Gắn camera để chống bạo hành trẻ mầm non: “Đá” trách nhiệm cho thiết bị?
Bắt đầu từ năm học 2018-2019, TPHCM sẽ triển khai thí điểm lắp camera tại các trường mầm non, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo nhằm chấn chỉnh tình trạng bạo hành trẻ. Thế nhưng, việc ỷ lại vào “mắt thần” có thể làm lơ là việc chống bạo hành tận gốc.
Vấn đề gắn camera ở cơ sở mầm non đã được đặt ra từ nhiều năm nay, nhất là sau những vụ bạo hành trẻ, chuyện lắp camera lại được dư luận và các nhà quản lý quan tâm nhiều hơn. Nhiều người xem đó như là một biện pháp tối ưu để chống bạo hành trẻ.
Trên thực tế, không ít vụ việc giáo viên, bảo mẫu bạo hành trẻ được phát hiện qua camera lắp đặt công khai ở các cơ sở. Chưa kể, có rất nhiều “điểm mù” của camera trong lớp học, trong sinh hoạt ở trường mà “mắt thần” không thể ngó nghiêng tới. Như vậy có thể nói, camera chỉ phần nào đó giúp phát hiện một số vụ bạo hành chứ không có tác dụng trong việc chống bạo hành ở các cơ sở mầm non.
Sau sự việc bạo hành trẻ kinh hoàng xảy ra tại cơ sở mầm non Mầm Xanh (Q.12), TPHCM đang chuẩn bị thí điểm việc lắp camera ở cơ sở giáo dục mầm non.
Hiện nay, nhiều cơ sở các quận huyện tại TPHCM đã lắp đặt hệ thống camera. Việc này khá phổ biến ở các trường tư thục; một số trường công lập thì lắp camera tại một vài vị trí, nhiều nhóm trẻ cũng đã gắn camera…
Một nhà quan sát giáo dục ở TPHCM phân tích, việc thí điểm lắp camera ở cơ sở mầm non để chống bạo hành học đường khi mới nghe qua thì sẽ có cảm giác hiệu quả. Nhưng thực sự thì không hẳn vậy mà kéo theo rất nhiều vấn đề.
Vấn đề đầu tiên bà quan tâm là về kinh phí. Ai sẽ chi trả cho khoản này khi tất cả phòng học đều lắp camera, đường internet, máy tính lưu trữ, bảo trì. Chắc chắn không thể từ phía trường học. Trong khi, điều đáng nói là việc bạo hành thường dễ xảy ra ở những cơ sở không đạt chất lượng, chi phí thấp là nơi công nhân hoặc lao động nghèo chọn để gửi con. Liệu họ có thể gánh thêm được khoản chi phí này?
Video đang HOT
Theo bà, việc chỉ đạo lắp đặt camera là một việc làm “né” trách nhiệm của các nhà quản lý. Họ chọn con đường quá dễ dàng và đẩy trách nhiệm, chi phí sang cho phụ huynh. Trong khi trách nhiệm của quản lý phải là giáo dục giáo viên, kiểm tra cơ sở và đảm bảo cho cơ sở nhóm trẻ chất lượng ở mức tối thiểu trong việc nuôi dạy trẻ.
“Camera chưa bao giờ là giải pháp cả. Giáo viên liệu có vì camera sẽ không dám bạo hành? Lắp camera có xâm phạm quyền riêng tư không? Mỗi ngày đi dạy giáo viên có thấy bị cầm tù trong lớp học hay không? Bao nhiêu giáo viên không tốt, tại sao lại bắt tất cả giáo viên cùng bị giám sát?”, bà đưa ra hàng loạt câu hỏi và đặt ra vấn đề việc gắn camera có được xem là một hành vi bạo hành với nghề nghiệp giáo viên?
Bà nhấn mạnh, chống bạo lực bằng bạo lực, nếu có hiệu quả, chỉ giải quyết phần ngọn. Cái chúng ta cần làm là đào tạo con người. Muốn giải quyết gốc rễ bạo hành học đường, cần phải có những nhà quản lý biết ứng xử nhân văn đối với chính đội ngũ giáo viên.
“Từ đội ngũ, người quản lý cần thấy đâu là những giáo viên phù hợp cho công việc đó, và đào tạo giáo viên nếu thấy giáo viên chưa ổn. Bên cạnh việc đào tạo, họ còn phải có biện pháp chế tài: phải tuân thủ những yêu cầu như thế nào trong giao tiếp, trong giáo dục sẽ kỷ luật A,B,C… Nếu không thể thay đổi thì phải nghỉ việc”, bà nói và cho rằng, trong tất cả những việc này thì đào tạo con người là quan trọng nhất nhưng đó cũng là việc khó nhất và lâu dài nhất.
Đào tạo đội ngũ giáo viên chất lượng, cải thiện môi trường làm việc ở bậc học mầm non là cốt lõi chống bạo hành trẻ (ảnh minh họa)
Trong một tọa đàm liên quan đến bạo hành trẻ mầm non cách đây không lâu được tổ chức tại TPHCM, TS Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao, Trưởng khoa Giáo dục Mầm non, trường ĐH Sài Gòn cho rằng, giáo viên có rất nhiều “chiêu” bạo hành trẻ, những góc khuất mà không để lại dấu tích.
Bên cạnh quản lý, bà đánh giá vai trò của giáo dục mầm non cần tạo được sức đề kháng cho giáo viên. Sinh viên cần được cung cấp cụ thể kiến thức, nâng cao nhận thức về đặc điểm nghề, từ đó hình thành thái độ đúng đắn về nghề, về đạo đức nghề góp phần hình thành hành vi chuẩn mực và khả năng tự rèn luyện, tự giáo dục cho sinh viên – những giáo viên mầm non tương lai.
Đối với giáo viên mầm non, nhiều người thường hay nhắc đến việc “bù đắp” bằng lương thưởng nhưng theo bà Quỳnh Dao, chúng ta đang quên mất đời sống, sức khỏe tinh thần của họ. Việc cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cho giáo viên bậc học mầm non là rất cần thiết để giảm áp lực cho họ.
Bà Trần Thị Ngọc Nữ (Đoàn Luật sư TPHCM, Chi hội trưởng Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM) cho rằng, ngay riêng việc giám sát thì camera cũng không đủ mà cần “tai mắt”, thái độ đối với việc bạo hành trẻ của các nhà quản lý, của phụ huynh và của tất cả mọi người. Việc gắn camera để phát hiện bạo hành thì hầu như chỉ là chờ bạo hành đã xảy ra thì mới kiểm tra, theo dõi, xử lý, còn trẻ đã phải gánh sự tổn thương về thể chất lẫn tâm lý.
Tuy nhiên, ở góc độ một luật sư, theo bà Trần Thị Ngọc Nữ, việc gắn camera là một lợi thế để họ có được chứng cứ, hỗ trợ đắc lực trong quá trình tham gia bảo vệ trẻ. Còn về giáo dục, bà Nữ cho rằng, đào tạo giáo viên, có được đội ngũ vừa có kỹ năng, có tâm huyết với nghề, có kiến thức về quyền trẻ em mới là yếu tố quyết định chống bạo hành trẻ trong các cơ sở mầm non.
Hoài Nam
Theo Dân trí
TP HCM gắn camera lớp học tại nơi từng xảy ra bạo hành trẻ
Các quận huyện có nhiều nhóm trẻ tư thục và từng xảy ra nạn bạo hành trẻ em sẽ được lắp camera trước.
Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thị Thu vừa yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo từ năm học 2018-2019 lắp camera ở các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo (cả tư thục và công lập).
Khi thí điểm, Sở phải xây dựng các quy định liên quan việc vận hành, sử dụng dữ liệu, hình ảnh trích xuất đối với cơ quan quản lý, trường học và phụ huynh. Tính pháp lý của việc này cũng căn cứ trên các văn bản pháp luật của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cơ sở mầm non Mầm Xanh - nơi xảy ra nạn bạo hành trẻ em nghiêm trọng. Ảnh: Sơn Hòa.
Động thái này được TP HCM đưa ra trong bối cảnh liên tiếp xảy ra việc bạo hành trẻ khiến dư luận bức xúc, giảm uy tín của ngành giáo dục.
Điển hình là hồi tháng 11/2017, bà Phạm Thị Mỹ Linh (chủ cơ sở mầm non Mầm Xanh, quận 12) cùng hai bảo mẫu đã đánh đập hơn 20 trẻ trong các bữa ăn. Nhiều bé bị tát vào mặt liên tiếp, bị đánh bằng muỗng múc canh, đập bình nhựa vào đầu; thậm chí ném vào tường, đạp vào bụng...
Sau khi bị bắt, bà Linh khai do các cháu bé hiếu động, không nghe lời nên phải đánh để cho các bé ngoan. Bà này và hai bảo mẫu sắp bị đưa ra xét xử về hành vi Hành hạ người khác.
Theo thống kê của Sở Giáo dục, thành phố có trên 50% trường tư thục với hơn 1.800 nhóm lớp mầm non, nhân sự ngành giáo dục còn nhiều khó khăn trong việc quản lý.
Trước đây, ngành không khuyến khích lắp camera do lo ngại ảnh hưởng tâm lý giáo viên, học sinh. Nhưng qua sự việc tại cơ sở Mầm Xanh, lãnh đạo Sở thay đổi quan điểm, cam kết gắn camera toàn bộ các trường tư thục để tăng cường sự giám sát của phụ huynh và đoàn thể.
Tuy nhiên, vẫn có một số ý kiến lo ngại việc gắn camera xâm phạm đến hình ảnh, đời tư của trẻ em. Do đó, bên cạnh việc thí điểm, TP HCM yêu cầu các sở ngành liên quan kiến nghị, xây dựng quy định để quản lý chặt chẽ, đảm bảo tính hợp lý.
Tuyết Nguyễn
Theo vnexpress.net
TPHCM: Thí điểm lắp camera ở trường mầm non từ năm học tới Để chấn chỉnh tình trạng bạo hành trẻ em tại các nhóm lớp, trường mầm non, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu yêu cầu ngành giáo dục thành phố triển khai thực hiện thí điểm lắp camera, bắt đầu từ năm học 2018-2019. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu cho biết trong thời gian gần đây, trên địa bàn...