Fintech cho người nghèo
Vấn đề quan trọng là tạo khung pháp lý thúc đẩy Fintech vào khu vực nông thôn và vùng sâu, vùng xa, những nơi có nhu cầu lớn.
MetLife và Công ty MicroSave phối hợp triển khai Chương trình “Đổi mới – Thực hiện – Tác động” (i3), được kỳ vọng tạo ra sự tác động trực tiếp cho ít nhất 400.000 khách hàng có thu nhập thấp và trung bình.
Thế nhưng, nhưng mỗi một sản phẩm hay dịch vụ công nghệ tài chính mới đều có những rủi ro riêng, i3 không là ngoại lệ trong bối cảnh Việt Nam thiếu một hệ thống pháp lý đồng bộ cho lĩnh vực công nghệ tài chính.
Pháp lý vẫn là rào cản lớn nhất
Sử dụng công nghệ để thay đổi cuộc sống con người đang được một số quốc gia trong khu vực triển khai. Trong đó, i3 đã được tổ chức tại 4 quốc gia, Bangladesh, Việt Nam, Malaysia và Trung Quốc.
Chọn 4 nước này triển khai i3, ông Manoj Kumar Sharma cho là do Trung Quốc có tỉ lệ tiếp cận tài chính rất cao, Bangladesh có hệ thống thanh toán phát triển, Việt Nam có hệ thống doanh nghiệp tốt và Malaysia có khung pháp lý thử nghiệm tốt.
Triển khai I3 tại Việt Nam, ông Manoj Kumar Sharma, Tổng giám đốc MicroSave, Giải pháp dịch vụ tài chính, cho rằng: “Thiết kế ứng dụng phù hợp và xây dựng hệ thống nhận dạng hiệu quả, đang là hai rào cản chính trong phổ cập tín dụng tại Việt Nam hiện nay, bên cạnh những thách thức về quy định pháp lý”.
Ông Manoj Kumar Sharma dẫn kết quả một nghiên cứu của Mexico, tăng trưởng GDP sẽ tốt hơn nếu gia tăng tỉ lệ tiếp cận tài chính cho người dân thu nhập thấp và người nghèo, mức gia tăng thêm là 1,2 đến 1,5% GDP.
Tại Việt Nam, i3 hướng tới mục tiêu xây dựng và cung cấp các dịch vụ tài chính cho thị trường đại chúng bằng cách sử dụng các công nghệ kỹ thuật số với những hiểu biết chuyên sâu về nhu cầu, nguyện vọng và hành vi cho người thu nhập thấp và trung bình.
Dự án cũng giúp cung cấp thông tin kịp thời đến khách hàng, tăng cường tính minh bạch và tiết kiệm thời gian, chi phí, cũng như bước đầu giúp khách hàng tại nông thôn làm quen với công nghệ số. Tổng chi phí công ty MicroSave hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn dự kiến là 500.000 USD.
Tuy nhiên, triển khai i3 cũng đứng trước vấn đề rất lớn, làm thế nào để giải quyết những vấn đề liên quan tới khung pháp lý, thậm chí cả khung pháp lý thử nghiệm, để giúp Fintech tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Việt Nam.
Cần tính đến tác động
Theo báo cáo cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2017, trong số 137 quốc gia, Việt Nam xếp hạng thứ 78 về sự sẵn sàng và xếp hạng 60 về khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính.
Video đang HOT
Hiện nay, tiếp cận dịch vụ tài chính ở khu vực chính thức vẫn là kênh tiếp cận chính của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ 31% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng, so với 69% ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, trong khi chỉ 11% người dân có thu nhập thấp có khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng.
Việt Nam, quốc gia có tỉ lệ chi nhánh ngân hàng khá thấp trên dân số. Theo số liệu năm 2017 của Ngân hàng Thế giới, chỉ 3,5 chi nhánh ngân hàng trên 100.000 người dân trưởng thành. Những nhân tố này đã hạn chế khả năng mở rộng dịch vụ tài chính chính thống cho phân khúc khách hàng thu nhập trung bình và thấp tại Việt Nam.
Triển khai i3, đầu tiên, khách hàng phải có điện thoại thông minh.
Thực ra, triển khai i3 tại Việt Nam, ngoài vấn đề pháp lý, còn có những thách thức khác, chẳng hạn về tài chính, nhận thức và khả năng tiếp cận công nghệ của người nghèo, người có thu nhập thấp.
Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Ngân hàng Nhà nước, cho biết, có 3 yếu tố cần được xử lý để triển khai i3. Đầu tiên, khách hàng phải có điện thoại thông minh. Kế đến, chi phí về bưu chính viễn thông và đào tạo sử dụng phần mềm công nghệ tài chính, cũng là những vấn đề phải tính đến.
Một điểm quan trọng nữa được ông Hòe đề cập, người dân phải được trang bị kiến thức về bảo mật các thông tin của mình trong quá trình giao dịch với ngân hàng. Lượng tiền giao dịch có thể không lớn và rủi ro chỉ ở mức nhỏ, thì vẫn có tác động rất lớn lên người dân thu nhập thấp.
Tham gia i3, người nghèo cần chú trọng cần bảo mật số chứng minh thư nhân dân. Đặc biệt, tới đây khi chuyển sang số công dân, số căn cước công dân nằm trong cơ sở dữ liệu dân cư và được chia sẻ để ngân hàng cung ứng dịch vụ.
Việc “tin tặc” có thể truy xuất được tài khoản của người dân đang giao dịch trên ngân hàng hoặc trên công nghệ số là thật. Do đó, người dân cần bảo mật số chứng minh thư.
Hiện nay, hầu hết Fintech tập trung vào phân khúc khách hàng có thu nhập cao ở các thành thị, trong khi khu vực nông thôn, khu vực vùng sâu, vùng xa, những khu vực có nhu cầu lớn vẫn đang bỏ ngỏ.
Tại Việt Nam, nếu như năm 2014, sử dụng điện thoại thông minh chỉ 10% dân số, thì đến nay, số lượng sử dụng điện thoại thông minh đã tăng lên hơn 70% và việc phổ cập 3G và Intenet cũng hơn 70% dân số, những điều kiện để dịch vụ tài chính phát triển.
Hơn nữa, nhiều người dân vùng nông thôn không thể đi một chặng đường xa để tiếp cận dịch vụ tài chính. Trong khi đó, việc thành lập các chi nhánh ngân hàng tại khu vực nông thôn có chi phí rất lớn.
Công ty Cổ phần Dịch vụ Di động trực tuyến (M_Service) vào năm 2015 đã Phát triển gần 5.000 điểm thanh toán điện tử tại 45 tỉnh, nhưng không phải lúc nào người dân cũng có thể đến các điểm giao dịch.
Theo Báo Mới
Tài chính tiêu dùng: Xu thế ngân hàng số
Cùng với xu hướng của thế giới, Việt Nam đã đưa ngân hàng (NH) số vào chiến lược phát triển. Tuy nhiên sự chuyển đổi này diễn ra khá chậm. Chỉ đến khi các công ty công nghệ tài chính (fintech) nhảy vào thị trường, các ví điện tử 'trăm hoa đua nở' chạy đua giành thị phần, số hóa lĩnh vực NH mới thực sự nóng lên.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Đẩy mạnh ngân hàng số
Giữa tháng 9/2018, VPBank công bố triển khai NH số tích hợp tiện ích thế hệ mới, với tên gọi YOLO. Ứng dụng cung cấp đầy đủ các dịch vụ tài chính, thanh toán của NH số hiện đại cũng như các dịch vụ tiện ích khác như giải trí, gọi xe taxi, đặt chỗ trước tại các nhà hàng hoặc theo dõi tin tức. YOLO còn cung cấp khả năng thanh toán toàn cầu thông qua chiếc thẻ ảo YOLO MasterCard.
Để sở hữu thẻ người dùng chỉ cần cung cấp họ tên, số điện thoại và email. Trước đó, vào cuối năm 2016, NH số đầu tiên tại Việt Nam được phát triển bởi VPBank là Timo ra mắt tại Hà Nội, và tháng 5-2018 có mặt tại TPHCM.
NH số Timo không có văn phòng giao dịch, vì 100% giao dịch đều thực hiện trực tuyến, chỉ có 1 chi nhánh để khách hàng đến làm thẻ hoặc được giải đáp thắc mắc liên quan. Tính đến giữa tháng 8-2017, Timo đã có được hơn 50.000 thành viên và lượt tải ứng dụng trên Android và iOS.
Trình độ, năng lực và sự am hiểu về công nghệ của đội ngũ nhân viên nói chung và đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin nói riêng là yếu tố cần thiết để NH triển khai thành công và bền vững các ứng dụng công nghệ. Đây cũng được đánh giá là thách thức của ngành NH trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Ông Trần Nhất Minh, Phó Tổng giám đốc VIB
Không chỉ tại VPBank, phát triển mô hình NH số đang là mục tiêu của hầu hết NHTM. Theo đó, hàng loạt ứng dụng NH điện tử hiện đại đã xuất hiện, như ứng dụng MyVIB của VIB; ứng dụng My Ebank của Sacombank. VIB còn cung cấp thêm dịch vụ chuyển tiền nhanh trên mạng xã hội.
Cụ thể, khi khách hàng đang trò chuyện trên mạng xã hội có nhu cầu chuyển tiền, chỉ cần bấm chọn thay đổi bàn phím để chuyển sang chế độ MyVIB Keyboard, thay vì phải thoát khỏi màn hình để đăng nhập vào MyVIB. Trong khi đó, BIDV cũng đang đẩy mạnh phát triển sản phẩm Smart Banking với nhiều tính năng tiện ích, đồng thời vừa ra mắt NH điện tử trên nền tảng giao dịch đa kênh (Web, thiết bị di động) dành cho khách hàng tổ chức mang tên iBank.
Một hình thức khác là xây dựng không gian trải nghiệm NH số như BIDV E-Zone, Vietcombank Digital trang bị các thiết bị công nghệ hiện đại để người dùng trải nghiệm các giao dịch NH. Còn OCB áp dụng nền tảng OMNI Channel (hợp kênh) trở thành NH hợp kênh đầu tiên tại Việt Nam, tiến tới thực hiện chiến lược NH số trên cơ sở chuyển đổi toàn diện mô hình, từ sản phẩm đến tư duy kinh doanh trên nền tảng công nghệ hiện đại.
Riêng TPBank nổi bật với NH tự động đầu tiên (Live Bank) xác thực khách hàng bằng kênh điện tử (eKYC), cho phép mở tài khoản, phát hành thẻ cho khách hàng bất kỳ lúc nào, nhận thẻ ngay không cần có mặt trực tiếp giao dịch viên...
Tuy nhiên, sự trỗi dậy của các công ty fintech đang là thách thức đối với hệ thống NH nói riêng và ngành tài chính nói chung. Nhiều NH cũng thừa nhận đến năm 2020, đối thủ lớn nhất của NH là các trung gian thanh toán.
Xu hướng không cưỡng lại
Gần đây, các NH ngày càng thể hiện tham vọng gia tăng vị thế trên mảng fintech. Techcombank cho biết về công nghệ thông tin, từ 3-5 năm tới sẽ đầu tư ngang hàng hoặc cao hơn các NH trong khu vực Đông Nam Á. Còn theo ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank, nền tảng số là mục tiêu xuyên suốt các năm qua và tiếp nối trong 5 năm tới.
NH đang đầu tư rất nhiều cho sự đổi mới và sáng tạo, để khẳng định vai trò tiên phong của VPBank trong phát triển và hỗ trợ đưa các công nghệ, dịch vụ trên nền tảng số. Cùng với chiến lược số hóa NH trên nền tảng truyền thống, 2 năm qua VPBank đã đầu tư vào nền tảng NH số YOLO để tạo sự khác biệt.
Điểm đáng chú ý của YOLO là nền tảng này không chỉ là dịch vụ NH số thông thường, còn tập hợp các khả năng của công ty fintech, giải pháp ví điện tử và các giải pháp khác trên thị trường trong nước và quốc tế.
Thực chất, phát triển NH số trên nền tảng điện thoại di động là xu hướng không thể cưỡng lại. Điều này không chỉ giúp NH cạnh tranh giành thị phần thanh toán với các công ty fintech nói chung, ví điện tử nói riêng mà còn đem lại nhiều lợi ích khác.
Bài toán vốn và bảo mật
Theo các chuyên gia, nếu chiếu theo các hình thái NH số so với chuẩn chung của các NH trên thế giới, có thể thấy các NH tại Việt Nam khởi đầu với những bước đi thận trọng. Dù vậy, với những bước đi đầu nhưng các NHTM đang cho thấy sự chuyển đổi mô hình rất rõ nét.
Bên cạnh các dự án lớn của những NH lớn, gần đây các NH nhỏ cũng tập trung đầu tư công nghệ số, như NCB, BaoVietbank, VietCapitalBank, VietABank... thông qua việc nâng cấp hệ thống Core Banking, đổi mới công nghệ quản lý quy trình hoạt động, lưu trữ và truy xuất lịch sử của khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính, phát triển Mobile Banking...
Song để phát triển bài bản thành NH số, trước mắt chưa phải là việc dễ dàng đối với nhóm NH nhỏ. Bởi để làm được NH số, ứng dụng công nghệ hiện đại cần có tiền, vì đây là cuộc chơi vô cùng tốn kém. Hiện nay nhiều NH đã đầu tư hàng trăm triệu USD chỉ để thay đổi công nghệ lõi.
Do đó tiến tới mô hình NH số sẽ còn ngốn rất nhiều tiền và với khoảng cách về quy mô NH như hiện tại, nhiều ý kiến cho rằng không phải nhà băng nào cũng đủ sức chạy trong cuộc đua này.
Bên cạnh đó, khác với các công ty fintech, khi số hóa, các NHTM lại đối mặt thêm bài toán về bảo mật. Mô hình ví điện tử tự tin về độ an toàn vì tính bảo mật 2 lớp. Tiền được chuyển từ NH vào ví sau đó mới tiến hành thanh toán, nên hacker khó hack được thông tin người dùng ví. Trong khi đó, giao dịch qua NH điện tử thời gian qua gặp khá nhiều sự cố gây mất tiền trong tài khoản, khiến khách hàng lo lắng về việc giữ tiền trong thẻ.
Do đó, khi phát triển NH số, các công nghệ bảo mật của NH cần chủ động trước những rủi ro. Theo đó, không thể để 2 năm, 3 năm hay 5 năm mới nâng cấp hệ thống 1 lần, mà phải rà soát thường xuyên, có đội ngũ để theo dõi hacker tạo ra rủi ro về công nghệ đã tiến tới đâu, từ đó nâng cấp nhằm tránh xảy ra sự cố, tăng cường uy tín để cạnh tranh thị phần.
NH cũng phải đầu tư công nghệ xử lý rủi ro, khi xảy ra sự cố, khách hàng báo về sẽ có đội ngũ xử lý nhanh nhạy bằng công nghệ trong thời gian ngắn nhất. Chỉ có hoàn thiện tuyệt đối, NH mới cạnh tranh được với các công ty fintech trong việc giành thị phần thanh toán trên thị trường.
Theo Báo Mới
Thúc đẩy sức mạnh cộng hưởng từ ngân hàng - FinTech Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đã mang đến những công nghệ tân tiến, đột phá như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, sinh trắc học, trí tuệ nhân tạo, công nghệ chuỗi khối, kết nối vạn vật... và đang làm biến đổi sâu sắc nhiều lĩnh vực kinh doanh, ngành dịch vụ, từ vận tải...