G7 thúc đẩy kế hoạch hỗ trợ quân sự cho Ukraine
Đức và các đối tác thuộc Nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G7) đang tích cực hoàn thiện kế hoạch cho Ukraine vay gói hỗ trợ quân sự.
Ngoại trưởng Nhóm G7 họp tại đảo Capri, Italy ngày 19/4/2024. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Phát biểu ngày 19/8 về tiến độ liên quan kế hoạch đã được thống nhất tại Hội nghị thượng đỉnh G7 hồi tháng 6 năm nay, một người phát ngôn của Bộ Tài chính Đức nêu rõ: “Chúng tôi đang làm việc khẩn trương để hoàn thiện công cụ tài chính này”.
Trong khi đó, Phó phát ngôn viên Chính phủ Đức Wolfgang Buechner khẳng định Berlin sẽ tiếp tục cung cấp viện trợ cần thiết cho Kiev, bất chấp các kế hoạch cắt giảm 50% ngân sách hỗ trợ Ukraine vào năm 2025. Berlin dự định sử dụng công cụ tài chính nói trên để tài trợ cho Ukraine bắt đầu từ năm tới.
Ngoài việc nhấn mạnh các thông tin ngụ ý Đức đang cắt giảm viện trợ “là hoàn toàn không chính xác”, ông Buechner cũng nói thêm rằng Đức cam kết hỗ trợ Ukraine chừng nào Kiev vẫn cần tới điều đó.
Trong dự thảo ngân sách năm 2025, Đức có kế hoạch dành khoảng 4 tỷ euro (4,4 tỷ USD) hỗ trợ Ukraine, thấp hơn so với mức 8 tỷ USD trong năm 2024. Để bù đắp phần thiếu hụt này, Chính phủ Đức dự định sẽ dựa vào các kế hoạch của G7 và Liên minh châu Âu (EU) để có thêm nguồn tài chính từ các tài sản của Nga đang bị đóng băng. Hiện dự thảo ngân sách vẫn đang tiếp tục được chính phủ Đức thảo luận trước khi cân nhắc thông qua vào cuối năm nay.
Anh tuyên bố không giúp Ukraine tấn công mục tiêu ở Nga
Theo phóng viên TTXVN tại London, Anh là nước phương Tây đi đầu trong việc cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine, tuy nhiên nhà chức trách nước này khẳng định Anh sẽ không giúp Ukraine tấn công các mục tiêu nằm trong lãnh thổ Nga.
Binh sĩ Ukraine sử dụng lựu pháo M777 của Mỹ trong cuộc xung đột với lực lượng Nga ở vùng Kharkiv. Ảnh: AP/TTXVN
Ngày 19/7, Bộ trưởng Quốc phòng Anh, ông John Healey khẳng định Anh đang cung cấp vũ khí để Ukraine phòng thủ, đồng thời nhấn mạnh việc Ukraine tấn công các mục tiêu phải được thực hiện trong khuôn khổ và giới hạn của luật nhân đạo quốc tế.
Tuyên bố của Bộ trưởng Healey được đưa ra chỉ vài giờ trước khi Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky có cuộc gặp với Thủ tướng nước chủ nhà Keir Starmer và tham dự một cuộc họp bất thường của Nội các Anh để thảo luận về tình hình Ukraine.
Phát biểu tại cuộc họp Nội các Anh có sự tham dự của ông Zelensky, Thủ tướng Starmer khẳng định Anh sẽ đẩy nhanh việc cung cấp viện trợ quan trọng cho Ukraine. Ông cũng cho biết Hiệp ước Hỗ trợ xuất khẩu quốc phòng, sẽ được các bộ trưởng quốc phòng ký kết, cho phép Ukraine sử dụng 3,5 tỷ bảng Anh (4,5 tỷ USD) tiền tài trợ xuất khẩu để thúc đẩy cơ sở công nghiệp quốc phòng của cả hai nước và tăng sản lượng.
Tuần trước, tại hội nghị Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ông Starmer đã tái cam kết thực hiện lời hứa của người tiền nhiệm Rishi Sunak cung cấp 3 tỷ bảng Anh mỗi năm để hỗ trợ quân sự cho Ukraine đến năm 2030-31 và sau đó nếu cần.
Ông Zelensky là chính khách nước ngoài đầu tiên được ông Starmer đón tiếp chính thức tại Văn phòng Thủ tướng ở số 10 phố Downing kể từ khi ông nhậm chức đầu tháng này.
Tổng thống Ukraine cũng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên phát biểu trước Nội các Anh kể từ lần phát biểu gần nhất là vào năm 1997 của Tổng thống Mỹ Bill Clinton.
NATO nhất trí duy trì mức hỗ trợ quân sự cho Ukraine Các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) nhất trí cung cấp hỗ trợ quân sự 40 tỷ euro (43,05 tỉ USD) cho Ukraine trong năm 2025. Đây là thông tin do một nhà ngoại giao phương Tây cho biết ngày 3/7, 1 tuần trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh NATO tại thủ đô Washington (Mỹ)....