Gần 200.000 cử nhân, thạc sĩ đang thất nghiệp
Người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp thất nghiệp tăng trên 7,9%, trình độ đại học trở lên thất nghiệp tăng gần 4,9%.
Theo bản tin cập nhật thị trường lao động mới nhất của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, hiện nay, cả nước có hơn 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động đang thất nghiệp. Trong đó, nhóm có trình độ cao đẳng, đại học trở lên vẫn có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất và có xu hướng tăng.
Sinh viên tốt nghiệp đang xin việc làm. Ảnh: VOV.
Cụ thể, người có trình độ cao đẳng nghề thất nghiệp tăng gần 8%; trình độ cao đẳng chuyên nghiệp thất nghiệp tăng trên 7,9%; trình độ đại học trở lên thất nghiệp tăng gần 4,9%. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm không bằng cấp chỉ khoảng 2%.
Cùng với đó là gần 200.000 cử nhân, thạc sĩ các ngành như: Quản trị kinh doanh, marketing, tin học, chứng khoán, ngân hàng, điện lực… đã dành 4 năm học đại học, 2 năm học lên cao học, tốt nghiệp với vô số bằng cấp khá, giỏi, nhưng hầu hết đều đang thất nghiệp.
Còn theo một thống kê khác lại cho thấy, cứ 10 sinh viên tốt nghiệp ra trường, có tới 6 người thiếu kỹ năng và tiếng Anh. Trong 10 cử nhân, 4 người thiếu kiến thức chuyên môn. Vì vậy, cứ 10 doanh nghiệp tuyển dụng, 6 doanh nghiệp không hài lòng về chất lượng đào tạo ở bậc cao đẳng, đại học và sau đại học.
Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết: Kiến thức, kỹ năng mà chúng ta đang đào tạo trong các cơ sở hiện nay vẫn còn khoảng cách khá lớn so với kiến thức, kỹ năng mà người sử dụng lao động đang đòi hỏi.
Vì vậy, vấn đề đặt ra là các hệ thống giáo dục đào tạo cần liên kết chặt chẽ hơn với doanh nghiệp, cơ quan quản lý thị trường lao động, để thu hẹp khoảng cách giữa kiến thức, kỹ năng thu nhận được trong nhà trường với kiến thức, kỹ năng thị trường lao động đòi hỏi.
Các đối tác phát triển và doanh nghiệp khuyên, chúng ta cũng nên xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng ngành, sử dụng lao động tiêu chuẩn về kiến thức, kỹ năng rồi thái độ ứng xử và ý thức kỷ luật cần phải như thế nào.
Video đang HOT
Như thế, các chương trình đào tạo chúng ta thiết kế làm sao phù hợp để có thể lấp đầy các yêu cầu mà người sử dụng lao động đòi hỏi.
Theo Hà Nam/VOV
Những đồ án tốt nghiệp ấn tượng của sinh viên
Năm 2015, nhiều đồ án, sản phẩm tốt nghiệp của sinh viên được thực hiện công phu, sáng tạo, nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng.
Mỗi khi nhắc đến đồ án, sản phẩm tốt nghiệp, không ít sinh viên có tâm lý làm cho xong, chỉ mong đủ điểm ra trường. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ tạo được dấu ấn với những đồ án công phu và sáng tạo.
Đồ án được trình bày tại hội thảo quốc tế
Học năm cuối tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, chàng sinh viên khoa Điện tử - Viễn thông Lương Văn Thiện đã gửi công trình khoa học của mình tới Hiệp hội truyền thông IEEE. Đồ án của nam sinh bất ngờ được Hiệp hội này lựa chọn để trình bày tại Hội nghị Khoa học Quốc tế (IEEE 26th Annual International Symposium on Personal Indoor, and Mobile Radio Communications - PIMRC 2015).
Lương Văn Thiện trong chuyến thuyết trình đồ án tại Hồng Kông.
Trong quá trình làm nghiên cứu khoa học, có những lúc Thiện gặp khó khăn, như đi vào ngõ cụt. Có thời điểm, cả tuần cậu chỉ đọc đi đọc lại một trang tài liệu để hiểu sâu sắc nội dung trong đó. Nam sinh luôn ý thức rằng phải nỗ lực đến cùng, tin rằng mình có thể làm được.
Cuối tháng 8/2015, Thiện sang Hồng Kông thuyết trình về công trình mà mình đã dành nhiều thời gian và tâm huyết để xây dựng. Toàn bộ kinh phí của chuyến đi được Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia tài trợ.
Sau khi bảo vệ đồ án tốt nghiệp với kết quả xuất sắc, Thiện đã khước từ mọi lời mời về làm việc của các tập đoàn, công ty lớn trong nước để nung nấu quyết tâm du học.
Sản phẩm tốt nghiệp trị giá 200 triệu đồng
5 sinh viên Công nghệ thông tin của Đại học FPT gồm Nguyễn Đức Cường, Nguyễn Công Quyền, Phạm Khánh Tùng, Lê Đức Anh, Đặng Đức Tùng bắt tay xây dựng một hệ thống giúp người dùng đăng tải và xem video trực tuyến trên mọi thiết bị, vô cùng tiện ích.
5 chàng sinh viên tại buổi thuyết trình đồ án.
Đồ án tốt nghiệp của nhóm sinh viên ĐH FPT thu hút sự quan tâm ngay trước ngày bảo vệ với số vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước lên tới 200 triệu đồng.
Sản phẩm áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất: Người dùng chỉ việc upload video lên hệ thống - giống như trang chia sẻ video nổi tiếng YouTube. Sau đó, hệ thống sẽ sinh ra một mã nhúng, để người dùng sử dụng cho trang web của mình có thể xem ngay. Điểm đặc biệt là các video được đăng tải với tốc độ nhanh nhất, dễ dàng, chi phí tiết kiệm nhất.
Phim tốt nghiệp được dân mạng yêu thích
Từng trăn trở khi thấy nhiều người nhầm lẫn Quang Trung với Nguyễn Huệ là hai anh em, Nguyễn Như Thiên Ý, sinh viên khoa Mỹ thuật, Cao Đẳng Mỹ thuật Trang Trí Đồng Nai, cùng nhóm bạn, quyết định làm đồ án tốt nghiệp dưới dạng phim hoạt hình lịch sử.
Bộ phim kể về danh tướng Lê Văn Hưng, lấy bối cảnh xung đột lịch sử giữa 2 thế lực Tây Sơn và nhà Nguyễn vào thế kỷ 18. Phim không hô hào hay phán xét mà chủ yếu khắc họa cuộc đời của một vị tướng từ thuở nhỏ đến khi trưởng thành, khiến nhiều người xem thích thú.
Được đăng tải lên một diễn đàn lớn dành cho giới trẻ, bộ phim nhận hơn 3.500 lượt thích và hàng trăm lượt chia sẻ, bình luận khen ngợi của cộng đồng mạng.
"Khi làm đồ án này, mình không mong gì ngoài cái tâm nguyện làm một bộ phim hoạt hình lịch sử nước nhà, đem đến mọi người những thước phim về các anh hùng, từ đó nâng cao niềm tự hào dân tộc", nam sinh này nói.
Thiên Ý chia sẻ, chi phí cho toàn bộ sản phẩm khoảng 7 triệu đồng, trong đó đa phần là chi phí lồng tiếng và đầu tư máy scan.
Biến truyện tranh thành "rạp chiếu bóng"
Với mong muốn tạo ra ấn phẩm truyện cổ tích sống động và hấp dẫn trẻ em, Nguyễn Thùy Anh - sinh viên năm cuối ĐH Mỹ Thuật Công Nghiệp - đã làm đồ án tốt nghiệp thiết kế minh họa truyện cổ tích Cây tre trăm đốt. Sản phẩm được thực hiện khá sáng tạo khi có chức năng chiếu bóng.
Cuốn truyện cổ tích độc đáo của Nguyễn Thùy Anh.
Ý tưởng ra đời sau chuỗi ngày Thùy Anh lang thang tại các hiệu sách dành cho thiếu nhi ở Hà Nội. Nữ sinh mua 4 cuốn truyện Cây tre trăm đốtcủa 4 NXB và nhận thấy phong cách cũng như chất lượng chưa thực sự nổi bật giữa hàng trăm nghìn cuốn truyện khác trên kệ.
Sau hơn một tháng lên ý tưởng và hoàn thành tác phẩm, đồ án tốt nghiệp độc đáo của Nguyễn Thùy Anh giành được số điểm cao nhất lớp: 9,71. Hội đồng chấm bài đánh giá cao ý tưởng mới mẻ này. Bên cạnh đó, nhiều tờ báo và truyền hình VTV, VTC cũng liên hệ với Thùy Anh để làm phóng sự về sản phẩm của cô.
Theo Zing
Cử nhân làm phục vụ nhà hàng Tại TP HCM, nhu cầu việc làm rất lớn nhưng không ít cử nhân, thạc sĩ vẫn loay hoay tìm việc, nhiều người thậm chí còn cất bằng để đi phục vụ nhà hàng. Tốt nghiệp cử nhân khối ngành xã hội nhân văn của một trường nổi tiếng ở miền Trung, ra trường, Nguyễn Thị Thủy vào TP HCM xin việc. Từ...