EU đạt thỏa thuận về cải cách chính sách về người di cư và xin tị nạn
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, ngày 20/12, các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và Nghị viện châu Âu (EP) đã đạt được thỏa thuận lớn nhằm cải cách chính sách về người di cư và xin tị nạn của khối.
Người di cư tại đảo Lampedusa, Italy, ngày 14/9/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Việc đạt được thỏa thuận sơ bộ, vẫn cần được Hội đồng châu Âu và EP phê chuẩn chính thức, diễn ra sau các cuộc đàm phán kéo dài bắt đầu vào chiều 18/12. Nội dung tập trung vào một loạt các câu hỏi lớn và phức tạp đòi hỏi sự thỏa hiệp của cả hai bên, chẳng hạn như thời gian giam giữ, trẻ vị thành niên không có người đi kèm hay hoạt động tìm kiếm cứu nạn và giám sát biên giới.
Tây Ban Nha, nước giữ chức Chủ tịch EU luân phiên, nêu rõ một thỏa thuận chính trị đã đạt được trên 5 phương diện của Hiệp ước mới về di cư và tị nạn của EU. Các cải cách bao gồm việc đẩy nhanh quá trình kiểm tra những người di cư trái phép, thành lập các trung tâm giam giữ ở biên giới, đẩy nhanh việc trục xuất những người xin tị nạn bị từ chối và thiết lập cơ chế đoàn kết để giảm áp lực lên các quốc gia phía Nam châu lục đang đối mặt với làn sóng người di cư lớn.
Nội dung cải cách dựa trên đề xuất do Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra cách đây 3 năm, theo đó giữ nguyên nguyên tắc hiện hành là quốc gia EU đầu tiên mà người xin tị nạn nhập cảnh phải chịu trách nhiệm về trường hợp của họ. Tuy nhiên, để hỗ trợ các quốc gia nằm ở tuyến đầu phải đối mặt với lượng người di cư đến đông như các quốc gia Địa Trung Hải là Italy, Hy Lạp và Malta, một cơ chế đoàn kết bắt buộc được thiết lập để chia sẻ gánh nặng với những nước này. Điều này đồng nghĩa các nước EU khác sẽ tiếp nhận một số lượng nhất định người di cư hoặc đóng góp khoản hỗ trợ tài chính nếu từ chối tiếp nhận. Bên cạnh đó, quá trình sàng lọc và kiểm tra những người xin tị nạn cũng sẽ được đẩy nhanh để những người di cư không đáp ứng tiêu chuẩn có thể nhanh chóng được hồi hương hoặc quay lại điểm trung chuyển.
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nhấn mạnh: “Di cư là một thách thức chung của châu Âu và quyết định ngày hôm nay sẽ cho phép chúng ta cùng nhau giải quyết vấn đề đó”.
Trong tuyên bố cùng ngày, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã hoan nghênh việc đạt được thỏa thuận trên, nhấn mạnh điều này sẽ đảm bảo hệ thống tị nạn mới được thực hiện một cách “công bằng và có trật tự”.
EU đang đối mặt với số lượng người di cư trái phép và xin tị nạn ngày càng tăng. Tính từ đầu năm đến hết tháng 11 vừa qua, cơ quan biên giới Frontex của EU đã ghi nhận trên 355.000 trường hợp vượt biên trái phép vào khối, tăng 17%. Theo Cơ quan tị nạn EU, số người xin tị nạn trong năm nay có thể lên tới 1 triệu người.
Đức kêu gọi EU thực hiện 'lộ trình cải cách' sẵn sàng cho kế hoạch mở rộng
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock ngày 2/11 đã kêu gọi xây dựng "lộ trình cải cách Liên minh châu Âu (EU)" nhằm đảm bảo việc khối này sẵn sàng cho việc mở rộng.
Cờ EU tại Brussels, Bỉ. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, phát biểu tại hội nghị diễn ra ở Berlin thảo luận về việc mở rộng và cải cách quy trình ra quyết định của EU, bà Annalena Baerbock khẳng định: "Chúng ta nên xác định những ưu tiên cụ thể cho các cải cách mà chúng ta muốn thực hiện trong tương lai". Người đứng đầu ngành Ngoại giao Đức nói: "Về vấn đề cải cách nội bộ EU, chúng ta chưa có một lộ trình nào như vậy và chúng ta sẽ thay đổi điều này ngay từ bây giờ, theo đó sẽ xây dựng lộ trình cải cách EU dưới sự chủ trì của Hội đồng châu Âu. Bà Baerbock nêu rõ: "Nghị viện châu Âu và Ủy ban châu Âu nên tham gia chặt chẽ vào quá trình cải cách nhằm đặt nền móng để có thể đảm bảo rằng EU phù hợp với việc mở rộng, phù hợp với tương lai". Bà Baerbock nhấn mạnh quá trình này sẽ "khó khăn" và "sẽ mất rất nhiều thời gian".
Tái khẳng định nhu cầu "tăng cường sức mạnh cho EU", bà Baerbock cho rằng việc mở rộng EU đã trở thành "một điều cần thiết về mặt địa chính trị".
Trước đó, bà Baerbock cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ việc EU trao cho Ukraine "một dấu mốc mới" vào tháng 12 tới trong nỗ lực của Ukraine nhằm gia nhập "ngôi nhà chung". Bà Baerbock bày tỏ tin tưởng rằng Hội đồng châu Âu, tại hội nghị diễn ra vào tháng 12 tới sẽ gửi tín hiệu đó. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh: "Một EU mở rộng sẽ chỉ mạnh mẽ hơn nếu chúng ta làm điều mà chúng ta đã ngần ngại thực hiện bấy lâu nay - xem xét và suy nghĩ lại cách thức hoạt động của liên minh chúng ta". Bà kêu gọi khối 27 quốc gia cũng cần phải nỗ lực thực hiện những cải cách nội bộ để có thể vận hành "ngôi nhà chung" với hơn 30 thành viên.
Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU dự kiến diễn ra từ ngày 14-15/12 tại Brussels (Bỉ) sẽ tập trung bàn việc có nên cho phép Ukraine chính thức bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập EU hay không, một mục tiêu mà Kiev và lãnh đạo hàng đầu của nước này mong muốn.
Giới chức Đức, Mỹ cảnh báo về các vụ tấn công của lực lượng Houthi Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock ngày 15/12 cảnh báo những vụ tấn công liên tiếp của phiến quân Houthi tại Yemen nhằm vào các tàu chở hàng ở Biển Đỏ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với Israel và các tuyến vận tải hàng hải quốc tế. Tàu chở dầu FSO Safer ở ngoài khơi...