Gần 70.000 thí sinh sẽ dự thi đánh giá năng lực ra sao?
Ngày mai (28-3), gần 70.000 thí sinh cả nước sẽ bước vào kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. Đây là đợt thi có số thí sinh đông nhất từ trước tới nay.
Kỳ thi lần này sẽ diễn ra đồng loạt tại 21 cụm thi với 65 địa điểm thi ở bảy địa phương, gồm TP.HCM, Bến Tre, An Giang, Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Nẵng và hai điểm thi mới so với mọi năm là Bạc Liêu và Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).
Ban thư ký đang kiểm tra hồ sơ các phòng thi. Cụm thi đánh giá năng lực tại Trường ĐH Nha Trang. Ảnh: QUỐC CHÍNH
6.000 nhân sự phục vụ công tác tổ chức thi
Đây là năm thứ tư diễn ra kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) này và cũng là đợt thi thu hút đông thí sinh (TS) nhất từ trước tới nay.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính (Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết năm nay ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức hai đợt thi ĐGNL.
Ở đợt 1 này, có khoảng 74.000 TS đăng ký dự thi nhưng chỉ gần 70.000 TS hoàn tất hồ sơ để đủ điều kiện dự thi. Trong bảy địa phương có tổ chức cụm thi, TP.HCM là nơi có đông TS nhất với 14 cụm thi, 35 điểm thi. Tổng số phòng thi gần 1.500 với khoảng 50.000 TS đăng ký dự thi. ĐH Quốc gia TP.HCM phải huy động gần 6.000 nhân sự để phục vụ công tác tổ chức thi.
Theo Tiến sĩ Chính, năm nay do cả nước vẫn trong tình hình ứng phó với dịch COVID-19 nên việc tổ chức kỳ thi phải được chuẩn bị đặc biệt và kỹ lưỡng hơn. Như triển khai xuyên suốt quy định phòng chống dịch, thực hiện nguyên tắc 5K của Bộ Y tế (khẩu trang, khai báo y tế, khoảng cách, không tập trung và khử khuẩn).
Mỗi TS và cán bộ coi thi phải thực hiện khai báo y tế trước khi vào phòng thi, được đo thân nhiệt và yêu cầu đeo khẩu trang. Các cụm thi đều phải phối hợp với các cơ sở y tế địa phương để đảm bảo hỗ trợ công tác phòng dịch.
ĐH Quốc gia TP.HCM cũng lưu ý trong buổi thi, TS chủ động báo với nhân sự làm công tác thi tại điểm thi nếu có những biểu hiện sốt, ho, khó thở.
Riêng những TS có biểu hiện sốt, ho, khó thở hoặc các triệu chứng khác liên quan đến COVID-19 trong thời gian thi sẽ không tiếp tục làm bài và được cán bộ y tế đưa đến khu vực riêng để theo dõi.
Đề thi sẽ như thế nào?
TS Nguyễn Quốc Chính cho biết đề thi năm nay sẽ ổn định như mọi năm, cấu trúc và độ phân hóa không thay đổi. Đây là đề thi ĐGNL nên nội dung đề sẽ cung cấp rất nhiều thông tin, TS không cần nhớ quá nhiều, mà quan trọng là TS biết dựa vào những thông tin đề cung cấp để giải quyết vấn đề.
Riêng với một vài câu hỏi về hiểu và nhớ, đề sẽ không ra những nội dung mà các TS đã được giảm tải do điều kiện dịch bệnh.
Theo Tiến sĩ Chính, đề thi được xây dựng cùng cách tiếp cận như đề thi SAT (Scholastic Assessment Test) của Mỹ và đề thi TSA (Thinking Skills Assessment) của Anh.
Bài thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm với thời gian làm bài 150 phút. Đề thi tích hợp kiến thức ở nhiều lĩnh vực như tiếng Việt, văn học, kiến thức tiếng Anh tổng quát, toán học, khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học) và lĩnh vực khoa học xã hội (địa lý, lịch sử).
Đề thi nhằm đánh giá khả năng suy luận và giải quyết vấn đề, không đánh giá khả năng học thuộc lòng của các em, từ đó đánh giá các năng lực cơ bản để học đại học của TS.
Tiến sĩ Chính cho rằng đó cũng là lý do ĐH Quốc gia TP.HCM không cho TS mang đề ra ngoài sau khi dự thi vì kỳ thi thực hiện theo thông lệ quốc tế, để đánh giá được năng lực từng TS, hạn chế việc các TS cứ tích lũy theo bộ đề để ôn tập, dẫn đến việc luyện thi, học tủ.
“Các em nên đi thi với một tinh thần thoải mái. Sát ngày thi, việc các em tập trung ôn thi thì tốt nhưng các em nên học ôn một cách nhẹ nhàng, thoải mái, theo hướng khái quát, tránh học lệch, học tủ”, Tiến sĩ Chính khuyên.
Ngoài ra, Tiến sĩ Chính cũng lưu ý để chuẩn bị tốt trước khi vào thi, TS đi thi phải bình tĩnh, phải nắm kỹ thông tin và chuẩn bị đầy đủ giấy tờ cần thiết như giấy tờ tùy thân, giấy báo thi, các dụng cụ cần thiết như bút, thước, máy tính (loại được phép theo quy định), atlat; đeo khẩu trang; khai báo y tế…
“Vì kỳ thi chỉ diễn ra trong một buổi nên TS phải nắm thông tin về địa điểm thi để có phương án di chuyển, đến phòng thi trước giờ tập trung khoảng 30 phút. Đặc biệt, TS cần chuẩn bị tốt về sức khỏe và tâm lý để đảm bảo làm bài thi hiệu quả nhất” – Tiến sĩ Chính lưu ý.
Ngày 5-4 có kết quả thi đợt 1
Theo kế hoạch của ĐH Quốc gia TP.HCM, kết quả thi đợt 1 sẽ được dự kiến công bố một tuần sau khi thi, tức ngày 5-4.
Ở đợt 2, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ mở cổng đăng ký dự thi từ ngày 4-5 đến 4-6. TS có thể dự thi một hoặc cả hai đợt thi, kết quả đợt thi nào cao nhất sẽ được dùng làm căn cứ xét tuyển.
Để xét tuyển vào các đơn vị thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM, TS sẽ đăng ký xét tuyển online qua hệ thống của kỳ thi. Thời gian đăng ký sẽ được ĐH này thông báo sau. Mỗi TS được đăng ký nhiều nguyện vọng. Các nguyện vọng được xếp theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới. TS đã trúng tuyển nguyện vọng cao rồi thì sẽ không xét các nguyện vọng thấp hơn nữa.
Được biết, đến thời điểm này, theo ĐH Quốc gia TP.HCM, tổng số trường sử dụng kết quả này để tuyển sinh là gần 75 trường ĐH, CĐ. Chỉ tiêu bằng phương thức này năm 2021 của các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM đều tăng lên. Như Trường ĐH KHXH&NV tối đa 50%, Trường ĐH Bách khoa dành tối đa 70%…
Thi năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM: Học sinh TP.HCM thi nhiều nhất với hơn 50.000 người
ĐH Quốc gia TP.HCM vừa công bố danh sách các điểm thi kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 năm nay, vào ngày 28.3 tới. Trong đó, thí sinh TP.HCM dự thi nhiều nhất.
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2020 - HÀ ÁNH
Chiều nay 19.3, Hội đồng thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM công bố các số liệu quan trọng về cụm thi, điểm thi đợt 1 kỳ thi này. Trong đó, học sinh TP.HCM dự thi nhiều nhất.
Theo đó, đợt 1 kỳ thi này sẽ được tổ chức tại 21 cụm thi, 65 điểm thi của 7 tỉnh, thành phố gồm: TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, An Giang, Bến Tre, Bạc Liêu và Đắk Lắk.
Tuyển sinh 2021: Nên chọn ngành, nghề như thế nào?
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), thông tin đợt 1 kỳ thi này có tổng số thí sinh dự thi là 69.794. Trong đó, số thí sinh dự thi tại TP.HCM chiếm nhiều nhất với trên 50.600 người. Tiếp đến là Nha Trang (Khánh Hòa) hơn 5.000 thí sinh, Đà Nẵng trên 4.000, Bến Tre gần 4.000... Bạc Liêu là cụm thi có số thí sinh dự thi thấp nhất với 960 người.
Với hơn 50.000 thí sinh dự thi, TP.HCM có 14 cụm thi, với 1.499 phòng thi. TP.HCM huy động tới 3.825 cán bộ coi thi tham gia. Tại TP.HCM, thí sinh dự thi nhiều nhất tại Trường ĐH Bách khoa với gần 9.000 người.
Danh sách cụm thi, điểm thi cụ thể như sau:
Kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 năm nay do ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ diễn ra vào sáng 28.3. Thí sinh sẽ làm bài thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan đa lựa chọn với thời gian làm bài 150 phút. Về nội dung, đề thi cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản nhằm đánh giá khả năng suy luận và giải quyết vấn đề, không đánh giá khả năng học thuộc lòng. Đề thi được xây dựng cùng cách tiếp cận như đề thi SAT (Scholastic Assessment Test) của Mỹ và đề thi TSA (Thinking Skills Assessment) của Anh.
Kết quả kỳ thi năng lực này được hơn 70 đơn vị đào tạo ĐH và CĐ sử dụng để xét tuyển một phần chỉ tiêu trong năm 2021.
ĐH Quốc gia TP.HCM có lùi kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 do Covid-19? Còn hơn 10 ngày nữa là hết hạn đăng ký dự thi đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2021. Trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay, kỳ thi này đợt 1 có lùi thời gian tổ chức? Thí sinh dự thi đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2020 -...