‘Em phát âm không chuẩn, đừng đọc sách tiếng Anh cho con’
Khi chồng nói rằng tôi phát âm nhiều từ không chuẩn, đừng đọc sách tiếng Anh cho con, tôi thấy tự ti và nhường luôn việc đọc sách cho chồng.
Tốt nghiệp Kinh tế đối ngoại của một trong những trường đại học hàng đầu Việt Nam, tôi rất tự tin với vốn tiếng Anh của mình. Vì thế, thời gian đầu khi con tập nói, tôi rất thích đọc sách tiếng Anh cho con.
Khi nhìn thấy hai mẹ con ê, a, chồng tôi quan sát, không nói gì. Khi con ngủ, anh ấy mới nói: “Em phát âm nhiều từ không chuẩn, đừng đọc sách tiếng Anh cho con nữa kẻo con bé cũng quen kiểu phát âm đó là hỏng đấy”.
Chỉ vì nhìn xung quanh
Thái độ nghiêm túc của chồng khiến tôi không khỏi tự ti. Tôi giật mình nhìn lại mình thì thấy cũng có phần đúng thật. Chúng tôi học ở trường về mặt dịch thuật và kiến thức có thể nói rất tự tin, nhưng phần ngữ âm vẫn khá hạn chế. Chưa kể, sau thời gian đi làm, không sử dụng tiếng Anh nhiều, phản xạ nói cũng kém dần.
Bị hấp dẫn bởi những sách tiếng Anh được thiết kế đa dạng, phù hợp với trí tò mò của trẻ, nhiều lần tôi muốn đọc cho con nhưng chồng tôi đều rất nghiêm túc nhắc nhở. Mỗi lần như vậy tôi vô cùng bực bội.
Rồi anh dẫn chứng: “Bạn anh làm dự án nhiều với đối tác, nói tiếng Anh thường xuyên nhưng cũng không dám dạy con. Cậu ấy phải thuê thầy về dạy đấy. Em không hiểu cái cây hỏng từ gốc thì sau này có muốn sửa cũng không sửa được”.
Sách tiếng Anh cho trẻ em hiện nay rất đa dạng.
Tôi nín nhịn và tự mình quanh sát xung quanh thì thấy những vấn đề anh nói có vẻ đúng. Nhiều bạn bè, đồng nghiệp tôi cũng không tự dạy con tiếng Anh, dù có biết ở mức độ khác nhau. Vì thế, tôi đành thuận theo chồng, chỉ anh ấy mới có thể hướng dẫn con nói tiếng Anh.
Video đang HOT
Khi con 3 tuổi, tôi đã chọn 1 trường quốc tế để con được giao tiếp tiếng Anh với giáo viên bản ngữ. Phải bỏ ra số tiền đắt đỏ như thế nhưng quan sát của tôi, con cũng chỉ cần nghe nhiều bài hát tiếng Anh, chơi thông qua các trò chơi là có thể tiếp thu rất nhanh. Nhiều lần hứng chí, tôi hát tiếng Anh theo con, thấy sai, con sửa luôn cho mẹ.
Nhưng phải đến lúc 4 tuổi, tham gia vào các diễn đàn về dạy song ngữ, dạy tiếng Anh cho con, tôi mới nhận ra mình đã bỏ lỡ giai đoạn vàng về học ngôn ngữ của con thế nào. Và tôi đành khắc phục cho con thứ 2.
Cha mẹ là người thầy vĩ đại nhất
Câu nói “Cha mẹ là người thầy vĩ đại nhất” luôn đúng. Thầy giáo tiếng Anh, Quang Anh – một giáo viên nghiên cứu sâu trong phát âm chuyên sâu – lại khuyên phụ huynh nếu chỉ biết một chút tiếng Anh thôi cũng có thể dạy tiếng Anh cho con như bình thường.
Theo phân tích này, lợi ích của việc cha mẹ đồng hành cùng con cái trong việc học tiếng Anh sẽ được lợi nhiều hơn so với những hạn chế. Bởi trẻ được lặp đi lặp lại hàng ngày một thứ ngôn ngữ mà bố mẹ đều hứng thú, kiến thức đó sẽ thấm dần vào con.
Anh lấy ví dụ, mẹ bảo “give me a “bâu” (bowl)” và trẻ đưa cho mẹ cái bát – trẻ đã sử dụng được tiếng Anh trong thực tế.
Lời khuyên của nhiều chuyên gia rằng, phụ huynh đừng quá “gồng mình” mà hãy để tự nhiên. Hãy coi tiếng Anh là công cụ giao tiếp. Nếu bố mẹ khuyến khích con sử dụng tiếng Anh thì khi gặp người nước ngoài, con sẽ tự tin nói chuyện với những gì mình đã giao tiếp được hàng ngày.
Mặt khác, con cái được giao tiếp với bố mẹ hàng ngày thông qua ngôn ngữ, hành động sẽ tăng khả năng kết nối tình cảm và có động lực để bản thân bố mẹ cũng liên tục hoàn thiện để dạy con. Điều này tốt hơn rất nhiều so với việc để cho con xem tivi, iPad bằng tiếng Anh một cách thụ động. Nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra, việc xem quá nhiều những thiết bị smartphone, tivi khiến trẻ bị bệnh tự kỷ. Đừng nghĩ cho con xem đi xem lại chương trình tiếng Anh, phát âm chuẩn là con sẽ nói theo.
Quay lại trường hợp nhà tôi, sau khi tự mình tìm nhiều tài liệu, diễn đàn và ý kiến của chính các thầy cô dạy tiếng Anh, tôi đã tự tin nói chuyện với con mình hơn. Nhiều khi sai “té le” và được cháu sửa lại. Con nhất định nói “mẹ nói sai kìa”, thế là mẹ và con cùng nghe lại. Ừ nhỉ, mẹ nói sai. Cả hai cùng cười và con rất thích được “dạy” mẹ, và đó là động lực cho cả hai mẹ con đấy.
Có lần, cả nhà đang đi dạo hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), con tự nhiên chạy tới bắt chuyện với cặp vợ chồng người Mỹ. Con cố gắng chào và hỏi thăm họ. Con nói vẫn còn vấp nhưng lại được họ khuyến khích nên con nói nhiều hơn và điều này trở thành kỷ niệm vô cùng đáng nhớ với cháu.
Mới sinh con thứ 2 được vài tháng, nhưng tôi cũng tự xây dựng cho mình một kế hoạch đồng hành cùng con quan những trang sách. Miễn sao, con thích sách, bố mẹ cũng có trò để cùng chơi với con là phần nào “hội nhập” rồi các bố mẹ ạ. Còn bé thì dễ điều khiển, lớn hơn chút rồi, việc dạy con sẽ vất vả hơn nhiều.
Có thể bạn nói chưa đúng, phát âm đúng, nhưng qua quá trình bạn sẽ tự hoàn thiện bản thân, ngay cả khi đồng hành cùng con. Đó cũng là cách mình học.
Đừng ngại đọc sách tiếng Anh cho con ngay từ hôm nay. Bạn sẽ giúp trẻ tự tin hơn, học giỏi hơn, trải nghiệm hơn và tiếng Anh của bố mẹ cũng sẽ tốt hơn nhiều đấy.
Hãy chia sẻ cách đọc sách cùng con, giúp con thích đọc sách về địa chỉ email: toasoan@zing.vn.
Sáu cách giúp con thích đọc tiếng Anh
Cô Moon Nguyen chia sẻ cách giúp hai con có thể ngồi đọc sách ba buổi trong những ngày nghỉ phòng Covid-19 mà không biết chán.
Để con yêu thích và có thể tự đọc tiếng Anh về sau này, đầu tiên bố mẹ cần đầu tư thời gian đọc tiếng Anh cùng con. Khi đó, bố mẹ có thể cùng con giải thích những từ khó và hướng dẫn cách đọc, tư duy để hiểu câu chuyện. Điều này cũng tăng cường sự gắn bó với nhau. Dưới đây là 6 kinh nghiệm mình đã áp dụng tương đối thành công giúp con yêu sách.
1. Để con tự chọn sách
Khi chọn cuốn sách muốn đọc, con chắc chắn sẽ hào hứng hơn. Tuy còn nhỏ, việc trao quyền tự chủ cho con là cần thiết, giúp chúng trở nên tự tin hơn. Nhà mình có thói quen ra hiệu sách để con chọn sách, bao giờ con đọc xong thì lại đi mua sách mới. Với những cuốn có nhiều tập như Diary of a Wimpy Kid, sau khi mua vài tập và thấy con muốn đọc, mình có thể đặt hàng online để tiết kiệm thời gian.
2. Thiết lập thời gian và không gian cố định để đọc sách
Việc thiết lập thời gian cố định khá quan trọng trong việc hình thành thói quen đọc sách cho con. Ví dụ, bố mẹ có thể đọc sách cho con trước khi đi ngủ và chọn một không gian cố định để đọc. Bình thường, khi phải đi học, con thường đọc sách sau khi làm xong bài tập. Đợt nghỉ dịch này, chúng đọc sách cả sáng, chiều và tối, nên lượng đọc cũng tương đối lớn.
Ảnh: Shutterstock.
3. Giúp con tăng cường hiểu nghĩa của câu chuyện
Bố mẹ không giỏi tiếng Anh có thể sử dụng audio đọc mẫu và cùng con tìm hiểu ý nghĩa của câu chuyện. Những bố mẹ tiếng Anh đã tốt có thể đọc cho con nghe, lưu ý dùng ngữ điệu khi đọc để lời các nhân vật trở nên sinh động, tránh giọng đều đều. Điều quan trọng là trong quá trình đọc, bố mẹ nên hỏi con một số câu để xem chúng có hiểu không, và giải thích nếu cần thiết. Khi đọc sách có tranh, bố mẹ có thể dùng tranh để con phán đoán câu chuyện, hoặc đoán từ mới dựa trên ngữ cảnh.
4. Vừa đọc vừa chỉ vào chữ cho các bé chưa biết nhiều chữ
Trẻ nhỏ chưa biết đọc sẽ không hiểu mối liên hệ giữa "tiếng" và "chữ". Việc đọc cho con những mẩu sách đơn giản, vừa chỉ tay vào chữ vừa đọc cũng giúp con hiểu rằng chữ và tiếng có liên hệ, và dần nhận biết mặt chữ tốt hơn. Nếu chữ đó thường xuyên lặp lại trong bài, bố mẹ có thể đôi khi dừng lại và để con "thử" tự đọc chữ đó xem sao.
5. Giúp con liên hệ những gì đã đọc với thực tế
Ví dụ trong mẩu truyện mình đọc cho con về "cleaning up", mình có thể giúp con liên hệ với bản thân con đã "clean up" (dọn dẹp) sau khi chơi đồ chơi chưa và có nên làm như vậy không.
6. Chuyển sang các loại sách mới
Khi mới đọc sách, quan trọng nhất là hứng thú nên bố mẹ cần lựa chọn những loại mà con thích. Về sau này, dần dần có thể hướng con đọc những loại sách "hàn lâm" hơn như khoa học, lịch sử, danh nhân. Khi chuyển đổi loại sách, mặc dù con có khả năng đọc tốt rồi, bố mẹ vẫn dành thời gian ngồi đọc, đồng hành cùng con.
Tiếng Anh là ngoại ngữ với trẻ, việc đọc mà không hiểu là rất bình thường. Do đó, nếu bố mẹ ngồi đọc và giảng giải trong thời gian đủ lâu, các con sẽ dần tò mò và ưa thích những loại sách mới này. Đây là tiền đề giúp chúng tự đọc về sau.
Moon Nguyen
Phương pháp học tiếng Anh dành cho người đi làm Tận dụng thời gian rảnh rỗi hoặc học từ vựng liên quan đến lĩnh vực làm việc giúp người đi làm học tiếng Anh hiệu quả. 1. Đặt sách tiếng Anh trên bàn làm việc Không chỉ mua sách học tiếng Anh mà bạn hãy dán thật nhiều giấy nhớ về các vấn đề tiếng Anh đang học trên máy tính, bàn phím,...