“FLC chiếm không gian biển của ngư dân là sai!”
Xung quanh vụ việc Tập đoàn FLC xua đuổi và chiếm không gian biển của ngư dân tại thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa), chiều 2.3, trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Văn Trung – Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) khẳng định việc làm trên của FLC là sai.
Ông Trung cho biết: “Từ trước tới giờ vẫn hay có câu “Điền tư, ngư chung”, có nghĩa là ruộng thì của một cá nhân hay tổ chức quản lý khai thác, nhưng ngư trường thì ngư dân có quyền khai thác chung. Việc bảo vệ Tập đoàn FLC xua đuổi và chiếm không gian biển của ngư dân là vi phạm quyền đánh cá của ngư dân, như thế là việc làm sai trái”.
Ông Nguyễn Văn Trung – Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT).
Ông Trung cũng khẳng định: “Trong mấy ngày qua, chúng tôi cũng đã trao đổi với Sở NNPTNT tỉnh Thanh Hóa để nắm bắt sự việc. Sở NNPTNT cũng đã cũng đã trao đổi với UBND thị xã Sầm Sơn về việc không đồng tình với cách làm của FLC vì đây là hành động sai trái. Chúng tôi được biết lãnh đạo thị xã Sầm Sơn cũng đã làm việc với FLC về vấn đề này và yêu cầu FLC phải dừng ngay việc làm đó, đồng thời yêu cầu trả lời bằng văn bản. Như vậy chính quyền địa phương đã vào cuộc và tôi tin chắc họ sẽ xử lý để chấm dứt hành động trên của phía Tập đoàn FLC”.
Theo ông Trung, hiện nay việc phát triển các đô thị ven biển, phát triển du lịch ven biển với hàng loạt các dự án nghỉ dưỡng biển mọc lên ngày càng nhiều dĩ nhiên sẽ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, gây xung đột đối với bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Video đang HOT
Vì vậy, ông Trung cho rằng: “Khi phê duyệt các dự án này, địa phương sẽ có những đánh giá chi tiết những tác động của dự án và chắc chắn địa phương cũng sẽ đưa ra các giải pháp làm hài hòa lợi ích. Vậy nên trong sự phát triển chung cũng rất khó để giữ vẹn toàn lợi ích thế mạnh của từng ngành và cần phải phát triển cân đối, hài hòa, ví dụ việc mở rộng phát triển công nghiệp cũng sẽ ảnh hưởng đến diện tích đất lúa, tuy nhiên không thể vì thế nào không phát triển công nghiệp”.
Trở lại câu chuyện giải quyết xung đột giữa lợi ích ngư dân và lợi ích nhà đầu tư, theo ông Trung đây là câu chuyện không hề dễ dàng giải quyết. Tuy nhiên lãnh đạo địa phương cần đảm bảo lợi ích của người dân như tạo ra sinh kế mới, ngành nghề mới, thậm chí làm việc trong dự án đó, nếu không, cần hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề nghiệp. Trong dự án này (của FLC), bên cạnh sự phát triển du lịch, dự án cũng sẽ có nhiều tác động tới cộng sống của cư dân cộng đồng ở vùng đó như môi trường sinh thái, kinh tế – xã hội, trong đó có ngư dân, tất cả các bài toán đó phải đặt lên bàn cơ quan chức năng và phải giải quyết bài toán đó trước khi phê duyệt dự án.
Theo Danviet
Vụ FLC xua đuổi ngư dân: "Không giao bãi biển cho một ai cả"
Tại buổi họp báo chiều nay (2.3), đại diện UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định, bãi biển mà Tập đoàn FLC Thanh Hóa xây khu khách sạn, khu nghỉ dưỡng, tỉnh đã giao cho thị xã Sầm Sơn quản lý, tỉnh không gịao cho bất cứ cá nhân nào cả.
Chiều nay, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức họp báo về vụ việc liên quan đến hàng trăm người dân kéo lên tụ tập trước trụ sở UBND tỉnh, phản đối Tập đoàn FLC vì đã cho người xua đuổi ngư dân xuống cào ngao, đánh cá dưới biển, gần khu vực của Tập đoàn FLC.
Ông Ngô Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chủ trì cuộc họp báo.
Tại buổi họp báo, ông Ngô Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa - thông tin: "Dự án quy hoạch phía Đông đường Hồ Xuân Hương có tổng vốn 315 tỷ, nên tỉnh Thanh Hóa thống nhất hình thức BOT, để xây dựng các ki-ốt, công trình phục vụ du lịch. Hiện tỉnh đã phê duyệt dự án và lựa chọn nhà đầu tư. Theo chỉ đạo của ban lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, dự án này sẽ phải hoàn thành trước 30.4.2016, để kịp khai thác du lịch mùa hè Sầm Sơn...".
Cũng theo ông Tuấn, liên tiếp từ ngày 26.2 đến ngày 2.3, nhiều công dân của xã Quảng Cư và phường Trung Sơn (thị xã Sầm Sơn) đã kéo lên trước trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa phản đối việc chính quyền giao cho doanh nghiệp khai thác tuyến bờ biển sầm uất nhất Sầm Sơn. Việc này khiến cho người dân địa phương lo "mất kế sinh nhai", đặc biệt, ngành nghề đánh bắt cá của ngư dân cũng gặp khó khăn vì theo quy hoạch, lối ra biển và neo đậu tàu thuyền của ngư dân phải đi rất xa so với bến đỗ truyền thống.
Ngày 1.3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền đã tiếp xúc và trao đổi với đại diện nhân dân xã Quảng Cư và phường Trung Sơn để giải quyết những thắc mắc và sau đó tỉnh cũng đã có quyết định ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân trên địa bàn xã Quảng Cư, phường Trung Sơn và phường Bắc Sơn, thị xã Sầm Sơn bị ảnh hưởng của dự án.
Đến chiều nay, hàng trăm người dân vẫn tập trung trước cổng UBND tỉnh Thanh Hóa.
Tuy nhiên, chưa đồng ý với phương án giải quyết của UBND tỉnh Thanh Hóa, đến chiều nay, nhiều người dân vẫn tập trung trước cổng UBND tỉnh.
Nhiều ý kiến của các phóng viên báo chí nêu: Tại sao dự án này đã được thực thi từ năm 2014, nhưng mãi đến mấy ngày qua khi người dân kéo nhau lên cổng trụ sở ủy ban tỉnh thì UBND tỉnh Thanh Hóa mới ban hành quyết định hỗ trợ ngư dân ở đây? Ông Tuấn cho rằng: "Toàn bộ bãi biển là do tỉnh giao cho UBND thị xã Sầm Sơn quản lý, chứ không giao riêng cho ai cả. Còn vấn đề xây dựng chính sách hỗ trợ, quy hoạch bãi biển và bến tàu, thuyền là do tỉnh vận dụng chính sách tối đa cho ngư dân".
Liệu người dân được nhận tiền hỗ trợ xong, thì kế sinh nhai lâu dài sẽ giải quyết như thế nào? Ông Tuấn nói, ngư dân tự nguyện nhận tiền hỗ trợ (khoảng 50% số ngư dân được hỗ trợ) thì họ đã có kế hoạch và chuyển đổi ngành nghề cho cuộc sống sau này. Khoảng 30% đã đồng ý theo phương án tỉnh hỗ trợ ngành nghề sau khi quy hoạch làng nghề. Còn lại 20% là số người cần đóng tàu, thuyền mới để ra khơi, bám biển mưu kế sinh nhai.
Cũng theo ông Tuấn, hiện nay ông chưa thể trả lời ngay được việc tỉnh có dành khoảng 500m2 mặt nước để làm nơi neo đậu tàu thuyền cho ngư dân hay không. Ông Tuấn sẽ ghi nhận và báo cáo lãnh đạo tỉnh.
Theo Danviet
Tổng giám đốc FLC: "Khát khao là văn hóa, tốc độ là kim chỉ nam" Từng đại diện cho nhiều tập đoàn kinh tế đa quốc gia tiến hành thủ tục triển khai các dự án đầu tư ở Việt Nam, cũng như đảm nhận nhiều vị trí quan trọng tại các công ty và tập đoàn lớn trong và ngoài nước, Tổng giám đốc Hương Trần Kiều Dung đang góp phần đưa Tập đoàn FLC ngày càng...