F-16 bắn rơi Su-24: khi Erdogan thách thức Putin
Vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiến đấu cơ Su-24 của Nga ở khu vực biên giới với Syria ngày 24.11 là điều trước sau gì cũng xảy đến.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan (trái) và Tổng thống Putin – Ảnh: Reuters
Syria đã trở nên một chiến trường hỗn loạn, nơi các cường quốc khu vực và thế giới chen vai thích cánh can thiệp trực tiếp hoặc thông qua các nhóm ủy nhiệm. Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có những lợi ích hoàn toàn đối lập. Nga hậu thuẫn chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad, còn Thổ Nhĩ Kỳ không che giấu ý định muốn hạ bệ nhà lãnh đạo này để lập nên một chế độ thân Ankara thông các nhóm nổi dậy mà họ chống lưng.
Sự va chạm của niềm kiêu hãnh
Với quá khứ đế quốc lâu đời, hai cường quốc ở lục địa Âu-Á này có những khu vực ảnh hưởng chồng lấn ở nhiều nơi như Balkan, Caucasus, Trung Á và Trung Đông. Chính điều này khiến đế quốc Ottoman, mà Thổ Nhĩ Kỳ nhận là hậu thân, và đế quốc Nga liên tục giao tranh trong gần 500 năm, từ thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 20. Ngày nay, cả Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đều có hai lãnh đạo đầy cá tính là Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Vladimir Putin. Cả hai đều là những người kiêu hãnh với tham vọng lớn lao về di sản và thường là mục tiêu chỉ trích của phương Tây vì cách hành xử mạnh tay đối với giới đối lập trong nước trong nỗ lực củng cố quyền lực.
Với Ankara, cuộc nội chiến ở Syria tạo ra những thách thức nhưng cũng mang lại cơ hội để mở rộng tầm ảnh hưởng ở khu vực Cận Đông. Đây là lý do khiến Thổ Nhĩ Kỳ ráo riết vận động lật đổ Tổng thống Assad và thay thế bằng một chính quyền của người Hồi giáo Sunni. Thổ cũng liên tục đề xuất thành lập hành lang an toàn bên kia biên giới để giải tỏa áp lực từ dòng người tị nạn cũng như tạo thuận lợi cho việc hậu thuẫn các nhóm nổi dậy và kiềm chế người Kurd.
Nhưng chiến dịch can thiệp quân sự của Nga đã phá vỡ các toan tính của Thổ. Hơn thế nữa, Nga không ngần ngại không kích các nhóm nổi dậy mà Moscow cho là khủng bố ở sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Một trong số các nhóm nổi dậy bị oanh kích đó là các lữ đoàn người Syria gốc Thổ mà Ankara cho rằng mình có trách nhiệm bảo trợ. Chính việc không kích các nhóm này khiến chiến đấu cơ Nga thường xuyên bay lạc sang không phận Thổ.
Với một nhà lãnh đạo cá tính cương cường như Tổng thống Erdogan, đây là điều không thể chấp nhận. Rõ ràng vụ bắn hạ chiến đấu cơ Nga không phải là một sự cố mà được thực hiện dưới chỉ thị từ cấp lãnh đạo cao nhất ở Ankara. Và nguyên do chắc chắn không phải là vài giây bay vào không phận của chiến đấu cơ Nga, như báo chí Nga đã trích lại phát biểu của Tổng thống Erdogan vào năm 2012 khi Syria bắn hạ một chiến đấu cơ F-4 của Thổ: “Một sự vi phạm biên giới thoáng qua không phải là cái cớ để tấn công”.
Video đang HOT
Vụ bắn hạ là một thông điệp mà ông Erdogan muốn gửi đến Moscow, là một cuộc nắn gân được đẩy lên một tầm mức mới, trước những vụ việc được Ankara xem là sự khiêu khích và làm bẽ mặt người Thổ. Vụ bắn hạ cho thấy Ankara sẵn sàng hành động và gánh nhận hậu quả nếu những cảnh báo của họ bị phớt lờ. Nó không đơn giản là biểu hiện của sự xung đột lợi ích và tầm ảnh hưởng mà còn là câu chuyện đối đầu của hai nhà lãnh đạo cứng rắn và rất xem trọng vấn đề thể diện.
Ngược lại, một khi Erdogan đã quăng chiếc găng tay thách đấu thì Putin không thể chỉ đưa ra những tuyên bố suông.
Một cuộc gặp giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan (trái) và Tổng thống Putin tại Điện Kremlin – Ảnh: Reuters
Tình thế hiểm nghèo
Mặc dù hậu quả không thể lường được của một cuộc đối đầu toàn diện sẽ khiến hai phía không khai chiến, cuộc chiến ủy nhiệm giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga chắc chắn sẽ leo thang nghiêm trọng. Với Tổng thống Putin, cái chết của các phi công Su-24 và một lính thủy Nga tham gia cứu nạn càng khiến ông khó lòng thoái lui, đặc biệt sau khi đưa ra những tuyên bố về hậu quả nghiêm trọng.
Vấn đề thể diện của cả hai chính là điều nguy hiểm nhất đối với tình hình hiện nay. Nga đã khuyến cáo các công dân không đến Thổ Nhĩ Kỳ và kêu gọi các hãng du lịch ngưng nhận khách đến Thổ. Trong năm 2014, có 3 triệu lượt khách Nga thăm Thổ Nhĩ Kỳ, chiếm gần 20% số du khách nước ngoài. Dù vậy, sự trừng phạt về kinh tế rõ ràng chưa đủ thỏa mãn cơn phẫn nộ của Tổng thống Putin và nhiều biện pháp khác sẽ được thi hành.
Các tay súng thuộc lực lượng nổi dậy người Syria gốc Thổ ở biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ – Ảnh: Reuters
Hậu quả lập tức sẽ được nhìn thấy ở Syria. Tiến trình tìm kiếm giải pháp hòa bình và thành lập liên minh chống IS sẽ bị ngưng trệ bởi Nga sẽ không chấp nhận ngồi chung bàn đàm phán hoặc hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ và những nhóm nổi dậy bị cáo buộc bắn chết phi công Nga, tấn công trực thăng giải cứu của Nga.
Ngược lại, Nga rất có thể sẽ tăng cường không kích các nhóm nổi dậy ở phía bắc Syria, cả những lữ đoàn gốc Thổ, cũng như hậu thuẫn cho các nhóm dân quân người Kurd chống Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục tiến tới với kế hoạch thiết lập vùng an toàn dọc biên giới ở phía bắc Syria để kiềm chế người Kurd và chi viện cho các nhóm nổi dậy được họ hậu thuẫn.
Trên thực tế, Nga đã điều tàu tuần dương Moskva áp sát bờ biển Lakatia để bảo vệ vùng trời ở biên giới. Những chiếc tiêm kích cũng sẽ được triển khai yểm trợ mọi sứ mệnh cường kích gần khu vực biên giới và ngăn chặn một vụ bắn hạ khác tái diễn. Việc Moscow cắt đứt liên lạc quân sự với Ankara càng khiến nguy cơ không chiến giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ dễ dàng xảy ra.
Mục tiêu của cộng đồng thế giới, gồm cả các thành viên NATO khác, là tháo ngòi nổ đối đầu giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Nhưng cả hai nhà lãnh đạo Erdogan và Putin đều là những nhân vật kiêu hãnh, nên e rằng một mẫu số chung để cả hai đều có thể giữ thể diện sẽ không dễ được tìm thấy và điều này đặt hòa bình thế giới vào một tình thế hiểm nghèo.
Công Chính
Theo Thanhnien
NATO ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ trong vụ bắn Su-24 của Nga
NATO đã đứng về phía Thổ Nhĩ Kỳ trong vụ việc tiêm kích F-16 của nước thành viên này bắn hạ chiến đấu cơ Su-24 của Nga.
NATO ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ trong vụ bắn hạ Su-24 của Nga - Ảnh: Reuters
Theo yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ, khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 24.11 đã nhóm họp phiên họp bất thường sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiến đấu cơ của Nga, Reuters ngày 25.11 đưa tin.
Tiêm kích F16 của Mỹ tại căn cứ Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ; hai nước này là thành viên chủ chốt trong khối NATO - Ảnh: AFP
Phát biểu tại cuộc họp báo ngay sau phiên họp khẩn, Tổng thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg, đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên chủ chốt của khối này. Ông Stoltenberg nói: "Chúng tôi đoàn kết với Thổ Nhĩ Kỳ và ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của đồng minh chúng tôi".
Liên quan đến chi tiết gây tranh cãi về việc chiến đấu cơ Su-24 của Nga có xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ hay không, Tổng thư ký NATO đã bác bỏ quan điểm cho rằng vụ việc xảy ra bên ngoài khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Ông khẳng định: "Những đánh giá của liên minh phù hợp với những thông tin mà chúng tôi nhận được từ Thổ Nhĩ Kỳ".
Tổng thư ký NATO cho biết thêm, ông hi vọng sẽ có các cuộc tiếp xúc giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời kêu gọi các bên bình tĩnh và giảm bớt căng thẳng để giải quyết vụ việc này.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ, khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ có quyền bảo vệ không phận của mình, đồng thời mỉa mai chính sách của Nga đối với cuộc chiến chống khủng bố cũng như cuộc xung đột ở Syria.
Ngọc Mai
Theo Thanhnien
F-16, thủ phạm bắn hạ Su-24 của Nga Cả Bộ Quốc phòng Nga và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đều tuyên bố rằng chính tiêm kích F-16 của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ chiến đấu cơ Su-24 của Nga vào ngày 24.11. Một chiếc tiêm kích F-16 của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh: Reuters Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định tiêm kích F-16 của Thổ...