EU thống nhất phương án phân bổ vaccine cho các nước thành viên
Sau nhiều ngày đàm phán, đại sứ các nước Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí điều chỉnh hệ thống phân bổ vaccine giữa các nước thành viên.
Vaccine phòng COVID-19 của Pfizer/BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo đó, 5 nước đang gặp khó khăn nhất trong ứng phó dịch bệnh sẽ nhận được 2,85 triệu trong tổng số 10 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech mà khối này dự kiến tiếp nhận trong quý II/2021. Năm nước này là Bulgaria, Croatia, Estonia, Latvia and Slovakia.
Bồ Đào Nha – nước hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên EU cho biết quyết định này được khối đưa ra nhằm thể hiện tinh thần đoàn kết chia sẻ khó khăn với các nước thành viên đang đối mặt với nhiều thách thức trong phòng chống dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, Áo, CH Séc và Slovenia đã phản đối quyết định nói trên. Do vậy, 3 nước này vẫn sẽ được tiếp nhận đầy đủ số lượng vaccine theo hệ thống phân bổ hiện nay căn cứ theo quy mô dân số của các nước. 19 nước thành viên EU còn lại sẽ chia sẻ 6,66 triệu liều vaccine.
10 triệu liều vaccine nói trên nằm trong hợp đồng đặt hàng 100 triệu liều vaccine giữa EU và Pfizer/BioNTech, dự kiến bàn giao trong quý III/2021. Theo Ủy ban châu Âu, đến cuối tuần này, EU sẽ tiếp nhận tổng cộng 107 triệu liều vaccine. Dự kiến, lượng vaccine bàn giao cho EU sẽ tăng đáng kể với ít nhất là 300 triệu liều vaccine đến hết tháng 6/2021. Điều này được hi vọng sẽ tháo gỡ khó khăn trong chương trình tiêm chủng của các nước thành viên vốn chậm trễ so với Mỹ, Anh và Israel do thiếu hụt nguồn cung.
Chủ tịch EU Ursula von der Leyen khẳng định 27 nước thành viên vẫn trên đà đạt được mục tiêu tiêm chủng 70% số người trưởng thành vào cuối mùa Hè 2021.
Thêm nhiều nước quay lại dùng vaccine AstraZeneca phòng COVID-19
Ngày 19/3, thêm nhiều quốc gia trên thế giới đã nối lại việc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca sau khi các cơ quan quản lý của Anh và châu Âu khẳng định tính an toàn và hiệu quả của loại vaccine này.
Vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm AstraZeneca. Ảnh: AFP/TTXVN
Đức đã bắt đầu sử dụng lại vaccine AstraZeneca trong chương trình tiêm chủng, trong khi một loạt nước gồm Italy, CH Cyprus, Latvia và Litva tuyên bố sẽ đưa ra quyết định tương tự. Tại Tây Ban Nha, vaccine AstraZeneca sẽ tiếp tục được sử dụng để tiêm ngừa COVID-19 từ ngày 24/3. Canada cũng khẳng định ủng hộ việc dùng vaccine này.
Trước đó, cùng ngày, Indonesia và Pháp đã quyết định nối lại việc sử dụng vaccine của AstraZeneca. Theo kế hoạch, Thủ tướng Pháp Jean Castex sẽ tiêm vaccine AstraZeneca trong ngày 19/3. Giới chức y tế Pháp đồng thời khuyến cáo chỉ tiêm cho người trên 55 tuổi dựa trên những báo cáo rằng những người xuất hiện cục máu đông sau khi tiêm vaccine đều dưới tuổi này.
Cơ quan Quản lý dược phẩm của Liên minh châu Âu (EMA) khẳng định vaccine của AstraZeneca không gây ra hiện tượng đông máu sau khi tiêm chủng. Theo cơ quan này, lợi ích của vaccine trong việc bảo vệ con người khỏi nguy cơ tử vong và nhập viện do bệnh COVID-19 lớn hơn nhiều so với những rủi ro tiềm tàng.
Đan Mạch - quốc gia đầu tiên cho dừng tiêm vaccine AstraZeneca, cho biết sẽ cân nhắc nối lại việc sử dụng vaccine này. Theo người đứng đầu Cơ quan Y tế Đan Mạch Soren Brostrom, trong những ngày tới, cơ quan này và Cơ quan Dược phẩm Đan Mạch sẽ tiến hành đánh giá kết luận mới nhất của EMA về vaccine AstraZeneca đối với chương trình tiêm chủng của nước này.
Đức siết chặt kiểm soát biên giới Sáng 24/1, truyền thông Đức đưa tin, cảnh sát liên bang Đức đã bắt đầu tiến hành siết chặt kiểm soát biên giới trong bối cảnh Chính phủ liên bang vừa đưa hàng chục quốc gia vào danh sách có nguy cơ lây nhiễm cao đối với đại dịch COVID-19. Cảnh sát kiểm tra các phương tiện tại khu vực biên giới Đức...