FDI trong bất động sản, bao nhiêu là thực?
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký trong lĩnh vực bất động sản đang tăng trong thời gian gần đây. Nhưng thay vì đem vốn từ bên ngoài vào, phần lớn vốn cam kết đầu tư tại nhiều dự án đó sẽ được huy động ngay tại VN.
Các nhà đầu tư ngoại rất quan tâm tới thị trường bất động sản của Việt Nam
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài trong 10 tháng qua đã đăng ký đầu tư vào 25 dự án bất động sản mới, và tăng vốn tại 8 dự án bất động sản đã được cấp phép trước đó. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cam kết trong lĩnh vực bất động sản từ đầu năm đến nay là 2,13 tỷ USD. Trong năm ngoái, lượng vốn đầu tư nước ngoài cam kết vào các dự án bất động sản cũng khá cao, đạt mức 2,8 tỷ USD. Bất động sản đang chính là một trong những lĩnh vực được nhà đầu tư nước ngoài cam kết đầu tư vào nhiều nhất, chỉ sau lĩnh vực công nghiệp.
Thực tế, các nhà đầu tư nước ngoài luôn được kỳ vọng sẽ mang vốn vào VN để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, cùng với đó là sự chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản lý và tạo việc làm. Tuy nhiên, với nhiều nhà đầu tư bất động sản nước ngoài, nguồn vốn chính được sử dụng cho các dự án đầu tư sẽ được huy động ngay tại thị trường VN. Có nghĩa rằng vốn cam kết FDI vào bất động sản từ đầu năm đến nay là 2,1 tỷ USD, thì lượng vốn thực mà nhà đầu tư nước ngoài mang vào VN sẽ ít hơn nhiều. Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài Việt Nam, cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng hoặc trung tâm thương mại có thể sẽ mang nhiều vốn từ bên ngoài vào trong nước. Nhưng với những dự án chung cư, hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài như Keppel Land, Capital Land, Gamuda đều đang huy động vốn từ chính người mua nhà để thực hiện cam kết đầu tư. Thực tế thì chuyện các nhà đầu tư nước ngoài huy động vốn trong nước để phát triển các dự án bất động sản không phải mới. Khi tiến hành xây dựng dự án Indochina Plaza, chủ đầu tư Indochina Capital đã ký hợp đồng tín dụng vay 44 triệu USD để đầu tư vào dự án, trong khi vẫn tiến hành huy động vốn từ người mua nhà.
CapitaLand, Cty phát triển bất động sản Singapore và Cty Hoàng Thành, năm 2009 cũng vay 60 triệu USD từ Vietinbank cho dự án Mulberry Lane tại Hà Nội. Ngay vào thời điểm hiện tại, liên doanh này cũng đang tiến hành huy động vốn của người mua nhà cho dự án Season Avenue nằm ngay bên cạnh Mulberry Lane.
Video đang HOT
Việc huy động vốn trong nước của nhà đầu tư nước ngoài thực tế không vi phạm các quy định pháp luật. Tuy vậy, theo ông Mại, mục đích thu hút dòng vốn từ bên ngoài vào trong nước của Chính phủ sẽ không đạt được. Khi đó, người được lợi sẽ chỉ là các nhà đầu tư, do thực hiện chiến lược “mỡ nó rán nó”. Hệ quả là, nếu như dự án nào đó khó huy động được vốn từ người mua nhà, nhà đầu tư sẽ dừng triển khai dự án, như trường hợp dự án Booyoung tại khu đô thị Mỗ Lao, Hà Nội.
Theo ông Mại, việc huy động vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản cần hạn chế, vì đây là lĩnh vực mà DN trong nước có thể thực hiện tốt.
Để tránh việc thu hút dòng vốn ồ ạt như trước, ông Mại cho rằng, điều quan trọng nhất trong việc thu hút FDI vào lĩnh vực bất động sản thời gian tới chính là lựa chọn được các nhà đầu tư chân chính theo 2 hướng vốn và công nghệ. Trong đó, ưu tiên cho các dự án áp dụng công nghệ xanh trong các tòa nhà để bảo vệ môi trường. Cùng với đó là hướng dòng vốn đầu tư bất động sản nước ngoài vào các dự án khách sạn, nghỉ dưỡng hơn là vào các khu đô thị.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
Bất động sản tiếp tục 'hút' dòng vốn đầu tư từ nước ngoài
9 tháng đầu năm 2015, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 3 về thu hút vốn đầu tư FDI với 19 dự án đầu tư mới và 7 lượt dự án tăng vốn.
Đó là số liệu vừa được đưa ra trong báo cáo tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài 9 tháng năm 2015 của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Theo đó, về lĩnh vực đầu tư, trong 9 tháng năm 2015, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực Kinh doanh bất động sản đứng thứ 3 với 19 dự án đầu tư mới và 7 lượt dự án tăng vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,81 tỷ USD.
Đứng đầu về thu hút FDI là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 737 dự án đầu tư đăng ký mới và 346 lượt dự án tăng vốn, với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 11,36 tỷ USD, chiếm 66,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với 2 với 5 dự án đăng ký mới và 3 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,6 tỷ USD, chiếm 15,3% tổng vốn đầu tư.
Theo ý kiến của các chuyên gia, dù trải qua thời gian thăng trầm kéo dài nhưng bất động sản Việt Nam vẫn đang khá hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh hoạt động đầu tư vào lĩnh vực bất động sản Việt Nam thông qua nhiều hình thức.
Ngoài ra, với việc luật Đất đai mới có hiệu lực từ ngày 01/07/2014, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ được giao đất cho việc đầu tư vào các dự án nhà ở để bán sẽ giúp thị trường bất động sản Việt Nam hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư. Việt Nam đang tiến hành đàm phán để gia nhập hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Một khi hiệp định được ký kết, đây cũng sẽ hỗ trợ sự tăng trưởng của nền kinh tế cả nước cũng như gia tăng dòng vốn FDI vào thị trường bất động sản nói riêng.
Số liệu của hệ thống thông tin về Đầu tư nước ngoài cũng cho thấy, tính đến ngày 20/9/2015 cả nước có 1.432 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 11,03 tỷ USD, tăng hơn 44,5% so với cùng kỳ năm 2014. Có 461 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 6,11 tỷ USD, tăng 72,6% so với cùng kỳ năm 2014.
Tính chung trong 9 tháng năm 2015, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 17,15 tỷ USD, tăng 53,4% so với cùng kỳ năm 2014.
Trong 9 tháng năm 2015 có sự tăng đột biến về đầu tư nước ngoài so với cùng kỳ năm 2014 là do trong tháng 8 và tháng 9 đã cấp phép một số dự án có tổng vốn đầu tư lớn như: Dự án Nhà máy điện Duyên Hải 2 với tổng vốn đầu tư là 2,4 tỷ USD của nhà đầu tư Malayssia đầu tư tại Trà Vinh: Dự án Công ty SamSung Display Việt Nam của Hàn Quốc với số vốn đầu tư tăng thêm là 3 tỷ USD dự án được đầu tư tại KCN Bắc Ninh.
Theo địa bàn đầu tư, đã có 58 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 5,74 tỷ USD, chiếm 33,5% tổng vốn đầu tư tại Việt Nam. Malaysia đứng vị trí thứ hai với số vốn là 2,4 tỷ USD chiếm 14,6% tổng vốn đầu tư, Vương quốc Anh đứng vị trí thứ ba với 19 dự án cấp mới và 2 dự án tăng vốn với tổng số vốn đầu tư là 1,27 tỷ USD chiếm 7,4% tổng vốn đầu tư, BritishVirginIslands đứng vị trí thứ tư với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,13 tỷ USD, chiếm 6,6% tổng vốn đầu tư.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
Chứng khoán Việt Nam sinh lời tốt nhất châu Á VN-Index là chỉ số chứng khoán tăng điểm mạnh nhất tại châu Á kể từ đầu năm nay nhờ được sự vững vàng của kinh tế Việt Nam che chắn trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc giảm tốc - Bloomberg dẫn lời các chiến lược gia cho biết. Hãng tin này cũng dự báo thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ sớm...