EU có thể kéo dài cấm vận Nga thêm 6 tháng
Tại hội nghị ở Brussels (Bỉ) hôm nay 29/1, các Ngoại trưởng châu Âu nhiều khả năng sẽ đưa ra quyết định kéo dài lệnh trừng phạt Nga thêm 6 tháng. Sau khi Nga sáp nhập Crimea hồi tháng 3/2014, các lệnh trừng phạt này đã được thông qua với thời hạn 1 năm.
Nền kinh tế Nga đã gặp nhiều khó khăn do các lệnh trừng phạt của EU. (Ảnh:RT)
Ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 29/1 (giờ địa phương) nhóm họp ở Brussels (Bỉ), để thảo luận về khủng hoảng tại Ukraine và đối sách với Nga.
Hãng thông tấn Spunik News cho biết theo dự thảo Tuyên bố chung do Cơ quan Ngoại vụ EU (EEAS) soạn thảo, các Ngoại trưởng châu Âu dự định sẽ kéo dài các lệnh trừng phạt thêm 6 tháng đối với Nga do tình hình chiến sự tại Ukraine hiện đang leo thang ở mức đáng báo động.
Dự thảo trên nêu rõ: “Xét thấy tình hình ngày một xấu đi, hội đồng các ngoại trưởng đồng ý nới rộng các biện pháp cấm vận nhằm vào các tổ chức, cá nhân có hành vi đe dọa hay hủy hoại nền độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”.
Bên cạnh gia hạn về thời gian, có thể sẽ có thêm các biện pháp cấm vận tăng cường của EU nhằm vào Nga được đưa ra tại Hội nghị này. Dự thảo trên tiếp tục khẳng định việc nới lỏng, dỡ bỏ trừng phạt sẽ chỉ được xem xét nếu như Mátxcơva thể hiện trách nhiệm trong việc thực thi đầy đủ các điều khoản trong Thỏa thuận Minsk ký kết hồi tháng 9 năm ngoái.
Các Ngoại trưởng EU cũng sẽ “luận tội” Nga về vụ pháo kích tại thành phố cảng Mariupol (Ukraine) làm 30 người thiệt mạng hôm 24/1 dù Mátxcơva luôn phủ nhận. Dự thảo tuyên bố chung cho hay hội đồng ghi nhận có bằng chứng về việc Nga tiếp tục tăng cường hỗ trợ cho phe ly khai và vì thế Nga phải chịu trách nhiệm về vụ pháo kích tại Mariupol.
Video đang HOT
Trước đó, hôm 25/1, Tổng thống Obama đã tuyên bố ông sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp gây áp lực lên Mátxcơva sau khi phe ly khai thân Nga tiến hành vụ pháo kích Mariupol. Ông cho hay sẽ xem xét tất cả các lựa chọn bổ sung mà nước này có thể thực hiện với Nga, ngoại trừ đối đầu quân sự để có thể giải quyết vấn đề ở đông Ukraine.
Hồi đầu tuần này Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EU) Donald Tusk cũng nói trên mạng xã hội Twitter về Nga rằng: “Đây là thời điểm cần tăng cường các chính sách dựa trên những sự thật đã xảy ra, thay vì dựa trên những ảo tưởng”.
Thoa Phạm
Tổng hợp
Theo Dantri
Cơ hội hòa bình cho Ukraine đi vào ngõ cụt
Quốc hội Ukraine hôm 27/1 chính thức bỏ phiếu xác định các nước cộng hòa tự xưng ở miền Đông là "các tổ chức khủng bố" và từ chối đàm phán với Nga.
Cơ hội tìm kiếm hòa bình cho cuộc xung đột tại Ukraine đã rơi vào ngõ cụt khi xung đột giữa quân chính phủ và các lực lượng đối lập tiếp tục leo thang làm ít nhất 23 người thiệt mạng chỉ trong 24 giờ qua.
Trong khi đó, quốc hội Ukraine hôm 27/1 chính thức bỏ phiếu xác định các nước cộng hòa tự xưng ở khu vựcmiền Đông là "các tổ chức khủng bố" và từ chối đàm phán với Nga.
Binh sỹ Ukraine kiểm tra súng phóng lựu đạn tự động UAG-40 gần Goncharivsk ngày 23/1 (nguồn: AFP/TTXVN)
Bất chấp các nỗ lực tìm kiếm một giải pháp hòa bình, diễn biến xung đột tại Ukraine tiếp tục có xu hướng xấu đi nhanh chóng khi không chỉ các bên tham chiến mà cả Liên minh châu Âu lẫn Nga đều chưa hề có ý định nhượng bộ lẫn nhau.
Theo thông tin từ chính phủ Ukraine, chỉ trong chưa đầy 24 giờ qua, phe đối lập đã hơn 120 lần pháo kích và các vị trí của quân đội Kiev ở thị trấn Debaltsevo, miền đông nước này.
Giới chức Ukraine cho biết, đã có ít nhất 23 người chết và hàng chục người khác bị thương trong khi phe đối lập khẳng định binh sỹ chính quyền Kiev đang phải rút khỏi thành phố này.
Phe đối lập cũng khẳng định, mục tiêu sắp tới của họ là kiểm soát toàn bộ vùng Donetsk, bao gồm các trung tâm đông dân cư do quân chính phủ kiểm soát.
Trong khi đó, quốc hội Ukraine ngày 27/1 đã bỏ phiếu xác định các nước cộng hòa tự xưng ở miền Đông Ukraine là các tổ chức khủng bố và kêu gọi cộng đồng quốc tế cung cấp thêm viện trợ quân sự phi sát thương cũng như áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn nhằm vào Nga.
Giới chức Ukraine cho rằng, quyết định trên có thể mở đường cho các nước châu Âu và Mỹ áp đặt thêm các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga. Kiev đã nhiều lần cáo buộc các Nhà nước Cộng hòa tự xưng ở khu vực miền Đông là khủng bố nhưng với quyết định của quốc hội nói trên, các nhà nước này có thể sẽ là đối tượng thực thi luật chống khủng bố.
Điều này có nghĩa là chính quyền Kiev có thể hạn chế đi lại trong nội địa, phong tỏa tài khoản các cá nhân nhưng điều quan trọng nhất là chấm dứt sự tham gia của họ trong các cuộc đàm phán hòa bình.
Tổng thống Ukraine Poroshenko cũng cho rằng, nguy cơ chiến tranh đang trở nên gần hơn bao giờ hết: "Tôi sẽ không đề cập các điểm tương đồng rõ ràng và hiển nhiên giữa các sự kiện hiện nay ở châu Âu và những năm 1930. Nguy cơ chiến tranh thông thường đang hiện hữu gần hơn bao giờ hết".
Châu Âu và Mỹ hiện tiếp tục gây sức ép lên Nga, đòi hỏi nước này phải chịu trách nhiệm về cuộc xung đột tại Ukraine. Thông tin từ Nhà Trắng cùng ngày cho biết, trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel, hai nhà lãnh đạo cùng bày tỏ quan ngại về tình trạng xung đột leo thang tại Ukraine.
Mỹ và Đức cùng cáo buộc Nga phải chịu trách nhiệm khi hỗ trợ lực lượng đối lập ở khu vực miền Đông cũng như thất bại trong thực hiện thỏa thuận Minsk.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực châu Âu bà Victoria Nuland cùng ngày kêu gọi các nước đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) tiếp tục ủng hộ Ukraine và duy trì cam kết an ninh cũng như đóng góp cho kế hoạch mới về triển khai nhanh lực lượng đến các vùng xung đột.
Bà Nuland nói: "Tất cả chúng ta đều biết rằng việc sụp đổ hay đi lên của một châu Âu thống nhất, tự do và hòa bình sẽ phụ thuộc vào tình hình Ukraine. Ukraine được xem là tuyến đầu vì tự do cho châu Âu và cho cả chúng ta".
Đối với Liên minh châu Âu (EU), dự kiến ngày 29/1 Ngoại trưởng các nước thành viên của khối này sẽ tổ chức phiên họp bất thường. Nội dung chính được thảo luận tập trung vào đề nghị chuẩn bị các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga. Quyết định cuối cùng về việc có áp đặt các biện pháp trừng phạt mới hay không sẽ do lãnh đạo EU đưa ra trong cuộc gặp thượng đỉnh vào ngày 12/2 tới./.
Theo Vũ Hợp/VOV- Trung tâm Tin Tổng hợp
Iraq: Máy bay chở 154 hành khách bị bắn, 2 người bị thương Hai người đã bị thương nhẹ khi một máy bay chở hơn 150 hành khách của hàng không FlyDubai bị trúng đạn trong lúc hạ cánh xuống sân bay Baghdad, Iraq ngày 26/1. Hiện chưa rõ nguồn gốc của những phát đạn này. Sân bay Baghda, Iraq (Ảnh: Ruthfully Yours) Hãng tin AP dẫn lời một phát ngôn viên của FlyDubai, hãng hàng...