Ép ăn – cách nuôi dạy gây hại cho trẻ và stress cho người lớn
Ép ăn làm cho bé mất hứng thú ăn uống, cùng với việc thụ động để cho người lớn bón khiến bé hoàn toàn không tự giác ăn.
Sinh sống tại Đức, một bà mẹ ba con đã chia sẻ cách cho trẻ ăn ở quốc gia này.
Gần đây mình hay thấy nhiều bài phản ánh về việc các cô nuôi dạy trẻ có hành vi bạo lực, hay ứng xử chưa phù hợp với trẻ. Khi xem video, mình thấy phần lớn vụ việc liên quan tới việc cho bé ăn. Điều mình thấy lạ ở đây là có nhiều bé khá lớn rồi nhưng các cô vẫn phải bón cho từng thìa, còn các cháu thì hoàn toàn không có hứng thú trong việc ăn uống.
Bữa ăn sáng của các bé ở Đức.
Mình sống tại Đức, cả ba đứa con đều đi nhà trẻ từ rất sớm. Tại Đức, trẻ được dạy cách tự ăn từ khi biết ngồi. Ở các nhà hàng, bạn có thể thấy bé mới tầm 10-12 tháng tuổi đã được ngồi ghế dành riêng cho em bé, có bát có thìa riêng. Và vì chưa biết cầm thìa, các bé được tự do dùng tay bốc đồ ăn đưa lên miệng.
Nhìn bãi chiến trường do bé gây ra, mình là người Việt chưa quen thì phát khiếp, nhưng ở bên này đó là chuyện thường ngày trong các gia đình. Đặc biệt, các bé không bao giờ bị ép ăn. Chính việc bé bị ép làm cho bé mất đi hứng thú ăn uống, cùng với sự thụ động, tức để cho người lớn bón thay vì tự ăn, khiến bé hoàn toàn không có ý thức tự giác ăn.
Nhớ hồi đứa con đầu còn nhỏ, mình cũng giống nhiều người Việt khác, rất sợ con tự ăn thì miếng được miếng không sẽ không đủ no, còn nếu một bữa bé không ăn gì thì mình hốt hoảng như thể bé sẽ chết mất. Mẹ chồng mình là người Đức đã rất thản nhiên khuyên không nên lo lắng vì ăn uống là vấn đề sinh tồn của tạo hóa.
Chưa có bố mẹ nào ở bên này phải chứng kiến bé nhịn tới bữa thứ ba vì sau nhiều lắm là hai bữa thì bản năng sinh tồn đã thôi thúc các bé phải nạp thức ăn cho bằng được. Chỉ cần không được cho ăn vặt thì đến đúng giờ ăn là bé sẽ đói thực sự, như vậy đến bữa sẽ ăn rất nhiệt tình.
Bé tập làm bánh.
Một vấn đề rất quan trọng nữa là đồ nấu cho bé nên chú trọng vào chất lượng, giảm về số lượng, vì các bé không kiên trì để ăn nhiều. Khi bé dừng lại thì không nên ép. Sau này khi ở tuổi lớn hơn thì đương nhiên sẽ phải dạy bé không được bỏ thừa đồ ăn, nhưng trong 1-2 tuổi thì không nên quá khắt khe.
Video đang HOT
Quay lại vấn đề chăm nuôi trẻ tại các cơ sở ở Việt Nam, chính vấn đề nuôi dạy sai cách đã gây ra áp lực cho cô nuôi dạy trẻ. Việc cố nhồi ép rất căng thẳng cho cả hai phía nếu các cháu không muốn ăn. Đến việc cho con mình ăn, các bà mẹ còn thấy căng thẳng, thì việc các cô cùng một lúc phải cho nhiều bé ăn, đương nhiên không thể tránh khỏi áp lực, từ đó nảy sinh hành động mất tự chủ.
Có thể chính các cô sau khi có hành động bộc phát lúc đầu cũng thấy tội cho bé, nhưng cứ đến bữa thì quy trình đó lại lặp đi lặp lại, mãi rồi thành thói quen dẫn tới vô cảm.
Bé đang được hướng dẫn và thực hành thao tác đánh răng đúng cách.
Theo mình, vấn đề chỉ có thể được giải quyết về lâu dài nếu thay đổi ngay từ quá trình đào tạo các cô nuôi dạy trẻ, chứ không chỉ dừng lại ở việc xử phạt hay sa thải khi đã xảy ra sai phạm. Các cô cần được hướng dẫn cách nuôi dạy trẻ một cách khoa học hơn. Nên mời các chuyên gia từ các nước có nền giáo dục trẻ giỏi về đào tạo cho đội ngũ hàng đầu, rồi từ tiếp tục trải rộng đào tạo tới từng cơ sở.
Như tại Đức, các bé không chỉ được giáo dục tính tự lập mà còn được dạy bảo nhiều kỹ năng sống từ khi còn rất bé. Còn các bé thì rất háo hức khi được khám phá những điều mới lạ. Có như vậy trẻ mới có thể phát triển về tâm và sinh lý một cách hoàn hảo nhất.
H.L.W
Theo Vnexpress
Trẻ bạo lực bắt nguồn từ đâu?
Những đứa trẻ có xu hướng bạo lực thường thiếu hụt các kỹ năng như nhận diện và diễn giải vấn đề một cách khách quan... Vụ việc học trò đâm thầy giáo trọng thương vừa qua, việc nhắc nhở học trò về hình xăm, chắc cũng được học sinh nhận diện là một tình huống hạ nhục, xem thường mới dẫn đến việc đâm thầy thiếu lý trí như thế.
Người lớn đối xử thô bạo làm trẻ thấy mất an toàn
Xu hướng hành vi bạo lực có thể bị ảnh hưởng bởi hóc môn sinh học, khí chất của trẻ từ khi sinh ra. Sự khác biệt về nồng độ hóc môn và các chất dẫn truyền thần kinh sẽ làm cho một số đứa trẻ được xem là dễ tính hơn trong khi một số trẻ khác rất khó tính.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra, hành vi bạo lực của một đứa trẻ bị quy định bởi lượng testosterone (hóc môn nam tính) cũng như một số rối loạn chức năng vùng trán trước của bộ não (cơ quan kiểm soát, điều chỉnh và điều khiển hành vi con người).
Sự khó tính của trẻ từ khi mới sinh ra cùng với những sự kiện không thuận lợi trong cuộc sống gia đình như áp lực công việc, gánh nặng tài chính, mâu thuẫn trong hôn nhân tạo nên sự căng thẳng của cha mẹ.
Dưới áp lực căng thẳng cộng thêm thiếu kỹ năng kỷ luật tích cực dẫn đến việc cha mẹ có xu hướng dùng các biện pháp giáo dục bạo lực với con cái của mình. Những hành vi giáo dục bạo lực này làm cho trẻ chấp nhận rằng bạo lực là điều bình thường giữa người với người.
Hành vi bạo lực của cha mẹ được nhập tâm thành những khuôn mẫu hành vi trẻ ứng xử với người khác. Mầm mống và xu hướng thể hiện bạo lực với người khác ở trẻ bắt đầu hình thành từ đây.
Việc bị người lớn đối xử thô bạo và không nhất quán sẽ làm cho trẻ luôn trong trạng thái mất an toàn. Cảm giác lo lắng và mất an toàn khiến trẻ thu mình lại, không chịu khám phá môi trường mới, không chịu hành động trong các tình huống mới hay các mối quan hệ mới.
Điều này hạn chế hoạt động của trẻ, khiến trẻ không học được các kỹ năng xã hội hay nhận thức cần thiết để tham gia các mối quan hệ xã hội trong trường học cũng như thành công trong học tập.
Thầy giáo ở Quảng Bình bị học sinh đâm bằng dao bấm sau khi bị nhắc nhở về hình xăm (Ảnh: Đặng Tài)
Thà bị quát mắng còn hơn bị phớt lờ
Người ta thường thấy những đứa trẻ có xu hướng bạo lực thường thiếu hụt các kỹ năng như kỹ năng nhận diện và diễn giải vấn đề một cách khách quan; kỹ năng giải quyết vấn đề linh hoạt, kỹ năng nhận diện cảm xúc người khác và xu hướng quy gán hành vi của người khác mang tính thù địch do đã quen với việc bị đối xử thô bạo.
Về cơ bản, trẻ liên tục nhận những ứng xử bạo lực từ môi trường sẽ chú ý nhiều hơn, sẽ nhạy cảm quá mức với những tình huống nguy cơ. Chúng diễn giải mọi tình huống đều là nguy cơ thù địch từ đó dẫn tới cách phản ứng bột phát, mang tính thù địch cao hướng đến những đối tượng tạo ra dấu hiệu nguy cơ cho dù chỉ là vô tình.
Minh họa rõ nhất cho vấn đề này là việc trẻ thấy người khác cười thì nghĩ ngay họ "cười đểu" mình; thấy hai bạn nói chuyện với nhau thì tin ngay là đang "nói xấu" mình. Gọi bạn mà bạn không thưa, không quay lại chào do không nghe thấy sẽ được diễn giải là bạn "thiếu lễ độ" với mình cần phải xử lý.
Trong vụ việc học trò đâm thầy giáo trọng thương, việc nhắc nhở học trò về hình xăm, chắc cũng được học sinh nhận diện là một tình huống hạ nhục, xem thường mới dẫn đến việc đâm thầy thiếu lý trí như thế.
Và càng học, khoảng cách thiếu hụt kỹ năng với các bạn cùng trang lứa càng xa khiến đứa trẻ càng không thể kết nối hòa nhập với bạn bè. Bất lực, xấu hổ vì bị gán nhãn học sinh cá biệt, vì bị tẩy chay, cô lập.
Trẻ thà vi phạm nội quy để bị quát mắng, bị đánh đập để cảm thấy kết nối còn hơn là bị phớt lờ, bị bỏ mặc hoặc không ai quan tâm như thể không tồn tại trên đời. Những cảm xúc tiêu cực này sẽ bùng phát thành những hành vi bạo lực nghiêm trọng khi bước vào thời kỳ vị thành niên với những xáo trộn tâm sinh lý.
Bước vào giai đoạn dậy thì, đứng trước những thay đổi về sinh lý cơ thể và bất ổn về tâm lý, trẻ rất cần sự quan tâm, chỉ bảo và giám sát của người lớn. Đáng ra cha mẹ và giáo viên cần quan tâm hơn, cần dành thời gian hơn cho trẻ lúc này nhưng thực tế cho thấy đây là thời điểm cha mẹ buông lỏng việc quản lý con cái nhiều nhất.
Đặc biệt, đối với phụ huynh có con với nhiều vấn đề hành vi và thất bại học đường, vì quá mệt mỏi sau nhiều năm quản lý hà khắc mà không có kết quả, cha mẹ đến thời điểm này thường buông xuôi, mặc kệ cho con muốn làm gì thì làm.
Nhiều cha mẹ còn tránh né các tình huống phải đối mặt hay nói chuyện với trẻ để cảm thấy được nghỉ ngơi, cảm thấy không bận đầu bởi các lỗi hành vi các em gây ra. Nhưng cách ứng xử đó càng làm cho trẻ cảm thấy thù ghét gia đình, thù ghét trường học và những người bạn học luôn coi thường trẻ.
Chúng bắt đầu kết bạn với những đứa trẻ khác cùng cảnh ngộ và trở thành bằng nhóm chuyên đi bắt nạt, trấn lột hoặc gây ra các vụ việc sợ hãi trong và ngoài trường. Lúc này, tính chất bạo lực đã trở thành một thói quen khó bỏ trong cách hành xử của trẻ, khởi nguồn cho những hành vi bạo lực nghiêm trọng hoặc hành vi vi phạm pháp luật.
Cha mẹ cần học cách quản lý cảm xúc
Chúng ta có thể thấy rằng hành vi bạo lực của trẻ ngày nay chính là hệ quả những hành vi bạo lực của trước hết là cha mẹ, giáo viên và người lớn ứng xử với trẻ trước đây khi chúng còn nhỏ.
Muốn con không hành xử bạo lực, cha mẹ trước hết phải học cách quản lý cảm xúc của mình, phải ý thức rõ để tự học và tự thực hành kỹ năng làm cha mẹ tích cực. Tương tự ở Trường, giáo viên cũng cần học cách kiểm soát cảm xúc bản thân để ứng xử với các em theo nguyên tắc kỷ luật tích cực
Nhìn nhận trẻ có hành vi bạo lực như sự thiếu hụt các kỹ năng. Cha mẹ và giáo viên thay vì quy gán con là đứa hư hỏng hay cháu là học sinh cá biệt, hãy trang bị thêm cho con các kỹ năng như nhận diện và diễn giải vấn đề một cách khách quan; giải quyết vấn đề linh hoạt, nhận diện và hiểu cảm xúc người khác; kiểm soát hành vi - cảm xúc bản thân.
TS Trần Thành Nam
(Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục- ĐH Quốc gia Hà Nội, thành viên Hiệp hội Tâm lý và Giáo dục Việt Nam (VAPE)
Theo Dân trí
Giúp con hình thành kỹ năng tự lên kế hoạch Tạo động lực học tập, xây dựng môi trường học sáng tạo, khen thưởng khi bé có thành tích tốt giúp con rèn luyện kỹ năng lập kế hoạch. Chị Vy (40 tuổi, TP HCM) chia sẻ, bé nhà chị học lớp 5 vẫn còn hay mất tập trung trong lớp. Mỗi ngày, thầy cô và bố mẹ đều phải nhắc con làm...