F0 từng nguy kịch: ‘Được sống là kỳ tích, tôi cứ ngỡ mình đã chết’
Anh Danh Hoàng Xa là một trong 17 bệnh nhân Covid-19 từng tiên lượng nặng, nguy kịch tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 vừa được trao giấy xuất viện.
Anh Danh Hoàng Xa (30 tuổi, công nhân ở quận 7, TP.HCM) bước nhanh về phía bậc thang, đứng sát cổng Bệnh viện Hồi sức Covid-19, hít lấy hít để khí trời.
Hơn một tuần kể từ ngày hôn mê vì Covid-19, lần đầu tiên anh được nhìn thấy mặt trời, thứ ánh sáng gần như xa xỉ với những F0 nguy kịch, phải chiến đấu từng phút trong phòng hồi sức tích cực.
24 giờ trước khi nguy kịch vì Covid-19
Cuối tháng 6, khu nhà trọ của anh Xa bất ngờ bị phong tỏa do liên quan ca mắc Covid-19. Bất đắc dĩ trở thành F1, nam công nhân phải nghỉ việc để vào Bệnh viện quận 7 cách ly suốt 23 ngày.
Hoàn thành cách ly với kết quả âm tính với SARS-CoV-2, anh trở về nhà trọ. Cùng thời gian này, TP.HCM triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 cho công nhân tại khu chế xuất Tân Thuận. Anh Xa vui mừng khi nằm trong danh sách được ưu tiên tiêm vaccine.
Sau 3 ngày sốt do phản ứng phụ của vaccine, anh Xa trở lại công ty và bắt đầu công việc. Tuy nhiên, sau một tuần, nam công nhân tiếp tục sốt, ho không ngừng. Linh cảm không lành, anh tìm đến nhiều bệnh viện đề nghị được test nhanh Covid-19 nhưng thời điểm này không được xét nghiệm.
“Tôi gom ít quần áo bỏ vào balo rồi chạy lên công ty xin được test nhanh. Kết quả dương tính. Tôi không bất ngờ vì đã gần như chắc chắn mình nhiễm virus. Nếu mắc bệnh, cơ thể thay đổi rõ lắm, ai nhiễm sẽ biết”, anh Xa nói.
Trên đường đến Bệnh viện dã chiến số 3 (An Khánh, TP Thủ Đức), dù cơ thể đang sốt và nóng bừng, anh Xa vẫn tỉnh táo huýt sáo, sát mặt vào kính xe để ngắm thành phố.
Tuy nhiên, chỉ sau vài giờ chuyển đến phòng bệnh viện dã chiến, nam công nhân dần đuối sức. Bụng đói cồn cào nhưng anh phải bỏ dở phần cơm vì không nhận biết được mùi vị.
“Người tôi nóng như lửa đốt, mặt nóng, cả mắt cũng nóng rát. Hơi thở bắt đầu gấp, tôi càng gắng sức để thở càng thấy đuối sức, phải thở dốc. Tôi nhớ lúc đó mình đã bấm số gọi cho nhân viên y tế, họ lên khám cho tôi, đo SpO2 rồi sau đó tôi lơ mơ”, anh kể.
Thời điểm anh Xa rơi vào suy hô hấp, các bác sĩ Bệnh viện dã chiến số 3 đã liên lạc bác sĩ Trần Thanh Linh và được chấp thuận chuyển đến Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, TP Thủ Đức).
Hồi sinh
“Trong thời gian thở oxy tại phòng Cấp cứu của bệnh viện dã chiến, tôi bấm máy gọi về cho gia đình vì sợ sẽ không thể qua khỏi. Tôi nghe rõ tiếng khóc của cha mẹ, anh chị em ở đầu dây bên kia. Sau đó, tôi chỉ còn nghe tiếng alo của mẹ. Nghe rõ bên tai nhưng mắt nhắm nghiền, không còn sức để trả lời”, nam công nhân kể lại giây phút trước khi hôn mê.
Anh Danh Hoàng Xa nhận giấy ra viện từ Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn. Ảnh: Duy Hiệu.
Tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19, anh Xa được hỗ trợ thở oxy dòng cao kết hợp truyền thuốc liên tục và chăm sóc tích cực. May mắn do thể trạng khỏe, không có bệnh lý nền, nam công nhân vượt qua cửa tử sau một tuần điều trị tại phòng Hồi sức cấp cứu.
“Tỉnh lại, tôi thấy quanh mình quấn đầy dây dợ. Những ngày sau đó, cơ thể tôi bất động, mọi việc phải nhờ điều dưỡng chăm sóc. Có lần tôi chảy nước mắt vì chị điều dưỡng lấy từng túi nylon cho tôi đi vệ sinh, sau đó dọn dẹp tất cả. Sao mà họ tốt với tôi quá”, người đàn ông quê Sóc Trăng thật thà nói.
Ngày 26/7, anh Danh Hoàng Xa chính thức xuất viện sau khoảng một tuần điều trị. Anh là một trong 17 bệnh nhân Covid-19 từng tiên lượng nặng, nguy kịch tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 được trao giấy ra viện.
“Được sống là kỳ tích, tôi cứ ngỡ mình đã chết. Tôi như tái sinh lần 2. Không có y bác sĩ tôi đã không thể qua khỏi”, anh nói.
Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Phó giám đốc Bệnh viện hồi sức Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu.
Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Phó giám đốc Bệnh viện hồi sức Covid-19, cho biết bệnh nhân Xa cùng nhiều người khác từng trải qua giai đoạn rất nặng, thậm chí nguy kịch tính mạng. Ngày xuất viện của các bệnh nhân là “quả ngọt” giúp nhân viên y tế có thêm động lực để chăm sóc, điều trị cho hàng trăm người đang nguy kịch.
Theo bác sĩ Linh, có những bệnh nhân rất nặng, tình trạng nguy kịch phải thở máy, đặt ống thở…, trong tình thế nhân lực chuyên môn chưa đáp ứng, nhân viên y tế phải gồng gánh công việc của nhau. Đội cấp cứu lưu động phải di chuyển liên tục đến các bệnh viện tuyến dưới để can thiệp, sau đó đưa bệnh nhân về điều trị.
“Mỗi ngày, chúng tôi phải đối đầu với sự sống và cái chết, chạy đua với tình trạng nguy kịch của người bệnh. Và khi họ hồi phục, được rút ống thở, không còn gì hạnh phúc bằng, quên hết mọi mệt mỏi”, bác sĩ Trần Thanh Linh chia sẻ.
Thông tin từ Bộ Y tế sáng 1/8, cả nước có 441 bệnh nhân Covid-19 diễn tiến nặng đang phải điều trị tại phòng Hồi sức cấp cứu. Trong đó, số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 21.
Hôm qua, Việt Nam 3.250 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Như vậy đến nay, tổng số người khỏi Covid-19 và xuất viện tại Việt Nam là 38.734. Theo quy định của Bộ Y tế, sau khi được công bố khỏi bệnh, những người này sẽ tiếp tục cách ly tại nhà, tự theo dõi sức khỏe và báo ngay với cơ quan y tế khi có biểu hiện bất thường.
Bệnh nhân nặng khỏi Covid-19: Tôi như được sống lần hai .Chiều 26/7, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM trao giấy ra viện cho 17 bệnh nhân hồi phục hoàn toàn, đủ kiều kiện xuất viện.
'Bác sĩ 91': Chúng tôi không cho phép mình dừng lại, không được buông xuôi
BS Trần Thanh Linh - người điều trị cho phi công người Anh (BN91) cùng đồng nghiệp luôn sẵn sàng, không cho phép bản thân dừng lại, không dược buông xuôi.
Sau gần 20 ngày chính thức nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19, bác sĩ chuyên khoa II Trần Thanh Linh - Phó Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, kiêm Phó Giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 tóc bạc thêm nhiều và trông già hơn.
Không có khái niệm cuối tuần
BS Linh được biết đến biệt danh là "bác sĩ 91" sau khi cứu sống bệnh nhân phi công người Anh (BN91).
Qua 4 đợt dịch bùng phát, bác sĩ Linh có mặt ở hầu hết những điểm nóng cam go nhất như Đà Nẵng, Gia Lai, Kiên Giang và gần nhất là Bắc Giang. Đến khi những bệnh nhân nặng ở đây giảm đáng kể thì TP.HCM bất ngờ bùng phát nhiều ca bệnh phức tạp. Vị bác sĩ tức tốc bàn giao nhiệm vụ cho đồng nghiệp để từ Bắc Giang trở lại TP.HCM tiếp ứng.
Bác sĩ Trần Thanh Linh.
BS Linh coi đây là "trận chiến lớn nhất cuộc đời làm nghề y của mình và cũng mong nó sẽ là trận chiến cuối cùng". Đợt điều trị tại TP.HCM lần này thật sự là thách thức rất lớn.
Theo BS Linh, đội ngũ y bác sĩ không biết hôm nay là thứ mấy, cũng không biết ngày mấy, không có nghỉ, không biết ngày cuối tuần.
"Bởi vì ngày nào cũng như ngày nào, hôm qua chúng tôi cũng làm như vậy, hôm nay chúng tôi cũng làm như vậy. Mỗi buổi sáng, anh em vào tiếp nhận, vận chuyển bệnh nhân và cố gắng lao vào chăm sóc cho bệnh nhân. Nên chúng tôi không có khái niệm hôm nay là cuối tuần hay bất cứ ngày gì nữa" , BS Linh chia sẻ.
Bác sĩ Trần Thanh Linh đang điều trị cho bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19.
Trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, BS Linh cho biết, có nhiều lúc, những tin nhắn hay lời động viên của gia đình, người thân BS cũng không có thời gian để đọc.
" Chỉ biết có những đêm chúng tôi vào đây là vì ráng giải phóng bệnh, nhiều bệnh nhân khác đang xếp hàng, chúng tôi ráng giải phóng bệnh lên các lầu trại. Như vậy, các anh em lầu trại cũng sẽ tiếp tục ráng nhận bệnh của mình, để mình có thể tiếp tục nhận bệnh của người khác ", BS Linh tâm sự.
Không cho phép được bỏ cuộc
Vất vả là thế nhưng BS Linh chưa bao giờ tỏ ra kiệt sức hay xuống tinh thần. " Không để cho mình có khoảng thời gian để nghĩ tới những chuyện khác và giành thời gian đó để nghe điện thoại nhận bệnh nhân. Vì chúng tôi không nhận được thì những bệnh nhân ở các bệnh viện dã chiến hay các tuyến cơ sở họ không có điều kiện, họ không thể làm gì hơn được nên mình phải cố gắng nhận thôi ", BS Linh nói
TP.HCM đang yêu cầu người dân không ra đường từ 18h hôm trước đến 6h sáng hôm sau, có những đêm bác sĩ đi cấp cứu làm ECMO cho BN chuyển nặng, thấy cảnh Sài Gòn vắng lặng, "bác sĩ 91" cảm thấy đau lòng.
Các bác sĩ và điều dưỡng tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 nghỉ ngơi ngay hành lang sau những giờ làm việc căng thẳng.
" Thật sự mọi người rất mệt mỏi, có những lúc rất đuối nhưng mà không cho phép mình được dừng lại, không cho phép chúng ta phải bỏ cuộc, không cho phép mình buông xuôi.
Các anh em cứ động viên nhau, còn bệnh nhân đó, còn những người nặng đó thì mọi người không phải là bệnh viện này hay bệnh viện kia mà cùng nắm tay lại với nhau, cùng với nhau vì người bệnh, phải ráng làm sao tiếp nhận được nhiều bệnh nhân nhất, phải ráng làm sao có thể cứu được nhiều bệnh nhân nhất" , BS Linh xúc động nói.
Cũng theo các y bác sĩ tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19, nơi đây không có ranh giới công việc hay khái niệm thời gian. Khi vào "cuộc chiến", tất cả chỉ có một lòng quyết tâm cứu sống và điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Nhật Bản hỗ trợ 25 tỷ đồng thiết bị y tế giúp TPHCM chống Covid-19 Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) thông báo sẽ hỗ trợ trang thiết bị y tế khẩn cấp với tổng trị giá 25 tỷ đồng cho Bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh để chống dịch Covid-19. Các bác sĩ làm việc bên trong Bệnh viện Hồi sức Covid-19, Thành phố Thủ Đức (Ảnh minh họa: Hải Long)....