Elon Musk chuẩn bị nhận khoản thưởng thứ ba từ Tesla
Tình hình kinh doanh khởi sắc của Tesla giúp Elon Musk sắp đủ điều kiện nhận khoản tiền thưởng tiếp theo dưới hình thức quyền chọn cổ phiếu.
Dù luôn được công chúng coi như biểu tượng của Tesla và cứ nhắc đến Tesla là phải nói đến Elon Musk, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và doanh nhân cũng cần sự quyết toán rõ ràng. Musk không nhận lương tại Tesla, ngay cả khi đó là mức lương tối thiểu do chính quyền California quy định. Tiền thưởng của Musk đến từ các quyền lựa chọn cổ phiếu.
Elon Musk là nhà sáng lập và CEO của Tesla nhưng vẫn làm việc không lương. Ảnh: Tesla.
Musk không nhận bất kỳ khoản lương hàng tháng nào, mà nhận gói tiền thưởng được Hội đồng quản trị Tesla thông qua vào năm 2018. Theo thỏa thuận, Musk sẽ nhận được quyền mua 20,3 triệu cổ phiếu thưởng và chia thành 12 đợt. Nhờ sự kiện chia tách cổ phiếu với tỷ lệ 1:5 gần đây của Tesla, Musk được cho là sẽ nhận được khoản thưởng là quyền mua hơn 101 triệu cổ phiếu nếu hoàn thành tất cả các mục tiêu.
Để nhận thưởng trong số 12 đợt, Musk phải đạt được cả mục tiêu về doanh thu và mục tiêu về giá trị thị trường trung bình trong khoảng thời gian sáu tháng. Nếu bất kỳ chỉ số nào không hoàn thành, thu nhập của Musk trong giai đoạn đó sẽ bằng 0.
Với chỉ số về giá trị thị trường, giá trị vốn hóa thị trường của Tesla được chia thành 12 mức. Mức đầu tiên là 100 tỷ USD và mỗi mức tăng thêm 50 tỷ USD. Mức cao nhất là giá trị thị trường 650 tỷ USD trong vòng 10 năm kể từ khi công bố kế hoạch.
Chỉ số còn lại được chia cụ thể thành hai khía cạnh: doanh thu và lợi nhuận trước thuế, lãi vay, khấu hao.
Cuối cùng, để nhận thưởng, Musk cần mối ràng buộc với Tesla và đáp ứng những điều kiện được bổ nhiệm: Ông phải ở lại Tesla và giữ chức vụ CEO, hoặc Chủ tịch kiêm Giám đốc sản phẩm tới năm 2028.
Ngày 29/5, Musk nhận được khoản thưởng đầu tiên sau khi vốn hóa trung bình 6 tháng của Tesla đạt 100 tỷ USD. Và đủ điều kiện nhận khoản thưởng thứ hai hôm 21/7 sau khi vốn hóa trung bình 6 tháng của họ đã lần đầu tiên đạt 150 tỷ USD.
Để đạt được khoản thưởng tiếp theo của mình, công ty Tesla của tỷ phú Elon Musk trong quý IV năm nay phải giao thành công trên 112.000 đơn vị xe tới tay khách hàng. Kể từ đầu năm do ảnh hưởng của Covid-19, hãng này đã phải đóng cửa nhà máy tại Fremont và California, dẫn tới đình trệ trong sản xuất xe và giao hàng. Tuy vậy, trong một email Musk gửi tới toàn bộ nhân viên của Tesla gần đây, vị CEO này thông báo doanh số bán xe trong quý III của công ty chuẩn bị lập kỷ lục mới cho dù còn hơn một tuần nữa mới hết tháng 9.
Trong email, Musk viết: “Chúng ta đang nắm trong tay cơ hội để phá kỷ lục giao được nhiều xe nhất trong một quý. Tất cả nhân viên của Tesla sẽ phải nỗ lực hơn nữa để biến nó thành sự thật. Đây sẽ là số lượng xe nhiều nhất mà chúng ta từng giao trong ngày. Chính vì vậy, sản lượng xe được xuất xưởng của các nhà máy chắc chắn phải ở mức tối đa trong 10 ngày tới”.
Musk thường xuyên gửi những thông điệp này nhằm động viên người lao động hoàn thành các mục tiêu của quý cuối năm. Và lần này, CEO của Tesla càng có động lực để điều hành công ty đạt được thành công như dự định.
Mặc dù Musk vẫn chưa chính thức nhận được khoản thưởng này, khả năng cao nó sẽ đến trước cuối năm nay. Điều này sẽ dễ dàng đạt được hơn nếu doanh số bán hàng của Tesla cao như nội dung email Musk đề cập và nếu giá cổ phiếu duy trì ở mức cao như hiện tại.
Sau hai khoản thưởng nhận được từ Tesla, Musk vẫn chưa thực hiện quyền chọn cổ phiếu nào. Điều đó không có gì là lạ. Hầu hết nhân viên được công ty thưởng quyền chọn cổ phiếu thường sẽ không thực hiện cho đến khi quyền chọn sắp hết hạn hoặc muốn rút tiền mặt bằng cách bán cổ phiếu. Ngay cả khi thực hiện, số này cũng chỉ là một phần nhỏ trong 20% cố phần của Musk tại Tesla.
Video đang HOT
'Công thức Elon Musk' - Học hỏi đối tác sau đó độc bước
Elon Musk luôn được ca ngợi như một nhà sáng tạo và phá cách, người đi từ điểm không biết gì về chế tạo ôtô đến nhà điều hành công ty sản xuất ôtô giá trị nhất thế giới trong vòng 16 năm qua.
Hồ sơ của Elon Musk cho thấy ông là người học hỏi nhanh, liên minh với các công ty có công nghệ Tesla thiếu, thuê những người tài năng nhất, rồi vượt qua những ranh giới đã trói buộc các đối tác lo e ngại rủi ro.
Giờ đây, Musk và đội ngũ của ông đang chuẩn bị vạch ra những bước đi mới trong nỗ lực đưa Tesla trở thành công ty tự cung tự cấp, giảm phụ thuộc vào các nhà cung cấp, tại sự kiện "Battery Day" ngày 22/9.
Trong suốt nhiều tháng, Musk liên tục ám chỉ về những tiến bộ công nghệ quan trọng sẽ được công bố khi Tesla nỗ lực sản xuất pin giá rẻ, tuổi thọ cao để đưa ôtô điện của họ ngang hàng xe chạy xăng giá rẻ.
Một nguồn thạo tin cho biết thiết kế tế bào pin mới, công thức hóa học và chu trình sản xuất chỉ là một trong vài phát triển cho phép Tesla giảm bớt sự phụ thuộc vào đối tác pin lâu năm là Panasonic của Nhật Bản.
"Elon Musk không muốn bất kỳ phần nào của công việc kinh doanh phải phụ thuộc vào người khác", một cựu giám đốc điều hành cấp cao tại Tesla cho biết. "Và dù kết quả như thế nào - đôi khi tốt hơn, đôi khi là tệ hơn - ông nghĩ rằng mình có thể làm tốt hơn, nhanh hơn và rẻ hơn".
Quan hệ đối tác sản xuất pin của Tesla với Panasonic, LG Chem của Hàn Quốc và Contemporary Amperex Technology Co Ltd (CATL) của Trung Quốc được dự kiến là vẫn tiếp tục.
Nhưng đồng thời, Tesla cũng đang chuyển sang kiểm soát việc sản xuất tế bào pin, thành phần cấu thành cơ bản của bộ pin xe điện, tại các nhà máy tự động hóa cao. Tesla đang thuê hàng chục chuyên gia kỹ thuật và sản xuất tế bào pin làm việc tại nhà máy gần Berlin, Đức, và nhà máy tại Fremont, California, Mỹ.
"Quan hệ của chúng tôi với Tesla không hề thay đổi", người phát ngôn của Panasonic tuyên bố.
"Mối quan hệ của chúng tôi, cả quá khứ và hiện tại đều ổn thỏa. Panasonic không phải là nhà cung cấp cho Tesla, chúng tôi là đối tác. Quan hệ đối tác của chúng tôi chắc chắn sẽ tiếp tục đổi mới và đóng góp vào một xã hội tốt đẹp hơn".
Tesla không phản hồi các đề nghị bình luận.
Tỷ phú Elon Musk. Ảnh: Reuters.
Làm ra mọi thứ
Kể từ khi tiếp quản công ty non trẻ vào năm 2004, mục tiêu của Musk luôn là học hỏi - từ quan hệ đối tác, thương vụ mua lại và tuyển dụng nhân tài - để đưa những công nghệ then chốt vào tầm kiểm soát của Tesla.
Tesla cho biết mục tiêu của họ là xây dựng một công ty sáp nhập dọc, hoặc môt phiên bản kỹ thuật số của hệ thống sản xuất từ quặng sắt thành Model A của Ford Mortor vào cuối những năm 1920.
"Musk nghĩ rằng ông ấy có thể cải thiện mọi thứ mà các nhà cung cấp đã làm - mọi thứ", cựu giám đốc điều hành chuỗi cung ứng của Tesla, Tom Wessner, hiện là trưởng bộ phận tư vấn Imprint Advisors, cho biết. "Ông ấy muốn làm ra mọi thứ".
Pin, một phần chi phí lớn của xe điện, là trọng tâm trong phương pháp của Musk. Trong khi cấp dưới nhiều năm tranh luận để chống lại việc phát triển tế bào pin Tesla độc quyền, Musk lại tiếp tục hướng tới mục tiêu trên.
"Nói 'không' với ông ấy, và rồi ông ấy sẽ thực sự muốn làm", một cựu nhân viên khác của Tesla cho biết.
Những thay đổi trong thiết kế pin, công thức hóa học và quy trình sản xuất mà Tesla dự kiến công bố vào tuần tới đều nhằm vào mục đích giải quyết bài toán đang khiến cho xe điện đắt hơn xe thải carbon sử dụng động cơ đốt trong.
Reuters đưa tin vào hồi tháng 5 rằng Tesla đang có kế hoạch cho ra mắt pin chi phí thấp, thiết kế để đi được một triệu dặm. Tesla cũng nỗ lực đảm bảo nguồn cung trực tiếp các nguyên liệu pin quan trọng như nickel, đồng thời, phát triển các chất hóa học không bao gồm nguyên liệu cobalt đắt tiền, cũng như các quy trình sản xuất tự động hóa cao để tăng tốc độ sản xuất.
'Lên thẳng sao Hỏa'
Panasonic hợp tác với Tesla tại siêu nhà máy "Gigafactory" 5 tỷ USD tại Nevada, còn CATL và LG Chem cung cấp tế bào cho nhà máy Tesla tại Thượng Hải, nơi lắp ráp các modul và bộ pin cho mẫu sedan Model 3 của hãng.
Panasonic gần đây cho biết họ đang có kế hoạch mở rộng dây chuyền sản xuất tại Nevada, nơi cung cấp tế bào modul pin do Tesla lắp ráp.
Nhưng theo thông tin từ hai cựu giám đốc điều hành Tesla, mối quan hệ hợp tác tại Nevada Gigafactory suýt nữa không xảy ra. Musk ra lệnh cho một nhóm nghiêm cứu sản xuất pin vào năm 2011, nhưng cuối cùng lại hợp tác với Panasonic vào năm 2013.
Giờ đây, Tesla đang thử nghiệm một dây chuyền sản xuất tế bào pin ở Fremont và đang xây dựng cơ sở sản xuất tế bào pin tự động hàng loạt tại Gruenheide, Đức.
Mối quan hệ lên xuống với Panasonic cũng phản ánh quan hệ của Tesla với các liên minh khác.
Trong giai đoạn phát triển quan hệ liên minh với Daimler của Đức, một nhà đầu tư ban đầu của Tesla, Musk tỏ ra quan tâm đến bộ cảm biến giúp giữ ôtô trong đúng làn đường giao thông.
Vào thời điểm đó, Tesla Model S, dù được các kỹ sư Mercedes-Benz giúp tinh chỉnh, nhưng vẫn còn thiếu camera, cảm biến và phần mềm hỗ trợ người lái phức tạp như của Mercedes S-Class.
"Ông ấy học được điều đó và tiến xa hơn một bước. Chúng tôi đòi hỏi các các kỹ sư nhắm tới Mặt trăng. Ông ấy nhắm thẳng đến sao Hỏa", một kỹ sư cấp cao của Daimler cho biết.
Cùng lúc đó, mối quan hệ hợp tác với Toyota Nhật Bản, một nhà đầu tư khác, lại dạy ông về quản lý chất lượng.
Cuối cùng thì các giám đốc điều hành từ Daimler và Toyota cũng đã gia nhập Tesla ở nhiều vị trí then chốt, cùng với họ là những nhân tài từ Alphabet, Google, Apple, Amazon, Microsoft, các nhà sản xuất ôtô đối thủ như Ford, BMW và Audi.
Ảnh mô phỏng xe điện Model X của Tesla. Ảnh: Reuters.
Sự quay lưng từ Musk
Tuy nhiên, một số mối quan hệ đã không có kết thúc tốt đẹp.
Tesla hợp tác với nhà sản xuất cảm biến Mobileye của Israel vào năm 2014 để tìm hiểu cách thiết kế một hệ thống tự lái, sau phát triển thành Autopilot của Tesla.
"Mobileye là động lực đằng sau Autopilot ban đầu", một cựu giám đốc điều hành giấu tên của Mobileye cho biết.
Mobileye hiện được sở hữu bởi Intel và có giá trị thị trường 420 tỷ USD. Công ty này đứng trên bờ vực sụp đổ vào cuối năm 2008, và cũng nhận ra nguy cơ khi chia sẻ công nghệ với một công ty khởi nghiệp phát triển nhanh như Tesla.
Nhưng Tesla và Mobileye đã có sự chia rẽ công khai và gay gắt sau khi một tài xế thiệt mạng khi hệ thống lái tự động Model S gặp sự cố vào năm 2016.
Vào thời điểm đó, Amnon Shashua, hiện là chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Mobileye, cho biết Autopilot của Tesla không được thiết kế để giải quyết tất cả mọi tình huống va chạm có thể xảy ra, bởi đây là hệ thống hỗ trợ người lái chứ không phải hệ thống không người lái.
Công ty công nghệ Mỹ Nvidia theo chân Mobileye trở thành nhà cung cấp cho Autopilot, nhưng rồi cuối cùng cũng bị gạt ra.
"Nvidia và Tesla có chung chiến lược phát triển phương tiện di chuyển định dạng bằng phần mềm, được hỗ trợ bởi máy tính AI hiệu suất cao. Elon vô cùng tập trung vào sáp nhập dọc và muốn tạo ra các con chip riêng", giám đốc cấp cao về ôtô của Nvidia, Danny Shapiro, cho biết.
Cả Shapiro và cựu giám đốc điều hành của Mobileye đều khẳng định Tesla sử dụng công nghệ của họ một cách không hợp lý.
Ngoài quan hệ đối tác, Musk cũng thực hiện một loạt thương vụ sát nhập vào 4 năm trước, mua lại nhiều công ty ít tên tuổi như Grohmann, Perbix, Riviera, Compass, Hibar Systems, để nhanh chóng nâng cao chuyên môn của Tesla trong lĩnh vực tự động hóa. Maxwell và SilLion sau đó càng thúc đẩy khả năng của Tesla trong lĩnh vực công nghệ pin.
"Ông ấy học được rất nhiều từ những người đó", Mark Ellis, chuyên viên tư vấn cấp cao của Munro & Associates, chuyên nghiên cứu Tesla, cho biết. "Ông ấy đã tận dụng được rất nhiều thông tin từ họ, sau đó nỗ lực để làm mọi thứ tốt hơn".
Elon Musk cho biết Tesla sẽ sản xuất 'siêu điều hòa' với màng lọc HEPA vào 'một ngày nào đó' Tesla hiện đang sở hữu một trong các công nghệ lọc không khí trên ô tô hiện đại và có hiệu suất bậc nhất trên thế giới. Elon Musk trước đây đã chào hàng về cái gọi là Bioweapon Defense Mode (Chế độ phòng thủ Bioweapon) trên mẫu Tesla Model X. Đây là hệ thống được thiết kế để cung cấp chất lượng...