Ép con vào đại học: 18 tuổi chán nản học theo giấc mơ của cha mẹ
Người lớn sẽ vui nếu con mình học trường danh tiếng, theo một nghề mà ta cho rằng “việc nhẹ, lương cao”. Nhưng hạnh phúc của bọn trẻ đôi khi chỉ đơn giản là được học, được làm những gì chúng muốn.
Thầy Nguyễn Trung Hiếu (giáo viên tại Hà Nội) cho hay, cha mẹ nên dần “buông” để con tự quyết định hướng nghiệp.
“Cũng chỉ vì muốn tốt cho con…”
Sau khi tốt nghiệp lớp 12, nhận thấy hoàn cảnh kinh tế gia đình nhiều khó khăn, năng lực bản thân không đủ để theo đại học, em Đỗ Văn Nam (18 tuổi, Hải Phòng) muốn theo học nghề sửa chữa điện lạnh. Tuy nhiên, bố mẹ muốn Nam phải đi theo “con đường duy nhất”.
“Đắn đo suy nghĩ mãi, em mới quyết định tâm sự ý định theo học nghề với phụ huynh. Trái với tưởng tượng của em, bố mẹ phản ứng vô cùng dữ dội. Cả hai đều cho rằng em bắt buộc phải vào đại học, bởi dù trường to hay nhỏ, trường hạng cao hay tầm trung, cũng sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn học nghề”.
Đạt được 21 điểm từ kỳ thi tốt nghiệp THPT, mới đây, Đỗ Văn Nam đã trở thành tân sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường của trường Đại học Công nghiệp Hà Nội – theo đúng nguyện vọng và ước muốn của bố mẹ em. “Sau khi tình hình dịch bệnh bớt căng thẳng, em sẽ “khăn gói” lên Hà Nội học đại học. Trở thành sinh viên, nhưng em không thấy vui vì còn quá nhiều tiếc nuối”, Nam tâm sự.
Có con gái hiện là sinh viên năm 2, phụ huynh Đỗ Ngọc Hà (Hải Dương) kể lại, hai năm trước, với học lực ổn, cộng với điều kiện khá giả, cả gia đình ai cũng mong muốn con sẽ đỗ đại học. Tuy nhiên, học kỳ cuối năm lớp 12, thay vì học lên, con lại bày tỏ nguyện vọng đi làm luôn để kiếm thu nhập. Nghe con tâm sự, vợ chồng chị Hà đã kịch liệt phản đối.
“Tôi cho rằng khi ấy con vẫn chưa thực sự đủ chín chắn, kinh nghiệm để đưa ra hướng đi phù hợp cho bản thân. Trong khi đó, chuyện đi làm hay đi học là việc của cả cuộc đời, tôi không thể để con tự ý quyết. Vì vậy, vợ chồng tôi có làm “công tác tư tưởng”, cộng thêm những lời đe nẹt để con thay đổi suy nghĩ, phấn đấu lên đại học cho bằng bạn bằng bè. Thương thì thương thật, nhưng cũng chỉ muốn tốt cho con mà thôi.
Theo chị Hà, thời buổi này, có học vẫn có hơn. Đặc biệt, đối với con gái, việc có được tấm bằng, mang danh học thức sẽ được nhiều người coi trọng. Sau này, lấy được tấm chồng tử tế, công việc ổn định là cả cuộc đời sẽ toại nguyện, êm ấm.
“Không thể cứ mãi sống thuê, sống mướn”
Tư duy “đại học là cánh cửa duy nhất”, có bằng đại học để ổn định cuộc sống, tương lai là suy nghĩ của nhiều phụ huynh. Tuy nhiên, chị Đỗ Thị Duyên (26 tuổi) cho hay, thời đại này, khó có công việc nào gọi là ổn định khi sự cạnh tranh, đào thải rất lớn.
Đỗ Thị Duyên kể, hoàn thành chương trình lớp 12, chị vẫn không định hình được ước mơ, sở trường của mình là gì. Nghe theo phụ huynh, chị Duyên “đánh liều” thi đại học, đăng ký chuyên ngành Kế toán. Sau gần 4 năm học, cầm tấm bằng cử nhân trên tay, Đỗ Thị Duyên vẫn không thể tìm cho mình một công việc như ý.
“Kế toán là một ngành nghề đã có quá nhiều nhân lực, thậm chí có thể gọi là thừa. Ngày ấy cứ lao theo số đông, học theo ý của bố mẹ mà chẳng thèm tính toán đến thời cuộc. Tôi cũng có xin được việc đúng chuyên ngành, nhưng mức lương nhận lại quá thấp, không xứng với công sức bỏ ra”.
Video đang HOT
Sau 3 năm bươn chải, chật vật tìm kiếm việc làm, chị Duyên đã quyết định từ bỏ công việc kế toán, về quê xây dựng mái ấm trở thành… cô nuôi dạy trẻ tại một trường mầm non gần nhà.
Rơi vào hoàn cảnh tương tự, Tuệ M. từng ước mơ trở thành một phóng viên, nhưng bố mẹ lại ép theo học ngành Dược.
“Mẹ tôi nói, phóng viên là một công việc vất vả, nhiều hiểm nguy. Bà yêu cầu tôi ngừng mơ mộng, phải vào đại học Dược, trở thành y sĩ để cuộc sống được ổn định, giàu có”, M. chia sẻ.
Tuy nhiên, áp lực ở trường Dược khiến Tuệ M. không trụ nổi, phải từ bỏ sau 1 năm theo học. “Gap year” 1 năm, cô gái trẻ này đã giấu bố mẹ, đăng ký dự thi vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền để có thể sống đúng với đam mê.
“Học Dược, tôi như một bà cụ non, lúc nào cũng thấy mệt mỏi và rệu rã. Nhưng thời điểm bỏ lại giấc mơ y sĩ, quyết định theo học tại trường Báo, tôi tràn đầy nhiệt huyết và năng lượng tích cực. Tôi nhận ra rằng, chọn nghề theo đam mê mới cần thiết và bền vững. Tôi phải sống trọn vẹn cuộc sống của mình, không thể cứ mãi sống thuê, sống mướn”.
Đừng biến con thành “tấm huy chương”
Là giáo viên phổ thông, cô Phạm Thị Nga (trường THPT Nguyễn Khuyến) gặp nhiều trường hợp học sinh thích học nghề hay đi làm luôn sau khi kết thúc chương trình lớp 12, tuy nhiên do gia đình ép buộc nên phải thi đại học. Điều này đi ngược xu thế phát triển con người theo năng lực cá nhân.
“Một mùa tuyển sinh nữa, sự mâu thuẫn giữa hai thế hệ lại một lần nữa xuất hiện trong không ít gia đình. Ở tuổi 18, với mong muốn sống một cuộc đời ý nghĩa, nhiều học sinh đã tự tìm lối đi riêng cho bản thân. Còn phụ huynh, với kinh nghiệm, tầm nhìn xa hơn và một chút tư duy truyền thống, thường muốn con cái lựa chọn một con đường an toàn và được nhiều người công nhận.
Tuy nhiên, việc áp đặt tư tưởng đã gây ra những hậu quả đáng tiếc. Nhiều bạn vì miễn cưỡng học theo giấc mơ của cha mẹ nên đã sinh ra cảm giác chán nản, hụt hẫng; mãi “chôn mình” trong vùng đất an toàn, không thể tự bước ra để chọn một con đường phù hợp với sở thích bản thân và xu thế thời đại.
Điều đó đang góp phần gây ra thực trạng hàng trăm, hàng ngàn sinh viên bị cảnh cáo do nghỉ học quá nhiều; thậm chí đuổi học mỗi năm; hay ra trường làm trái ngành; giấu bằng cử nhân đi xin việc… Điều này cần được nhìn nhận như một vấn đề lớn bởi nó gây ra sự lãng phí về tiền bạc và thời gian”.
Đứng trước thực trạng này, thầy Nguyễn Trung Hiếu (giáo viên tại Hà Nội) cho hay, cha mẹ nên dần “buông” để con tự quyết định hướng nghiệp.
“Chẳng phải trước kia, nhờ cái buông tay của cha mẹ, con mới biết bò, rồi tự đi bằng chính đôi chân. Nhờ cha mẹ buông tay, con mới được đến trường để hòa mình cùng thầy cô, bạn bè. Do đó, đến ngưỡng cửa hướng nghiệp cũng là lúc phụ huynh cần buông đôi tay ấy một lần nữa để con có thể tự tin trưởng thành.
Người lớn sẽ vui nếu con mình học trường danh tiếng, theo một nghề mà ta cho rằng “việc nhẹ, lương cao”. Nhưng hạnh phúc của bọn trẻ đôi khi chỉ đơn giản là được học, được làm những gì chúng muốn”.
Theo thầy Hiếu, hiện nay, đại học không phải là cánh cửa duy nhất. Có rất nhiều con đường khác nhau để trưởng thành và lập nghiệp. Do đó, thay vì ép buộc, cha mẹ nên lắng nghe và tôn trọng sở thích, ý muốn của các con.
Tuy nhiên, “buông tay” không đồng nghĩa với việc phụ huynh bỏ mặc con trước những quyết định quan trọng trong cuộc đời. Khi con chọn ngành nghề, lối đi; cha mẹ cần phân tích để con thấy rõ ưu nhược điểm, nhắc nhở con về sự tử tế và có trách nhiệm với sự lựa chọn của mình.
“Trong hành trình hướng nghiệp, đứa con cần nhất sự tin tưởng và ủng hộ từ phía cha mẹ. Đừng biến con thành tấm huy chương để cha mẹ cài trên ngực áo. Hãy để các con được sống, học tập và làm việc theo đam mê” – Thầy Hiếu nhấn mạnh.
Nội tôi và lớp học "xóa mù"
Câu nói của ông nội "phải biết chữ để khi thèm hủ tiếu còn biết đọc coi người ta bán cái gì để vào ăn" như lời nhắn nhủ, là động lực để tôi thêm yêu và gắn bó với ngành sư phạm
Tôi sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, ba đời dòng họ nhà tôi không ai học hết lớp 8. Vì vậy, ông bà nội và ba má tôi vô cùng mong mỏi chị em tôi được ăn học đến nơi đến chốn. Khi chị tôi tốt nghiệp lớp 12 thì gia đình xảy ra biến cố lớn, chị đành phải gác ước mơ bước chân vào đại học. Khỏi phải nói, ông bà nội tôi buồn ghê gớm. Mọi người bắt đầu đặt kỳ vọng ở tôi, khi ấy mới vừa tốt nghiệp lớp 9.
Ước mơ miễn cưỡng
Quyết không phụ lại niềm mong mỏi của gia đình, tôi chú tâm vào việc học, chẳng mấy chốc đã tốt nghiệp lớp 12. Tôi mơ ước trở thành cô sinh viên ngành báo chí nhưng ông nội lại bắt buộc thi vào sư phạm.
Tác giả trong một buổi lên lớp "xóa mù" năm 2000 tại xã Suối Rao, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. (Ảnh do tác giả cung cấp)
"Dòng họ mình toàn thất học, tương lai rồi cũng sẽ như vậy, những đứa con của các cô, chú rồi cũng sẽ bỏ học giữa chừng vì chúng học kém và chẳng có đứa nào thiết tha sự học. Cho nên, họ hàng nhà mình phải có người làm thầy cô giáo, nhiều chữ nghĩa để dạy dỗ, kèm cặp chúng nó" - ông nội nói với tôi. Ba má tôi cũng rất tán thành lời nói của ông nội. Họ không muốn tôi học ngành báo chí gì đó, "vừa tốn kém vừa suốt ngày cứ đi lông nhông ngoài đường".
Vậy là tôi đành phải miễn cưỡng chấp nhận thi vào sư phạm theo sự sắp đặt của gia đình để trở thành cô giáo - cái nghề mà tôi không có một chút hứng thú nào.
Tôi nhớ như in nỗi hân hoan và niềm hạnh phúc của ông bà nội khi tôi đậu vào đại học. Tôi là đứa đầu tiên của dòng họ làm được kỳ tích đó. Dĩ nhiên, tôi không thấy vui vẻ gì khi đạt được ước mơ của người khác chứ không phải ước mơ của mình.
Một năm làm "cô sinh viên sư phạm", tôi cũng nỗ lực hết mình để giành được những suất học bổng của trường dành cho sinh viên xuất sắc. Mọi người trong gia đình sung sướng lắm nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn thật sự không thiết tha gì với nghề ấy, thậm chí còn thấy uất ức trong lòng. Tôi xem nó mặc nhiên như một nhiệm vụ và trách nhiệm của dòng họ mà tôi phải gánh lấy. Tôi luôn "rắp tâm" chờ đợi một cơ hội để thuyết phục ông nội cho mình bỏ nghề. Nhưng trái lại...
"Không biết chữ, nhục lắm con à!"
Hôm đám giỗ bà cố, họ hàng, gia tộc tề tựu đông đủ, ông nội kêu đám "cháu gần", "cháu xa" trong nhà tập trung lại và giáo huấn về sự học. Ông tự hào giới thiệu cho đám "cháu xa" chưa biết mặt tôi là "cô giáo của dòng họ, vượt khó học giỏi" và kêu gọi các cháu hãy xem tôi là "một tấm gương sáng về sự học". Tôi cảm thấy vừa vui vừa ái ngại vì trong số "cháu xa" của ông nội, có nhiều người lớn hơn tôi cả chục tuổi.
Khi đám cháu của nội giải tán, tôi mới nói: "Sao nội lại đề cao con như vậy, con thấy mắc cỡ và kỳ kỳ sao á". Nội cười móm mém: "Sự học là trên hết, nhưng tiếc là dòng họ mình nghèo khó, ai cũng đông con, không có tiền ăn học, nhiều người lại không được sáng dạ, không ham học. Chỉ có ba má con là may mắn hơn tất thảy, khi 3 chị em con đều học giỏi. Dòng họ mình ít nhất phải có một người làm nghề dạy chữ nghĩa".
Rồi nội kể hồi đó ở quê, ông không biết chữ nào, có lần ra tỉnh, thèm hủ tiếu, đi ngang mấy quán ăn, thấy người ta treo biển mà không biết họ bán cái gì để vô ăn. Ông nội phải đi từng quán hỏi có bán hủ tiếu không. Chủ quán nhìn ông ái ngại, có người chỉ chỗ tận tình, có người chỉ tấm biển hỏi bằng giọng bực bội: "Bộ ông không biết đọc hả?".
"Đời không biết chữ, nhục lắm con à. Mai mốt con làm cô giáo, con có thể dạy cho mấy đứa dưới quê, cho họ hàng làng xóm không có tiền đi học đều biết chữ, để tụi nhỏ sau này không bị thiệt thòi khi ra đường, phải biết chữ để khi thèm hủ tiếu thì còn biết đọc coi người ta bán cái gì để ghé mà ăn..." - ông nội nói.
Lặng im lắng nghe và cảm nhận những lời nội nói, tôi bỗng thấy thương nội vô cùng. Khoảnh khắc đó, tôi mới ngộ ra vì sao nội cứ ép tôi phải vào sư phạm. Giây phút đó, tôi bỗng trở nên yêu nghề hơn, lòng tôi được giải tỏa, không còn ấm ức khi phải học nghề sư phạm nữa. Ý định thuyết phục nội cho tôi bỏ nghề đã bị dập tắt hoàn toàn.
Tôi bắt đầu thay đổi ý nghĩ và cả hành động. Mùa hè năm thứ nhất đại học (năm 2000), tôi đăng ký tham gia chiến dịch thanh niên tình nguyện "Mùa hè xanh" để dạy chữ, đưa ánh sáng văn hóa về với vùng sâu, vùng xa của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nơi tôi đến là xã Suối Rao, huyện Châu Đức, đây là vùng xa và sâu nhất, khó khăn nhất của tỉnh.
Tôi dạy 3 ca mỗi ngày, lớp học xóa mù chữ. Trong đó, 2 ca sáng và chiều thì dạy tại các điểm trường. Ca tối thì phải mượn tạm nhà dân để dạy - đây là lớp xóa mù chữ dành cho người lớn. Để đến được điểm dạy đúng 18 giờ, tôi phải đi bộ từ lúc 16 giờ, bất kể mưa nắng, đi sâu vào những rẫy bắp, những thung lũng chuối leo dốc, lội suối, giẫm sình, băng qua các con đập. Câu nói của ông nội "phải biết chữ để khi thèm hủ tiếu còn biết đọc coi người ta bán cái gì để vào mà ăn" như lời nhắn nhủ, là động lực để tôi hăng say với công việc dạy chữ của mình.
Có những cô, những chú hơn bốn mươi, năm mươi tuổi vẫn cố gắng tròn miệng tập đọc những chữ o, ô; tập đánh vần và mày mò viết những chữ b, c trên trang vở mới còn thơm mùi giấy. Thế nhưng, mắt họ không ngừng trông chừng những đứa trẻ nghịch ngợm còn bò chung quanh hoặc ngủ say trong lòng mình. Tôi cầm tay họ viết từng nét một. Các ngón tay chai sần lóng ngóng cố gắng điều khiển cây bút, ngọ nguậy từng nét trên trang giấy dưới ánh đèn dầu lờ mờ, hôm nào may mắn thì có được ánh sáng đùng đục của ánh điện được phát từ chiếc bình ắc quy.
Sau một thời gian rất ngắn, họ đã viết được họ tên mình, tên các loại cây, các loại rau củ quả mà thường ngày họ trồng xung quanh nhà, trong vườn, trong rẫy bằng những nét nguệch ngoạc; biết làm phép toán cộng trừ đơn giản. Đối với họ, khả năng biết đọc, biết viết mở ra cả thế giới mới mẻ. Có bác gái phấn khởi nói: "Từ giờ có thể viết được tên các mặt hàng rau củ kèm bảng giá tiền khi mang hàng ra chợ bán". Tôi cảm thấy sung sướng biết bao nhiêu khi công việc của mình lại mang về kết quả nhanh chóng như vậy. Đa số họ đọc thông, viết thạo, biết làm các phép toán cộng, trừ, nhân, chia.
Kết thúc chiến dịch "Mùa hè xanh" cũng là lúc mùa hè kết thúc, tôi trở về tiếp tục năm thứ hai đại học. Tôi mang trong lòng sự khoan khoái, muốn cho mọi người, đặc biệt là ông nội, biết rằng: tôi mới tìm ra được một nguồn hạnh phúc!
Sống chết với nghề
Rồi ông nội mất khi tôi đang học đại học năm thứ hai. Không ai có thể ép tôi tiếp tục theo nghề giáo, tôi vẫn còn nhiều cơ hội thực hiện lại ước mơ của mình. Nhưng tôi không làm như thế bởi tôi thường xuyên nhận được những lá thư thăm hỏi của các bác, các cô, chú trong lớp "xóa mù" gửi đến. Tuy không đẹp nhưng con chữ của họ khá đều đặn, dĩ nhiên là nhiều lá thư vẫn còn mắc một số lỗi chính tả.
Trong đó, lá thư của một chú thương binh khiến tôi vô cùng xúc động. Trong thư có đoạn: "... Từ lúc học chữ của cô giáo, chú đã có thể tự mua thuốc men mà khỏi nhờ ai đọc giùm cách sử dụng, có thể đọc báo bất cứ lúc nào. Quan trọng là chú tự đọc và có thể ký tên vào các loại giấy tờ mà không phải tìm người đọc giúp và cũng không phải sợ bị lừa khi ký tên vào các giấy tờ quan trọng. Chú không còn là gánh nặng của người khác. Cảm ơn cô giáo". Bên dưới là chữ ký của chú kèm theo câu: "Bao nhiêu năm nay chú mới tự ký được cái tên của mình, trước giờ toàn điểm chỉ". Khoảnh khắc đọc thư và nhìn vào chữ ký của chú, tôi quyết tâm sẽ "sống chết với nghề"!
Lá thư của chú thương binh trở thành nguồn động lực mạnh mẽ để tôi thêm yêu nghề giáo và gắn bó với nghề mười mấy năm nay (tôi dạy ở một trường THCS công lập). Nhìn sự tin yêu của học sinh, sự tín nhiệm của phụ huynh, đồng nghiệp và cấp trên, tôi càng phấn khởi và gặt hái được những thành công lớn trong nghề dạy học.
Hằng năm, cứ vào dịp 20-11, tôi lại nhận được những lá thư đặc biệt của những "người học trò đặc biệt" từ lớp "xóa mù" năm đó. Tôi hạnh phúc vô cùng. Nhờ nội, nhờ chú thương binh và lớp học "xóa mù" năm đó mà tôi mới có bước đi đúng đắn như hôm nay.
ICAEW tổ chức Hội thảo đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo ngành Kế toán Viện kế toán công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) vừa tổ chức chuỗi Hội thảo "Đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo ngành Kế toán các trình độ của giáo dục đại học" tại thành TP. Hồ Chí Minh (13/3), Hà Nội (20/3). Hội thảo "Đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo ngành Kế toán các trình độ của giáo...