Gặp chàng thủ khoa yêu khối C
Với tổng điểm 3 môn 26,5, em Lê Khắc Bảo Long là thí sinh thi vào khối C có điểm cao nhất ĐH Huế trong 5 năm. Dân trí đã có cuộc trò chuyện với Long quanh việc học các môn khối C – khối bị không ít học sinh “bỏ rơi”.
Với môn Văn 8,5 Sử 8,75 và Địa 9,25 điểm, Lê Khắc Bảo Long – học sinh Trường THPT Trần Văn Kỷ (huyện Phong Điền, TT-Huế) trở thành thủ khoa khối C ĐH Huế kỳ tuyển sinh năm 2012.
Long cho biết: “Khi xem điểm trên mạng, em rất bất ngờ và khi nghe thầy Hiệu trưởng báo là em đã đỗ thủ khoa thì em rất vui sướng. Khi đi thi em chỉ đặt mục tiêu là phải đỗ đại học, chứ hai chữ thủ khoa em không dám nghĩ đến. Em thật sự rất bất ngờ”.
Lê Khắc Bảo Long – thủ khoa khối C – Đại học Huế.
Chia sẻ về bí quyết học tập các môn khối C, Long tâm sự: “Học khối C nhiều bạn cho rằng là khô khan, là học thuộc lòng, nhồi nhét từng con chữ. Em nghĩ rằng học khối C không đến nỗi vất vả như nhiều bạn vẫn nghĩ. Khối C là khối xã hội – nhân văn nên càng cần có kiến thức xã hội rộng.
Học khối C nên học hiểu, tức là phải hiểu được vấn đề sau đó từ việc hiểu mình phân tích ra, nếu học nhồi nhét thì khi vào phòng thi sẽ quên. Cần nắm vững kiến thức cơ bản mà thầy cô giảng trên lớp, sau đó về nhà học lại bài, tìm kiếm thêm thông tin trên báo, đài, trên internet để nâng cao thêm kiến thức.
Em nghĩ học khối C cần có lòng say mê, lựa chon cho mình một góc học tập thoải mái, hợp ý mình thì khi đó cảm xúc tự nhiên dâng trào thôi. Em cũng hơi “dị ứng” với những lò luyện thi cấp tốc. Nên em ở nhà học là chính, chỉ đi học thêm Văn ở trường thôi”.
Video đang HOT
Khi được hỏi tại sao lại chọn thi vào ngành Sư phạm Ngữ văn mà không phải là những ngành “thời thượng” của khối C như Báo chí hay Luật, Long cho biết: “Thực ra khi đăng ký hồ sơ thi đại học, em đăng ký thi ĐH Cảnh Sát Nhân Dân, nhưng khi khám sức khỏe họ bảo em bị cận nên không thi được. Sau đó em đăng ký lại ĐH Sư phạm Huế theo nguyện vọng của gia đình em. Báo chí hay Luật em không thích lắm”.
Long trong một chuyến dã ngoại cùng bạn bè
Theo Long, khi học văn, điều quan trọng là cần có hứng thú. “Học Văn cũng như học Địa và Sử, một số bạn vẫn nghĩ phải học thuộc lòng, khô khan và chán. Nhưng em cho rằng học văn nói riêng và học khối C nói chung không đến nỗi khó khăn” – Long chia sẻ.
Long cũng cho rằng môn Văn cấp 3 học rất hay! “Nếu như một số bạn quay lưng với môn Văn có lẽ các bạn ít đam mê môn văn. Học văn cần lòng đam mê, học hiểu chứ không nên học thuộc lòng. Nắm vững kiến thức cơ bản thầy cô giảng trên lớp, về nhà cần xem học lại bài, tìm kiếm thông tin, đọc thêm tài liệu, sách báo để nâng cao kiến thức. Học khối C cần khiến thức xã hội rộng một chút” – chàng thủ khoa chốt lại bí quyết học giỏi khối C.
Vừa rồi đề thi Địa Lý có những câu hỏi liên quan đến biển đảo Việt Nam. Hiện nay biển đảo cũng đang là một vấn đề “ nóng”. Suy nghĩ của Long về vấn đề này?
Em thấy đề năm nay Bộ ra rất hay! Hiện nay vấn đề Biển Đông là một vấn đề “nóng”, mang tính thời sự.
Đưa vấn đề biển đảo vào đề thi là rất hợp lý. Trong đề có câu hỏi nêu tài nguyên sinh vật và khoáng sản ở vùng biển. Trả lời câu hỏi mới biết vùng biển Việt Nam giàu có, đa dạng tài nguyên như thế nào.
Em thường thấy trên đường có các băng – rôn ghi “VIỆT NAM MẠNH VỀ BIỂN, VIỆT NAM LÀM GIÀU TỪ BIỂN”. Lúc đó mới thấy trách nhiệm của mỗi công dân Việt Nam đối với biển đảo to lớn thế nào, đặc biệt khi tình hình Biển Đông đang nóng lên từng ngày.
Anh Việt – Đại Dương
Theo dân trí
Học tự nhiên trở thành thủ khoa khối C
Lê Khắc Bảo Long - học sinh lớp tự nhiên Trường THPT Trần Văn Kỷ (huyện Phong Điền) - đã trở thành thủ khoa khối C Trường đại học Huế với 26,5 điểm.
Đây là điểm thủ khoa khối C cao nhất từ trước đến nay của Đại học Huế.
Lê Khắc Bảo Long
Sinh ra và lớn lên trong gia đình nhà nông, thu nhập chính từ 7 sào ruộng lúa, cha mẹ Long phải tần tảo sớm khuya để nuôi bốn người con ăn học. Long là em út, lại là con trai "độc đinh" của gia đình - là niềm kỳ vọng của gia đình, dòng họ. Nghề nông bấp bênh, khó nhọc nhưng niềm vui lớn nhất của bố mẹ Long là cả bốn chị em đều ngoan hiền, học giỏi.
Lên học cấp 3, Long được tuyển vào lớp chọn khối tự nhiên, nhà cách xa trường, mỗi ngày Long phải đạp xe hơn 10km đến trường ở xã khác để học.
Suốt những năm học phổ thông, Long học đều tất cả các môn, luôn đạt học sinh khá giỏi.
Năm lớp 12 Long dự thi học sinh giỏi cấp tỉnh hai môn và đoạt giải khuyến khích môn địa lý. Sau khi thi tốt nghiệp, bạn bè kéo nhau lên thành phố ôn thi, riêng Long ở nhà tiếp tục dùi mài kinh sử. Lý giải về việc học lớp chọn khối tự nhiên nhưng lại thi khối xã hội, Long nói rằng do yêu thích các vấn đề chính trị xã hội, lại có chút năng khiếu văn chương nên chọn khối C.
Long nói rằng học ngành khoa học xã hội là phải đọc, nghiền ngẫm để hiểu ra vấn đề, cố gắng nắm cái cốt lõi, tìm ra ý chính để từ đó phân tích, diễn giải, chứ không học kiểu thuộc lòng.
Bí quyết học tập của cậu học trò đỗ đầu khoa bảng là ngoài việc học theo sách giáo khoa, Long còn đọc nhiều sách báo, tìm kiếm kiến thức xã hội, đặc biệt là luôn cập nhật thông tin thời sự.
"Thời gian gần đây tình hình biển Đông có nhiều biến động, tranh chấp căng thẳng, do đó hằng ngày theo dõi thông tin thời sự, tìm hiểu kỹ thông tin về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Và khi đề thi có câu hỏi về biển đảo em đã làm bài rất tốt" - Long chia sẻ.
Hiện nay, hai chị gái của Long cũng đang theo học đại học ở Huế, chị cả đã lập gia đình ra ở riêng. Thế nên dù năm nay đã gần 60 tuổi nhưng cha mẹ Long vẫn là lao động chính, quần quật với ruộng đồng để nuôi chị em Long ăn học. Thương mẹ cha vất vả, sau mỗi buổi đi học về Long lại phải tranh thủ ra đồng phụ giúp cha mẹ gieo mạ, bón phân, gặt lúa, rồi nấu cháo lợn giúp ba mẹ.
Long chia sẻ ước mơ của mình là thi vào học viện cảnh sát nhân dân nhưng vì mắt bị cận thị nên hồ sơ dự thi bị loại, Long đã thất vọng vì không thể theo đuổi ước mơ của mình.
"Vào học ngành ngữ văn Đại học Sư phạm em quyết tâm học thật tốt để đạt kết quả cao trong học tập, hi vọng sau này được giữ lại trường làm giảng viên, được ở Huế để chăm sóc cha mẹ" - Long tâm sự.
Theo Tuổi Trẻ
Cựu thủ khoa ĐH Luật TPHCM chia sẻ bí quyết học khối C "Nếu nghĩ rằng học không được khối A thì vào học đại khối C học khối C là học thuộc lòng... thì đó là quan niệm sai lầm. Học khối C là một năng khiếu...". Đó là chia sẻ của bạn Đậu Thị Quyên, sinh viên lớp Thương mại 33B, Trường ĐH Luật TPHCM. Kỳ thi tuyển sinh năm 2008, Quyên là thủ...