Gần 6.000 tỉ USD đã bị “đánh cắp” khỏi các nước nghèo
Chỉ trong vòng một thập kỷ từ 2001-2010, các quốc gia đang phát triển đã bị “ hút vốn trái phép” 5.860 tỉ USD – theo báo cáo cập nhật của Tổ chức Liêm chính tài chính toàn cầu (GFI) công bố tại Washington (Mỹ) ngày 18.12.
Dòng tiền bị “đánh cắp” đã tước đi cơ hội thịnh vượng của các nước nghèo.
Chuyên gia kinh tế trưởng GFI Dev Kar và đồng nghiệp Sarah Freitas – hai tác giả của báo cáo – cho biết, dòng tiền chảy ra khỏi thế giới đang phát triển vào các thiên đường trốn thuế và ngân hàng phương Tây vẫn tiếp tục gia tăng. “Điều này đã gây hệ lụy rất lớn với các nền kinh tế đang phát triển” – ông Freitas – đồng tác giả của báo cáo – giải thích. “ Các nước nghèo đã bị “đánh cắp” hàng nghìn tỉ USD có thể được sử dụng để đầu tư cho chăm sóc y tế, giáo dục và cơ sở hạ tầng. Đây là khoản tiền lẽ ra hữu ích để giúp người dân các nước này thoát đói nghèo, cứu được nhiều mạng sống” – ông cho hay.
Chỉ tính riêng trong năm 2010, dòng vốn bị chuyển trái phép khỏi các quốc gia nghèo là 858,8 tỉ USD, gần bằng con số kỷ lục 871,3 tỉ USD ghi nhận năm 2008 – thời điểm trước khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trung Quốc chiếm đến gần một nửa trong tổng số tiền 858,8 tỉ USD bị lọt sang các thiên đường trốn thuế và các ngân hàng phương Tây năm 2010, cao gấp 8 lần so với các quốc gia kế tiếp là Malaysia và Mexico. Tất cả các quốc gia nằm trong nhóm 10 nước bị “đánh cắp” nhiều tiền nhất, gồm cả Ấn Độ, Nigeria và Philippines, đều đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng về tham nhũng, khoảng cách giàu nghèo cũng như an ninh nội địa. Trung Quốc mất 420,4 tỉ USD trong năm 2010 và tính chung cả thập kỷ là 2.740 tỉ USD. Tuy nhiên, khoản tiền thất thoát chưa dừng lại.
Các nhà lãnh đạo của nhóm 20 nền kinh tế lớn thế giới đang chú trọng tìm cách triệt phá nạn rửa tiền, bí mật ngân hàng, lỗ hổng thuế để ngăn việc đánh cắp công quỹ tại các quốc gia đang phát triển. Khoản tiền trên lớn đến mức cứ 1USD tiền viện trợ trực tiếp nước ngoài chảy vào các quốc gia nghèo, thì lại có đến 10USD mất đi. “Chưa cần bàn đến phương pháp “đánh cắp” vốn, một thực tế rõ ràng là các quốc gia đang phát triển ngày càng bị khai thác kiệt quệ nguồn tiền vào thời điểm mà cả nước giàu và nghèo đều đang phải vật lộn với khó khăn kinh tế. Báo cáo này như một hồi chuông cảnh tỉnh yêu cầu các nhà lãnh đạo thế giới cần phải làm nhiều hơn nữa để chặn đứng nạn chảy máu tiền tệ này” – Giám đốc GFI – ông Raymond Baker – nhận định.
Dòng chảy tiền bất hợp pháp vẫn tiếp tục tăng 13,3% mỗi năm kể từ 2001, cướp đi sự thịnh vượng của nhiều quốc gia và làm lợi cho một nhóm các nhà lãnh đạo tham nhũng. Ông Kar cho rằng, bức tranh ngày càng xấu đi trong một thập kỷ qua cùng với tình trạng toàn cầu hóa tài chính và nới lỏng kiểm soát vốn lại càng giúp việc chuyển vốn đến các ngân hàng phương Tây và các thiên đường trốn thuế khác dễ dàng hơn. “Chỉ đến khi cải thiện được nền quản trị và các biện pháp chặn nền kinh tế ngầm, chúng ta mới thực sự giảm được một cách bền vững dòng chảy tài chính trái phép” – ông Kar nói.
Theo laodong
Cơn "sóng thần lặng lẽ"
Các chuyên gia lương thực của Liên hợp quốc vừa lên tiếng kêu gọi phải đầu tư hơn nữa vào phát triển nông nghiệp nhằm ngăn chặn nạn thiếu hụt lương thực, nguy cơ mà họ đánh giá như "sóng thần lặng lẽ".
Hạn hán là một trong những nguyên nhân làm sản lượng lương thực thế giới sụt giảm
Từ đầu năm đến nay, tin tức về thị trường lương thực thế giới luôn nóng bỏng. Báo cáo "Giám sát giá lương thực" mà Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 30-8 cho biết trong hai tháng 6 và 7-2012, giá ngô và lúa mỳ đã tăng 25% và giá đậu tương tăng 17% - mức tăng kỷ lục kể từ thời điểm khủng hoảng lương thực thế giới trầm trọng nhất hồi tháng 6-2008.
Nhìn về tương lai, Tổ chức Chống nghèo đói Oxfam dự báo trong vòng 2 thập kỷ tới, giá lương thực thiết yếu có thể tăng gấp đôi. Còn theo Viện Nghiên cứu phát triển thuộc trường Đại học Sussex của Anh, giá ngô xuất khẩu trên thị trường thế giới vào năm 2030 có thể sẽ tăng 177% so với năm 2010, còn giá lúa mì sẽ tăng 120% và giá gạo sẽ tăng 107%.
Nguy cơ thiếu hụt lương thực đã trở thành một trong 4 thách thức lớn nhất với an ninh toàn cầu cùng với ba thách thức khác là giá cả gia tăng, các thảm họa thiên nhiên, biến động và mất ổn định chính trị. Trong khi thế giới vẫn có 870 triệu người phải sống trong cảnh đói nghèo và hàng triệu trẻ em tử vong mỗi năm vì các dịch bệnh do thiếu chất dinh dưỡng, thiếu lương thực sẽ làm thực trạng này trầm trọng thêm, đe dọa việc hoàn thành các mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ vào năm 2015 như Liên hợp quốc đề ra.
Không khó khăn gì để xác định nguyên nhân khiến giá cả lương thực biến động mạnh. Đó là do tình trạng hạn hán và nắng nóng kéo dài ở nhiều nơi trên thế giới như Mỹ và Đông Âu, cũng như do giá nhiên liệu leo thang. Ngoài ra, việc Mỹ - một trong những vựa ngô lớn nhất thế giới, tăng lượng ngô sử dụng để sản xuất nhiên liệu sinh học, cũng góp phần đẩy giá mặt hàng này lên cao. Lượng ngô Mỹ dùng để sản xuất nhiên liệu sinh học chiếm tới 40% tổng sản lượng ngô của nước này.
Tuy nhiên theo Tổ chức Nông lương LHQ (FAO), việc các nhà hoạch định chính sách trên thế giới sai lầm khi dự đoán sự bùng nổ trong sản xuất lương thực ở nhiều nước sẽ còn kéo dài làm trầm trọng thêm vấn đề. Chính vì vậy mà họ đã không nhận thấy sự cần thiết phải tiếp tục đầu tư cho nghiên cứu, kỹ thuật, thiết bị và cơ sở hạ tầng nông nghiệp.
Bằng chứng là từ năm 1980 đến nay, viện trợ phát triển chính thức (ODA) mà các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dành cho nông nghiệp đã giảm 43%. Cả nước giàu và nghèo đều tiếp tục giảm đầu tư cho nông nghiệp, trong khi các nước mới nổi đang ngày càng cần nhiều lương thực hơn cho chăn nuôi.
Thiếu đầu tư nghiêm trọng và có hệ thống vào nông nghiệp đã trở thành vấn đề khó khăn trong 30 năm qua. Để tránh lặp lại tình trạng bạo loạn xã hội vì giá lương thực tăng như đã từng xảy ra ở các nước nghèo hồi năm 2008, thế giới chỉ có một cách duy nhất là tăng đầu tư cho nông nghiệp và nông dân.
Theo ANTD
Trung Đông: Xót cảnh 8 tuổi lấy chồng hơn 40 Những bé gái 8 tuổi, 11 tuổi lấy chồng là người trên 40 tuổi là chuyện tưởng chừng không thể xảy ra nhưng lại đang diễn ra ở một số nước Trung Đông như Afghanistan, Ấn Độ, Yemen... Cuộc điều tra của Liên Hợp Quốc về quyền của bé gái nhân ngày Quốc tế bé gái (11/10) cho thấy hiện nay tình trạng...