“Gà trống” nuôi 5 con vào đại học
Vợ mất, một mình ông Lê Kế Khôi lặng thầm nuôi 6 người con, đến nay có 5 người vào đại học, 3 trong số đó đã ra trường, có việc làm ổn định
Ở tuổi 57, ông Lê Kế Khôi (thôn Tân Mỹ, xã Điện Minh, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) trông vẫn lực lưỡng như thanh niên mà như lời ông nói, nếu trời không cho sức khỏe, ông không thể vượt qua những giai đoạn cực kỳ khó khăn để nuôi con ăn học.
Năm 1986, ông Khôi lấy vợ rồi lần lượt sinh 6 người con (4 gái, 2 trai). Vợ chồng làm lụng, gầy dựng một trang trại với 150 con heo để lo cho các con ăn học và cất ngôi nhà khang trang. Năm 2005, vợ ông đột ngột qua đời do tai nạn giao thông, lúc đó con gái lớn đang học lớp 12, đứa nhỏ nhất vẫn còn ẵm ngửa. Một mình xoay xở chăm sóc và nuôi đàn con nhỏ đang tuổi ăn học, với ông, thật không dễ dàng.
“Khi bà ấy mất, nhiều người khuyên cho mấy đứa con gái lớn nghỉ học để phụ tôi lo kinh tế gia đình vì con gái chỉ cần có cái chữ buôn bán là được rồi. Tôi lại nghĩ khác. Ở cái đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” này nếu không học hành thì suốt đời khổ” – ông Khôi bộc bạch.
Ông Khôi vay ngân hàng để tiếp tục nuôi heo, có tiền lo cho các con ăn học. Hằng ngày, ông thức dậy từ 3 giờ sáng, vừa nấu cơm cho các con vừa nấu thức ăn cho đàn heo. Khi các con đi học, ông lại ra đồng. Trưa đến, ông về nhà nấu cơm cho các con rồi lại quần quật ngoài đồng trồng lúa, trồng rau, nuôi heo. Ông cứ xoay như chong chóng chỉ với một suy nghĩ làm sao kiếm được tiền lo cho con ăn học. “Lúc đó, tôi không có thời gian để đau buồn hay nghĩ đến việc khác. Tôi chỉ biết cố gắng và luôn nghĩ làm sao để trở thành một ngọn đuốc cho các con đi theo” – ông Khôi hồi tưởng.
Video đang HOT
Ông Lê Kế Khôi luôn tự hào về thành tích học tập của các con
Không phụ lòng mong mỏi của cha, 4 người con đầu đều đỗ vào các trường đại học ở TP HCM: Lê Thị Kim Xuyến – SN 1987, tốt nghiệp Khoa Quan hệ quốc tế Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn rồi học thạc sĩ ở Singapore – hiện làm trong lĩnh vực PR; Lê Thị Minh Hòa – SN 1988, tốt nghiệp Khoa Kinh tế đối ngoại Trường ĐH Ngoại thương – hiện làm trong lĩnh vực đối ngoại; Lê Thị Vĩnh Trinh – SN 1990, tốt nghiệp Khoa Sinh học phân tử công nghệ gien Trường ĐH Khoa học tự nhiên – hiện làm cho tập đoàn công nghệ cao của Pháp ở TP HCM; Lê Thị Kim Ngọc, SN 1995, hiện học ngành thống kê Trường ĐH Kinh tế TP HCM; Lê Kế Hậu, SN 1997, vừa đậu vào ngành y đa khoa ĐH Y Dược Huế và Lê Kế Hiền, SN 1999, 10 năm liền là học sinh giỏi.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Khôi ít nói về những khó khăn đã qua, thay vào đó, ông tỏ ra rất tự hào về thành tích học tập của các con. Ông dành một góc trang trọng trong nhà để treo giấy khen của các con, số còn lại ông bọc trong túi ni-lông cất giữ cẩn thận.
“Các con tôi đã nỗ lực rất nhiều để đạt được kết quả học tập như vậy. Thương cha ở quê vất vả, trong quá trình học đại học, các con tranh thủ thời gian đi làm thêm để trang trải các chi phí. Với tôi, được nhìn thấy các con trưởng thành, sống có ích thì không có gì hạnh phúc bằng” – ông Khôi tự hào nói.
Theo nld.com.vn
TP HCM bảo tồn nhiều hạng mục ở thương xá Tax
Bốn chú gà trống, trái châu, cầu thang khảm gốm mosaic, lan can... và nhiều hạng mục ở thương xá Tax được TP HCM yêu cầu giữ lại khi xây trung tâm thương mại Tax Plaza.
UBND TP HCM vừa chấp thuận đề xuất của sở Văn hóa Thể thao, sở Quy hoạch Kiến trúc về việc bảo tồn một số hạng mục cả bên trong và ngoài thương xá Tax (135 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1), giữ lại những hạng mục như cầu thang bộ dẫn lên sảnh chính được khảm gốm theo phong cách mosaic, 4 chú gà trống, trái châu và hàng lan can có nhiều hoa văn tinh xảo.
Bốn chú gà trống theo phong cách Pháp được TP HCM yêu cầu bảo tồn. Ảnh: Duy Trần
Một số kiến trúc bên ngoài như mái che, bảng hiệu thương xá Tax, kiến trúc được xây từ thời kỳ đầu cũng được yêu cầu giữ lại. Những hạng mục yêu cầu bảo tồn phải được tính đến trong phương án thiết kế trung tâm thương mại Tax Plaza sau này. Tòa nhà mới cũng phải mô phỏng theo kiến trúc, phong cách ban đầu của thương xá Tax.
UBND TP HCM cho rằng, thương xá Tax không đơn thuần là trung tâm mua sắm, giao thương mà địa điểm này còn tích tụ, lưu giữ ký ức lịch sử, văn hóa đời sống đô thị người Sài Gòn. Việc xây dựng thương xá Tax mới cần bảo tồn được cảnh quan, điểm nhấn đặc trưng về công trình, nhất là những phong cách xưa cũ.
Hồi tháng 10, Lãnh sự quán Phần Lan tại TP HCM gửi thư đến UBND TP đề xuất một số giải pháp bảo tồn một phần công trình này. Trong đó đề xuất giữ nguyên hiện trạng một số hạng mục của Thương xá Tax để sau này tích hợp vào phần thiết kế của tòa nhà mới hoặc di dời đi nơi khác để bảo tồn.
Mới đây, UBND TP HCM cũng có văn bản giao các cơ quan liên quan tham mưu đề xuất cụ thể việc bảo tồn một số hạng mục nơi này khi nhiều cơ quan văn hóa, cử tri, nhà nghiên cứu đề xuất giữ lại.
Khu vực cầu thang bộ được xây dựng từ thời kỳ đầu có nhiều hạng mục được yêu cầu bảo tồn nhất. Ảnh: Duy Trần
Được xây dựng vào năm 1880, Thương xá Tax cùng với những công trình kiến trúc thời Pháp thuộc khác như Chợ Bến Thành, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, Nhà hát lớn thành phố, Dinh toàn quyền (nay là Hội trường Thống Nhất), Dinh Xã Tây (nay là UBND TP HCM) được xem là những biểu tượng của Sài Gòn. Thông tin Thương xá Tax bị tháo dỡ để phục vụ việc thi công tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên và xây cao ốc 40 tầng khiến nhiều người dân Sài Gòn luyến tiếc.
Duy Trần
Theo VNE