‘Em luyện viết’ cho HS Bình Thuận có gì mà cao gấp 3-5 lần vở tập viết khác?
Có vở tập viết rồi có cần phải mua thêm vở luyện viết nữa không? Câu trả lời của một nhà giáo có thâm niên nghề 30 năm là không cần thiết.
Mới đây, một phụ huynh có hỏi tôi về việc vở Em luyện viết dùng cho học sinh tiểu học tại tỉnh Bình Thuận có giá cao hơn nhiều so với vở Tập viết bộ Chân trời sáng tạo ( Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam).
Choáng với giá của vở luyện viết
Một phụ huynh cầm cuốn vở luyện viết của học sinh lớp 2 hỏi giáo viên: “Cô ơi, sao cuốn vở luyện viết cũng chẳng khác cuốn tập viết là bao nhiêu mà nó đắt hơn nhiều thế ạ? Con em có vở tập viết rồi, có phải mua thêm cuốn luyện viết này nữa không?”
Tôi cầm 2 cuốn vở tập viết thuộc bộ sách Chân trời sáng tạo và cuốn luyện viết (dùng cho học sinh tiểu học tỉnh Bình Thuận) đều do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sản xuất xem giá bán thì quả thật khá giật mình.
Vở luyện viết của học sinh tại Bình Thuận giá 19.500 đồng/cuốn. (Ảnh tác giả)
Cuốn vở Tập viết của chương trình cũ có giá 4.000 đồng/cuốn. Vở Tập viết của chương trình mới có giá 6.000 đồng (tập 1 và 2 là 12.000 đồng) cũng đã tăng 2 ngàn đồng/cuốn so với vở Tập viết của chương trình cũ.
Thế nhưng, cuốn vở luyện viết dành cho học sinh tiểu học tỉnh Bình Thuận lại có giá lên tới 19.500 đồng (2 tập là 39.000 đồng).
Vở tập viết của bộ sách Chân trời sáng tạo có giá 6.000 đồng (Ảnh tác giả)
Tìm kiếm giá cả của những cuốn vở tập viết, luyện viết khác cũng chỉ thấy mức giá 4.000 đồng, 10.000 đồng, 16.000 đồng (tập 1 và 2), cao hơn là 17.000 đồng… không thấy cuốn vở tập viết nào có giá lên đến 19.500 đồng/cuốn, 2 cuốn là gần 40.000 đồng.
Vì sao vở luyện viết ở Bình Thuận giá cao đến thế?
Khi cùng một sản phẩm nhưng giá cả chênh lệch nhau quá nhiều, người ta thường nghĩ ngay đến nội dung và chất lượng sản phẩm.
Video đang HOT
Công tâm nhìn nhận, giấy của vở luyện viết có đẹp hơn, số trang nhiều hơn là 4 trang (vở tập viết gồm 39 trang, vở luyện viết 43 trang).
Tuy nhiên, nội dung 2 cuốn vở tập viết và luyện viết lại không khác nhau quá nhiều. Cả 2 cuốn vở, mỗi bài đều hướng dẫn tập viết chữ hoa dạng đứng, dạng nghiêng, luyện viết từ ngữ, câu.
Riêng vở luyện viết của tỉnh có thêm mục “thử tài của em” chủ yếu điền âm, vần cho đúng chính tả (trước đây gọi là bài tập chính tả). Có điều, phần thử tài này lại khá giống với phần bài tập chính tả trong sách Tiếng Việt lớp 2 các em đã làm.
Vở luyện viết có phần tập viết chính tả, đó là đoạn văn ngắn hoặc là một đoạn thơ. Có thêm một số từ ngữ, câu tục ngữ, ca dao, gắn với những địa danh tại địa phương.
Tuy nhiên, dù có một số nội dung khác hơn, nhưng số trang nhiều hơn vở tập viết cũng không nhiều (4 trang) nghĩa là, chỉ thêm phần này và bớt một số phần khác mà giá thành lại tăng vọt khoảng 3-5 lần là quá cao.
Có vở tập viết rồi có cần thêm vở luyện viết nữa không?
Trước đây, cấp tiểu học còn có nguyên một tiết tập viết. Chương trình mới hiện nay, không còn giờ tập viết độc lập mà nằm chung trong một tiết dạy tiếng Việt.
Yêu cầu tập viết của chương trình cũng không nhiều nên giáo viên cũng chỉ có thể dành từ 15 đến 20 phút để hướng dẫn cho học sinh viết.
Bởi thế, học sinh đã có vở tập viết của bộ sách thì nhất thiết không cần thêm những cuốn vở luyện viết nữa. Giáo viên cũng không có nhiều thời gian chỉ dành cho việc luyện viết.
Theo kinh nghiệm dạy học 30 năm, tôi nhận thấy, cho các em viết trên lớp, dưới sự hướng dẫn và theo dõi của thầy cô còn viết nắn nót. Để các em tự viết ở nhà thì đa phần (hơn 2/3) không viết hoặc viết nguệch ngoạc cho xong.
Điều này dẫn đến một hệ lụy luyện viết cho đẹp đâu không thấy, chữ viết của nhiều em ngày một xấu và cẩu thả hơn.
Vì thế nếu phụ huynh hỏi: “Có vở tập viết rồi có cần phải mua thêm vở luyện viết nữa không?”, câu trả lời của một nhà giáo có thâm niên nghề 30 năm là không cần thiết.
Ngành giáo dục địa phương có thể chọn một trong 2 cuốn vở tập viết cho học sinh học. Nếu cho học sinh viết vở luyện viết riêng của tỉnh thì cần ra khuyến cáo phụ huynh không mua vở tập viết của bộ sách giáo khoa và ngược lại.
Tránh tình trạng một em phải mua đến 2 bộ (4 cuốn) vở tập viết và luyện viết. Không chỉ phụ huynh tốn thêm khá nhiều tiền mà giáo viên, học sinh cũng rất áp lực khi phải phải dành quá nhiều thời gian chỉ cho việc luyện chữ.
Đồng thời, cũng cần nghiên cứu lại giá thành cuốn vở luyện viết sao cho hợp lý, không nên để giá vở luyện viết của địa phương lại cao hơn nhiều lần giá vở tập viết của bộ sách. Như thế, càng tạo thêm gánh nặng về tài chính cho phụ huynh đặc biệt là những phụ huynh nghèo.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Học sinh thắc mắc sách Ngữ văn 10 viết hoa tên các vị thần mỗi cuốn một kiểu
Tên các vị thần trong bài Thần Trụ Trời - bộ Chân trời sáng tạo được viết hoa không thống nhất khiến học sinh thắc mắc.
Sau khi dạy xong văn bản Thần Trụ Trời trong sách giáo khoa Ngữ văn 10 (tập 1, trang 13-14, bộ Chân trời sáng tạo, Nguyễn Thành Thi (Chủ biên), Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam), tôi nhận được câu hỏi của một em học sinh ở quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh như sau:
Vì sao sách giáo khoa viết hoa đầy đủ tên thần Trụ Trời (viết hoa hai chữ Trụ Trời) nhưng các vị thần khác thì không? Đó là các vị thần: Đếm cát; Tát bể (biển); Kể sao; Đào sông; Xây rú (núi) chỉ viết hoa một chữ.
Tên thần Trụ Trời trong sách Chân trời sáng tạo được viết hoa đầy đủ. (Ảnh: Ánh Dương)
Nhưng tên 5 vị thần khác trong sách Chân trời sáng tạo chỉ viết hoa một chữ. (Ảnh: Ánh Dương)
Tôi xem sách Ngữ văn 10 (tập 1, trang 26-27, bộ Cánh Diều (Lã Nhâm Thìn - Đỗ Ngọc Thống đồng Tổng Chủ biên, Nhà xuất bản Đại học Huế), thì nội dung sách viết "thần Trụ trời" (chỉ viết hoa chữ Trụ) và không viết hoa các vị thần: đếm cát; tát bể (biển); kể sao; đào sông; xây rú (núi).
Cách viết hoa tên các vị thần trong sách Cánh Diều khác sách Chân trời sáng tạo. (Ảnh: Ánh Dương)
Còn sách Ngữ văn 10 (tập 1, trang 11-12, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, Bùi Mạnh Hùng (Tổng Chủ biên), Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam), viết "thần Trụ Trời" (viết hoa hai chữ Trụ Trời) còn các vị thần đếm cát; tát bể (biển); kể sao; đào sông; xây rú (núi) thì viết thường.
Cách viết hoa các vị thần trong sách Kết nối tri thức với cuộc sống cũng khác với sách Chân trời sáng tạo và sách Cánh Diều. (Ảnh: Ánh Dương)
Nhận thấy 3 bộ sách có 3 cách viết hoa tên các vị thần khác nhau, tôi gửi câu hỏi: "thần trụ trời chỉ viết hoa chữ Trụ hay viết hoa cả Trụ Trời" đến Thạc sĩ Ngôn ngữ học Lường Tú Tuấn, nguyên giáo viên môn Ngữ văn một trường trung học phổ thông ở tỉnh Bình Phước, thì được ông trả lời:
"Từ điển Thuật ngữ văn học (Lê Bá Hán - Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi (đồng Chủ biên), Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, ghi thần Trụ trời (chỉ viết hoa chữ Trụ)".
Tôi đem thắc mắc này trao đổi với một giáo viên Ngữ văn có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy cấp trung học phổ thông ở quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh, thầy giáo chia sẻ:
"Nếu xem thần trụ trời là một danh từ thì phải viết hoa cả hai chữ Trụ Trời. Tương tự, phải viết hoa ông Đếm Cát, Tát Bể (biển); Kể Sao; Đào Sông; Xây Rú (núi) để có sự thống nhất.
Tuy nhiên, quan điểm cá nhân tôi cho rằng, chỉ nên viết hoa đầy đủ thần Trụ Trời, còn các vị thần khác như: đếm cát; tát bể (biển); kể sao; đào sông; xây rú (núi) thì viết thường, vì văn bản Thần Trụ Trời chỉ đơn thuần miêu tả công việc của các vị thần là đếm (cát); tát (bể); kể (sao); đào (ao); xây (rú)".
Cách viết hoa danh từ riêng chỉ tên người (tên thông thường) quy định trong Nghị định 154/2020/NĐ-CP, Nghị định 30/2020/NĐ-CP và Nghị quyết 351/2017/NQ-UBTVQH14 đều giống nhau: "viết hoa chữ cái đầu tất cả các âm tiết của danh từ riêng chỉ tên người".
Nếu căn cứ theo các văn bản quy phạm pháp luật như đã dẫn, cá nhân người viết cho rằng, cách viết chuẩn phải là thần Trụ Trời (viết hoa cả hai chữ Trụ Trời).
Riêng các vị thần làm công việc đếm cát; tát bể (biển); kể sao; đào sông; xây rú (núi) thì phải viết thường vì không phải danh từ riêng.
Sách Ngữ văn 10 bộ Chân trời sáng tạo, Cánh Diều, Kết nối tri thức với cuộc sống viết hoa tên các vị thần khác nhau là rất đáng lo ngại. Bởi, nội dung sách giáo khoa phải đảm bảo tính chuẩn mực, khoa học, thống nhất... là những yêu cầu tối thiểu cần phải có.
Hơn nữa, khi mỗi sách viết một kiểu thì học sinh (trung học phổ thông) sẽ gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại trong việc thi cử, cụ thể là kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Chẳng hạn, một học sinh viết "thần Trụ trời (chỉ viết hoa chữ Trụ) trong bài thi Ngữ văn thì giám khảo dạy bộ Chân trời sáng tạo và bộ Kết nối tri thức với cuộc sống sẽ trừ lỗi chính tả vì họ cho rằng em này không viết hoa chữ Trời.
Qua bài viết này, rất mong bạn đọc (nhất là các nhà khoa học, nhà giáo chuyên ngành Ngôn ngữ học, Văn học...) đóng góp thêm ý kiến nhằm giúp các tác giả sách giáo khoa có sự thống nhất trong cách viết hoa chỉ tên các vị thần.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Trại giam Thủ Đức: Hướng thiện cho những phận người lầm đường lạc lối 'Sự kỳ vọng của cán bộ, anh chị em ở đây khiến tôi luôn dặn lòng, về rồi phải là một người lương thiện', bà Nguyễn Thị Ngọc Hương (42 tuổi) xúc động khi cầm tờ quyết định đặc xá trở về nhà. Ngôi nhà thứ 2 của phạm nhân Thượng tá Phạm Thị Minh Hải - Phó giám thị trại giam Thủ...