Gần 35.000 tỷ đồng đổi mới sách giáo khoa sau 2015
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết dự toán kinh phí cho đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau 2015 khoảng 34.275 tỷ đồng.
Kinh phí hơn 34.000 tỷ đồng
Sáng 14/4, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng chỉ ra những bất cập của chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông hiện hành.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết sẽ cần khoảng gần 35.000 tỷ đồng để đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau 2015 (Ảnh: Phạm Thịnh)
Ông Hiển cho rằng một số nội dung của các môn học chưa đảm bảo tính hiện đại, cơ bản và thiết thực; chưa cân đối giữa lý thuyết và thực hành, giữa dung lượng và thời lượng dạy học, nặng “dạy chữ” nhẹ “dạy người”.
Một số chủ đề còn nặng, khó, nhất là đối với học sinh dân tộc thiểu số và học sinh vùng khó khăn…
“Nội dung chương trình, sách giáo khoa bị “cắt khúc”, không thật đảm bảo tính liên thông, có trùng lặp một số nội dung giữa các lớp học, cấp học và giữa các môn học; chưa liên thông tốt giữa giáo dục phổ thông với giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học để góp phần thực hiện có hiệu quả việc phân luồng sau trung học cơ sở và sau trung học phổ thông”, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển thừa nhận.
Hình thức tổ chức “phân ban kết hợp với tự chọn” ở cấp Trung học phổ thông còn cứng nhắc, chưa thực sự đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng và khuynh hướng nghề nghiệp của học sinh, chưa đáp ứng được yêu cầu phân luồng đa dạng.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng nêu ra thực thế theo thông lệ quốc tế, sau một thời gian (chu kỳ) nhất định, chương trình giáo dục cần được xem xét, thay đổi.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng thông tin thêm, dự kiến đề án sẽ cần khoảng 34.275 tỷ đồng và chương trình, sách giáo khoa mới sẽ được sử dụng ổn định đến năm 2030.
Bình luận về con số này, đại biểu Phan Xuân Dũng cho rằng nếu kinh phí hơn 34.000 tỷ đồng chỉ do ngân sách gánh thì là lớn nhưng nếu xã hội hóa thì con số đó lại không lớn.
Video đang HOT
Trong khi đó, đại biểu Phan Trung Lý bình luận với con số hơn 34.000 tỷ đồng phục vụ cho đề án là không hề nhỏ. Vì vậy, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cần phải xin ý kiến thêm của nhiều chuyên gia giáo dục và cần đưa ra để dư luận xã hội thảo luận.
Cùng quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội – Tòng Thị Phóng cũng nhận định: “Kinh phí hơn 34.000 tỷ đồng cho đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa là tương đối lớn. Vì vậy, Bộ GD-ĐT cần phải làm rõ việc sử dụng kinh phí này như thế nào trong đề án”.
Một chương trình, nhiều bộ sách
GS-TSKH Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng Quốc hội cho rằng phương thức dạy học phân hóa chương trình trung học phổ thông sau năm 2015 cần đổi mới theo hướng tăng cường các môn học, chuyên đề tự chọn.
Việc này sẽ dẫn đến việc đổi mới trong xây dựng chương trình và tổ chức lớp học và cần được quy định trong Nghị quyết mới của Quốc hội.
Việc dạy học tích hợp bước đầu đã được thực hiện ở bậc học phổ thông, nhưng ở mức thấp và thiếu tính hệ thống, nhất quán.
Đại biểu Trương Thị Mai đề nghị Bộ GD-ĐT cần làm rõ hơn nhiều nội dung trong đề án
Ở cấp trung học phổ thông, dạy học tích hợp mới chỉ lồng ghép các nội dung giáo dục về môi trường, an toàn giao thông, dân số – sức khỏe sinh sản vị thành niên, giới tính, kỹ năng sống, phòng chống tham nhũng và tệ nạn xã hội, ma túy…vào các môn học, song chưa nhuần nhuyễn và linh hoạt, dẫn đến sự quá tải, hạn chế hiệu quả dạy- học.
GS Đào Trọng Thi cũng đồng tình với quan điểm xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa hiện đại: một chương trình chuẩn, nhiều bộ sách giáo khoa.
Để thực hiện chủ trương này, cần có bộ chương trình chuẩn đủ chi tiết với những chuẩn kiến thức, kỹ năng cụ thể và những phẩm chất cần thiết khác; đồng thời cần ban hành bộ tiêu chí đánh giá sách giáo khoa.
Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa và khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn một số sách giáo khoa khác cho các môn học. Bộ GD-ĐT thẩm định và cho phép sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông.
Đồng tình với các nội dung cơ bản Bộ GD-ĐT đã trình bày, đại biểu Trương Thị Mai cho rằng nghị quyết này cần phải tổng kết nghị quyết 40 về đổi mới giáo dục phổ thông đã được Quốc hội thông qua năm 2000.
“Tính khả thi, điều kiện thực hiện chưa rõ, chưa cụ thể. Báo cáo đánh giá tác động Bộ GD-ĐT cần viết cụ thể hơn. Nếu chỉ dùng 2,5 trang thì đơn giản quá”, đại biểu Trương Thị Mai nhấn mạnh.
Trong khi đó, đại biểu Ksor Phước cũng đặt vấn đề : “Tính toàn diện lâu dài hay chỉ đến năm 2030. Cần làm rõ, 2015 bắt đầu làm hay làm từ bây giờ”.
Đại biểu Phan Trung Lý lại đề nghị Bộ GD-ĐT cần làm rõ tính tích hợp và kế thừa các thành tựu giáo dục của thế giới trong nghị quyết lần này.
Đồng tình với nhận xét của nhiều đại biểu, Chủ tịch Quốc hội – Nguyễn Sinh Hùng thẳng thắn nói: “Người ta cảm thấy nghị quyết này chưa có nội dung. Chỉ là tập hợp lại, sao lại, chép lại quan điểm của Đảng… Người dân muốn biết sách giáo khoa mới như thế nào thì chưa rõ”.
Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục xin ý kiến của các chuyên gia giáo dục để hoàn thiện nghị quyết và đề án để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội trong tháng 5/2014.
Theo Giaoduc
Tăng số lượng nữ cán bộ quản lý giáo dục các cấp
Đó là một trong những yêu cầu được đặt ra trong hướng dẫn chương trình công tác Vì sự tiến bộ phụ nữ năm 2014 ngành Giáo dục.
Khuyến khích nữ nhà giáo học tập nâng cao trình độ
Nhấn mạnh mục tiêu tăng số lượng nữ cán bộ quản lý giáo dục các cấp, ngành Giáo dục đồng thời quan tâm đến việc phát hiện, giới thiệu những nữ nhà giáo, cán bộ quản lý có triển vọng đưa vào quy hoạch; quan tâm giới thiệu các nữ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục ưu tú tham gia quy hoạch cấp ủy, đại biểu quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp ở địa phương nhiệm kỳ 2016 - 2020.
Bên cạnh đó, vận động nữ nhà giáo học tập nâng cao trình độ, đặc biệt là tin học và ngoại ngữ; hưởng ứng các phong trào thi đua, các cuộc vận động của Bộ và công đoàn ngành, của Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; lồng ghép vào các hoạt động chuyên môn để thu hút nữ nhà giáo và lao động tham gia vào mọi lĩnh vực đời sống giáo dục hiện nay.
Đối với địa phương còn nhiều phụ nữ mù chữ độ tuổi 15 đến 35, còn nhiều trẻ em gái chưa được đến trường hoặc bỏ học, quan tâm xây dựng kế hoạch vận động đưa trẻ em gái đến trường, có kế hoạch xóa mù chữ cho phụ nữ ở độ tuổi từ 15 đến 35 để đạt tỷ lệ 90% trở lên số phụ nữ trong độ tuổi nói trên biết chữ vào năm 2015.
Phấn đấu 80% HSSV nữ được giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam
Hướng dẫn chương trình công tác Vì sự tiến bộ phụ nữ năm 2014 ngành Giáo dục nêu rõ yêu cầu các địa phương và đơn vị xây dựng và thực hiện kế hoạch triển khai Tiểu Đề án 2 "Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong trường học giai đoạn 2010 - 2015" năm 2014.
Phấn đấu đến cuối năm 2014 có có 80% trở lên học sinh, sinh viên nữ trong trường học được tuyên truyền, giáo dục về các phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phù hợp với lứa tuổi, bậc học, cấp học, vùng miền và điều kiện kinh tế xã hội của địa phương.
Có 85% cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, cán bộ làm công tác vì sự tiến bộ phụ nữ, giáo viên nữ thuộc các địa phương và của các cơ sở giáo dục trực thuộc, được tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng trong công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước nói chung và trong trường học phù hợp với bậc học, cấp học, khu vực và điều kiện kinh tế xã hội của địa phương.
Hình thức tuyên truyền, giáo dục cũng được lưu ý lựa chọn phù hợp, đảm bảo cho các đối tượng được tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, từ đó phấn đấu, rèn luyện theo 4 phẩm chất, đạo đức tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam "Tự tin - tự trọng -trung hậu - đảm đang".
Đẩy mạnh công tác truyền thông, kiểm tra
Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Giáo dục trong nhiệm vụ công tác năm 2014 cũng chú trọng đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Đồng thời yêu cầu kiện toàn nhân sự Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ khi có sự thay đổi. Tiếp tục đổi mới hình thức hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, đơn vị...
Lưu ý, thực hiện đầy đủ công tác bình chọn, xét các giải thưởng lớn của phụ nữ, kịp thời đề nghị xét, tặng kỷ niệm chương vì sự phát triển phụ nữ và thực hiện đầy đủ, kịp thời công tác thi đua khen thưởng.
Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các sở GD&ĐT, các cơ sở đào tạo cần xây dựng kế hoạch kiểm tra và tổ chức các đoàn kiểm tra hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ ở các đơn vị trực thuộc và cấp dưới.
Nội dung kiểm tra tập trung vào một số vấn đề: Tổ chức và hoạt động của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ; công tác cán bộ nữ và việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ nữ để đạt chỉ tiêu theo quy định; kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Tiểu Đề án 2 của đơn vị.
Bộ GD&ĐT cho biết sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Kế hoạch bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ, lồng ghép với thực hiện Tiểu Đề án 2.
Theo GDTĐ
44 ứng viên thi tuyển chức danh cán bộ quản lý trường THPT Sáng nay (29/3) Sở GD&ĐT Hà Tĩnh tổ thi tuyển chức danh cán bộ quản lý trường THPT. Nội dung thi gồm 2 phần: thi viết và thi trình bày đề án. Khai mạc thi tuyển chức danh cán bộ quản lý trường THPT tại Hà Tĩnh Đây là phần thi viết dành cho cán bộ quản lý và giáo viên trong diện...