EU tăng cường ứng phó với nạn buôn người
Ngày 28/11, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẽ điều chỉnh khuôn khổ pháp lý và đẩy mạnh vai trò của các cơ quan liên quan nhằm tăng cường ứng phó với nạn buôn người di cư.
Người di cư tới đảo Lampedusa, Italy, ngày 18/9/2023. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Phát biểu tại hội nghị quốc tế về một Liên minh toàn cầu chống buôn người di cư, bà Leyen cho biết buôn người di cư là một thách thức chung mang tính toàn cầu, tất cả các nước cần hợp tác để ứng phó với loại tội phạm này. Để tăng cường các biện pháp ứng phó, EC đề xuất các nước trao đổi, thảo luận cập nhật luật pháp của EU và áp dụng nghị định thư chống buôn người di cư; tăng cường vai trò của Cảnh sát châu Âu (Europol); nâng cấp trung tâm chống buôn người di cư; tăng cường hợp tác với các nước đối tác để giải quyết vấn đề mang tính toàn cầu này.
Khuôn khổ pháp lý cập nhật được đề xuất sẽ ngăn chặn và đối phó với các hành động tạo điều kiện cho nhập cảnh, quá cảnh và lưu trú trái phép tại EU.
Ngoài ra, EU cũng tập trung vào việc truy tố hiệu quả các mạng lưới tội phạm có tổ chức với định nghĩa rõ ràng hơn về tội phạm này; tăng thời gian án phạt tù tối đa từ 8 năm lên 15 năm; đồng thời tập trung cải thiện khả năng tài phán của các nước thành viên, tăng cường các nguồn lực và năng lực của các quốc gia thành viên EU trong cuộc chiến chống buôn người di cư; cải thiện việc thu thập và báo cáo dữ liệu. Ngoài các quy định được đề xuất, EC còn kêu gọi thành lập Liên minh toàn cầu để chống buôn người di cư.
Thời gian gần đây, EU đang phải đối phó với sự gia tăng đáng kể số lượng người di cư hợp pháp và bất hợp pháp, khiến một số quốc gia thành viên phải tạm thời tái áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt trong khu vực vốn được di chuyển tự do. Trong đó, Áo đã áp dụng biện pháp kiểm tra tại biên giới với CH Séc từ tháng 10, dự kiến kéo dài đến ngày 6/12. Hồi tháng 8, Đan Mạch đã thắt chặt kiểm soát biên giới đối với những người nhập cảnh, bao gồm cả những người đến từ các nước thuộc khối Schengen. Đức cũng đã công bố các biện pháp kiểm soát đến ngày 4/12 đối với đường biên giới đất liền với Ba Lan, CH Séc và Thụy Sĩ.
Tunisia bắt giữ trên 60 đối tượng buôn người
Lực lượng bảo vệ bờ biển Tunisia ngày 19/9 thông báo đã ngăn chặn trên 2.500 người di cư bất hợp pháp, bắt giữ 62 đối tượng buôn người và thu giữ hàng chục chiếc thuyền, trong một chiến dịch trấn áp lớn triển khai cuối tuần trước tại vùng duyên hải Sfax.
Lực lượng Vệ binh quốc gia Tunisia giải cứu người di cư trên Địa Trung Hải, ngoài khơi thành phố Sfax của Tunisia, ngày 4/10/2022. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Chiến dịch trên có sự tham gia của hàng trăm binh sĩ, cùng nhiều máy bay và chó nghiệp vụ, được tiến hành theo lệnh của Tổng thống Kais Saied nhằm ngăn chặn dòng người di cư đổ về nước này.
Tunisia là một trong những điểm khởi hành phổ biến nhất của người di cư bất hợp pháp tìm cách vượt Địa Trung Hải đến Italy, do đảo Lampedusa của Italy chỉ cách bờ biển Tunisia khoảng 80km.
Mặc dù Chính phủ Tunisia đã triển khai các biện pháp nghiêm ngặt nhưng số lượng người di cư bất hợp pháp từ Tunisia đến Italy vẫn gia tăng. Trong khi đó, đảo Lampedusa của Italy cũng đang "gồng mình" trước tình trạng đổ bộ ồ ạt của những người di cư bằng thuyền vượt biển từ Bắc Phi.
Số liệu thống kê cho thấy trong tuần trước, gần 10.000 người di cư đã đến Lampedusa. Thủ tướng Italy Giorgia Meloni khi đắc cử hồi năm ngoái đã cam kết mạnh tay hơn nhằm ngăn chặn hoạt động nhập cư bất hợp pháp.
EU chia rẽ trong cơn khủng hoảng di cư Hai làn sóng người di cư đồng thời "đổ bộ" vào châu Âu trong thời gian qua gây nên tình trạng quá tải đối với các quốc gia, làm lộ ra những chia rẽ trong Liên minh châu Âu (EU). Làn sóng từ phương Nam Chỉ trong vòng 3 ngày từ 11 đến 13/9/2023, 8.500 người di cư bất hợp pháp trên 200...