EU cam kết Ukraine sẽ nhận được tiền bất kể Hungary ủng hộ hay không
Các nhà lãnh đạo EU sẵn sàng phá vỡ sự thống nhất thiêng liêng của châu Âu nếu đó là điều cần thiết để gửi tiền đến Kiev.
Các nhà lãnh đạo EU cam kết Ukraine vẫn sẽ nhận được gói viện trợ trị giá 50 tỷ euro để giúp thúc đẩy nền kinh tế đang bị chiến tranh tàn phá – dù có hoặc không có sự hậu thuẫn của Thủ tướng Hungary Viktor Orbán.
Ông Orbán, người có quan hệ thân thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã chặn việc phê duyệt các quỹ viện trợ cho Kiev tại hội nghị thượng đỉnh EU kéo dài trong hai ngày 14 và 15/12. Mặc dù về mặt kỹ thuật, quỹ viện trợ cần có sự đồng ý của tất cả 27 chính phủ trong khối, các nhà lãnh đạo EU vẫn báo hiệu rằng họ có thể sẵn sàng thực hiện bước đi triệt để là hy sinh sự thống nhất của EU để tránh được sự ngăn cản đó nếu cần thiết.
Thủ tướng Ireland Leo Varadkar nói với các phóng viên sau hội nghị của Hội đồng châu Âu ở thủ đô Brussels, Bỉ: “26 quốc gia thành viên có thể cung cấp tiền trên cơ sở song phương. Một chút thời gian và không gian trong dịp Giáng sinh có thể hữu ích.”
Theo tờ Politico, gần hai năm sau khi Nga tấn công Ukraine, quốc gia giáp với bốn thành viên EU, các nhà lãnh đạo châu Âu đang nỗ lực để tránh cuộc chiến về vấn đề tài trợ tạo ra sự chia rẽ lớn cũng như sa lầy vào tranh cãi hàng ngày ở Brussels.
Thủ tướng Hungary, Orbán không phải là người duy nhất gây trở ngại đối với quyết định rót tiền cho Ukraine. Theo ba quan chức EU, nêu lên mối lo ngại giống như từ các đảng viên Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ, các nhà lãnh đạo Pháp, ông Emmanuel Macron và Italy, bà Giorgia Meloni, khẳng định sự hỗ trợ của họ không thể tách rời khỏi nguồn tài trợ bổ sung cho các ưu tiên nội khối như di cư.
Dự kiến các nhà lãnh đạo EU sẽ nhóm họp lại trong hội nghị thượng đỉnh bất thường vào cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2/2024 để tiếp tục bàn về vấn đề tài chính cho Ukraine.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết ông “khá tự tin” rằng các nhà lãnh đạo châu Âu có thể tìm ra sự thỏa hiệp mà họ cần và giải quyết vấn đề này vào đầu năm tới.
Khi được tờ Politico hỏi liệu sự chậm trễ của EU có phải là một chiến thắng của Tổng thống Nga Putin hay không, ông Rutte nói: “Không, bởi vì ông ấy biết rằng chúng tôi sẽ tìm ra cách nào đó để giải quyết vấn đề tài chính”.
Nhưng sự bế tắc của EU đã được nhận diện ở Moskva, nơi Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng EU và Washington đang gặp bất ổn về viện trợ cho Ukraine.
Video đang HOT
Ông Lavrov nói: “Về việc nói rằng đã đến lúc cắt viện trợ cho Ukraine, chúng tôi đã nghe điều đó. Và đó không chỉ là lời nói suông, vì cả châu Âu và Mỹ đều đang gặp khó khăn thực sự trong việc tìm thêm tiền để tiếp tục hỗ trợ chế độ của [Tổng thống Ukraine Volodymyr] Zelensky, điều rõ ràng đã không đáp ứng được kỳ vọng.”
Thủ tướng Hungary Orbán nhắc lại sự phản đối của mình đối với gói viện trợ cho Ukraine trừ khi Ủy ban châu Âu bỏ chặn các quỹ của EU dành cho Budapest. Ảnh: Getty Images
Tại hội nghị thượng đỉnh EU vào sáng 15/12, Thủ tướng Hungary Orbán đã nhắc lại sự phản đối của mình đối với gói viện trợ của Ukraine trừ khi Ủy ban châu Âu giải tỏa các khoản tài trợ của EU dành cho Budapest, vốn đã bị đóng băng do vi phạm của Hungary.
Nghị sĩ Balázs Orbán, giám đốc chính trị của Thủ tướng Hungary, giải thích với các phóng viên rằng hai vấn đề “có liên quan trực tiếp”. “Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi đã đáp ứng tất cả các yêu cầu pháp lý nên chúng tôi không hiểu tại sao chúng tôi không thể tiếp cận 100% số tiền”, ông nói và cho biết thêm rằng Hungary “sẵn sàng đàm phán”.
Đầu tuần trước, Ủy ban châu Âu đã giải phóng 10,2 tỷ euro trong quỹ gắn kết dành cho Hungary, và mặc dù số tiền đó không đủ để nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng Orbán đối với gói viện trợ Ukraine, nhưng nó đã mở đường cho EU đưa ra quyết định phức tạp hơn về việc mở cửa đàm phán gia nhập với Ukraine – một quá trình lâu dài có thể đưa nước này một ngày nào đó trở thành thành viên EU.
Một nhà ngoại giao EU cho biết: “Orbán hiện cần một chút thời gian để tiêu hóa bước quay đầu đầu tiên của mình [khi gia nhập EU]. Bây giờ ông ấy cần chút thời gian cho lần thứ hai.”
Bộ Ngoại giao Ukraine hôm 15/12 cũng đưa ra một tuyên bố hoan nghênh việc mở các cuộc đàm phán thành viên và nói thêm rằng chính phủ rất lạc quan trước những bình luận từ các quan chức EU về gói viện trợ trị giá 50 tỷ euro.
Tuyên bố của bộ trên viết: “Đây là một tín hiệu rõ ràng rằng sự hỗ trợ tài chính cho Ukraine từ Liên minh châu Âu sẽ tiếp tục”.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen cho biết sau hội nghị thượng đỉnh rằng các quan chức sẽ sử dụng những tuần tới đây để chuẩn bị một giải pháp thay thế nếu Hungary không chịu lùi bước.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng bày tỏ sự lạc quan rằng một thỏa thuận về khoản ngân sách EU nhằm hiện đại hóa và viện trợ tài chính cho Ukraine có thể được thống nhất tại hội nghị thượng đỉnh bất thường của các nhà lãnh đạo EU vào tháng 1/2024. Ông cũng cho biết EU có “những cách khác để giúp Ukraine” nếu Hungary tiếp tục phản đối.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz lạc quan rằng thỏa thuận về khoản ngân sách EU nhằm hiện đại hóa và viện trợ tài chính cho Ukraine có thể được thống nhất tại hội nghị thượng đỉnh bất thường vào tháng 1/2024. Ảnh: AFP/Getty Images
Bên cạnh sự cản trở của Hungary, một trong những vấn đề với quyết định nói trên là các quỹ dành cho Ukraine – 17 tỷ euro viện trợ không hoàn lại và 33 tỷ euro các khoản vay ngoài ngân sách cho đến năm 2027 – đã được gói gọn trong các quyết định về ngân sách chung của EU.
Việc bổ sung ngân sách của khối nhằm trang trải các chi phí không lường trước được, từ lãi suất cao hơn sau đại dịch cho đến chi phí cho những vấn đề di cư mới.
Trong những ngày gần đây, một số chính phủ, chủ yếu từ Bắc Âu, đã đe dọa chặn việc bổ sung ngân sách. Họ phản đối việc chuyển tiền bổ sung cho Brussels để làm bất cứ điều gì ngoài việc hỗ trợ thêm cho Ukraine, trong bối cảnh nền kinh tế của chính các nước này đang gặp khó khăn.
Tuy nhiên, các nước trên đã từ bỏ sự phản đối vào tối 14/12 sau khi Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tìm cách giảm số tiền bổ sung từ 66 tỷ euro xuống chỉ còn 21 tỷ euro.
Thủ tướng Italy, Meloni phát biểu: “Chiến tranh có tác động và có hậu quả. Nếu chúng ta không thể giải quyết hậu quả một cách hiệu quả, chúng ta sẽ khiến dư luận ngày càng rời xa vấn đề Ukraine”.
Vì sao việc kết nạp Ukraine nhanh chóng sẽ là một thách thức đối với EU?
Với số dân 44 triệu người và có diện tích lớn hơn bất kỳ thành viên EU nào về mặt địa lý, Ukraine đang đối mặt với một số thách thức đặc biệt để gia nhập khối 27 thành viên.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chụp ảnh với các nhà lãnh đạo EU tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 2 ở Brussels. Ảnh: AP
Trong một thông báo bất ngờ ngày 14/12, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel cho biết các nhà lãnh đạo EU sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán về việc Ukraine gia nhập khối tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels. Nhà lãnh đạo gọi đó là tín hiệu hy vọng rõ ràng cho người dân của Ukraine và châu Âu.
Mặc dù quá trình từ khi mở các cuộc đàm phán đến khi Ukraine cuối cùng trở thành thành viên có thể mất nhiều năm, nhưng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hoan nghênh thỏa thuận này là một chiến thắng của Ukraine và toàn bộ châu Âu.
Trong một phản ứng liên quan, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cho rằng đây là một thông điệp rất rõ ràng gửi tới Moskva, rằng người châu Âu không từ bỏ Ukraine.
Về phần mình, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết ông vẫn giữ nguyên quan điểm phản đối nhưng vì tập thể, nên ông từ chối sử dụng quyền phủ quyết và đồng ý rời phòng khi lãnh đạo 26 nước thành viên còn lại đồng ý mở đàm phán về tư cách thành viên của Ukraine.
"Quan điểm của Hungary rất rõ ràng. Đối với chúng tôi, Ukraine chưa sẵn sàng để bắt đầu các cuộc đàm phán về tư cách thành viên EU. Đó hoàn toàn là một quyết định không phù hợp và phi lý", Thủ tướng Orban khẳng định.
GDP bình quân đầu người của Ukraine thấp hơn 1/3 mức trung bình GDP của EU. Việc Ukraine trở thành thành viên EU có nghĩa là nước này sẽ ngay lập tức nhận được nguồn vốn ròng để cân bằng mức sống và hỗ trợ ngành nông nghiệp khổng lồ của mình.
Một nghiên cứu nội bộ của EU vào tháng 7 cho thấy nếu Ukraine là thành viên trong khối, nước này sẽ nhận được 96,5 tỷ euro (tương đương 106 tỷ USD) theo Chính sách nông nghiệp chung của khối trong 7 năm và 61 tỷ euro khác theo chính sách gắn kết của EU, nhằm mục đích cân bằng mức sống trên toàn khối.
Nghiên cứu của EU chỉ ra tổng cộng trong ngân sách 7 năm của EU, Ukraine sẽ đủ điều kiện nhận được 186,3 tỷ euro. Điều này có nghĩa là nhiều quốc gia hiện nhận tiền ròng của EU sẽ trở thành người đóng góp và những người đóng góp hiện tại sẽ phải trả nhiều tiền hơn. Đây sẽ là một vấn đề lớn đối với hầu hết 27 thành viên hiện tại của EU.
Bên cạnh đó, Ukraine là một cường quốc nông nghiệp với diện tích đất canh tác là 41 triệu ha. Phần lớn sản phẩm nông nghiệp nước này đang được EU nhập khẩu. Tuy nhiên, với tư cách là thành viên EU, Ukraine sẽ trở thành một phần của thị trường chung EU, không bị vướng thuế quan hay hạn ngạch và hàng hóa có thể di chuyển tự do qua biên giới. Các quan chức kỳ vọng Ukraine có thể sẽ tăng sản lượng nông nghiệp và xuất khẩu sang EU. Nhưng điều này có thể sẽ gây ra phản ứng dữ dội từ nông dân trên khắp EU, tạo sức ép lớn lên các chính phủ.
Việc trở thành thành viên của EU cũng mở cửa toàn bộ thị trường lao động EU cho hàng triệu nhân công Ukraine. Điều này làm gợi nhớ đến bài học một lượng lớn người Ba Lan đến Anh sau khi Ba Lan gia nhập EU vào năm 2004 - trở thành một trong những yếu tố chính dẫn đến Brexit. Các nước EU khác đã đưa ra các giai đoạn chuyển tiếp kéo dài trước khi mở cửa thị trường lao động cho các thành viên EU mới từ phía Đông.
Thủ tướng Hungary cảnh báo EU không đồng thuận trong vấn đề Ukraine Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, ngày 4/12, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã yêu cầu Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel loại bỏ việc xem xét kết nạp Ukraine vào Liên minh châu Âu (EU) tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo của khối vào tuần tới. Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Ảnh: AFP/TTXVN Trong bức thư gửi...