Fiji phong tỏa 2 thành phố lớn do ghi nhận ca lây nhiễm cộng đồng
Ngày 19/4, Fiji đã đặt hai trong số các thành phố lớn nhất trong tình trạng phong tỏa vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sau khi quốc đảo Thái Bình Dương này ghi nhận ca đầu tiên lây nhiễm trong cộng đồng trong vòng 12 tháng.
Hình ảnh virus SARS-CoV-2. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Các quan chức y tế cho biết ca nhiễm nói trên là một phụ nữ 53 tuổi, tiếp xúc gần với một binh sĩ đã nhiễm virus SARS-CoV-2 tại một cơ sở cách ly ở Nadi. Tuyên bố của Bộ Y tế nêu rõ: “Nhằm hỗ trợ truy vết nhanh chóng và giảm nguy cơ lây lan rộng hơn, chúng tôi đã thông báo phong tỏa toàn khu vực Nadi và Lautoka, bắt đầu từ 4h00 sáng 19/4 (giờ địa phương)”.
Được biết, trên 330 người có tiếp xúc với ca bệnh trên đã được đưa đến địa điểm cách ly và cảnh sát bắt đầu thực thi lệnh giới nghiêm 24 giờ tại hai khu vực trên. Người dân ở bên ngoài khu vực phong tỏa cũng được khuyến cáo nên ở trong nhà, trường học và các cơ sở kinh doanh cũng đóng cửa.
Lautoka là thành phố lớn thứ hai của Fiji trong khi Nadi là điểm thu hút du khách quốc tế trước khi biên giới phải đóng cửa từ năm ngoái do đại dịch.
Fiji nhìn chung đã kiềm chế được dịch thông qua các biện pháp cách ly nghiêm ngặt và kiểm soát biên giới. Hiện nước này ghi nhận tổng cộng 100 ca nhiễm và 2 ca tử vong trên tổng số 930.000 dân. Sự bùng phát mới nói trên là một đòn giáng vào kế hoạch của Fiji mở chương trình du lịch không cách ly với Australia và New Zealand, hai nguồn khách quốc tế lớn nhất của họ. Trước đó, Australia và New Zealand đã mở chương trình đi lại không cách ly giữa hai nước.
* Tại khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), chính quyền cho biết sẽ ngừng tiếp nhận các chuyến bay từ Ấn Độ, Pakistan và Philippines trong vòng 2 tuần từ ngày 20/4, sau khi lần đầu tiên phát hiện biến thể virus N501Y ở trung tâm tài chính châu Á này.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Theo chính quyền Hong Kong, 3 quốc gia trên được xếp vào nhóm “có nguy cơ đặc biệt cao” sau khi có nhiều ca nhiễm nhập cảnh mang biến thể này vào đặc khu trong 14 ngày qua. Trong ngày 18/4, thành phố này ghi nhận 30 ca nhiễm mới, trong đó có 29 ca nhập cảnh, đánh dấu ngày có số ca nhiễm mới cao nhất kể từ 15/3.
* Tại Argentina, trường học tại thủ đô Buenos Aires sẽ được mở cửa trở lại từ ngày 19/4 sau khi một tòa án đã vô hiệu hóa sắc lệnh liên bang yêu cầu tất cả các lớp học chuyển sang hình thức trực tuyến trong 2 tuần.
Video đang HOT
Thẩm phán tại Buenos Aires đã ra phán quyết ủng hộ một vụ kiện của hội cha mẹ học sinh và giáo viên trong thành phố, yêu cầu vô hiệu hóa sắc lệnh trên. Phán quyết vào phút chót của thẩm phán tòa cấp dưới đã khiến các hiệu trưởng trường học ở Buenos Aires tối 18/4 phải gửi thông báo phụ huynh đưa con tới trường học.
Phản ứng về phán quyết trên, trong một bài trả lời phỏng vấn trang tin El Destape tối 18/4, Tổng thống Alberto Fernandez đã chỉ trích rằng các biện pháp mà chính quyền áp dụng để phòng dịch thuộc thẩm quyền của tòa án liên bang, đồng thời cho biết đã khiếu kiện lên Tòa án Tối cao. Hiện tòa chưa thụ lý vụ việc này.
Chiến lược 'phong tỏa tận gốc' ngăn Covid-19 của Australia
Một bảo vệ khách sạn cách ly dương tính với nCoV và xuất hiện triệu chứng nhẹ là tất cả những gì khiến hai triệu dân thành phố Perth bị phong tỏa.
"Đây là tình huống rất nghiêm trọng", Thủ hiến bang Tây Australia Mark McGowan tuyên bố hôm 31/1, khi quyết định áp lệnh phong tỏa Perth, thành phố lớn thứ tư Australia. "Mỗi người chúng ta phải làm mọi thứ có thể để ngăn dịch lây lan trong cộng đồng", ông nói, kêu gọi người dân hy sinh lợi ích bản thân vì cộng đồng và quốc gia.
"Tình huống nghiêm trọng" mà McGowan nhắc tới là việc một bảo vệ khách sạn cách ly trở thành ca nhiễm cộng đồng đầu tiên của bang Tây Australia trong gần 10 tháng. Một ca nhiễm này khiến hai triệu người dân Perth phải ở trong nhà ít nhất 5 ngày tới.
Khách sạn có ca nhiễm nCoV mới bị phong tỏa ở thành phố Perth, bang Tây Australia hôm 31/1. Ảnh: AFP.
Tốc độ và mức độ phản ứng ở Perth có thể là điều không tưởng tượng được đối với người Mỹ hay châu Âu. Nhưng đối với người Australia, những điều này rất quen thuộc.
Lệnh phong tỏa Perth và khu vực lân cận xảy ra sau những nỗ lực tương tự ở Brisbane và Sydney, nơi chỉ cần vài ca nhiễm cũng đủ khiến chính quyền địa phương áp đặt hàng loạt hạn chế nghiêm ngặt. Điều đó đã khiến họ nhanh chóng kiểm soát được virus và dần đưa cuộc sống trở lại gần như bình thường.
"Nếu hỏi người Australia về cách tiếp cận này, họ có thể chỉ nhún vai. Thay vì cô đơn, buồn rầu hay bức xúc khi tự do bị hạn chế, họ đã quen với việc hy sinh lợi ích cá nhân vì tập thể", Damien Cave, biên tập viên của NYTimes, cho hay.
Sự tương phản giữa Australia với Mỹ và châu Âu trong chiến lược ứng phó đại dịch ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Australia tới nay chỉ báo cáo tổng cộng 909 ca tử vong vì Covid-19, ít hơn số người chết mỗi ngày hiện nay ở Anh và Mỹ.
"Chúng tôi có cách để cứu tính mạng mọi người, mở cửa nền kinh tế và tránh tất cả nỗi sợ hãi, rắc rối này", Ian Mackay, nhà virus học tại Đại học Queensland, nói. "Tất cả mọi người có thể học từ chúng tôi, nhưng không phải ai cũng sẵn sàng học".
Australia chỉ là một trong số nhiều câu chuyện chống dịch thành công của châu Á - Thái Bình Dương. Các quốc gia tầm trung của khu vực, như New Zealand, Thái Lan và Việt Nam, về cơ bản đã kiểm soát dịch tốt, trong khi tình hình ở các cường quốc lớn ngày càng tệ hơn.
Một số người cho rằng nền y tế cộng đồng hoạt động hiệu quả không chỉ nhờ vào nền kinh tế ổn định, sự giàu có, mà còn phải nhờ vào tinh thần dân tộc và những kiến thức chuyên môn thực tế.
Vị trí địa lý tách biệt của Australia là một lợi thế lớn trong cuộc chiến chống đại dịch. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn có nhiều bước đi quyết liệt. Australia đã hạn chế nghiêm ngặt việc đi lại giữa các bang, trong khi yêu cầu cách ly bắt buộc tại khách sạn đối với người đến từ nước ngoài kể từ cuối tháng 3. Anh và Mỹ hiện nay mới tìm cách thực hiện yêu cầu cách ly bắt buộc người đến từ các điểm nóng của dịch.
Australia cũng duy trì một hệ thống truy vết tiếp xúc mạnh mẽ, ngay cả khi nhiều quốc gia khác về cơ bản đã từ bỏ. Với ca nhiễm ở thành phố Perth, những người truy vết tiếp xúc đã xét nghiệm những người cùng nhà với nam bảo vệ vào thời điểm lệnh phong tỏa được công bố và yêu cầu cách ly 14 ngày tại cơ sở do bang quản lý. Nhà chức trách cũng liệt kê hơn 10 địa điểm mà nhân viên bảo vệ có thể đã tới và tiếp xúc với người nào đó.
Brisbane cũng từng có động thái quyết liệt tương tự hồi đầu tháng 1 sau khi phát hiện một nhân viên dọn phòng trong hệ thống khách sạn cách ly nhiễm chủng virus mới ở Anh. Đây là lần đầu tiên chủng virus này được phát hiện trong cộng đồng ở Australia, nên các quan chức đã nhanh chóng hành động. Annastacia Palaszczuk, thủ hiến Queensland, nơi có thành phố Brisbane, lập tức thông báo phong tỏa 16 tiếng sau ca dương tính.
"Làm ba ngày bây giờ có thể giúp tránh phải làm điều này 30 ngày trong tương lai", bà nói.
Brisbane giờ quay trở lại trạng thái bình thường mới giữa đại dịch như tất cả khu vực khác ở Australia, ngoại trừ thành phố Perth. Trên khắp cả nước, văn phòng và nhà hàng đều mở cửa nhưng thực hiện quy định giữ khoảng cách an toàn. Khẩu trang được khuyến nghị sử dụng thay vì yêu cầu bắt buộc. Các sự kiện đông người cũng được phép diễn ra. Giải Australia mở rộng dự kiến đón 30.000 người hâm mộ quần vợt mỗi ngày kể từ khi bắt đầu vào ngày 8/2 tới.
Tiến sĩ Mackay, người đã làm việc chặt chẽ với quan chức chính phủ Australia, gọi đó là "cách tiếp cận thành công".
"Phong tỏa cho phép nhân viên truy vết tiếp xúc và y tế cộng đồng có thêm thời gian để đảm bảo có thể tiếp cận tất cả mọi người, thu thập đầy đủ thông tin và ngăn không để họ truyền bệnh cho người khác", ông nói.
Ông thêm rằng châu Âu mà Mỹ dường như thích "kiểu phong tỏa nửa vời", đồng thời đặt quá nhiều niềm tin vào vaccine mà không nhận ra rằng tác động của chúng đối với dịch bệnh là lâu dài chứ không phải tức thì.
Phần lớn châu Âu đều nhanh chóng mệt mỏi và sau đó thất bại trong cuộc chiến chống Covid-19 vì cách tiếp cận của họ, theo Damien Cave, biên tập viên của NYTimes. Một phân tích phản ứng đại dịch của 98 quốc gia mà Viện Lowy của Australia thực hiện cho thấy nhiều quốc gia châu Âu cách đây vài tháng từng đứng tốp đầu về khả năng ứng phó đại dịch. Anh, Pháp và một số quốc gia khác giờ đang tụt xuống cuối bảng xếp hạng, cùng với Mỹ.
"Họ chưa nỗ lực hết mình", Hervé Lemahieu, người đứng đầu nghiên cứu, nói. "Khi thu được chút thành tựu, họ vội thư giãn quá sớm".
Người dân đi xét nghiệm Covid-19 tại bệnh viện Royal Perth ở thành phố Perth hôm 1/2. Ảnh: NCA NewsWire.
Cho tới chiều 1/2, Tây Australia không báo cáo thêm bất kỳ ca nhiễm mới nào. Trong khu vực bị phong tỏa, cư dân nhanh chóng thích nghi. Khẩu trang mua từ nhiều tháng trước đã được sử dụng. Nhân viên của các viện dưỡng lão kêu gọi người nhà của cư dân cao tuổi tuân thủ các quy định an toàn.
Allan Thompson, chủ ngân hàng đầu tư ở Perth, cho biết ông là một trong số nhiều người nhanh chóng trở về nhà hôm 31/1 theo lời kêu gọi của Thủ hiến McGowan.
"Có những lúc chúng ta chỉ đứng trong một vũng nước nhỏ và nghĩ rằng mình sẽ chết đuối", Thompson nói. "Chúng ta phải nghĩ mình sẽ thoát khỏi nó. Chúng ta biết rằng điều tốt đẹp sẽ đến bằng cách làm điều đúng đắn vào khoảng thời gian đúng đắn".
Tới nhà bạn cách ly, bị chủ nợ của bạn bắt cóc nhầm Người đàn ông Hong Kong tới Đài Loan và cách ly tại nhà bạn mình, nhưng vô tình bị chủ nợ của bạn bắt cóc nhầm. Người đàn ông họ Chen tới Đài Loan vào cuối tháng 10. Anh này cách ly tại nhà một người bạn ở thành phố Nam Đầu. Vào đêm 1/11, đám người đòi nợ đột nhập vào nhà...