FPT Aptech Thỏa cơn khát nguồn nhân lực ngành CNTT Việt Nam
Ngày 21/4/2010 tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, Lễ trao giải Sao Khuê 2010 được diễn ra long trọng và ấm cúng. Năm nay là năm thứ 5 liên tiếp Hệ thống đào tạo Lập trình viên quốc tế FPT – Aptech được vinh danh là đơn vị Đào tạo CNTT xuất sắc nhất. Đây là giải thưởng lớn có ý nghĩa quan trọng ghi nhận những đóng góp của FPT – Aptech trong việc cung cấp nguồn nhân lực cho ngành CNTT, đồng thời khẳng định vai trò là đơn vị sáng lập và điều phối hoạt động của hệ thống Aptech Việt Nam.
Đào tạo nguồn nhân lực Công nghệ thông tin chất lượng cao đang là vấn đề “hot” được các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, gia công phần mềm đặc biệt quan tâm. Hiện nay, cả nước có khoảng 235 cơ sở đào tạo có liên quan đến ngành công nghệ thông tin, bao gồm các trường như: Đại học Công nghệ Hà Nội, Đại học Công Nghiệp Hà nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học FPT, Hệ thống đào tạo lập trình viên quốc tế Aptech…, tuy nhiên nhiều chuyên gia nhận định: “Điểm yếu lớn của nhân lực CNTT là khả năng ngoại ngữ và kỹ năng làm việc nhóm”. Thực tế, chỉ có khoảng 10 – 15% sinh viên CNTT ra trường đọc được tiếng Anh còn lại phải đào tạo hoặc làm việc khác. Đó là con số đáng buồn trong khi CNTT sẽ là một trong những ngành có nhu cầu nhân lực rất lớn. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội phần mềm Việt Nam (VINASA), hiện tổng nhân lực CNTT của Việt Nam khoảng 250.000 người (trong đó khoảng 50.000 người trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số). Tuy nhiên theo ông Nguyễn Đình Thắng, Phó chủ tịch Vinasa – số lượng này vẫn còn quá ít, đặc biệt là nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao.
Tại Việt Nam, trong khi các đơn vị đào tạo khác chưa tìm được lời giải cho vấn đề đào tạo nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao thì hệ thống Aptech Việt Nam là đơn vị tiên phong trong việc xây dựng chiến lược đào tạo CNTT đạt chuẩn ISO 9001, chuyển giao công nghệ đào tạo Ấn Độ từ năm 1999. Hơn 55.000 sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành: Lập trình viên Quốc tế Aptech, Kỹ thuật viên ITT, Quản trị mạng N-Power và Thiết kế mỹ thuật đa phương tiện Arena…đã được đào tạo tại hệ thống đào tạo Aptech Việt Nam sau 10 năm phát triển (1999-2009); Mức tăng trưởng năm 2009 của toàn hệ thống Aptech Việt Nam là 30%… Đó là những con số được ông Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội Aptech Việt Nam công bố tại hội nghị Aptech Vietnam Country Meeting 2010 vừa qua.
Bằng những nỗ lực tích cực trong việc áp dụng các chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế, FPT – Aptech trong những năm qua là nguồn cung cấp nhân lực CNTT chất lượng cao lớn nhất cho các doanh nghiệp sản xuất phần mềm, đặc biệt là cung cấp nhân lực trực tiếp cho FPT – Tập đoàn CNTT số 1 Việt Nam hiện nay. Việc 5 lần liên tiếp đạt giải Sao khuê là một phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của FPT – Aptech.
Video đang HOT
Ông Vũ Hải Long, Giám đốc Hệ thống Đào tạo Lập trình viên quốc tế FPT – Aptech cho biết: “Sao khuê là giải thưởng lớn ghi nhận sự đóng góp của chúng tôi trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực CNTT cho xã hội, đồng thời đây cũng là động lực lớn để FPT – Aptech nỗ lực hơn nữa, đáp ứng đầy đủ những yêu cầu khắt khe nhất của thị trường. Công nghệ luôn luôn thay đổi, việc cập nhật công nghệ và áp dụng chương trình đào tạo mới là ưu tiên số 1 của FPT – Aptech. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ triển khai chương trình đào tạo mới nhất ACCP 2010 từ Aptech Ấn Độ nhằm thỏa cơn khát nguồn nhân lực của ngành CNTT mặt khác chúng tôi luôn khẳng định vị trí tiên phong trong lĩnh vực đào tạo, là sự lựa chọn tối ưu cho các bạn trẻ yêu thích và đam mê công nghệ, tạo nền tảng vững chắc cho các bạn tiến vào tương lai”.
Theo kênh 14
Tốt nghiệp trường nào dễ kiếm việc?
Một trong những nội dung Bộ GDĐT yêu cầu các trường ĐH, CĐ phải công khai là tỉ lệ sinh viên sau khi tốt nghiệp năm 2008 có việc làm. "Dạo quanh" báo cáo công khai của các trường, nội dung này nhiều trường còn bỏ trống, hoặc đưa ra lý do: Đang khảo sát(?!).
Còn đối với các trường đã công khai thì tỉ lệ này thường rất cao. Phải chăng, đây cũng là lý do để các trường "mạnh dạn" đưa ra con số khá quan trọng đối với việc tham khảo thông tin để chọn ngành, chọn trường của thí sinh?
Trường "hot", ngành "hot": 100% có việc làm
Hiệu trưởng Lương Xuân Hiến - Trường ĐH Y Thái Bình - cho biết: Do thực trạng thiếu hụt nguồn nhân lực y tế, 100% SV của trường tốt nghiệp năm 2008 đã có việc làm.
Cùng đạt tỉ lệ 100% là Trường ĐH Giao thông - Vận tải (cơ sở phía bắc). Trong năm 2008, trường cung cấp nhân lực cho ngành giao thông - vận tải 2.700 kỹ sư. Theo thống kê của các bộ môn chuyên ngành trong toàn trường, sau 1 năm kể từ khi ra trường, 100% SV tốt nghiệp đã có việc làm, trong đó hầu hết tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề được đào tạo.
Một trong những trường thực hiện khảo sát cụ thể nhất là ĐH Luật TPHCM. Lãnh đạo nhà trường cho biết tỉ lệ SV của trường sau khi tốt nghiệp có việc làm là rất cao: 100%. Tất cả các SV được khảo sát đều đã có việc làm ổn định. Trong đó, tỉ lệ SV làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước chiếm tỉ lệ cao nhất với 47%, trong các doanh nghiệp là 34%. Tuy nhiên, mức độ ứng dụng kiến thức được đào tạo vào công việc chỉ có 7%.
HV Ngân hàng năm 2009 tiến hành khảo sát 1.802 người đã tốt nghiệp trong các năm học vừa qua. Kết quả: Những SV tốt nghiệp năm 2008 sau 1 năm có việc làm đạt 94%, tốt nghiệp năm 2007 đạt 96,6%, tốt nghiệp năm 2006 đạt 97,2%, tốt nghiệp năm 2005 đạt 96%.
Tại HV Báo chí và Tuyên truyền, tỉ lệ SV tốt nghiệp năm 2008 có việc làm là 91,5% (số lượng SV tốt nghiệp 2008 là 669).
Trường "thường": Không thua kém
Hiệu trưởng Vũ Như Cương - Trường ĐH Đông Đô - cho biết, tỉ lệ SV tốt nghiệp năm 2008 có việc làm trung bình toàn trường là 88%. Năm 2008, Trường ĐHDL Văn Lang có 1.481 SV tốt nghiệp. Sau 1 năm, số lượng SV có việc làm là 1.317 SV (chiếm tỉ lệ 94,3%).
Trường ĐH Mỏ - Địa chất cho biết, hằng năm nhà trường tổ chức hội chợ việc làm để SV có cơ hội xin việc làm. Năm 2008 với 1.500 lượt SV tham gia và 97 nhà tuyển dụng tham gia hội chợ việc làm, có 996 SV có cơ hội việc làm. Năm 2009 với 1.466 SV tốt nghiệp và 82 nhà tuyển dụng tham gia hội chợ việc làm, có 1.135 SV có cơ hội việc làm từ các nhà tuyển dụng (theo phản hồi của các nhà tuyển dụng và số liệu thực tế của các cuộc điều tra).
Trong những năm gần đây các công trình xây dựng dân dụng, thuỷ điện, khai thác mỏ tăng, đòi hỏi các doanh nghiệp cần nhiều cán bộ kỹ thuật ngành mỏ, địa chất, trắc địa, khoan khai thác, nên đã tạo cơ hội tốt để SV ĐH Mỏ - Địa chất có nhiều cơ hội làm việc. Đồng thời đây là những ngành nghề đặc thù có uy tín và chất lượng của nhà trường trong suốt mấy chục năm qua, là thế mạnh đặc biệt so với các trường ĐH, CĐ khác trong cả nước.
Theo Lao Động