Email lòng dân của Bộ trưởng Giáo dục
Bó hoa giản dị của học sinh vùng cao tặng Bộ trưởng Phạm Vũ Luận. Ảnh: Nguyễn Hùng.
GD&TĐ – Đã từ lâu, địa chỉ email của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận không còn là điều bí mật khi ông chủ động công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Được biết, hộp thư này gần như quá tải trước và sau mỗi kỳ thi tốt nghiệp, tuyển sinh ĐH, CĐ.
Năm nay, những cánh thư gửi đến Bộ trưởng trước và sau kỳ thi THPT quốc gia lại được chính những người viết “bật mí” cho báo ngành Giáo dục trong tâm trạng phấn khởi, tự hào kể lại đã viết gì, nhận phúc đáp ra sao từ vị lãnh đạo cao nhất của Ngành…
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo có lẽ là Bộ trưởng duy nhất sử dụng cả hai đường dây nóng qua điện thoại và qua mạng nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng của thầy cô giáo, cán bộ quản lý, người dân, học sinh sinh viên trong và ngoài nước. Coi đây là một công việc quan trọng hỗ trợ kịp thời công tác chỉ đạo điều hành, Bộ trưởng thường xuyên tự kiểm tra, cập nhật email nhiều lần trong ngày và trực tiếp xử lý các thông tin nhận được.
Video đang HOT
Có người lo ngại việc phản ảnh tiêu cực đến Bộ trưởng qua email có thể ảnh hưởng đến họ, nhưng Bộ trưởng Luận khẳng định trên báo chí bảo đảm giữ bí mật người cung cấp thông tin, phản ảnh tiêu cực trong kỳ thi. Để thấy địa chỉ email Bộ trưởng thì công khai, nhưng những nội dung thư từ thì chỉ chủ nhân mới biết.
Nhưng điều lạ là những người gửi thư cho Bộ trưởng lại phấn khởi bật mí những gì họ viết. Bởi người viết thư cảm nhận được sau những tâm huyết được gửi đi qua email, họ nhận lại sự trân trọng, biết ơn, và cảm nhận rõ niềm tin vào sự đổi mới giáo dục của nước nhà.
Một cô giáo THPT tại Quảng Bình gắn bó cả cuộc đời với sự nghiệp giáo dục, chỉ còn khoảng thời gian ngắn nữa là sẽ rời bục giảng , nghỉ hưu theo chế độ. Khỏi phải nói cũng hiểu cô đã trải nghiệm bao nhiêu kỳ thi tốt nghiệp, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ trong suốt thời gian công tác của mình, vậy nên để có những nhận định về kỳ thi THPT quốc gia năm nay, hẳn cô giáo đã suy ngẫm, so sánh rất nhiều trước khi viết thư lên Bộ trưởng.
Biết Bộ trưởng rất bận, cô đã chắt chiu những nhận xét ngắn gọn nhất trong thư của mình: “…Việc gộp 2 kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ đã được đề cập từ lâu, nhưng nay mới được thực hiện, điều đó thể hiện sự quyết tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước nói chung, của Bộ Giáo dục và Đào tạo và đặc biệt là Bộ trưởng. Công tác thi tôi đánh giá về cơ bản là nghiêm túc, đánh giá đúng thực chất của học sinh. Đề thi sát với chương trình học ở bậc THPT, có tính phân loại học sinh. Công tác thông tin trước và sau kỳ thi được thực hiện rất tốt, đặc biệt giai đoạn gần đây Bộ cung cấp những thông tin rất hữu ích cho thí sinh để các em có thêm căn cứ đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ như phổ điểm, thống kê điểm các khối thi… Theo tôi, về tổng thể, kỳ thi đã đáp ứng được mục đích đề ra ban đầu…”
Cũng liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia, một nhóm học sinh thế hệ 9X – năm nay tham dự kỳ thi đổi mới đầu tiên – gửi đến Bộ trưởng những băn khoăn, lo lắng trước kỳ thi và niềm vui của mình sau khi biết kết quả. Những cô cậu học trò thanh xuân mơn mởn đã biết nghĩ sâu xa tâm sự: “Chúng em cứ mạnh dạn viết thư tới Bộ trưởng, vừa như lời thế hệ trẻ gửi tới nhà lãnh đạo, như học trò gửi thầy giáo, và đặc biệt em thích suy nghĩ chúng em đang viết những tâm tư gửi đến cha của mình! Bộ trưởng cũng là một người cha nên chắc sẽ hiểu tâm lý của chúng em!”
“Tâm thư” được mở đầu với sự “run rẩy” học trò: “Thưa thầy, em sinh năm 1997, em vừa thi tốt nghiệp THPT xong và đang chuẩn bị nộp xét tuyển vào ĐH, CĐ. Trước kỳ thi chúng em đều rất sợ: Sợ đề thi lạ lẫm, sợ đề thi khó, sợ rất nhiều thứ…”; và kết thúc với rạng rỡ niềm vui, lòng tri ân: “… Bây giờ em có thể thở phào nhẹ nhõm, em và các bạn trong nhóm đạt được một số điểm tương đối, và khi nhìn vào thống kê điểm theo khối mà em đọc trên báo có thể thấy chúng em ở nhóm trên, có thể xét tuyển vào rất nhiều trường. Em viết thư này để cảm ơn thầy, cảm ơn các thầy cô đã không gây sốc cho chúng em, đã kịp thời cung cấp những thông tin hữu ích cho chúng em trong thời gian qua để chúng em có định hướng trong việc xét tuyển ĐH, CĐ…”.
Hộp thư mở ra, công khai địa chỉ, nhưng nếu những sáng kiến, ghi nhận chỉ là một chiều gửi, rơi vào im lặng, chắc sẽ ngày càng ít người gửi thư đến lãnh đạo, hộp thư đó chỉ mang tính hình thức. Bộ trưởng bận trăm công ngàn việc – điều này ai cũng biết – Bộ trưởng sẽ chỉ trả lời những nội dung cần thiết, chọn lọc.
Tuy nhiên, khi nhận được những đóng góp xác đáng, trong thời buổi công nghệ thông tin, nhấp chuột reply là trả lời nhanh như điện xẹt. Nhưng vị lãnh đạo ngành Giáo dục có lúc lại chọn viết thư tay trả lời. Có lẽ đó là thói quen của người thầy yêu bút mực, giấy viết, nhưng trên cả là thể hiện sự trân trọng của Bộ trưởng tới những người luôn quan tâm, góp lời thấm thía giúp Bộ GD&ĐT có những quyết sách, điều hành thuận lòng dân.
Một luật sư đã tỏ lòng kính trọng và lời cảm ơn của mình đến Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trên facebook sau khi nhận được lá thư tay viết trên giấy trả lời góp ý của ông cho ngành Giáo dục về phương thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia: “Tôi đã nhận được thư của Luật sư đề ngày 6.7.2015 góp ý về tổ chức thi THPT quốc gia. Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức phân tích, đánh giá để rút kinh nghiệm và hoàn thiện phương án thi trong những năm sau. Trong đó, ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân là một kênh thông tin quan trọng và quý giá. Chúng tôi trân trọng đón nhận ý kiến đóng góp của Luật sư và sẽ nghiên cứu với tinh thần cầu thị…”
Có lẽ cách công khai email của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận là làm theo chủ trương “Dân biết – Dân bàn – Dân làm – Dân kiểm tra” – Email lòng dân – để mọi quyết định, đổi mới của ngành Giáo dục đều bắt nguồn từ ý Đảng, lòng dân. Và bằng chứng là thời gian qua, nhiều vấn đề chuyên môn khá sâu của giáo dục đã được xã hội hiểu đúng và đồng thuận rất cao.
Thông tin hai chiều với người lãnh đạo là rất quan trọng, bên cạnh những báo cáo lời hay ý đẹp, hộp thư điện tử của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã giúp ông có thêm kênh thông tin, giúp ông cái nhìn toàn cảnh, nhiều chiều về một vấn đề, nghe được tiếng dân từ Việt Nam, từ thế giới.
Và nhìn ngược lại, từ kết nối qua email Bộ trưởng, giáo viên, cha mẹ học sinh, các nhà quản lý, chuyên gia… thấy gần gũi với người lãnh đạo ngành Giáo dục, để nếu có cơ hội gặp ông có thể tự tin trực tiếp trao đổi: “Thưa ông Bộ trưởng, hôm trước tôi vừa viết email gửi ông bàn về…”.
Miên man dòng cảm xúc từ những câu chuyện kể của bạn đọc, chợt điện thoại kêu “tinh tinh” báo có email mới – thư nhận trả lời phỏng vấn báo Giáo dục và Thời đại của vị giáo sư nổi tiếng ngành Toán học năm nay đã 88 tuổi vẫn tâm huyết, đóng góp nhiều ý kiến cho đổi mới giáo dục. Dòng đầu tiên, ông viết: “Tôi vừa chúc mừng ông Bộ trưởng về thắng lợi mùa thi đổi mới đầu tiên…”.
Chợt nghĩ, sau những tất bật cho kỳ thi THPT quốc gia, chắc lúc này, Bộ trưởng đang vui lắm…
Theo GD&TĐ