EC triển khai chiến lược 5 năm chống buôn người
Ngày 19/6, Ủy ban châu Âu (EC) đã triển khai chiến lược chống buôn người, vấn nạn khiến hàng trăm nghìn người lớn và trẻ em bị bán, sau đó bị cưỡng bức lao động như nô lệ hoặc bị đẩy vào các ổ mại dâm.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Chiến lược năm năm về chống buôn người của EC bao gồm 40 biện pháp mới nhằm tăng cường hoạt động phối hợp chống nạn buôn người trên toàn khu vực, như thành lập các đơn vị thực thi pháp luật chuyên chống buôn người và các nhóm điều tra chung của châu Âu để khởi tố các trường hợp đưa người qua biên giới.
Những số liệu sơ bộ của EC cho thấy tại 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) có hàng trăm nghìn người là nạn nhân của các vụ buôn người. Năm 2010, khoảng 76% trong số này bị bóc lột tình dục, 14% bị cưỡng bức lao động, trong khi 3% bị buộc phải đi ăn xin ngoài phố.
Cảnh sát trên toàn châu Âu cho rằng hoạt động buôn người trong khu vực ngày một tăng, song số vụ phạm tội liên quan tới hoạt động buôn người bị kết án lại giảm trong những năm gần đây, từ 1.500 vụ năm 2008 xuống còn 1.250 vụ năm 2010. EC cho biết chiến lược này là nhằm bổ sung cho đạo luật của EU về chống buôn người mà chính phủ các nước khu vực sẽ phải thực hiện từ tháng 4/2013.
Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), ước tính có 20,9 triệu người, trong đó có 5,5 triệu trẻ em, đã bị cưỡng bức lao động và mại dâm trên toàn thế giới./.
Theo TTXVN
Indonesia hợp tác quốc tế về chống buôn người
Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Chính phủ Indonesia ngày 3/11 đã chính thức khởi động một chương trình chung mang tên Empower (Trao quyền), nhằm tăng cường cuộc chiến chống lại nạn buôn người ở Indonesia và trong khu vực.
Anh minh họa. (Nguồn: Internet)
Phát biểu trong lễ khởi động chương trình tại Jakarta, Bộ trưởng Bảo vệ trẻ em và Trao quyền cho phụ nữ Indonesia, Linda Amalia Sari khẳng định cam kết của Chính phủ Indonesia chống nạn buôn người ở nước này cũng như trong khu vực Đông Nam Á.
Bà cho biết chương trình sẽ tập trung nâng cao năng lực của chính quyền địa phương và các nhà cung cấp dịch vụ, bao gồm dịch vụ sức khỏe, dịch vụ xã hội tại những khu vực có nguy cơ cao về hoạt động di cư bất hợp pháp và buôn bán người, hỗ trợ tái hòa nhập cho các nạn nhân, nâng cao nhận thức và sự tham gia của cộng đồng trong việc phòng chống và quản lý lao động di cư bất hợp pháp và buôn bán người.
Về phần mình, Trưởng Đại diện Indonesia tại IOM, ông Denis Nihill cho biết trong khuôn khổ chương trình, IOM, UNFPA và WHO sẽ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Indonesia để hỗ trợ thi hành pháp luật quốc gia, chính sách, và kế hoạch hành động phòng chống buôn bán người, cũng như bảo vệ các nạn nhân của tội phạm này.
Chương trình Empower sẽ được thực thi trong hai năm với kinh phí 2,3 triệu USD do Quỹ Ủy thác về An ninh con người của Liên hợp quốc (UNTFHS) tài trợ, tập trung chủ yếu vào các khu vực nổi cộm nhất về tình trạng cung cấp và quá cảnh nguồn lao động di cư và buôn bán người ở Indonesia gồm Tây Java, Tây Kalimantan và Tây Nusa Tenggara./.
Theo TTXVN