EU xác định 7 nước thành viên vi phạm quy định ngân sách
Ngày 26/7, Hội đồng châu Âu đã đưa 7 nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) vào quy trình xử lý chính thức vì vi phạm các quy định về ngân sách của khối.
Động thái này có thể dẫn đến những hình phạt chưa từng có, trừ khi 7 nước này thực hiện các biện pháp khắc phục.
Cờ EU tại Brussels, Bỉ. Ảnh: AFP/TTXVN
Thông báo của Hội đồng châu Âu cho biết hội đồng đã thông qua các quyết định xác định thâm hụt ngân sách tại 7 quốc gia thành viên đã vượt mức 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), qua đó vi phạm các quy định tài chính của EU. Những nước này gồm Bỉ, Pháp, Italy, Hungary, Malta, Ba Lan và Slovakia.
“Thủ tục về thâm hụt quá mức” khởi động quá trình buộc một quốc gia thành viên phải đàm phán với EU về kế hoạch điều chỉnh tình trạng nợ hoặc thâm hụt ngân sách về mức phù hợp với quy định của khối.
Tháng 9 tới, 7 quốc gia nêu trên sẽ phải đệ trình kế hoạch trung hạn liên quan đến biện pháp khắc phục vi phạm. Sau đó, tháng 11, Ủy ban châu Âu sẽ đưa ra đánh giá đối với các kế hoạch cùng thông tin chi tiết về lộ trình mà họ phải thực hiện để khôi phục tình hình tài chính lành mạnh.
Năm ngoái, những nước EU có tỷ lệ nợ trên GDP cao nhất khối lần lượt là Italy (7,4%), Hungary (6,7%), Romania (6,6%), Pháp (5,5%) và Ba Lan (5,1%).
Theo Ủy ban châu Âu, Chính phủ Romania chưa có hành động hiệu quả để giảm thâm hụt ngân sách, dù “thủ tục về thâm hụt quá mức” khởi động từ năm 2020, do đó ủy ban sẽ tiếp tục giám sát nước này.
Đây là lần đầu tiên Brussels khiển trách các quốc gia thành viên EU kể từ khi khối này đình chỉ thực hiện các quy định tài chính liên quan sau đại dịch COVID-19 cũng như cuộc khủng hoảng năng lượng do xung đột tại Ukraine gây ra. Theo quy định, những nước không khắc phục được tình trạng thâm hụt ngân sách cao quá mức có thể lĩnh mức phạt tương đương 0,1% GDP/năm cho đến khi giải quyết được vấn đề. Nhưng thực tế, Ủy ban châu Âu chưa từng áp dụng án phạt này.
Thâm hụt ngân sách Mỹ vượt 1.000 tỷ USD
Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ công bố ngày 10/4 cho biết thâm hụt ngân sách của nước này trong nửa đầu tài khóa 2024 (từ tháng 10/2023 - 3/2024), đang ngày càng tăng do chi phí cho các khoản nợ tăng cao.
Trụ sở Bộ Tài chính Mỹ tại Washington, DC. Ảnh: AFP/ TTXVN
Cụ thể, thâm hụt ngân sách của Mỹ trong 6 tháng đầu tài khóa 2024 đã lên tới 1.070 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, thâm hụt trong tháng 3/2024 là 236 tỷ USD, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, nguyên nhân một phần là do khoản thanh toán lớn từ Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) vào năm 2023 liên quan đến sự sụp đổ của các ngân hàng Silicon Valley Bank và Signature Bank.
Gánh nặng lãi suất đối với các khoản nợ tồn đọng vẫn là nguyên nhân chủ yếu khiến thâm hụt ngân sách của Mỹ ngày càng tăng. Chi phí lãi vay trong nửa đầu tài khóa 2024 là 522 tỷ USD, tăng 36% so với năm 2023. Chiến dịch tăng lãi suất mạnh mẽ của Cục Dự trữ liên bang (Fed) đã khiến chi phí cho các khoản nợ trở nên đắt đỏ hơn, làm tăng gánh nặng cho ngân sách Mỹ.
Lãi suất bình quân đối với các khoản nợ chịu lãi của Chính phủ Mỹ vào cuối tháng 3 đạt 3,22%, cao nhất kể từ tháng 4/2010 và tăng khoảng 65 điểm cơ bản so với một năm trước.
Quốc hội Hàn Quốc thông qua ngân sách quốc gia hơn 500 tỷ USD Theo hãng tin Yonhap, Quốc hội Hàn Quốc ngày 21/12 đã thông qua dự thảo ngân sách quốc gia năm 2024 trị giá 656.600 tỷ won (503,3 tỷ USD). Toàn cảnh một phiên họp Quốc hội Hàn Quốc tại thủ đô Seoul. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN Dự thảo được thông qua với 237 phiếu ủng hộ, 9 phiếu chống và 13 phiếu trắng,...