Đường vòng vào đại học không hẹp
Sáng 4/1, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) Bùi Anh Tuấn đã khẳng định như vậy trước những ý kiến trái chiều về quy định siết chặt đào tạo liên thông gây khó cho học sinh và các trường.
Vụ trưởng Bùi Anh Tuấn: Trước đây mình thực hiện đào tạo liên thông theo quy định 06. Đây là văn bản đầu tiên quy định về đào tạo liên thông, tuy nhiên văn bản này vào thực tế còn nhiều khiếm khuyết. Mặt khác, nó cũng chưa nói đúng về bản chất của đào tạo liên thông.
Khi vận dụng quy định này nhiều trường đã không thực hiện đúng tinh thần và tự xây dựng chương trình liên thông thành chương trình đào tạo riêng. Trong quá trình triển khai thực hiện, nhiều trường thực hiện làm sai quy định. Cụ thể, đào tạo ngoài nhà trường nhưng lại cấp bằng chính quy; hay đào tạo vừa học vừa làm nhưng lại cấp bằng chính quy…
Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình bị cắt xén…dẫn tới chất lượng đào tạo không cao. Có thể nói, mô hình liên thông kém chất lượng đã phát triển tràn lan, xã hội đã lên án và nhiều đơn vị từ chối sản phẩm đào tạo liên thông.
Để ra quy định mới này, Bộ GD-ĐT cũng đã khảo sát ở các trường cho thấy, đào tạo liên thông đang bị biến tướng. Bộ cũng đã trăn trở cả năm và đây là quy định xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn và yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục ĐH.
Cửa không hẹp với thí sinh
- Điểm khác biệt của qui định này có giải quyết được những bất cập như ông vừa nêu?
Quy định mới này bám sát các quy định của Luật GD đại học ở chỗ: đào tạo liên thông phải đúng mục đích, bản chất. Nghĩa là chỉ có ba loại: chính quy, từ xa và vừa học vừa làm. Liên thông chỉ là hình thức tổ chức chứ không phải là một hệ đào tạo.
Video đang HOT
Vụ trưởng Vụ GD ĐH Bùi Anh Tuấn: “Đường vòng vào ĐH không hẹp với thí sinh nhưng sẽ khó hơn…”
Điểm mới của quy định này khẳng định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm rất lớn của các trường ĐH trong việc miễn giảm cho học sinh bao nhiêu môn, bao nhiêu học phần, thi cử – đây là trách nhiệm của các trường, Bộ không can thiệp. Bộ chỉ ban hành các tiêu chí đảm bảo chất lượng.
Quy định mới còn giúp cho sự phát triển tồn tại đúng sứ mệnh của tất cả các trường trung cấp, THCN, các trường CĐ và CĐ nghề. Sứ mạng của các trường nghề là gì? anh học xong để tham gia vào thị trường lao động chứ đâu chỉ vào để lên ĐH. Thị trường lao động thì vắng bóng. Mọi người vào học chỉ chăm chăm học liên thông thì sẽ rất lãng phí trong việc đầu tư tiền bạc, công sức cho các trường nghề.
Nếu xác định vào học nghề để liên thông lên ĐH thì có cần thiết phải tồn tại đào tạo trung cấp nghề, CĐ nghề không? Chính vì thế mọi người quan niệm đào tạo liên thông này là đào tạo hai giai đoạn – nhưng thực chất không phải như vậy.
- Nhiều ý kiến cho rằng, quy định về điều kiện, môn thi…liên thông làm hẹp cửa cho thí sinh có nguyện vọng học ĐH bằng đường vòng?
Quy định này mở cho tất cả thí sinh và trực tiếp bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người học. Với những bạn học CĐ nghề vừa ra trường muốn học lên thi đầu vào như học sinh phổ thông theo đề thi chung của Bộ. Nếu đỗ nhà trường sẽ xem xét miễn giảm theo quy định thực hiện liên thông chứ không phải học lại từ đầu.
Do đó, quy định này bảo đảm quyền lợi người học về chương trình, chất lượng đào tạo tương xứng với tấm bằng nhận. Mục tiêu xa hơn là thị trường sẽ nhìn nhận lại sản phẩm đào tạo theo hình thức liên thông. Điều này cũng tốt cho các trường trong việc xây dựng thương hiệu.
- Vấn đề học sinh kêu ở đây sao lại phải thi các môn văn hóa? Vậy thì lượng kiến thức được học ở các trường TC-CĐ không có giá trị. Tại sao không thi bằng chính những môn đã học đó để đánh giá thực lực tốt hơn?
Sau 36 tháng các bạn đã đi làm rồi có tích lũy kinh nghiệm rồi mà quay lại thi thì sẽ không bắt các bạn phải thi các môn văn hóa nữa, chỉ thi các môn chuyên ngành. Quy định này mở cho mọi đối tượng và giảm bớt thủ tục hành chính khi có quyết tâm học lên cao.
Quan điểm của Bộ là định vị lại chất lượng đào tạo liên thông và quyền lợi chính đáng của người học và giá trị của nhà trường.
Các trường cũng phải thay đổi
- Khi đưa ra quy định này Bộ có lường đến việc sẽ không có học sinh vào các trường trung cấp nghề, CĐ nghề…vào năm tới? Tình trạng các trường nghề ế ẩm sẽ càng ảm đạm hơn…
Cá nhân tôi không nghĩ như thế. Bởi vì nếu như tất cả đều nghĩ như thế thì thật đáng buồn và chúng ta đã nhìn nhận sai về bậc đào tạo, nhìn nhận sai về ngành nghề đào tạo…Sự tồn tại của mỗi cấp đào tạo nó có xứ mệnh riêng, đóng một vai trò nhất định trong cung cấp nguồn nhân lực theo nhu cầu.
Còn nếu nhìn nhận lấy bậc học trung cấp nghề, CĐ nghề…làm bước đệm lên ĐH thì cần phải xem xét lại. Cánh cửa không hẹp và đóng với bất cứ ai, nhưng sẽ khó khăn hơn trong việc khẳng định giá trị bản thân. Khi tham gia thi “ba chung” vào trường sẽ được học chung với sinh viên chính quy và sẽ được miễn giảm các môn, học phần đã học.
Còn nếu nói mình không tham gia thi được thì đúng là bạn kém và không đủ điều kiện học liên thông là điều đương nhiên. Tấm bằng chính quy của nhà trường chỉ có một và phải đạt được chuẩn đầu ra chứ không thể có nhiều chuẩn đầu ra.
- Tại sao không có thời gian cho thí sinh chuẩn bị tinh thần…
Nếu không thực hiện ngay thì thực hiện vào lúc nào. Cũng có ý kiến lui một năm thì về mặt quản lý nhà nước là không ổn. Bản chất vấn đề cần giải quyết là giải mã giá trị thật của tấm bằng liên thông. Như tôi đã nói thì hình thức này đang bị biến tướng, nhiều trường đào tạo chui nên không có báo cáo nên cần chấn chỉnh.
Có thể năm đầu thực hiện có khó khăn, bỡ ngỡ. Nhưng Bộ thay đổi thì các trường cùng phải thay đổi. Kết quả liên thông là cho một cá nhân chứ không phải cho một nhóm người.
- Cảm ơn ông!
Theo Kiều Oanh (Vietnamnet)
Hẹp cửa liên thông
Nhiều người cho rằng thông tư quy định về đào tạo liên thông CĐ, ĐH được Bộ GD-ĐT vừa ban hành còn nhiều điều bất hợp lý; đổng thời nhiều SVHS lo việc này làm mất cơ hội học tập của họ.
Theo đó, người tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, CĐ nghề, CĐ chưa đủ ba năm nếu muốn học liên thông lên CĐ, ĐH sẽ phải dự thi tuyển các môn văn hóa, năng khiếu theo khối thi của ngành thí sinh đăng ký học liên thông trong kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH chính quy do Bộ GD-ĐT tổ chức hằng năm.
Riêng với đối tượng dự thi liên thông CĐ, ĐH đã có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, CĐ nghề, CĐ từ ba năm trở lên sẽ dự thi ba môn (môn cơ bản, môn cơ sở ngành và môn chuyên ngành, hoặc thực hành nghề) do cơ sở giáo dục ĐH tự ra đề thi và xác định điểm trúng tuyển. Đặc biệt, sinh viên liên thông hệ chính quy sẽ học chung, thi hết môn và thi tốt nghiệp hoặc bảo vệ luận văn tốt nghiệp, đồ án tốt nghiệp cùng với sinh viên hệ chính quy.
Hết đường học liên thông
Nguyễn Tuấn (sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) thất vọng: "Tôi vừa tốt nghiệp hệ CĐ nghề chuyên ngành tài chính ngân hàng. Lúc tuyển sinh đầu vào nhà trường thông báo học CĐ nghề sẽ được tiếp tục học liên thông lên ĐH nhưng nay không được. Đến nay Bộ GD-ĐT lại ra quy định này coi như hết đường học liên thông lên ĐH".
Lê Văn Nghĩa (sinh viên CĐ Trường ĐH Nông lâm TP.HCM) cho biết những sinh viên sau khi biết Bộ GD-ĐT ban hành quy định này đều rất hoang mang và thất vọng. "Nếu quy định như vậy khác nào bảo chúng tôi luyện thi lại ĐH luôn cho rồi chứ còn phải thi liên thông gì nữa. Ba năm CĐ chúng tôi học hành cố gắng để đến ngày được liên thông, vậy mà bây giờ phải chờ tận 36 tháng để thi môn chuyên ngành, liệu có quá đáng không? Liệu ai còn dám đăng ký học CĐ nữa, hay lại chạy vào ĐH học hết vì giờ đây việc liên thông quá khó khăn" - Nghĩa bức xúc.
Tương tự, theo nhiều học sinh sinh viên đang học trung cấp, CĐ ở các trường tại TP.HCM với quy định mới người học thà ôn lại thi ĐH, chẳng ai bỏ ra học ba năm CĐ rồi phải thi lại ĐH như học sinh vừa tốt nghiệp THPT. Các trường ĐH sẽ đóng cửa nhiều khóa liên thông thì cũng chẳng còn bao nhiêu người đủ tiêu chuẩn liên thông...
Thế Hòa, sinh viên CĐ một trường CĐ, nói: "Chúng tôi thà ôn thi ĐH lại còn hơn. Thi ĐH không đánh giá đúng hết thực lực của một người, nếu được học đúng ngành mình thích họ sẽ còn giỏi hơn những người thi ĐH điểm cao. Những sinh viên đang học CĐ năm 3, hết học kỳ sau là chuẩn bị liên thông, làm thế không khác gì bảo họ đừng nghĩ tới chuyện liên thông lên ĐH nữa. Chưa kể kết thúc học kỳ II thường là cuối tháng 5, sinh viên CĐ phải thi cử rất nhiều, nếu phải thi ĐH vào tháng 7 thì thời gian đâu để ôn thi".
Một lớp học của sinh viên hệ liên thông CĐ lên ĐH ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) - Ảnh: Như Hùng
Nên để trường tự chủ
Theo TS Nguyễn Toàn - hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, TP.HCM - bản chất của đào tạo liên thông là quá trình kết nối giữa bậc đào tạo thấp và cao hơn. Điều này đòi hỏi phải có sự tham vấn và công nhận, bổ sung chương trình đào tạo của các trường. Do đó các quy định, điều kiện tuyển sinh phải xuất phát từ các trường chứ không nên có những quy định chung cho tất cả. "Bộ GD-ĐT đưa ra các quy định này nhằm kiểm soát chất lượng đào tạo liên thông. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo phụ thuộc cả quá trình đào tạo ở bậc thấp và cao hơn của các trường chứ không phụ thuộc việc thi môn nào, thi cái gì" - ông Toàn nói.
Cũng theo ông Toàn, với quy định này người học trung cấp, CĐ nghề sẽ khó vượt qua được. Liên thông là thừa nhận kiến thức người học đã học ở bậc thấp hơn và bổ sung những kiến thức mới, rộng hơn, trong khi các môn văn hóa lại chẳng liên quan gì đến chương trình đào tạo chuyên ngành liên thông. TS Toàn kiến nghị: "Bộ GD-ĐT chỉ nên quyết định việc cho cơ sở đào tạo liên thông ngành gì, còn việc thi môn gì, thi như thế nào, đối tượng nào được tham gia nên để các trường tự quyết định. Mỗi trường có đặc thù riêng nên trường sẽ xem xét chương trình ở bậc học thấp hơn còn thiếu những gì, cần phải bổ sung gì để từ đó đưa ra môn thi và hình thức tuyển sinh phù hợp".
Cùng quan điểm, ông Phạm Thái Sơn - phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - cũng cho rằng quy định mới về liên thông có rất nhiều điều ràng buộc hết sức ngặt nghèo đối với người học. Hơn nữa, quy định đưa ra và áp dụng trong năm nay thì nhiều khả năng các trường sẽ không tuyển được người học vì những người tốt nghiệp đủ 36 tháng đã dự thi liên thông các năm trước. Người tốt nghiệp chưa đủ 36 tháng nếu dự kỳ thi ĐH, CĐ toàn quốc cũng chắc không có ai qua được vì đã xa rời kiến thức phổ thông quá lâu.
Theo T.Huỳnh - N.Hà - M.Giảng (Tuổi Trẻ)
Cánh cửa cho các học sinh trượt tốt nghiệp THPT Trường trung cấp nghề (TCN) luôn rộng cửa với nhiều ngành nghề xã hội cần, như dịch vụ khách sạn, nhà hàng, du lịch, bếp và ẩm thực. Không còn mặc cảm vì rớt tốt nghiệp THPT Tất cả các trường trung cấp nghề hiện nay đều không tổ chức thi mà chỉ xét tuyển từ học bạ THPT hoặc THCS. Với những...