính vì vậy, em mong muốn, Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành, các nhà hảo tâm tiếp tục quan tâm chăm lo đến đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và sự học đối với học sinh, sinh viên nói riêng, nhằm góp phần làm vơi đi những khó khăn, vất vả cả về vật chất, lẫn tinh thần để tiếp bước cho chúng em đến trường” – Nay H’Nga trải lòng.
Theo GD&TĐ