Đứt gân bàn chân vẫn quyết tâm đi thi
Khóc ngất vì những cơn đau dữ dội do chân phải bị đứt gân các ngón chân, lo lắng tột độ khi di chuyển, Hải Minh vẫn nén nỗi đau, quyết tâm “có chết cũng phải đi thi đại học”.
Đó là thí sinh Huỳnh Thị Hải Minh (sinh năm 1993, quê thôn Bích Nam, xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) dự thi vào ngành Kế toán Trường ĐH Maketing TPHCM tại địa điểm thi Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Bình Định) trong đợt 1 vừa qua.
Chúng tôi gặp Minh trong buổi tối ngày 6/7, khi Minh và anh trai mới về nhà được gần 1 ngày. Anh trai Minh đã ra ngay Đà Nẵng đi làm lại. Ở nhà chỉ có Minh và bố mẹ. Ông Huỳnh Sương (bố của Minh) cho biết: “Nhà tôi làm nông, quanh năm vất vả nhưng đổi lại con cái đều học được cả. Con bé Minh nhà tôi 3 năm cấp ba đều đạt học lực khá”.
Thí sinh Minh được anh trai dìu tới phòng thi (Ảnh: Nguyễn Thị Muội)
Trước ngày lên đường vào Bình Định thi 2 hôm, trưa ngày 28/6, Minh gặp tai nạn xe máy khiến chân phải bị đứt gân các ngón chân. Bác sĩ xác định vết thương nặng, chân phải bị đứt gân các ngón chân, cần phẫu thuật gấp và bó bột.
Nhận được tin dữ, cả hai vợ chồng ông Sương (bố mẹ Minh) tức tốc vào bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, nơi con gái đang nằm viện.
Nén đau, Minh tranh thủ ôn bài trước khi vào phòng thi( Ảnh: Nguyễn Thị Muội)
Phẫu thuật xong, bác sỹ yêu cầu gia đình để Minh nằm viện một tuần tránh di chuyển và xem diễn biến tình hình sau phẫu thuật.
Video đang HOT
Nghe xong ý kiến bác sĩ và đợi con tỉnh dậy, ông Sương gặng hỏi: “Giờ bị như vậy, con thấy trong người thế nào, liệu có đi thi được không”.
Cô con gái yếu đuối ngày nào giờ mạnh mẽ dứt khoát nói: “Bố à, con phải đi thi đại học, có chết con cũng phải đi thi đại học”.
Thấy con cương quyết, vợ chồng ông Sương cũng đành chiều ý con.
Ở bệnh viện một ngày rưỡi, vợ chồng ông Sương xin xuất viện cho con. Mới đầu, bác sỹ từ chối yêu cầu nhưng khi nghe gia đình trình bày lý do, họ đã đồng ý và dặn dò: “Chúng tôi cấp cho bé Minh toa thuốc giảm đau trong 7 ngày. Có vấn đề gì nảy sinh gia đình phải báo ngay. Trong quá trình di chuyển, tuyệt đối tránh va chạm vào chân em”.
Nhận được tin báo của gia đình, anh trai Minh là Huỳnh Tú Dương đã xin công ty nghỉ phép vài ngày để đưa em gái đi thi. Ông Sương cho biết: Dương là con cả, đang làm việc ngoài Đà Nẵng. Cách đây lâu rồi, tôi bị tai nạn nên cái chân yếu lắm không cõng con được, còn mẹ nó sức khỏe yếu lại hay ốm đau nên không thể đưa con gái đi thi”.
“Để con đi thi mà gia đình tôi cứ như ngồi trên đống lửa”, ông Sương nói tiếp: “Từ hôm bị tai nạn, nó ăn uống ít lắm, ôn bài cũng không được. Đặt cái chân xuống giường là nó kêu đau rồi. Vợ chồng tôi phải thức trắng đêm ôm chân con vào lòng và dỗ nó”.
Chiều 1/7, hai anh em Minh bắt tàu từ Quảng Nam vào Bình Định dự thi. Minh nhớ lại: “Trong quá trình di chuyển để lên xuống tàu, em sợ nhất là bị người khác đụng vô. Mới bị tai nạn mà em đã phải di chuyển nhiều nên cái chân đau dữ lắm. Suốt đường trên tàu, anh trai ôm chân em để tránh va chạm”.
Thương em, anh trai Minh bằng mọi cách đưa em gái tới phòng thi. Minh nhớ lại: “Buổi thì anh trai dùng xe đạp đẩy em đi tới gần phòng thi, rồi cõng em lên. Lúc nào, em bớt đau thì dìu em đi trên chiếc nạng gỗ”.
Trong 2 ngày thi, vết thương của Minh vẫn đau âm ỉ mặc dù đã uống thuốc. Minh nói: “Ngày thi, vết thương của em còn đau lắm. Vừa ráng chịu đau, em vừa làm bài thi. Nhiều khi nước mắt trực trào ra nhưng em kìm nén lại để làm bài thi”.
Sau khi thi xong môn cuối cùng, hai anh em Minh vội vàng thu xếp hành lý chuẩn bị về quê. Ngay trong đêm 5/7 đã đi tàu về tới nhà.
Nhìn con vất vả đi thi về, bà Hạnh xúc động nói: “Thấy con thi xong về tới nhà là tôi mừng lắm. Trước đó, tôi lo đủ mọi thứ: sức khỏe, ăn uống và vết thương của nó nữa”.
Kết thúc kỳ thi, việc đầu tiên của gia đình Minh là đưa em đến bệnh viện để khám xem tình hình vết thương sau phẫu thuật biến chuyển ra sao. Được biết, Minh còn đăng ký thi đợt 2 này nhưng do anh trai buộc phải ra lại Đà Nẵng gấp nên Minh đành lỡ hẹn.
Nguyễn Tuấn
Theo dân trí
Phía sau những sĩ tử "mất tích" khỏi phòng thi
Cũng hành trang từ quê lên thành phố ứng thí, cũng có bố mẹ đi cùng chăm sóc cho những ngày thi... Vậy nhưng, có những sĩ tử lại thản nhiên "biến mất" khỏi phòng thi vì rất nhiều lý do.
"Mẹ xin con, vào phòng thi đi!"
Tại hội đồng thi trường ĐH Công nghiệp TPHCM, trong môn thi đầu tiên của khối A, chứng kiến cảnh một bà mẹ khóc lóc, van xin cô con gái của mình vào phòng thi ai cũng phải xót xa. Bà kéo tay con năn nỉ: "Vào phòng đi con, mẹ xin con đấy!", cô con gái vẫn vùng vằng.
Thấy vậy, nhiều phụ huynh và sinh viên tình nguyện cùng "góp sức" với bà mẹ khuyên nữ sinh vào phòng thi. Sự tình họ được biết, cô gái thờ ơ đến mức ngày làm thủ tục không vào phòng, giấy báo dự thi gửi cho một người bạn, giờ người bạn ấy đã vào phòng thi, không liên lạc được. Sự cố dễ dàng được giải quyết, chỉ cần em đưa chứng minh nhân dân ra nhưng sĩ tử này không chịu.
Mặc cho mọi lời động viên, cô gái quay lưng bỏ đi. Người mẹ khụy xuống, tay chới với hướng về phía con: "Thảo ơi, vào thi đi con!". Khi bóng đứa con đã khuất, người mẹ bật khóc tức tưởi, mắt đau đáu hướng về cánh cổng trường đi đang khép lại.
"Lực học của cháu trung bình, bố mẹ không ép phải thi cử, chính nó tự đăng ký ngành học rồi lên đây thi, mình chỉ chờ đến ngày đi theo để cháu đỡ tủi thân. Cháu có thi cũng chẳng nhiều hy vọng nhưng mẹ con đã lên đây rồi, sao nó còn bỏ thi vậy chớ? Thà không thích thì nó ở nhà ngay từ đầu", bà băn khoăn không hiểu nổi sự tình rồi đứng dậy lầm lũi đi khỏi đám đông.
Canh me vì trợ con trốn thi đi chơi game
Cũng tại địa điểm thi của trường ĐH Công nghiệp TPHCM, cô N.Th.Ng quê ở An Giang, phụ huynh của một thí sinh trước mỗi buổi thi lại theo con lên tận phòng. Phải nhìn con vào phòng, đến khi nghe tiếng thông báo phụ huynh ra khỏi trường thi cô Ng mới vội vàng ra ngoài cổng trường đứng chờ.
Hết giờ thi, cô Ng cũng sốt sắng lên tận phòng tìm con trai, nhìn thấy con, về cùng con cô mới yên lòng. Biết rằng, theo con lên thành phố ứng thí, bố mẹ cũng nóng lòng, sốt ruột nhưng kiểu lo lắng cho con như cô Ng làm nhiều người khó chịu cậu con trai lớn tồng ngồng, cao hơn mẹ cả cái đầu, đâu còn là đứa con nít không biết lối từ phòng thi ra ngoài cổng trường.
Nhiều phụ huynh theo con lên tận phòng thi mới an lòng (Ảnh minh họa).
Chỉ ai biết được sự tình, mới thương cảm cho cô. Con cô Ng thi năm thứ 2. Năm ngoái, cô Ng cũng đưa con lên thành phố đi thi. Thuê được chỗ trọ gần trường, đứa con không cho mẹ đi theo nên cô đành ở chỗ trọ ngồi chờ. Cô không hề biết "quý tử" nhà mình chẳng hề có mặt trong phòng thi như các thí sinh khác mà trốn đi chơi game.
"Cho đến buổi thi cuối cùng, tôi chờ hoài không thấy nó về, gọi điện cũng không liên lạc được. Tôi ở chỗ trọ lòng như lửa đốt, cho đến tận giữa đêm nó gọi mẹ ra đầu ngõ trả tiền chơi game mình mới biết sự tình con mình bỏ thi. Thế mà sau mỗi môn thi nó dám nói làm bài được", cô Ng nhớ lại.
Vậy nên năm nay, khi con thi lại, cô phải "canh me" tận cùng để chắc con không bỏ thi. "Con đã đi thi ai cũng mong con đỗ đạt hết. Tôi đã khuyên con, nếu không thi được thì tìm một nghề gì đó mà nó không chịu, vẫn đòi thi lại bằng được. Nên tôi mới phải canh như vầy chứ không nó lại tranh thủ lên thành phố trốn đi chơi", người mẹ nói.
Trong kỳ thi đại học, cao đẳng, tỷ lệ thí sinh đến dự thi luôn "rơi rụng" dần sau các môn. Ngoài các yếu tố khách quan như các em gặp tai nạn, kẹt đường, trễ giờ... thì có trường hợp "mất tích" bởi những lý do rất khó tin mà chỉ những người trong cuộc mới biết. Có những thí sinh thi xong môn đầu tiên, hẹn gặp bạn bè quen trên mạng, ham vui nên bỏ luôn các môn sau, quên luôn bố mẹ lóc cóc theo mình từ quê lên, mang theo hy vọng con đỗ đạt thành tài. Thậm chí có sĩ tử lấy cớ đi thi như là dịp lên thành phố chơi, tranh thủ vi vu với người yêu hay "tự thưởng" cho bản thân bằng cách tiêu tiền như bố mẹ.
Tuy nhiên, cũng có sĩ tử cân nhắc, suy nghĩ rất kỹ trước khi "dừng cuộc chơi" dù điều đó có thể làm bố mẹ đau lòng. Ngay trong đợt thi vừa rồi, tại điểm thi nằm ở Q. Thủ Đức (TPHCM), một thí sinh quê ở Tiền Giang, đã trải qua môn thi đầu tiên với kết quả tốt nhưng quyết định bỏ hai môn còn lại.
Nam sinh này cho chia sẻ: "Đây là ngành học bố mẹ em chọn, không phải ngành em thích. Nếu may mà đỗ phải theo học em sẽ càng dang dở hơn vì phải học ngành nghề mình không thích. Em cũng cố đi thi nhưng giờ em quyết định dừng lại, tập trung cho đợt thi cao đẳng sắp tới đúng ngành học đam mê của mình. Chỉ mong bố mẹ đừng giận...".
Hoài Nam
Theo dân trí
Bài thi sẽ bị hủy nếu viết vẽ những nội dung không liên quan Huỷ bỏ kết quả thi của cả 3 môn thi đối với những thí sinh viết vẽ những nội dung không liên quan đến bài thi sửa chữa, thêm bớt vào bài làm sau khi đã nộp bài dùng bài của người khác để nộp... Đó là một trong những quy định của Bộ GD-ĐT trong công tác chấm thi đại học, cao...