“Em nghĩ thầy rồi sẽ lên “giàn thiêu” dư luận”
“Em nghĩ thầy rồi sẽ lên “ giàn thiêu” dư luận”, tôi mạo muội nói thẳng những suy nghĩ của mình với riêng Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết khi chở ông về.
Ông Nguyễn Minh Thuyết kiên quyết bảo vệ tinh thần của Nghị quyết 88 nhằm mang lại nhiều sự lựa chọn cho học sinh. Ảnh: Phạm Hải.
Ông đến báo cáo cho CLB Café Số về chương trình giáo dục phổ thông mới được áp dụng từ năm học 2019-2020 trên cương vị Tổng chủ biên. Buổi nói chuyện đó thu hút được rất nhiều phóng viên, và các tờ báo đã tường thuật chi tiết mấy hôm nay.
Tôi có lý do để nói như vậy. Trước đây, nhiều cuộc cải cách giáo dục đã diễn ra nhưng không thu được thành công. Chất lượng nguồn nhân lực yếu kém đến nỗi yếu tố này được xác định là một trong ba điểm nghẽn để đất nước phát triển.
Kỳ vọng, đòi hỏi của lãnh đạo cũng như dân chúng về một chương trình mới có chất lượng, giúp phát triển được các thế hệ học sinh có năng lực, có kỹ năng cho xây dựng đất nước là vô cùng lớn. Vì thế, vị trí Tổng chủ biên mà Giáo sư đảm nhận là cực nóng, đòi hỏi tri thức toàn diện, năng lực tổng hợp, làm việc nhóm, bản lĩnh,…
Ông hiểu sức ép đó: “Tôi phải nói thật như thế này, tôi rất bận. Và nhất là từ khi nhận nhiệm vụ Tổng chủ biên cho Chương trình Giáo dục phổ thông mới, tôi không có thời gian để làm việc gì.”
Khi hàm hồ nói với Giáo sư điều đó, tôi không nghi ngờ năng lực cũng như tâm huyết của ông, nhưng có quá nhiều sức ép với bản thân ông.
Một bộ trưởng về hưu, người từng tham gia các hội đồng về cải cách giáo dục nhắn tin cho tôi sau khi nghe Giáo sư thuyết trình: “Mình e là các cuộc cải cách giáo dục ở ta từ trước đến nay đều không thành công, để lại nhiều hậu quả không tốt. Cuộc tới đây thế nào? Nguyên nhân chính là gì, cháu biết không?”
Tôi không biết, nhưng nhắn lại: “Có phải là tự do học thuật, điều còn rất thiếu hay không?”. Ông không đáp lại.
Mà đó chỉ là một dạng sức ép.
Video đang HOT
Những lời phê phán đó là trái với tinh thần Nghị quyết 88 do Quốc hội ban hành năm 2014 khẳng định cần có nhiều bộ sách giáo khoa. Những nhận xét này, dù gián tiếp hay trực tiếp, đều liên quan đến Giáo sư Thuyết, người đang làm “tổng đạo diễn”.Sức ép lớn nhất phải nói là dư luận. Ngay trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều vị đại biểu đã lên tiếng lên án việc áp dụng nhiều bộ sách giáo khoa trong một chương trình vì lo phí phạm, vì áp đặt kinh nghiệm đi học của mình cách đây 50-60 năm.
Phóng viên đặt câu hỏi đó cho ông. Với bản lĩnh và trí tuệ của người làm đại biểu mấy khóa, ông đáp trả: “Tôi cho rằng bất cứ ai, từ người có thẩm quyền cao nhất đến người dân bình thường đều phải tuân thủ pháp luật. Nghị quyết 88 của Quốc hội tương đương với luật và đã ban hành nên tất cả phải tuân theo”.
Ông kiên quyết bảo vệ tinh thần của Nghị quyết 88 nhằm mang lại nhiều sự lựa chọn cho học sinh.
Giáo sư kể lại, có lần đồng nghiệp người Mỹ kể, ở Mỹ giáo viên có quyền dạy sách do chính mình viết còn sách giáo khoa chỉ là tài liệu tham khảo. Người ta không quá chú trọng vào tài liệu đó. Nghe ông kể vậy, nhiều người xung quanh tôi thốt lên, lỡ giáo viên dạy về khủng bố thì sao? “Làm gì có chuyện đó, có ngay đơn tố giác”, ông đáp.
Giáo sư nói tiếp: “Còn ở Việt Nam ta, ở trên sợ bên dưới làm không đúng, dưới lại sợ dưới nữa làm không đúng nên cứ phải cầm tay chỉ việc”.
Tôi biết, tinh thần câu chuyện của vị đồng nghiệp của Giáo sư không phải là đơn lẻ, nó được triển khai ở nhiều quốc gia khác. Ở nước ngoài, người ta tiến hành hậu kiểm với sự góp ý của học sinh, phụ huynh, chứ không chăm chăm “tiền kiểm” như mình. Có lẽ, phương pháp này khuyến khích sự đa dạng trong tư duy?
Giáo sư trấn an dư luận: “Một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa sẽ có những phức tạp nhưng không vì phức tạp mà không làm”.
Giáo sư Thuyết kể, khi bảo vệ sách văn học, có nhiều ý kiến mạnh mẽ đòi phải bỏ tác giả này, tác giả kia ra; hay phải cho bài văn này, bài thơ kia vào.
Trước các áp lực như vậy, ông nói khảng khái: “Xin các vị gửi chúng tôi văn bản”. Ông không muốn lặp lại những “chiến dịch” rất nghiệt ngã trong quá khứ với giới cầm bút mà rồi không biết ai chịu trách nhiệm.
Giáo sư nói, ông không thể thiên vị hay ác cảm với bất kỳ nhà văn hiện đại nào và giải thích thêm, chỉ bắt buộc 6 bài như “Nam quốc sơn hà”, “Hịch tướng sỹ”, “Đại cáo Bình Ngô”, “Tuyên ngôn độc lập”,… Đó là những áng thơ, văn bất hủ của dân tộc, kích thích lòng yêu nước của nhiều thế hệ để gìn giữ giang sơn này.
Giáo sư cho biết, điều quan trọng nhất, là linh hồn của chương trình mới là ở chỗ, nền giáo dục nặng về trang bị tri thức sẽ được chuyển sang nền giáo dục phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của học sinh. Chương trình phổ thông hiện hành trả lời cho câu hỏi: Học xong học sinh biết được gì. Còn chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ trả lời cho câu hỏi: Học xong học sinh làm được gì. Tôi nghĩ, đó chính là triết lý mà nhiều quốc gia tiến bộ khác đã và đang thực hiện.
Sau khi nghe câu nhận xét bên trên của tôi, Giáo sư Thuyết chỉ mỉm cười mà không đáp lại. Trước đó, ông đã bộc bạch với mọi người: “Điều khó khăn lớn nhất với chương trình mới là lòng dân. Nếu không có sự đồng thuận xã hội thì rất khó thực hiện”.
Về phần mình, tôi tin tưởng vào Giáo sư và các đồng sự nhưng tôi phải thú thật là chưa tin hoàn toàn vào sự thành công của chương trình mới. Những vấn đề, những khó khăn, những bế tắc giáo dục đâu chỉ của riêng ngành giáo dục?
Đâu chỉ một chương trình mà giải phóng được con người Việt Nam để chúng ta “lên ngay” con tàu 4.0. Đó phải là một nỗ lực rất lớn và kiên trì của nhiều thế hệ, của nhiều người.
Theo vietnam.net
Đừng sợ phức tạp mà không thực hiện nhiều bộ SGK
Đó là khẳng định của GS Nguyễn Minh Thuyết ,Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, khi được đề nghị bình luận về việc vẫn còn ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu xem xét lại và không nên có nhiều bộ sách giáo khoa khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, chia sẻ về việc nên vận hành nhiều bộ SGK - ẢNH: ĐÌNH TUỆ
Sáng 15.9, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, đã chia sẻ về đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến việc nên vận hành nhiều bộ sách giáo khoa (SGK) như thế nào.
"Tôi rất ngạc nhiên!"
Phóng viên Thanh Niên đề nghị ông Nguyễn Minh Thuyết bình luận về việc tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) mới đây, các ý kiến của ủy viên Thường vụ QH vẫn cho rằng cần xem xét lại việc cho phép thực hiện nhiều bộ SGK trong khi chính nghị quyết của QH đã cho phép điều này.
GS Nguyễn Minh Thuyết nói: "Đầu tiên là tôi rất ngạc nhiên, tại sao Nghị quyết 88 của QH đã ban hành rồi mà còn có ý kiến phân vân như vậy. Tôi nghĩ là về mặt thẩm quyền QH cũng có thể sửa lại Nghị quyết 88 nếu thấy cần thiết. Nhưng quy trình để ban hành một nghị quyết mới là lâu lắm. Nếu định như vậy chắc cũng phải bàn bạc nội bộ đã. Cho nên tôi xin nói điều thứ nhất là tôi thấy ngạc nhiên.
Điều thứ hai, tôi chỉ có thể bình luận là tất cả mọi người trong xã hội ta, từ người lãnh đạo cao nhất tới người dân bình thường đều phải tuân thủ pháp luật, nói và làm đúng pháp luật. Nghị quyết 88 của QH là ngang với luật, đã ban hành rồi. Tất nhiên, không ai bảo là các vị đại biểu QH không thể ra nghị quyết mới, nhưng tôi nghĩ chuyện đó phải trao đổi với Bộ GD-ĐT trước, còn nói thế này nói thật cũng làm cho nhiều anh em trong ngành giáo dục hoang mang".
Huy động trí lực của xã hội
Theo GS Thuyết, nếu chắc chắn định sửa nghị quyết thì một là phải làm đúng quy trình xây dựng nghị quyết mới; hai là phải tính đến xu thế của thế giới. "Giờ mình đổi mới mà thế giới người ta một chương trình nhiều SGK, mình nhất định giữ cái cũ một chương trình một SGK thì không ổn". Nghị quyết 88 đưa ra một chương trình nhiều SGK là tạo điều kiện cho việc huy động trí lực của xã hội. "Nhiều người giỏi lắm, nhưng có thể người ta không tham gia làm một bộ SGK đó mà làm bộ khác, như thế mình mới huy động được nguồn lực của xã hội để phát triển giáo dục. Và các nhóm tác giả mới cạnh tranh nhau được về mặt chất lượng, người học được lợi", GS Thuyết khẳng định.
GS Thuyết cho biết thêm, ở Mỹ thậm chí có giáo viên dạy sách do mình tự soạn. Tức là giáo viên có quyền viết sách, SGK chỉ là một tài liệu tham khảo.
Từ thực tế vai trò của SGK ở nước ngoài như vậy, GS Thuyết cho rằng: "Ở nước ta thì cứ ở trên sợ dưới làm không đúng, dưới thì sợ dưới nữa làm không đúng. Nên nhiều khi mình làm cái điều cầm tay chỉ việc, hạn chế sự sáng tạo của nhau. Tôi cho rằng trong xu thế đổi mới như vậy mà mình đổi mới căn bản toàn diện, nghị quyết ra rồi, thì mình sẽ phải làm. Tất nhiên có nhiều bộ SGK sẽ có những vấn đề phức tạp nhưng không phải vì sợ những cái phức tạp đó mà không làm".
Tạo cạnh tranh lành mạnh khi có nhiều SGK
Nhiều câu hỏi đặt ra với GS Nguyễn Minh Thuyết bày tỏ sự lo lắng về việc liệu có thể cạnh tranh lành mạnh khi có nhiều bộ SGK trong khi Bộ và các sở GD-ĐT cũng tham gia viết SGK..., rồi các nhóm tác giả lại có động thái công kích, "nói xấu" nhau bằng nhiều hình thức...
GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ băn khoăn này và cho biết: "Khi chúng ta nói một chương trình nhiều SGK thì sẽ có nhiều nhóm tác giả viết, sẽ có nhiều nhà xuất bản, và rõ ràng mong muốn của chúng ta là các nhóm tác giả cạnh tranh nhau có chất lượng, chứ không phải cạnh tranh bằng cách nói xấu nhau", nhưng ông cũng phải thừa nhận: "Làm sao tránh được! Cả các trí thức lớn, đại gia còn đi nói xấu nhau thế thì làm sao mà bảo người khác không nói xấu nhau được".
Mặc dù vậy, GS Thuyết cũng cho rằng, không phải lần đổi mới sắp tới chúng ta mới làm quen với việc có nhiều SGK mà VN đã thực hiện điều này từ thời trước. Khoảng thời gian trước năm 1956 khi giải phóng thủ đô thì có rất nhiều SGK. Cụ Nguyễn Lân từng viết SGK và ghi tác giả Nguyễn Lân, vẫn được xuất bản, được dùng rộng rãi trong các trường phổ thông... Từ khoảng năm 1970 mới không còn SGK tư nhân nữa nhưng vẫn có nhiều SGK. Còn ở miền Nam thì từ trước cho đến năm 1975 dùng nhiều bộ SGK và cũng chẳng có vấn đề gì. "Tôi nghĩ là phải tạo ra được không khí lành mạnh", GS Thuyết nói.
Chọn SGK là việc của các nhà trường
Tuy nhiên, trong thời gian tới, theo ông Thuyết để có được "không khí lành mạnh" như vậy thì phải có quy định về pháp luật. Nghị quyết 88 phê cơ sở giáo dục phổ thông được quyền lựa chọn SGK dựa trên ý kiến giáo viên, phụ huynh và học sinh. Thực hiện đúng nghị quyết của QH, việc này là của nhà trường, không phải việc của sở, của UBND, và khi chọn dựa trên ý kiến của tổ chuyên môn chứ không phải là hiệu trưởng. "Nếu thực hiện đúng như thế là tốt. Và chúng tôi mong báo chí giúp cho QH, giúp cho Chính phủ, giúp cho Bộ GD-ĐT giám sát việc này", ông Thuyết đề nghị.
Theo thanhnien.vn
Cuộc chiến sách Công nghệ giáo dục - sách giáo khoa 2000 chuyển hướng So găng giữa Công nghệ giáo dục với sách giáo khoa 2000 sẽ chuyển sang 2 đối thủ mới: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam với ông Ngô Trần Ái, Nguyễn Minh Thuyết. Ngày 8/9, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đã chính thức lên tiếng về Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục đang làm ồn...