Èo uột tuyển sinh trường nghề
Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đang bị tách rời khỏi hệ thống giáo dục chung dẫn đến công tác tuyển sinh trình độ cao đẳng (CĐ) và trung cấp (TC) ảm đạm, bên cạnh đó chính sách đầu tư còn những bất cập nên càng gian nan hơn.
Mỏi mắt ngóng thí sinh
Thời điểm này, khi các trường đại học (ĐH) cơ bản hoàn tất công tác tuyển sinh và tổ chức nhập học, đào tạo cho sinh viên khóa mới thì nhiều trường CĐ, TC vẫn đang mỏi mắt chờ thí sinh đến.
Tình hình trường CĐ, TC tuyển sinh èo uột đã diễn ra vài năm nay, nhất là khi thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng vào các trường ĐH. Năm 2017, 2018, hệ thống GDNN tuyển được hơn 2,2 triệu chỉ tiêu/năm, tuy nhiên mỗi năm các trường CĐ và TC chỉ lấy được số lượng hơn 540.000, chiếm 25% tổng tuyển sinh cả nước.
Sàn Giao dịch việc làm Hà Nội thu hút sinh viên nhiều trường CĐ, TC đến đăng ký ứng tuyển. Ảnh: Thủy Trúc
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các trường CĐ, TC khó khăn trong tuyển sinh được các chuyên gia chỉ ra. Mặc dù hệ thống trường phổ thông có chương trình định hướng nghề nghiệp thực hiện rất rầm rộ nhưng người quyết định cuối cùng trong việc chọn nghề lại là phụ huynh chứ không phải học sinh. Trong khi đó, GDNN đang bị tách rời hệ thống giáo dục chung nên tuyển sinh CĐ, TC càng khó khăn hơn. “Nguyên tắc tuyển sinh là lọt sàng xuống nia, học sinh không đậu ĐH sẽ học CĐ.
Tuy nhiên, dữ liệu thông tin thí sinh đăng ký tuyển sinh không được Bộ GD&ĐT chia sẻ với Bộ LĐTB&XH nên các cơ sở GDNN phải chạy đến từng trường mời gọi học sinh” – PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh phân tích.
Cũng đề cập đến câu chuyện tuyển sinh GDNN, nhiều chuyên gia đồng tình với ý kiến của Hiệu trưởng trường CĐ Y tế Phú Yên Bùi Trần Ngọc: Hệ thống các trường CĐ Việt Nam đang đứng trước nguy cơ, thách thức rất lớn bắt nguồn từ chính sách.
Video đang HOT
Cùng trong hệ thống giáo dục, Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH đều có thế mạnh nhưng không phối hợp nên các trường CĐ, TC bị bỏ rơi, tụt hậu. Các trường CĐ, TC cũng phải tự chủ, tự chịu trách nhiệm, giải trình với xã hội nhưng bị tước quyền tuyển sinh viên khi hệ thống trường ĐH lấy quá nhiều chỉ tiêu, điều kiện quá rộng rãi.
Nhiều bất cập
Hoạt động của GDNN nhằm phục vụ mục tiêu cung cấp nguồn nhân lực cho đất nước. Các trường CĐ, TC đào tạo nghề phải đảm bảo yếu tố chất lượng, giá thành, quy chuẩn và phải đào tạo theo nhu cầu thực tế thị trường việc làm.
Tuy nhiên, thực tế lại không hẳn như vậy. Chuyên gia độc lập Bùi Phương Việt Anh đã bỏ ra 24 năm đi hơn 400 trường tìm hiểu và nhận thấy: “Bây giờ là cuộc chơi công bằng, GDNN không thể đổ lỗi hết cho các trường ĐH, gia đình, xã hội. Lỗi ở chỗ các trường nghề chưa cho người dân thấy vai trò của tri thức năng lực”.
Một thực tế khác được Hiệu trưởng trường CĐ Y tế Phú Yên chỉ ra, GDNN tiệm cận chuẩn mực quốc tế nhưng các tiêu chuẩn chung trong nước lại đang bị lạc hậu. Nhất là hệ thống trường nghề ngành y, sinh viên tốt nghiệp không thể ra nước ngoài làm việc do không đáp ứng chuẩn quốc tế.
Mặt khác, mỗi cơ sở GDNN lại thiết kế chương trình đào tạo có chuẩn đầu ra khác nhau, không theo quy định chung. Ngoài ra, hiện nay hệ thống giáo viên, giảng viên, lãnh đạo các trường nghề không có kiến thức quản trị, hoàn toàn chỉ chuyên môn đơn thuần sẽ không thể giải quyết được bài toán cạnh tranh. Điều này dẫn đến trường nghề Việt Nam thua ngay trên sân nhà, khi ngày càng có nhiều DN quốc tế và trường nước ngoài vào hoạt động.
Vì thế, để sản phẩm của GDNN đào tạo ra đạt chất lượng, một trong những yếu tố đóng vai trò quan trọng chính là sự hợp tác giữa hệ nhà trường – DN. Mặc dù các văn bản Luật Giáo dục, GDNN, DN quy định DN phải có trách nhiệm cùng nhà trường tham gia đào tạo, tuy nhiên, các DN lại không mặn mà. Một thành viên Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh nêu lý do: Các DN không có kinh phí. Mục tiêu của DN là sản xuất, kinh doanh mà khi tham gia vào quá trình đào tạo họ không nhận được sự hỗ trợ.
Chính phủ nên hình thành quỹ đào tạo, miễn giảm thuế cho những DN tham gia đào tạo để có nguồn kinh phí hoạt động đào tạo và động lực phối hợp với nhà trường.
Phối hợp nghiên cứu là nội dung rất cần thiết, có vai trò quyết định sự tồn tại và phát triển của nhà trường và DN. Theo các chuyên gia, nếu nhà trường làm tốt được nội dung này đồng nghĩa với giải được bài toán tuyển sinh và nâng chất lượng GDNN.
Theo kinhtedothi
Tuyển sinh trường nghề: Sinh viên theo học vì cam kết không thất nghiệp
Đến thời điểm này, nhiều trường đại học (ĐH) vẫn đang tiếp tục xét tuyển bổ sung thí sinh thì một số trường cao đẳng (CĐ) nghề đã tuyển đủ học sinh và tổ chức khai giảng sớm.
Chất lượng đào tạo và cam kết không để sinh viên thất nghiệp chính là yếu tố giúp các trường nghề thu hút học viên.
Thương hiệu mỗi trường chính là yếu tố thu hút học sinh.
Những tín hiệu vui
Năm nay tổng chỉ tiêu tuyển sinh của Trường CĐ cơ điện Hà Nội là 1500 học sinh. Hiện đã có 1900 hồ sơ đăng ký nhập học, vượt 400 chỉ tiêu. Ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, sau đợt 1 xét tuyển đã có 800 thí sinh nhập học và đào tạo chuyên môn ngay. Dự kiến đầu tháng 9 trường sẽ tuyển đủ chỉ tiêu trong đợt 2 xét tuyển. Năm ngoái khoảng 33 tỉnh thành có sinh viên học tập tại trường. Năm nay, có 39 tỉnh với những sinh viên đến từ miền Trung, miền Nam, thậm chí cả miền Tây. Phổ điểm về cơ bản cao hơn một chút, mọi năm khoảng 15 điểm hoặc dưới một chút. Điểm trung bình khoảng 16 điểm.
Còn tại Trường CĐ nghề Bách khoa, nhiều ngành có điểm đầu vào vượt cả điểm sàn ĐH. Ông Dương Đức Hồng- Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường quy định điểm sàn từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2019 cho các ngành kỹ thuật là 5.4 điểm/môn. Tức điểm đầu vào trên 15. Tuy nhiên, nhiều thí sinh trúng tuyển với số điểm từ 18 đến 21.
Bà Phạm Thị Lan Phương- Hiệu trưởng Trường Cơ khí nông nghiệp (huyện Vĩnh Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) cho rằng, năm nay tuyển sinh trường nghề có những tín hiệu đáng mừng bởi các em đã có định hướng ngay từ đầu chứ không phải chờ rớt ĐH mới đi học nghề. Cụ thể, nhiều thí sinh đã nộp hồ sơ vào trường nghề trước khi có kết quả xét tuyển vào ĐH.
"Đến thời điểm này nhà trường đã tuyển được 80% so với chỉ tiêu đề ra, đạt 1.000 sinh viên so với 1.300 chỉ tiêu. Năm nay người học có nhận thức rõ ràng hơn về mục tiêu của mình. Trong đợt nhập học này số lượng học sinh sinh viên đông nhất từ trước đến nay"- bà Phương cho biết.
Không để sinh viên thất nghiệp
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN- Bộ LĐTBXH), trong 2 năm 2018, 2019 kế hoạch tuyển sinh đào tạo nghề đều vượt kế hoạch đề ra. Ông Trương Anh Dũng -Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN cho biết, trước đây các trường ĐH tuyển sinh xong mới đến các trường nghề. Những em không đỗ ĐH mới vào trường nghề học. Mấy năm trở lại đây đã có sự thay đổi. Tính đến hết tháng 8 này các trường nghề đạt vượt 10% so với chỉ tiêu tuyển sinh của năm trước. Nhiều trường nghề đã tuyển đủ học sinh. Nhiều trường nghề đã tổ chức khai giảng sớm, có sự phân hóa trong ngành nghề đào tạo rất rõ. Những ngành liên quan đến kinh tế mũi nhọn của đất nước như công nghệ thông tin du lịch đông học sinh hơn. Những ngành nghề kinh tế kinh doanh, quản trị kế toán trong hệ đào tạo cao đẳng trung cấp giảm rất nhiều. Giữa các trường CĐ cũng có sự phân cấp với nhau.
Trong khi nhiều trường ĐH hạ điểm chuẩn để vét thí sinh thậm chí phải tuyển bổ sung hàng nghìn chỉ tiêu thì công tác tuyển sinh của nhiều trường nghề khởi sắc với số lượng đầu vào tăng từ 20-30% so với mọi năm. Tại nhiều trường CĐ có thương hiệu, điểm trúng tuyển ngang bằng với các trường ĐH.
Lý giải nguyên nhân để trường tuyển sinh tốt, bên cạnh công tác truyền thông thì nhờ có những đổi mới trong tuyển sinh, năm nay Trường CĐ Công nghiệp Hà Nội cũng dồi dào nguồn tuyển. Cụ thể, trường tiếp tục nhận hồ sơ tới hết tháng 9 nhưng hiện đã có 800 thí sinh nhập học trên 1.100 chỉ tiêu tuyển sinh. Điểm xét tuyển học bạ của các ngành cao hơn so với năm ngoái với nhiều em đạt 17 điểm. Có những thí sinh có điểm thi THPT quốc gia 2019 từ 22 đến 24 điểm vẫn nộp hồ sơ vào trường.
Theo ông Đồng Văn Ngọc, thương hiệu mỗi trường chính là yếu tố thu hút học sinh. Nhưng để làm nên thương hiệu thì chất lượng đào tạo và cam kết đầu ra cho sinh viên là nguyên nhân chính. Tôi là người trực tiếp ký cam kết việc làm là không để sinh viên nào thất nghiệp. Nếu thất nghiệp chúng tôi trả lại học phí. Nhưng câu chuyện này không bao giờ xảy ra vì chúng tôi quản trị rất tốt hoạt động nhà trường hợp tác với doanh nghiệp. Nhiều trường hợp năm nay chúng tôi áp dụng chính sách kiểm sinh kèm tuyển dụng. Như nghề hàn, khi sinh viên vào thì biết ngay doanh nghiệp nào đỡ đầu và họ sẵn sàng tài trợ tiền học phí và sinh viên phải ký cam kết với doanh nghiệp là sau khi tốt nghiệp sẽ làm việc cho doanh nghiệp 5 năm. Với chính sách đó, sẽ làm tăng cường thêm cho nhà trường.
Trong năm 2019, số thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp chiếm đến 27,8%, cao hơn nhiều so với 2 năm trước. Bên cạnh số thí sinh trực tiếp tham gia ngay thị trường lao động không qua đào tạo thì nhiều em tự lựa chọn học nghề. Tuy nhiên, sự khởi sắc trong tuyển sinh trường nghề không phải là bức tranh chung ở tất cả các trường CĐ. Điều đó cho thấy sự phân hóa rõ nét giữa các cơ sở GDNN và càng khẳng định, chất lượng đào tạo và danh tiếng của mỗi nhà trường là điều quan trọng trong tình hình tuyển sinh ngày càng cạnh tranh khốc liệt hiện nay.
Thu Hương
Theo daidoanket
Nâng cao trình độ giáo viên, giảng viên GD quốc phòng an ninh Bộ GD&ĐT đề xuất Chính phủ tiếp tục kéo dài Đề án Đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh đến năm 2025 để hoàn thành mục tiêu của Đề án cũng như chuẩn hóa trình độ của các giáo viên, giảng viên. Sáng 29/8, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An chủ trì Hội nghị sơ kết...