EMA kêu gọi châu Âu thu hẹp khoảng cách tiêm phòng COVID-19
Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) ngày 18/11 cảnh báo châu lục này cần thu hẹp khoảng cách về tiêm phòng để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.
Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh nhiều nước châu Âu đang đối mặt với làn sóng dịch mới, khi số ca nhiễm theo ngày tăng cao kỷ lục và ngày càng nhiều ca phải nhập viện là người chưa tiêm phòng.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Wellington, New Zealand. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu tại họp báo, Giám đốc chiến lược vaccine của EMA, ông Marco Cavaleri cho biết: “Chúng ta đang chứng kiến số lượng ca mắc tăng quá nhanh, gồm cả số ca bệnh nặng, ca nhập viện hoặc phải điều trị tích cực, đặc biệt là trong số những người chưa được tiêm phòng”.
Trong khi đó, một số nước châu Âu vẫn có tỷ lệ tiêm chủng ở mức “thấp không thể chấp nhận”, khiến đa phần người dân không được bảo vệ, kể cả nhóm trên 50 tuổi có nguy cơ cao. Ông kêu gọi châu Âu cần thu hẹp khoảng cách tiêm phòng để bảo vệ càng nhiều người càng tốt.
Video đang HOT
Tuy nhiên, quan chức EMA cũng lưu ý rằng “không có vaccine nào hiệu quả 100%”, vì vậy các nước cần thực hiện các biện pháp khác để ngăn chặn virus lây lan trong mùa Đông, vốn là điều kiện thuận lợi cho virus phát triển.
Trong bối cảnh số ca mắc là trẻ em gia tăng, EMA đang xem xét cấp phép sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech cho nhóm tuổi 5-11. EMA cũng bắt đầu xem xét cấp phép sử dụng thuốc điều trị COVID-19 của hãng Pfizer vì tình hình dịch bệnh tại nhiều nước thành viên đang nghiêm trọng. Bên cạnh đó, thuốc điều trị dạng viên của công ty dược Merck dự kiến sẽ được cấp phép vào cuối năm 2021.
Thuốc điều trị dạng viên nén được xem là đột phá tiềm ẩn vì giá tương đối rẻ và dễ sử dụng để bảo vệ nhóm người có nguy cơ như người cao tuổi hoặc những người có vấn đề về hệ miễn dịch.
Bên cạnh đó, EMA đang đánh giá đơn xin cấp phép sử dụng thuốc kháng thể đơn dòng Sotrovimab trong điều trị bệnh COVID-19. Đây là thuốc dạng tiêm do hãng dược phẩm GlaxoSmithKline (GSK) và công ty Vir Biotechnology đồng phát triển. Nếu được EMA phê chuẩn, đây sẽ là loại thuốc thứ ba điều trị COVID-19 được cấp phép sử dụng tại châu Âu.
Hàn Quốc thêm 3.292 ca mắc COVID-19, tổng số lên 406.065 ca
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, ngày 18/11 Hàn Quốc ghi nhận 3.292 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát tại nước này, nâng tổng số ca lên 406.065 ca.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết trong đó có tới 3.272 ca lây nhiễm cộng đồng. Số ca mắc mới tăng mạnh trong bối cảnh chính phủ nước này nới lỏng các quy định về giãn cách xã hội và thực hiện kế hoạch "Sống chung với COVID-19".
Ngoài ra, theo KDCA, với thêm 29 ca không qua khỏi trong 24 giờ qua, tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Hàn Quốc tăng lên thành 3.187 ca. Trong khi đó, số lượng bệnh nhân COVID-19 nặng hiện chỉ còn 506 ca, giảm 16 ca so với mức cao nhất (522 ca) trong ngày 17/11 vừa qua.
Hàn Quốc đã bắt đầu thực hiện kế hoạch "Sống chung với COVID-19" theo 3 giai đoạn từ ngày 1/11. Tuy nhiên, KDCA cảnh báo có khả năng sẽ không thể chuyển sang giai đoạn II nếu xu hướng lây nhiễm hiện tại tiếp tục kéo dài. Cơ quan này cũng đã đưa ra một hệ thống 5 cấp mới vào ngày 17/11 (dựa trên 17 chỉ số và chia làm 3 lĩnh vực: y tế và phòng dịch; tình hình phát sinh dịch bệnh và tiêm chủng). Theo đó, nếu mức độ rủi ro đạt đến cấp độ thứ 4 hoặc cao hơn, Chính phủ Hàn Quốc sẽ thực hiện "đánh giá khẩn cấp" về tình hình đại dịch để có thể thực thi các kế hoạch dự phòng. Cơ quan chức năng cũng sẽ triển khai sớm việc xem xét thực hiện các kế hoạch dự phòng trong trường hợp công suất sử dụng giường bệnh cho các ca bệnh nặng vượt ngưỡng 75%.
Số liệu của KDCA cũng cho thấy đã có tổng cộng 42,11 triệu người, tương đương 82% dân số Hàn Quốc, hoàn tất tiêm vaccine mũi đầu tiên và 40,31 triệu người, tương đương 78,5%, đã được tiêm chủng đầy đủ. Trong khi đó, theo số liệu của Bộ Tư pháp Hàn Quốc, tính đến ngày 16/11, tỷ lệ người nước ngoài ở Hàn Quốc hoàn tất tiêm chủng là 72,2%. Tỷ lệ ca mắc COVID-19 là người nước ngoài trên số ca nhiễm phát sinh giảm từ 21,7% (ngày 13/10) xuống còn 6,2% (ngày 16/11).
Thời gian qua, Bộ Tư pháp Hàn Quốc cũng đã xúc tiến triển khai nhiều đối sách nhằm khuyến khích người nước ngoài lưu trú bất hợp pháp làm xét nghiệm COVID-19 và tham gia tiêm chủng như hướng dẫn hoạt động ở khu vực tập trung đông người nước ngoài; tạo điều kiện, ưu đãi cho người nước ngoài lưu trú bất hợp pháp đã tiêm chủng khi tự nguyện khai báo về nước.
* Ngày 17/11, Pháp ghi nhận hơn 20.000 ca mắc mới COVID-19. Đây là mức cao nhất tại quốc gia châu Âu này tính từ ngày 25/8 đến nay trong bối cảnh làn sóng dịch lần thứ 5 đang hoành hành phức tạp với tốc độ lây nhiễm tăng nhanh.
Bộ Y tế Pháp thông báo với 20.294 ca mới, tổng số ca hiện tăng lên thành 7,33 triệu ca. Số ca mắc mới trung bình trong 7 ngày qua vượt ngưỡng 12.400 ca. Trong khi đó, số ca mới tính trên 100.000 dân trong một tuần đã tăng lên tới 129 ca, cho dù vẫn thấp hơn các quốc gia láng giềng như Đức, Anh và Bỉ - nơi ghi nhận tỷ lệ cao hơn nhiều lần.
Ngoài ra, ngày thứ 2 liên tiếp Pháp ghi nhận số bệnh nhân COVID-19 nhập viện tăng hơn 10% so với tuần trước, lên mức 7.663 ca. Số bệnh nhân nặng phải điều trị tích cực ICU tăng lên tới 1.300 ca.
Bộ Y tế Pháp cho biết thêm tổng số ca tử vong tại nước này hiện vượt mức 118.000 ca sau khi ghi nhận thêm 56 ca không qua khỏi.
Người phát ngôn Chính phủ Pháp Gabriel Attal cùng ngày nêu rõ nước này đang chịu tác động của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 5, song ở thời điểm hiện tại chưa có thêm biện pháp nghiêm ngặt nào được bổ sung vào chương trình phòng dịch hiện nay. Chính phủ kỳ vọng tỷ lệ tiêm phòng cao sẽ hạn chế được các trường hợp phải nhập viện.
Trong khi đó, cố vấn khoa học hàng đầu của Chính phủ Pháp, ông Jean-Francois Delfraissy cho biết giới chức trách có khả năng yêu cầu các công ty triển khai mô hình cho nhân viên làm việc từ xa thêm một lần nữa.
New Zealand cấp chứng nhận thông hành vaccine Bộ trưởng Ứng phó với COVID-19 của New Zealand, ông Chris Hipkins ngày 17/11 thông báo hơn 3,4 triệu người dân nước này đã hoàn thành tiêm phòng COVID-19 sẽ được cấp chứng nhận thông hành vaccine (My Vaccine Pass) từ ngày 17/11. Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Auckland, New Zealand. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN Chứng nhận do Bộ Y...