F0 tràn ngập trường học: Cô giáo bật khóc vì lớp chỉ có 3 học sinh
“Tôi không nghĩ lại có ngày, một giáo viên chỉ đứng lớp với 3 em, trong khi sĩ số lớp khi đông đủ lên tới con số 45-46, đa phần giáo viên chúng tôi đều buồn và rệu rã”.
Đó là chia sẻ của cô giáo T.D. trường THCS trên địa bàn quận Lê Chân, Hải Phòng với PV Dân trí.
Học sinh sát khuẩn tay trước khi vào lớp học (Ảnh: DT).
Chán nản vì sĩ số lớp giảm do F0 tăng nhanh
Tại nhiều tỉnh thành, sau khoảng thời gian ngắn đón học sinh trở lại trường đã ghi nhận số ca F0 tăng vọt, dịch bệnh đã lây lan vào khắp các trường học. Lo lắng, bất an là tâm lý chung của nhiều học sinh, phụ huynh cũng như giáo viên trên cả nước hiện nay.
Đã 1 ngày trôi qua kể từ khi em Doãn Huy – học sinh lớp 12 tại Hải Phòng có kết quả test nhanh dương tính với Covid-19. Em bắt đầu có các biểu hiện mệt mỏi, đau đầu và ho.
Sau khi biết mình nhiễm bệnh, Huy thông báo tới giáo viên chủ nhiệm và nhận được một tài khoản học trực tuyến trong khoảng thời gian cách ly tại nhà.
Không chỉ Huy, lớp 12A8 mà em đang theo học cũng ghi nhận thêm 6 học sinh dương tính với Covid-19. Sĩ số lớp ban đầu là 38, bây giờ chỉ còn 12 em tham gia học trực tiếp do phần đông học sinh thuộc diện F0, số còn lại là F1 đang thực hiện cách ly.
“Trong nhóm lớp, 12 bạn đang học trực tiếp liên tục “than trời” vì đến lớp vắng vẻ, mỗi ngày đến trường không còn là một ngày vui.
Bản thân em ở nhà học trực tuyến cũng gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh việc thay đổi tâm lý, việc học của em cũng không khả quan vì cô giáo vừa phải dạy trực tiếp, vừa phải phát qua live nên âm thanh ồn, nhiều vấn đề chưa hiểu em cũng không thể hỏi cô” – Huy tâm sự.
Con gái học lớp 8, phụ huynh Hoàng Thị Thanh (Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay, chỉ sau 2 tuần học trực tiếp, số học sinh trong lớp con giảm dần. Hai ngày trở lại đây, số học sinh đến lớp chỉ dừng lại ở con số 9; bởi có đến 15 bạn là F0, còn lại là F1 nên đều chuyển sang học trực tuyến. Tính tới thời điểm hiện tại, con gái chị Thanh vẫn “tạm an toàn” và tới lớp.
Video đang HOT
“Con tới lớp, cả nhà âu lo. Nhiều hôm đi học về, con nói con lo lắm, tim cứ thắt lại vì bất an do trong lớp ghi nhận nhiều ca dương tính.
Điều tôi mong mỏi nhất bây giờ là nhà trường chuyển đổi hoàn toàn hình thức dạy học sang trực tuyến. Dẫu biết đến trường là quan trọng, giúp trẻ phát triển đầy đủ, nhưng thử hỏi trong bối cảnh hiện tại, con trẻ phát triển ra sao khi đến lớp thì vắng vẻ, tâm lý thì bất ổn do tình hình dịch bệnh?”.
Trong cuộc họp trực tuyến về công tác mở cửa trường học, đại diện UBND TP Hải Phòng khẳng định, tinh thần chung không chủ quan, không sợ hãi, không đóng cửa, “kể cả có một học sinh đi học trực tiếp trở lại vẫn mở cửa trường học”. Thực tế, nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Hải Phòng cũng đang thực hiện phương châm “dù lớp học còn 1 học sinh vẫn học bình thường”.
Giảng dạy tại một trường THCS trên địa bàn quận Lê Chân, Hải Phòng, nhà giáo Trần T.D. tâm sự, những ngày gần đây, cô cảm thấy buồn bã, chán nản khi sĩ số lớp liên tục giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Nhiều hôm, cô D. bật khóc khi bước vào lớp, chỉ có 3 học sinh đứng lên chào cô giáo. “Tôi không nghĩ lại có ngày, một giáo viên chỉ đứng lớp với 3 em, trong khi sĩ số lớp khi đông đủ lên tới con số 45-46. Mặc dù vẫn thực hiện phương châm “dù 1 học sinh đến lớp vẫn dạy bình thường” nhưng đa phần giáo viên chúng tôi đều buồn và rệu rã”.
Không chỉ vất vả vì vừa phải duy trì lớp học trực tiếp, vừa dạy lớp trực tuyến, nhà giáo T.D. chia sẻ, đôi khi, cô và nhiều thầy cô trong trường cũng cảm thấy áp lực khi phải gồng gánh, thực hiện dạy thay do nhiều giáo viên trong trường cũng nhiễm Covid-19.
“Thực tế hơn một tuần qua, trường tôi thiếu giáo viên dạy thể dục do có tới 2 trên 3 thầy giáo dạy thể dục nhiễm Covid-19. Như vậy, thầy giáo thể dục duy nhất còn khỏe mạnh sẽ “kiêm” việc dạy trực tiếp của hai thầy F0 còn lại.
Vừa ít giáo viên, vừa ít học sinh, đôi khi trong giờ thể dục, giáo viên phải thực hiện ghép lớp bởi nếu dạy riêng lẻ thì ít quá. Ấy thế mà đôi khi cũng xảy đến trường hợp “dở khóc dở cười” như khi ghép cả 2 lớp, sĩ số vẫn chỉ dừng ở mức 10 học sinh”.
“Một học sinh đến trường vẫn học trực tiếp” không thực sự hiệu quả?
Theo nhà giáo Trần T.D., mở cửa trường học là điều cần thiết, song quá trình thực hiện cần ứng phó linh hoạt, phù hợp với thực tế từng địa phương. Từ quá trình giảng dạy, cô D. cho rằng, khi đa số học sinh trong lớp mắc Covid, chỉ còn lại vài em nhưng vẫn yêu cầu đến trường học trực tiếp không thực sự hiệu quả.
“Trẻ chỉ vui và học tập hiệu quả khi đến trường được gặp đầy đủ bạn bè, thầy cô. Thử hỏi trong bối cảnh hiện tại, sĩ số lớp gần 40 em mà đã có quá nửa học sinh phải ở nhà do nhiễm bệnh, thậm chí có trường hợp lớp chỉ vỏn vẹn có 3-4 em tới lớp; thì việc đến trường khi ấy có cần thiết, đem lại hiệu quả hay không?”.
Cô T.D. nêu quan điểm, việc đến trường trong hoàn cảnh “ nóng” như hiện tại sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho cô, trò, thậm chí cả gia đình người dạy và học. Do đó, thay vì mãi cứng nhắc tư duy “dù 1 học sinh đến lớp vẫn dạy trực tiếp”, nhà trường cần có sự điều chỉnh linh hoạt, ứng biến phù hợp việc dạy trực tuyến hay trực tiếp dựa trên tình hình cụ thể ở phạm vi lớp học, trường học, sau đó là địa phương.
Nhà giáo Trần N.V. (giáo viên một trường liên cấp trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng đồng tình với quan điểm này. Giảng dạy học sinh khối 3-4, hiện tại, cô V. vẫn dạy trẻ theo hình thức online. Dù không phải tới lớp và trực tiếp chứng kiến cảnh lớp học chỉ “một cô, vài trò”; song nhà giáo này không khỏi xót xa khi nghe đồng nghiệp – những thầy cô dạy các lớp trung học, phổ thông kể về tình huống “dở khóc, dở cười” ấy.
“Trước kia, việc yêu cầu cả lớp, thậm chí cả trường nghỉ học khi vừa phát hiện một vài ca F0 là cách làm cực đoan. Song ngược lại, quyết tâm tổ chức dạy học trực tiếp bằng mọi giá dù số học sinh đủ điều kiện đến lớp chỉ là số có phần cứng nhắc ở thời điểm hiện tại.
Đến trường, thích nghi với dịch bệnh là cần thiết, song việc thực hiện cần áp dụng linh hoạt tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh, tránh gây áp lực, nguy cơ cho cả học sinh và giáo viên.
Một số quy tắc phòng dịch tại trường học đã được hướng dẫn cụ thể, tuy nhiên nhiều cơ sở giáo dục vẫn chưa đủ điều kiện thực hiện, trong đó có việc đảm bảo giãn cách để hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Tại những nơi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, các trường cần tính đến việc cho chuyển hẳn sang hình thức online nếu số lượng học sinh đến lớp quá ít, hay giảm tải chương trình, đầu tư chú trọng vào những nội dung kiến thức trọng tâm để giảm thiểu thời gian học trực tiếp cho giáo viên, học sinh. Theo tôi, Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn cụ thể để các trường học thực hiện đồng bộ, giáo viên như chúng tôi cũng trở nên an tâm”.
Giảng dạy tại một trường THCS ở ngoại thành TP Hải Phòng, giáo viên Khổng Thị Hà cho hay, trước diễn biến căng thẳng của dịch bệnh, nhà trường đã mở cuộc họp phụ huynh theo hình thức online, ghi nhận ý kiến của các bậc cha mẹ.
Theo đó, bên cạnh những em thuộc diện F0, F1 phải cách ly tại nhà, thì phần đông phụ huynh bày tỏ mong mỏi cho con em dù sức khỏe vẫn ổn định được học tại nhà để giảm bớt lo lắng.
“Chúng tôi tôn trọng ý kiến của phụ huynh. Vậy ngoài trường hợp F0, F1; những học sinh còn lại có thể đến lớp học trực tiếp hoặc ở nhà học trực tuyến, tùy thuộc vào yêu cầu của cha mẹ học sinh.
Trong trường hợp học sinh vẫn mong muốn con được tới lớp, chúng tôi vẫn thực hiện công tác giảng dạy, dù trong lớp chỉ có 5 em, 3 em hay 1 em. Tuy nhiên hai ngày trở lại đây, các lớp đã chuyển sang học trực tuyến do F0 tăng mạnh, và số học sinh còn lại được phụ huynh yêu cầu ở nhà học online”.
Hà Nội: Chuẩn bị đón học sinh trở lại trường học sau kỳ nghỉ Tết
Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội, các quận, huyện, thị xã và các trường học trên địa bàn TP đã và đang khẩn trương hoàn thiện các phần việc cuối cùng trong công tác chuẩn bị, sẵn sàng đón học sinh trở lại trường học theo kế hoạch.
SKĐS - Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, dự kiến đến ngày 7/2, cả nước sẽ có tổng số 17.124.278 học sinh được đến trường, chiếm tỉ lệ 75,71%.
Theo kế hoạch đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, từ ngày 8/2/2022, học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 thuộc các trường THCS, THPT, Trung tâm GDNN - GDTX, các trường trung cấp, cao đẳng, học viện có liên kết dạy văn hóa kết hợp dạy nghề trên địa bàn thành phố sẽ trở lại trường học trực tiếp.
Nhằm thích ứng linh hoạt với dịch COVID-19, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho học sinh, các trường học trên cả nước đang khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để tổ chức dạy học trực tiếp sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Để chuẩn bị đón học sinh trở lại trường học trực tiếp từ ngày 8/2/2022, các đơn vị đã huy động cán bộ, giáo viên, nhân viên đến trường tổ chức vệ sinh, phun khử khuẩn.
Cùng với các địa phương, ngành GD&ĐT Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp, nỗ lực đưa học sinh trở lại trường học an toàn, duy trì bền vững việc dạy học trực tiếp, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2021-2022. Sở GD&ĐT Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị, trường học chuẩn bị chu đáo, đầy đủ các điều kiện cần thiết, bảo đảm an toàn cho học sinh.
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, hầu hết các đơn vị đã huy động cán bộ, giáo viên, nhân viên đến trường tổ chức vệ sinh, phun khử khuẩn; rà soát các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc tổ chức dạy học trực tiếp. Các trường THCS cũng đã sắp xếp thời khóa biểu phù hợp, bảo đảm việc tổ chức dạy học song song theo hai hình thức: Dạy học trực tuyến đối với học sinh lớp 6 và dạy học trực tiếp đối với học sinh từ lớp 7 trở lên.
Để chuẩn bị tốt nhất cho học sinh trở lại trường học, trong những ngày qua, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, kế hoạch tổ chức dạy học từ ngày 8/2/2022 đối với học sinh từng khối lớp đã được thông báo cụ thể. Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các nhà trường chủ động xây dựng phương án chi tiết, phù hợp và có kịch bản xử lý tình huống nếu có F0, F1 tại lớp học, trường học để bảo đảm an toàn ở mức cao nhất cho học sinh.
"Việc dạy học trực tiếp chỉ tổ chức ở địa bàn phường, xã có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2. Nếu học sinh cư trú ở địa bàn phường, xã có mức độ dịch cấp độ 3, cấp độ 4 thì ở nhà học trực tuyến. Yêu cầu chung đối với các nhà trường là chỉ tổ chức dạy học trực tiếp 1 buổi/ngày và không tổ chức ăn bán trú, căng tin trong trường", ông Trần Thế Cương lưu ý.
Mới đây, Bộ Y tế vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh/thành phố về việc bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID-19 khi tổ chức dạy, học trực tiếp. Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh/thành phố khẩn trương chỉ đạo thực hiện một số nội dung cụ thể: Căn cứ vào việc đánh giá cấp độ dịch của địa phương (đến tận địa bàn cấp xã) để chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể sớm đưa học sinh trở lại trường để tổ chức dạy học trực tiếp.
Sở GD&ĐT, Sở Y tế, các sở, ngành liên quan và UBND các cấp khẩn trương xây dựng các phương án, kịch bản chi tiết, cụ thể và tổ chức diễn tập xử lý các tình huống xảy ra trong quá trình tổ chức dạy, học trực tiếp; hướng dẫn, yêu cầu các cơ sở giáo dục phải có các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn, quy định về "Đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19" tại Phụ lục 1, Phụ lục 2 ban hành kèm theo Công văn số 4726/BGDĐT-GDTC của Bộ GD&ĐT.
Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Y tế khẩn trương triển khai các hoạt động tập huấn cho đội ngũ nhân viên y tế trường học, hiệu trưởng và giáo viên về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 khi đưa học sinh trở lại trường học trực tiếp.
Sở GD&ĐT, các sở, ngành liên quan và UBND các cấp tăng cường các hoạt động tuyên truyền cho học sinh, cha mẹ học sinh tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của ngành Giáo dục và ngành Y tế.
Sở Y tế các địa phương chủ trì phối hợp với Sở GD&ĐT bảo đảm mỗi cơ sở giáo dục đều có đầu mối cơ sở y tế phối hợp chặt chẽ với cơ sở giáo dục và cùng cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm về chuyên môn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại trường học.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: 'Sớm đưa học sinh trở lại trước 14/2' Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 28/1, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đã thông tin cụ thể về lộ trình mở cửa trường học. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hoàng Minh Sơn phát biểu tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2022. Theo thứ trưởng Hoàng Minh Sơn,...