E ngại bảng tương tác
Do chưa có sự đồng thuận từ phụ huynh, trường không đủ điều kiện và không thấy giá trị thiết thực của việc sử dụng bảng tương tác, lãnh đạo nhiều trường mầm non ở TP.HCM không dám nhận thiết bị này.
Học sinh lớp lá Trường mầm non Họa Mi 3 (Q.5, TP.HCM) sử dụng bảng tương tác – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Lo không trả được nợ
Theo ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, chủ trương đưa thiết bị giảng dạy đa chức năng (bảng tương tác) vào trường học bắt đầu từ chỉ đạo của UBND TP từng bước hiện đại hóa trường học, cho học sinh tiếp cận với thiết bị giảng dạy hiện đại. Đồng thời thực hiện có hiệu quả đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông, chuyên nghiệp và đề án phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi. UBNDTP chỉ đạo Sở lên kế hoạch triển khai trang bị cho tất cả các ngành học, bậc học. Giai đoạn một thực hiện ở các trường mầm non, tiểu học. Sau đó, từng bước, tùy vào tình hình tài chính sẽ triển khai tiếp đến các trường THCS, THPT…
Lãnh đạo phòng giáo dục, hiệu trưởng các trường cho rằng đây là thiết bị trực quan sinh động có thể sử dụng vào giảng dạy nhiều bộ môn tạo hứng thú cho học sinh… Tuy nhiên, từ trưởng phòng cho đến hiệu trưởng đều ngần ngại, e dè nhận thiết bị này.
Lãnh đạo một phòng giáo dục chia sẻ: “Mỗi trường mầm non nhận một bảng tương tác trong đó 50% giá trị do ngân sách TP cấp, phần còn lại xã hội hóa từ phụ huynh học sinh và trả góp trong vòng 2 năm. Trường nào nhận thì phải tính toán để có 90 triệu đồng trả nợ. Năm nay học phí thay đổi nên mỗi khoản thu mới đòi hỏi phải có sự suy xét rất thấu đáo”.
Gần 180 tỉ đồng Theo bảng tổng hợp dự kiến phân bổ nguồn kinh phí mua sắm bộ thiết bị giảng dạy đa chức năng (khối mầm non và tiểu học công lập), toàn TP.HCM sẽ trang bị cho 412 trường mầm non 412 bộ (mỗi trường một bộ), 194 trường tiểu học 582 bộ (mỗi trường 3 bộ). Mỗi bộ trị giá 181 triệu đồng, tổng kinh phí mua sắm là 179,914 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách TP sẽ hỗ trợ 50% kinh phí, 50% còn lại (khoảng 90 tỉ đồng) các trường sẽ thu từ phụ huynh học sinh theo phương thức xã hội hóa. Trước thực tế, chỉ những trường phụ huynh có điều kiện mới dám nhận bảng tương tác về giảng dạy cho học sinh, lãnh đạo một phòng giáo dục băn khoăn học sinh các trường khó khăn không được hưởng nguồn ngân sách hỗ trợ và không có cơ hội tiếp cận với thiết bị như những học sinh khác. Trước lo lắng này, ông Lê Hoài Nam cho biết: “Trường nào khó khăn, phụ huynh không đủ khả năng đóng góp thì ngân sách nhà nước sẽ cấp 100%. Các quận huyện biết cơ sở nào nằm trong diện này, đề xuất, Sở sẽ cùng với TP hỗ trợ”.
Ông Trần Minh Ngôn, Trưởng phòng Giáo dục Q.4, cho hay: “Theo phân bổ, quận có 15 trường mầm non thì sẽ có 15 thiết bị nhưng thực tế chỉ có 8 trường nhận. Những trường còn lại do có nhiều điểm lẻ, mỗi điểm chỉ có 1 – 2 phòng học nên khó lòng thực hiện”.
Video đang HOT
Lo không trả nổi nợ nên Trường mầm non 3 (Q.6) từ chối không dám nhận tiền hỗ trợ ngân sách mua sắm bảng tương tác. Ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng phòng Giáo dục Q.6, thông tin: “Trường chỉ có gần 200 học sinh, 90 triệu đồng là khoản tiền không hề nhỏ nên quận không dám ép”. Tương tự, Trường mầm non 14 cũng có văn bản đề nghị với Phòng Giáo dục Q.Tân Bình không nhận thiết bị với lý do trường ít học sinh và đang phải học tạm tại phòng giáo dục do trường đang xây dựng.
Trao đổi với chúng tôi, hầu hết lãnh đạo cấp phòng và trường mầm non đều thừa nhận thiết bị dành cho trẻ 5 tuổi nhưng nếu tính toán, cân đối kinh phí đúng theo chủ trương thì không trường nào dám nhận. Trường mầm non nào lớn thì cũng chỉ có tối đa khoảng 200 học sinh 5 tuổi. Khoản nợ trả trong 2 năm nhưng tính ra thực thu chỉ có 18 tháng, trung bình mỗi tháng các trường phải trả 5 triệu. Số lượng học sinh càng ít thì số tiền mỗi học sinh đóng càng cao. Phụ huynh sẽ không đồng ý, nhà trường không kham nổi.
Giáo viên còn chưa được tập huấn
Trước khi thực hiện đại trà ở các quận huyện, UBND TP.HCM chỉ đạo Sở chọn một quận để tổ chức đấu thầu công khai mua sắm thiết bị. Sở chọn Q.5 để thực hiện, do vậy đến nay chỉ mới có các trường mầm non ở Q.5 đang sử dụng thiết bị này. Trong khi đó, các quận huyện khác vẫn đang trong giai đoạn lắp ráp, chờ tập huấn… Trong khi đó thời điểm này cũng gần kết thúc học kỳ 1, tiền thì phụ huynh đã đóng nhưng học sinh vẫn chưa được chạm vào bảng.
Trường mầm non 9 (Q.6) đã chuẩn bị thời khóa biểu sẽ có 2 tiết trong tuần học với bảng tương tác. Tuy nhiên, đến giờ trường chỉ mới nhận sản phẩm. Lãnh đạo Phòng Giáo dục Q.6 cho hay phải một tuần nữa mới hoàn thành khâu lắp ráp, sau đó nghiệm thu, tập huấn cho giáo viên. Có khi đến tháng 12 các trường mới đưa vào sử dụng.
Ngày 4.11, sẽ kết thúc thời gian tập huấn ở Q.Tân Bình nhưng bà Phạm Thị Phước, Phó phòng Giáo dục, thừa nhận: “Đâu phải tập huấn là sử dụng thành thạo ngay đâu. Chắc chắn sẽ còn bỡ ngỡ, chệch choạc. Giờ đã gần hết học kỳ 1, có khi đến học kỳ 2 may ra mới ổn định”. Trước thực tế này, lãnh đạo phòng giáo dục một quận nội thành cho rằng: “Nếu hiệu quả thì chắc phải… đợi lớp chồi năm nay sang năm vào lớp lá chứ học sinh lớp lá năm nay thì chắc chắn khó lòng tính đến”.
Theo VNE
Bảng tương tác: Không đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ GD-ĐT
Đó là khẳng định của bà Phan Thị Lan Anh, phó vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non của Bộ GD-ĐT, đã trao đổi với Tuổi Trẻ quanh việc TP.HCM "mua bảng tương tác nhằm mục đích phổ cập giáo dục mầm non".
Học trò trường mầm non làm quen với bảng tương tác thông minh - Ảnh: Như Hùng
Bà Lan Anh cho biết: "Trong danh mục thiết bị tối thiểu để đảm bảo yêu cầu chương trình giáo dục mầm non của Bộ GD-ĐT không đặt ra việc bắt buộc phải đầu tư bảng tương tác hay một số thiết bị dạy học đắt tiền nhưng chưa có sự nghiên cứu, kiểm chứng về hiệu quả giáo dục và tính phù hợp với lứa tuổi mầm non. Đề án phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi cũng không yêu cầu các cơ sở giáo dục phải đầu tư bảng tương tác".
* Vậy bà có ý kiến thế nào về việc có những địa phương bỏ kinh phí đầu tư hoặc vận động cha mẹ học sinh đóng tiền mua bảng tương tác phục vụ mục tiêu "phổ cập"?
- Việc này chúng tôi sẽ đề nghị các sở GD-ĐT rà soát, kiểm tra và báo cáo Bộ GD-ĐT. Đầu tư tốn kém bằng kinh phí Nhà nước cần phải có sự nghiên cứu cụ thể về ưu, nhược điểm và việc áp dụng thế nào, cho đối tượng nào để tránh lãng phí và đi ngược với mục đích giáo dục. Thiết bị dạy học đa năng, bảng tương tác không nằm trong danh mục thiết bị tối thiểu của Bộ GD-ĐT quy định, nên nếu có những cơ sở nào vận động hay ép buộc cha mẹ học sinh đóng tiền mua bảng tương tác và coi đây là nhiệm vụ nhằm mục đích phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi thì không đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ GD-ĐT.
* Theo quan điểm của bà, việc sử dụng thiết bị dạy học hiện đại đối với trẻ mầm non đã cần thiết chưa? Thiết bị này có thể thay thế được cách tương tác trực tiếp giữa cô giáo và học sinh ở mức nào? Lệ thuộc vào thiết bị hiện đại có thể làm nảy sinh những tác hại gì đối với trẻ ở bậc mầm non?
- Với lứa tuổi mầm non, kể cả trẻ 5 tuổi, chuẩn bị vào lớp 1 thì việc tương tác trực tiếp giữa cô và trò, việc hướng dẫn trẻ tiếp xúc, trải nghiệm với môi trường xung quanh, giúp trẻ tập những thói quen, hành vi cần thiết từ chính hoạt động thực tế của cô với trò, trò với trò vẫn là quan trọng nhất và không thể dùng thiết bị máy móc thay thế được. Tôi không phủ nhận những thiết bị hiện đại có những ưu điểm nhất định, nhưng việc áp dụng thế nào với trẻ, liều lượng bao nhiêu là đủ cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi đầu tư và sử dụng. Lạm dụng thiết bị điện tử gây nhiều tác hại cho trẻ từ sức khỏe tới tinh thần, khiến trẻ sớm sa đà vào thế giới ảo, trong khi ở lứa tuổi mầm non, sự tương tác trực tiếp càng nhiều sẽ càng tốt hơn.
* Theo bà, với một lớp học được đầu tư bảng tương tác thì nên sử dụng tối đa bao nhiêu thời gian là vừa với trẻ mầm non? Việc sử dụng thiết bị hiện đại nói chung và bảng tương tác nói riêng cần kèm theo những điều kiện gì?
- Tôi cho rằng tối đa chỉ nên cho trẻ tiếp cận với bảng tương tác 20 phút/ngày. Việc đầu tư mua thiết bị dạy học đắt tiền phải tùy thuộc điều kiện kinh tế và sự tự nguyện của cha mẹ học sinh. Lãnh đạo các cơ sở giáo dục khi đầu tư thiết bị dạy học đắt tiền phải có kế hoạch nghiên cứu, sử dụng phù hợp, tránh đầu tư chạy theo hình thức nhưng không hiệu quả. Giáo viên sử dụng thiết bị hiện đại cũng cần được tập huấn để biết cách khai thác tính năng của thiết bị, áp dụng với từng lứa tuổi, từng nội dung như thế nào cho hiệu quả. Những nơi mà điều kiện của nhà trường, của cha mẹ học sinh không cho phép nhưng vẫn cố chạy theo việc mua sắm thiết bị dạy học hiện đại là không nên.
VĨNH HÀ thực hiện
Đừng làm mất đi tính sáng tạo, chủ động của thầy - trò
* Xu thế mua sắm thiết bị dạy học hiện đại ở các đô thị đang lấn át xu thế tự làm đồ dùng dạy học trong các cơ sở mầm non. Bà có suy nghĩ và khuyến cáo thế nào về việc này?
- Việc tự làm đồ dùng dạy học không chỉ khắc phục tình trạng thiếu đồ dùng, đồ chơi cho trẻ ở những nơi còn thiếu thốn mà còn kích thích khả năng sáng tạo của cô - trò. Những đồ dùng do giáo viên tự làm bằng các chất liệu lấy từ đời sống gần gũi với trẻ, những đồ dùng do cô cùng trò tự làm sẽ mang lại hứng thú, quá trình tự làm đó chính là quá trình giáo dục tốt nhất. Chính vì ưu điểm này nên Bộ GD-ĐT đã có một đề án thúc đẩy việc tự làm đồ dùng dạy học ở 63 tỉnh, thành phố và khuyến khích các nhà trường, thầy cô giáo tự làm đồ dùng dạy học. Việc đầu tư thiết bị hiện đại cũng cần phải cân nhắc, chừng mực để không làm mất đi tính sáng tạo, chủ động của thầy - trò.
Khánh Hòa: mỗi trường tiểu học sẽ có 2 loại bảng tương tác
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có quyết định phê duyệt đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong các cấp học của tỉnh Khánh Hòa từ nay đến năm 2020". Tổng kinh phí đầu tư thực hiện đề án hơn 77,325 tỉ đồng, trong đó tiền đầu tư trang thiết bị cho cả 322 trường công lập thuộc ba cấp phổ thông chiếm gần 56,4 tỉ đồng dự toán vừa nêu.
Theo đề án trên, toàn bộ 187 trường tiểu học của tỉnh Khánh Hòa sẽ được mua sắm đầu tư sáu loại thiết bị để dạy và học ngoại ngữ với tổng trị giá 211 triệu đồng/trường. Trong đó gồm các thiết bị và giá mua sắm mỗi bộ cho một trường như sau: bảng điều khiển dạy học tương tác và phần mềm (59,9 triệu đồng), bảng điều khiển dạy học tương tác không dây kiểm tra đánh giá (14 triệu), bộ hệ thống kiểm tra đánh giá (79,5 triệu), bộ máy chiếu cự ly phóng gần (37 triệu), máy tính xách tay (18,3 triệu) và thiết bị lưu trữ điện (2,3 triệu đồng).
Còn mỗi trường THCS và THPT đều sẽ được trang bị năm loại thiết bị với tổng trị giá 125 triệu đồng. Trong đó không có hai loại bảng tương tác như các trường tiểu học. Còn hai loại thiết bị khác cũng có giá rẻ hơn so với thiết bị dành cho các trường tiểu học, đó là "hệ thống dạy học tương tác và kiểm tra đánh giá" (68 triệu đồng/bộ) và "bộ kiểm tra đánh giá" (18 triệu đồng/bộ). Việc đầu tư theo đề án này được thực hiện hai giai đoạn, giai đoạn I (từ năm 2014-2016) mua sắm trang bị cho 160 trường, các trường còn lại sẽ được đầu tư trong giai đoạn II.
P.S.N.
Đơn vị nào trúng thầu cung cấp?
Theo công văn số 3989/UBND-VX về triển khai gói thầu mua sắm trang thiết bị thực hiện đề án "Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp thành phố" và đề án "Phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi", công văn 2478/GDĐT-KHTC của Sở GD-ĐT TP.HCM hướng dẫn thực hiện công văn 3989, đơn vị trúng thầu cung cấp gói thầu mua sắm trang thiết bị này là Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế, trụ sở tại 69 Tuệ Tĩnh, Hà Nội.
Theo Tuoitre
Bảng tương tác vào trường học, phụ huynh lại tốn tiền UBND TP.HCM đã chấp thuận hỗ trợ 50% kinh phí để sắm bộ thiết bị giảng dạy đa chức năng (bảng tương tác) dùng trong các trường mầm non và tiểu học. Thế nhưng, các trường lại không mặn mà với thiết bị hiện đại này... Cô trò lớp lá Trường mầm non Vàng Anh Q.5, TP.HCM làm quen với bảng tương tác...