Gặp “CEO” người xinh, thông minh
3 tháng cập nhật CV một lần, sẵn sàng chấp nhận một công việc lương thấp… nữ sinh trường ĐH Quốc tế Raffles Hà Nội đã có những chia sẻ quý giá trong việc thi tuyển dụng.
Vượt qua hàng ngàn ứng viên nổi trội khác, Lưu Hồng Anh đã đoạt giải nhất cuộc thi Ứng viên tài năng dành cho sinh viên ngành kinh tế của các trường ĐH khu vực Hà Nội do đoàn trường ĐH Ngoại thương tổ chức, diễn ra vào cuối tháng 11 vừa qua.
Hồng Anh từng là sinh viên khoa Biên phiên dịch tiếng Anh trường ĐH Hà Nội, cô học thêm khóa học Khoa Quản trị kinh doanh, chuyên ngành marketing tại ĐH Quốc tế Raffles Hà Nội. Tại cuộc thi Ứng viên tài năng, Hồng Anh đã cùng các thí sinh trải qua nhiều vòng thi, với đêm chung kết là các cột mốc: Nhân viên mới; trưởng nhóm (teamleader); trưởng dự án (project manager); giám đốc điều hành (CEO).
Khâm phục bản lĩnh của “đối thủ”
- Trước khi tham gia Ứng viên tài năng thì Hồng Anh có trải nghiệm qua các cuộc thi nào về nhân sự?
- Em chưa từng chính thức tham gia cuộc thi tuyển dụng nào. Thời sinh viên, em và các bạn có đoạt giải nhì tại cuộc thi Marketing Yourseff do Trường ĐH Hà Nội tổ chức mà thôi.
Nhưng em cũng từng làm thêm nhiều, và mỗi lần thi tuyển cũng là một lần em trải nghiệm kỳ thi như Ứng viên tài năng.
Mỗi lần thi vào doanh nghiệp là một lần bạn trải nghiệm vòng thi tuyển dụng đầy gay cấn
- Ngoài giải thưởng thi Hồng Anh nhận được những gì từ cuộc thi này?
Video đang HOT
- Đây thực sự là một cuộc trải nghiệm đầy căng thẳng, lý thú và rất bổ ích đối với bản thân em. Các bạn ứng viên rất giỏi, mỗi bạn đều có một thế mạnh riêng, và đặc biệt là ứng viên từ trường ĐH Ngoại thương, các bạn ấy rất bản lĩnh, bản lĩnh ở bất kỳ tình huống nào. Đối với nhà tuyển dụng thì ở một vài tình huống giải pháp đưa ra là chưa hoàn hảo, nhưng theo em, những gì mà các bạn thể hiện là giải pháp tốt nhất mà một sinh viên có thể đưa ra.
Em cũng học được sự chuyên nghiệp đến bất ngờ của ban tổ chức cuộc thi này. Các em ấy (gọi là em bởi ban tổ chức hầu hết đang là sinh viên năm 1,2,3 của trường ĐH Ngoại Thương, thua tuổi Hồng Anh) đã làm một chương trình hầu như không hề có sạn. Ngoài các ban bình thường khác, các em ấy còn có một đội phản ứng nhanh, sẵn sàng hỗ trợ ứng viên từ cái bút, tờ giấy đến chỗ ngồi, không khí sao cho thoải mái nhất.
3 tháng bổ sung CV một lần
- Hiện tại bạn có đi làm thêm ở đâu?
- Em đang thực tập, mà cũng có thể gọi là làm tình nguyện viên tại trung tâm thông tin thư viện của Lãnh sự quán Hoa kỳ. Tại đó, em cùng các bạn lên kế hoạch tổ chức các sự kiện như chiếu phim, thảo luận tại câu lạc bộ tiếng Anh Mỹ (hay còn gọi là American English Club), thảo luận về những quyển sách hay bằng tiếng Anh… Nhờ vậy, vốn tiếng Anh của em tăng lên đáng kể và em cũng học hỏi được nhiều từ các bạn giỏi lẫn các bạn bình thường nhưng rất nỗ lực phấn đấu.
- Nhưng dường như để tìm được một công việc như thế không phải là dễ?
- Đúng là thế thật. Em có một kinh nghiệm trong tìm việc như thế này. Đó là chịu khó khai thác trên internet, tại các website tuyển dụng có tiếng, hoặc chính website của các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ mà mình nhắm đến. Và một kênh quan trọng mà các bạn thường hay bỏ phí đó là từ mối quan hệ của mình…
- Ngoài việc tìm ra nguồn tuyển dụng, thì làm sao để có một CV ổn?
- Cái đầu tiên mà ngay từ thời sinh viên năm thứ nhất em xác định là làm CV đẹp. Ngoài một CV với cấu trúc cơ bản, cứ 3 tháng một lần em lại bổ sung những hoạt động cá nhân của mình vào. Nhiều bạn sinh viên thường e ngại việc viết thêm thông tin vào CV, nhưng theo em thì dù chỉ là một hoạt động nhỏ như đi làm từ thiện, tổ chức một cuộc offline… cũng nên ghi vào, bởi với nội dung ngày càng phong phú thì người tuyển dụng càng đánh giá cao khả năng của mình. Ngoài ra việc đều đặn bổ sung thông tin vào CV sẽ giúp mình không bị quên các hoạt động mà mình đã từng thực hiện.
Với một CV đã có sẵn, tùy vào tình hình công việc mình hướng đến mà em thay đổi nội dung cho phù hợp. Ví dụ như nếu em thi tuyển vào lĩnh vực viết lách thì trong phần kinh nghiệm em sẽ đưa nội dung từng là phóng viên nhỏ của Đài tiếng nói Việt Nam lên đầu tiên, còn nếu thi vào vị trí marketing thì sẽ đưa nội dung từng làm sự kiện, quảng cáo….
Hồng Anh hiện là tình nguyện viên tại Trung tâm thông tin thư viện của Lãnh sự quán Hoa Kỳ
- Còn vòng phỏng vấn thì sao?
- Với những người dù có nhiều kinh nghiệm đến đâu thì khi đi phỏng vấn cũng không khỏi hồi hộp lo âu. Tuy nhiên, những lúc như vậy nên bình tĩnh lại để thể hiện tốt nhất những gì mình có thể làm được.
- Bạn sẵn sàng chấp nhận một công việc có thu nhập rất thấp?
- Có chứ, như hiện tại là em đang làm một công việc gần như là miễn phí. Ngay từ đầu em đã xác định rằng với công việc này không phải để kiếm tiền. Nhưng sau khi phỏng vấn và được chấp nhận vào làm việc, thì người phụ trách mới thông báo với em rằng, mỗi ca làm việc sẽ có một khoản tiền hỗ trợ nho nhỏ, em cũng cảm thấy vui hơn. Điều quan trọng là, em có thể bổ sung và nâng cao kinh nghiệm làm MC, tổ chức sự kiện, và đặc biệt là khả năng tiếng Anh của em sẽ tốt hơn nhiều. Như vậy, sau khi ra trường đi làm, em tin rằng mình có khả năng kiếm được nhiều tiền hơn để bù lại cho những ngày tháng này.
Sẵn sàng làm một công việc ít tiền nhưng có ích và mang lại nhiều kinh nghiệm
Đầu vào không quyết định tất cả
- Dường như Hồng Anh rất tâm đắc với chuyên ngành marketing mà mình chọn học?
- Vâng, đúng vậy. Thời điểm em chọn ngành học thứ hai, cách đây 2 năm thì bạn bè và người thân cho rằng tài chính ngân hàng đang là ngành hot và khuyên em nên theo nó. Tuy nhiên em vẫn quyết định chọn marketing, và đến giờ phút này thì em không hối hận về điều đó.
- Tại sao?
- Thứ nhất là vì mình đã thực hiện một điều do chính bản thân mình quyết định. Thứ hai là càng học thì em càng khám phá ra mình thực sự yêu thích marketing. Trước đây, em đã từng đi làm thêm về tổ chức sự kiện, đó là ngành rất năng động nhưng sau một thời gian thì em nhận ra rằng nó quá vất vả đối với phái nữ. Sau đó, em nghiên cứu thêm và nhận ra rằng, dù làm sự kiện, PR, hay thương hiệu… đều có sự bao quát của marketing.
- Theo Hồng Anh, điểm đầu vào đại học có quyết định gì đến sự phát triển của một sinh viên?
- Em thi tuyển vào trường ĐH Hà Nội với điểm số ở mức trung bình thôi, không có gì là nổi bật so với nhiều bạn khác. Hồi đó em còn bỡ ngỡ lắm, nên khi thấy nhiều bạn vào lớp với điểm số cao và thành tích nổi bật thì cũng hơi sợ. Nhưng em thuộc tuýp “xông pha”, muốn vượt lên bằng nhiều cách.
- Sau khi tốt nghiệp ĐH, Hồng Anh có ý định đi du học?
- Em cũng đang suy nghĩ về vấn đề này. Tiềm lực tài chính gia đình không đủ để em đi tự túc, cho nên em sẽ cố gắng để tìm học bổng. Nếu chưa có học bổng thì em sẽ đi làm khoảng 2 năm rồi sau đó sẽ đi du học lấy bằng thạc sĩ. Phương án này em nghĩ là một cách cũng tốt, bởi sau 2 năm chính thức làm việc thì mình đã có một hồ sơ đẹp và nhiều kinh nghiệm.
Lưu Hồng Anh Chủ nhiệm CLB Phóng Viên Nhỏ Đài Tiếng nói Việt Nam. Thành viên có thành tích xuất sắc trong hoạt động truyền thông thông tin Vì Quyền Trẻ Em 1999 – 2002. Đại biểu thiếu niên Việt Nam duy nhất tham dự Hội nghị cấp Bộ trưởng khu vực Đông Á – Thái Bình Dương về Thanh thiếu niên tại Bali – Indonesia tháng 5/2003. Bằng khen cho Cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xuất sắc cấp Trung ương năm học 2003 – 2004 Giải nhì chung kết cuộc thi Market Urself năm 2008 tại ĐH Hà Nội, do AFTC, Unilever và báo SVVN tài trợ. Giải nhất tháng của Đài Tiếng Nói Việt Nam cho bài viết trên mạng xã hội (Yahoo 360’s entry) tháng 3/2009. Tình nguyện viên Hội nghị cấp Bộ trưởng CNTT và Truyền thông ASEM Điều phối viên Diễn đàn châu Á Thanh thiếu niên với HIV/AIDS tại Việt Nam do UNICEF tổ chức. Đại biểu trình bày tham luận tại Hội đàm Tuổi trẻ ASEAN tổ chức tại ĐH Hà Nội.
Thủy Nguyên