Gần 4.000 sinh viên chưa được cấp bằng vì đại học khuyết hiệu trưởng
Hơn 4.000 sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM chưa được cấp bằng tốt nghiệp do trường không có hiệu trưởng.
Trao đổi với VietNamNet, PGS Nguyễn Trường Thịnh, người phụ trách Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho hay từ 1/5/2021 đến nay Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật có hai đợt tốt nghiệp. Hiện có hơn 4.000 sinh viên đã tốt nghiệp nhưng chưa được cấp bằng vì trường chưa có hiệu trưởng để ký bằng. Ngoài hệ đại học còn các hệ đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cũng đã tốt nghiệp và đến thời hạn cấp bằng. “Đây là khó khăn nhất lúc này của trường”- ông Thịnh nói.
Việc này xảy ra từ khi PGS Đỗ Văn Dũng, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM hết tuổi quản lý từ ngày 1/5/2021. Trước khi PGS Đỗ Văn Dũng hết tuổi quản lý, Hội đồng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đề nghị Bộ GD-ĐT công nhận PGS Nguyễn Trường Thịnh, Trưởng khoa Cơ khí chế tạo máy, làm hiệu trưởng nhiệm kỳ 2020-2025, sau khi đã trải qua quy trình lựa chọn cán bộ. Quyết nghị của Hội đồng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM lúc đó giao ông Nguyễn Trường Thịnh phụ trách trường từ ngày 1/5 cho đến khi có quyết định công nhận hiệu trưởng của Bộ GD-ĐT.
Tuy nhiên Bộ GD-ĐT không công nhận Hiệu trưởng nhiệm kỳ 2020 – 2025 theo đề nghị của Hội đồng trường này và đề nghị Hội đồng trường xem xét trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng trường.
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM hiện khuyết các vị trí lãnh đạo chủ chốt như: Chủ tịch Hội đồng trường, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng, Trưởng phòng đào tạo, Hiệu phó.
Sau đó, ông Ngô Văn Thuyên, người tái đắc cử Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM nhiệm kỳ 2020-2025 đã gửi đơn từ chức với lý do sức khỏe hiện không tốt để hoàn thành tốt sứ mệnh quản trị, xây dựng và thực hiện chiến lược để phát triển trường như mong đợi. Có 12/13 thành viên Hội đồng trường đồng ý với việc thôi chức của ông Thuyên. Vừa qua, Bộ GD-ĐT đã ban hành quyết định công nhận miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng trường đối với ông Ngô Văn Thuyên.
Hiện tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM thiếu nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt như: Chủ tịch Hội đồng trường, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng, Trưởng phòng đào tạo, Hiệu phó. Phụ trách trường tạm thời là PGS Nguyễn Trường Thịnh, Trưởng khoa Cơ khí chế tạo máy và trường chỉ có 1 hiệu phó.
“Cả năm qua Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM thiếu rất nhiều vị trí chủ chốt và việc này là trách nhiệm của Bộ GD-ĐT”- một cán bộ của nhà trường nói.
Theo ông, hiện nay ông Nguyễn Trường Thịnh được giao phụ trách trường thì các công việc như tuyển sinh, lương bổng cho cán bộ, giảng viên, chất lượng đào tạo vẫn làm đúng mực. Tuy nhiên ảnh hưởng lớn nhất là hơn 4.000 sinh viên tốt nghiệp trong khoảng từ tháng 5/2021 đến nay chưa được cấp bằng. Dù nhà trường đã cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời cho các sinh viên để xin việc, nhưng rất nhiều công ty, đơn vị đòi công chứng bản chính để bổ túc hồ sơ. Đây là thiệt thòi lớn cho các sinh viên vì liên quan đến thu nhập, lương bổng của các em khi đi làm.
Thứ hai gần như các kế hoạch chiến lược của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM phải dừng lại 1 năm qua. Nếu như có hiệu trưởng, đầu nhiệm kỳ hiệu trưởng sẽ dựa vào kế hoạch cũ từ đó điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp trong nhiệm kỳ của mình. Hiện nay nhà trường chỉ duy trì những việc như giảng dạy, nghiên cứu khoa học…những chiến lược bền lâu bị tạm ngưng ảnh hưởng đến chiến lược lâu dài của nhà trường.
Thứ ba một trường đại học tự chủ, phụ thuộc rất lớn vào công tác tuyển sinh. Dù việc tuyển sinh chất lượng sẽ quyết định nhưng thiếu dàn lãnh đạo cấp cao phần nào ảnh hưởng đến tâm lý thí sinh, phụ huynh.
Video đang HOT
Thứ tư đối với trường đại học tự chủ đó là vấn đề tái đầu tư cho sinh viên đang học. Hiện không có ai đứng ra ký kết các hợp đồng, trang bị thiết bị đầu tư cho sinh viên học. Ngoài ra tâm tư của cán bộ giảng viên lo lắng, làm việc cầm chừng…
Hai chị em gốc Việt cùng đỗ đại học top 1% thế giới khi mới 12 tuổi
Alisa Pham mới trở thành sinh viên nhỏ tuổi nhất của Đại học Công nghệ Auckland, Australia. Trong khi đó, chị gái Vicky Ngo cũng đạt thành tích này cách đây hai năm.
Theo NZ Herald , Alisa Pham được ví là thiên tài nhí nhờ thành tích trở thành sinh viên nhỏ tuổi nhất của Đại học Công nghệ Auckland (AUT). Thành tích này của Alisa đã đánh bại kỷ lục mà chị gái Vicky Ngo (15 tuổi) đã lập ra vào năm 2020. Lúc này, Vicky Ngo được chú ý vì là sinh viên trẻ nhất AUT, khi mới 12 tuổi.
Đại học Công nghệ Auckland là ngôi trường 4 năm liên tiếp nằm trong top 1% đại học hàng đầu thế giới, theo bảng xếp hạng của The Times Higher Education năm 2020.
Hai chị em với sở thích trái ngược
Theo ông Alison Sykora, phát ngôn viên của Đại học Công nghệ Auckland: "Alisa là sinh viên trẻ nhất từ trước đến nay của chúng tôi. Báo cáo thành tích học tập của cô bé gây ấn tượng với tất cả thành viên hội đồng, cô bé rất trưởng thành và thông minh".
Alisa đã đăng ký học Cử nhân Truyền thông của AUT và chuyên ngành kép về xây dựng thương hiệu kỹ thuật số, sáng tạo. Cô bé tâm sự nguyện vọng nộp vào khoa Luật, Đại học Công nghệ Auckland, đã bị từ chối, nhưng trúng tuyển ngành truyền thông là "điều may mắn không ngờ" vì thần đồng nhí luôn mong muốn trở thành nhà báo.
Năm 2017, Alisa Pham và Vicky Ngo theo mẹ đến New Zealand. Cô em gái bắt đầu học năm thứ 4 của Trung học St Thomas. Alisa nhanh chóng hoàn thành bậc trung học chỉ sau 10 tháng và vào học tại Selwyn College năm 2021.
Alisa Pham lập kỷ lục là sinh viên nhỏ tuổi nhất tại Đại học Công nghệ Auckland, Australia. Ảnh: NZ Herald.
Alisa tâm sự được truyền cảm hứng rất nhiều từ chị gái. Tháng 12/2021, Vicky Ngo tốt nghiệp chương trình Cử nhân - Toán ứng dụng của AUT khi mới 15 tuổi. Hiện tại, cô bé theo học tiến sĩ về Khoa học Dữ liệu.
Mặc dù có chỉ số IQ cao vượt trội, Alisa vẫn là cô bé với nét hồn nhiên, tinh nghịch khi được NZ Heral phỏng vấn. Cô bé cười khúc khích nói về sở thích của mình đó là bơi lội, bóng quần và nghệ thuật.
"Cháu thích vẽ truyện tranh, thiết kế thời trang khi ở một mình. Nhưng nếu có bạn bè, cháu thích chơi thể thao hoặc chơi game. Như bao bạn bè khác, cháu cũng có những sở thích rất đỗi bình thường", Alisa chia sẻ.
Ông Andrew Speed, Hiệu phó của Selwyn College cho biết Alisa thể hiện xuất sắc trong chương trình học cơ sở và vượt qua bài đánh giá đầu vào đại học. Cô bé đạt được 6 thành tích xuất sắc và 9 bằng khen trong suốt quá trình học NCEA tại Selwyn College khi mới 11 tuổi.
Hiện tại, Alisa Pham là thành viên của Mensa (cộng đồng những người có IQ thuộc nhóm 2% dân số thế giới) tại New Zealand. Từ năm 2019, Alisa cũng tích cực đầu tư vào thị trường chứng khoán New Zealand.
Alisa vẫn có nét hồn nhiên, tinh nghịch của tuổi 12. Ảnh: NZ Herald.
Trong khi đó, chị gái Vicky Ngo lại có niềm đam mê với những con số và dữ liệu. Cô bé người Việt được gọi là "thần đồng" khi hoàn thành 5 năm cấp 3 ở New Zealand trong vòng 10 tháng, 13 tuổi nhập học Đại học Công nghệ Auckland.
Tháng 4/2021, Vicky một lần nữa được truyền thông quan tâm khi đứng trước nguy cơ phải rời New Zealand do tốt nghiệp đại học quá sớm. Ở tuổi 14, nữ sinh viên chuẩn bị ra trường với hai tấm bằng là toán ứng dụng và tài chính song không được cấp visa lao động - quyền lợi mà các du học sinh đủ 18 tuổi được hưởng khi tốt nghiệp đại học ở New Zealand.
Năm 2018, Vicky trở thành thành viên trẻ nhất của Mensa New Zealand. Năm 2019, cô bé nằm trong nhóm 2% học sinh đạt điểm toán cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Vicky Ngo trở thành sinh viên AUT khi mới 13 tuổi. Ảnh: NZ Herald.
Với thành tích học tập ấn tượng, Graeme Holden, giáo viên Toán học và Kinh tế, ví Vicky là "viên ngọc quý giá" của trường đại học mà cô bé theo đuổi. Trong khi đó, ông Sheryll Ofner, Hiệu trưởng trường Selwyn College, viết trong thư giới thiệu Vicky tới Viện Đại học Công nghệ Auckland rằng nữ sinh có "động lực học tập cùng trí tuệ phi thường".
Thế nhưng, Vicky không nghĩ rằng những cách gọi này phù hợp với mình. Vicky từng chia sẻ với Zing: "Em không nghĩ mình là thần đồng. Việt Nam có rất nhiều người trẻ tài giỏi và em chỉ may mắn hơn, không bỏ cuộc trước khó khăn. Ngoài ra, nhắc đến thần đồng mọi người thường sẽ nghĩ đến những tài năng thiên bẩm. Trong khi đó, những gì em có được hôm nay đều phải trải qua quá trình phấn đấu và rèn luyện".
Mẹ đơn thân luôn tạo cơ hội cho con phát triển
Alisa Pham và Vicky Ngo không phải chị em ruột nhưng được nuôi dưỡng bằng sự yêu thương của mẹ. Mẹ của hai chị em cho biết chị chuyển đến New Zealand để các con có môi trường an toàn, tốt đẹp và cơ hội tốt hơn. "Tôi là mẹ đơn thân nên cuộc sống tập trung vào hai con gái", chị tâm sự.
Bà mẹ này cho biết Alisa bộc lộ khả năng thông minh ngay từ khi còn nhỏ. Cô bé đã tự đọc sách năm lên 2 tuổi và suy nghĩ nhiều về cách giải quyết vấn đề của thế giới từ khi còn nhỏ.
"Cô bé cũng rất giỏi về ngôn ngữ và tôi ấn tượng về cách con có thể thông thạo tiếng Anh trong vài năm ngắn ngủi chúng tôi ở đây", bà mẹ nói. Chị cho rằng Alisa không gặp vấn đề khi giao tiếp với những đứa trẻ khác, song, cô bé cần hòa nhập, trưởng thành hơn và đó là lý do bà mẹ cho con gái học đại học khi mới 12 tuổi.
Mẹ của Vicky Ngo và Alisa Pham đưa hai con sang New Zealand vì mong muốn các con có cơ hội phát triển tốt nhất. Ảnh: NVCC.
Cô bé cho biết bản thân hơi lo lắng khi chuyển sang đại học, song, chị gái là người giúp Alisa vượt qua điều này. Hiện tại, cô bé chia sẻ bản thân chưa gặp khó khăn gì trong việc học. Mong muốn của Alisa là tiếp xúc trực tiếp nhiều hơn với bạn bè, thầy cô ở trường khi dịch Covid-19 ổn hơn.
Em khẳng định vẫn sẽ theo đuổi ngành Luật sau khi hoàn thành chương trình về truyền thông, dù ước mơ lớn nhất của cô là làm việc trong lĩnh vực truyền thông.
Bên cạnh đó, dưới sự hướng dẫn của mẹ, Alisa trở thành nhà đồng sáng lập chi nhánh New Zealand của một tổ chức phi chính phủ của Việt Nam có tên The House of Wisdom vào năm 2020. Tổ chức này chuyên cung cấp các lớp học trực tuyến về tiếng Anh, đào tạo kỹ năng mềm và tư vấn đầu tư. Cô bé cũng tham gia với tư cách là diễn giả hỗ trợ trẻ em Việt Nam mất cha mẹ vì Covid-19.
Vicky Ngo và Alisa Pham đều được ví là "thần đồng" vì thành tích đáng ngưỡng mộ. Ảnh: NVCC.
Còn với Vicky Ngo, cô bé dự định vừa học vừa làm, có bằng tiến sĩ ở tuổi 17. Cô bé cũng đang cùng em gái thành lập công ty riêng để kinh doanh.
"Khi thành công, tự lo được cho bản thân, em mong muốn có thể quay lại hỗ trợ, giúp đỡ những bạn nhỏ kém may mắn, trao cơ hội như mình từng có cho các bạn gặp hoàn cảnh khó khăn".
Gia đình cũng đã tính tới phương án đưa Vicky trở về Việt Nam. Năm 2021, nữ sinh liên hệ với 5 trường đại học ở Việt Nam để đăng ký học cao học song đều bị từ chối.
Nhiều rào cản khi sinh viên trở lại học trực tiếp: Cần hỗ trợ từ nhà trường Việc đến trường học trực tiếp cũng khiến nhiều sinh viên rơi vào cảm giác bất an, lo lắng nếu chẳng may bản thân bị nhiễm bệnh hay những hội chứng hậu Covid -19 xảy đến với sức khỏe. Ngày 24/2, Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy, Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐHQGHN phối hợp với Công đoàn ĐHQGHN tổ chức...