Đường Trường Sơn – điểm du lịch hấp dẫn
Trong chiến tranh, đường Trường Sơn là tuyến chi viện chiến lược giữa hậu phương lớn miền Bắc và tiền tuyến lớn miền Nam, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong hòa bình, đường Trường Sơn tiếp tục đảm nhiệm trọng trách của huyết mạch giao thông và nhiều địa danh trên con đường huyền thoại này đã trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng.
Những địa chỉ đỏ thu hút du khách
Từ điểm đầu của tuyến chi viện chiến lược mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh xuyên dãy Trường Sơn là Tân Kỳ (Nghệ An) đến điểm cuối là Chơn Thành (Bình Phước) có hàng trăm địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng và cũng là điểm du lịch hấp dẫn như: Ngã ba Đồng Lộc, hang Lèn Hà, sân bay Khe Gát, bến phà Long Đại, bến phà Xuân Sơn, hang Tám Cô, trọng điểm ATP, dốc Ba Thang, đèo Đá Đẽo, khe Hó, cầu treo Bến Tắt, Trạm Chỉ huy tiền phương Bộ Tư lệnh 559, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, sân bay Tà Cơn, bồn xăng kho nhiên liệu VK96, VK98…
Đoàn đại biểu Binh đoàn 12 viếng các liệt sĩ tại Đền thờ liệt sĩ bến phà Long Đại đầu xuân Giáp Thìn 2024
Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước và quân đội đã giao nhiệm vụ cho Binh đoàn 12 – đơn vị kế tục truyền thống Bộ đội Trường Sơn anh hùng khôi phục và nâng cấp đường Trường Sơn, biến con đường huyền thoại trong chiến tranh thành con đường động lực phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh trong hòa bình. Đồng thời khảo sát, đánh giá thực trạng để có biện pháp khôi phục, bảo tồn những di tích trong hệ thống đường Trường Sơn.
Tháng 7/2007, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh – đường Trường Sơn. Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Binh đoàn 12 triển khai các dự án thành phần nhằm hoàn thiện hệ thống bia di tích đường Hồ Chí Minh. UBND các tỉnh có di tích thuộc đường Trường Sơn (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước) đóng vai trò nòng cốt để khôi phục, tôn tạo và phát huy giá trị cũng như tiềm năng của di tích.
Từ năm 2013, sau khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2383/QĐ-TTg công nhận đường Trường Sơn là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, nhiều di tích lịch sử trên tuyến đường huyền thoại này đã thu hút rất nhiều du khách đến thăm viếng, tham quan, học tập.
Linh thiêng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn
Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn – nghĩa trang liệt sĩ lớn nhất nước, nơi tưởng niệm, tôn vinh những người con thân yêu của Tổ quốc đã anh dũng chiến đấu, hy sinh xương máu của mình trên các nẻo đường Trường Sơn quanh năm đều có khách đến thăm viếng. Bình quân mỗi tháng có khoảng 6.000 lượt người. Có những gia đình năm nào cũng vượt quãng đường mấy trăm cây số về đây thắp hương cho người thân của mình. Có cả những đoàn du lịch tâm linh, vượt gần ngàn cây số để thành kính tri ân các liệt sĩ Trường Sơn anh hùng.
Video đang HOT
Chăm sóc các phần mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn
Nghĩa trang được xây dựng theo đề xuất của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Tư lệnh Đoàn 559 – Bộ đội Trường Sơn vào đầu thập kỷ bảy mươi của thế kỷ trước. Trước những mất mát, hy sinh của các đồng chí, đồng đội, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đề nghị quy tập các liệt sĩ nằm rải rác dọc tuyến đường Trường Sơn và đất bạn Lào, Campuchia vào một nơi, như một “mái nhà chung” để đồng bào, đồng chí và nhất là các gia đình thân nhân tiện lui tới thăm viếng. Đề xuất này đã được Tổng Bí thư Lê Duẩn và Bộ Chính trị thông qua, đồng thời giao Đoàn 559 đi khảo sát và chọn địa điểm. Sau khi cân nhắc, địa danh đồi Bến Tắt thuộc xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị đã được lựa chọn. Công trình được khởi công xây dựng vào ngày 24/10/1975 và hoàn thành vào ngày 10/4/1977, có tổng diện tích hơn 140.000m 2, quy tụ 10.263 phần mộ các liệt sĩ là con em của 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tại đây có 6 bức phù điêu được chạm khắc trên đá nguyên khối, khắc họa những hình ảnh tiêu biểu của các binh chủng hợp thành bộ đội Trường Sơn, với khẩu hiệu: “Mở đường mà tiến – Đánh địch mà đi”. Đài tưởng niệm tại nghĩa trang được xây bằng đá trắng cao vút uy nghiêm và khuyết 3 mặt, thể hiện nỗi mất mát vô cùng.
Có một sự trùng hợp rất kỳ lạ là khi bắt đầu tổ chức xây dựng nghĩa trang, đơn vị thi công đào một hố để lấy nước thì bất ngờ gặp mạch nước ngầm phun lên. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên yêu cầu đào rộng ra thành hồ tạo cảnh quan môi trường đẹp nơi các liệt sĩ yên nghỉ. Từ đó đến nay, hồ nước này chưa bao giờ cạn, kể cả những năm hạn hán nghiêm trọng.
Cuối năm 1976, nghĩa trang được hoàn thiện, chuẩn bị khánh thành thì Ban quản trang phát hiện một cây bồ đề cao khoảng 20cm mọc lên ngay sau Đài tưởng niệm. Đứng trước cây bồ đề nhỏ bé có nguồn gốc tâm linh của đạo Phật, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên rất xúc động. Ông giao cho ban quản trang vun đất và chăm sóc cẩn thận. Khác với hàng trăm loại cây ở nghĩa trang, cây bồ đề lớn nhanh đến kỳ lạ và chia thành 3 nhánh ôm lấy 3 cạnh của đài tưởng niệm “Tổ quốc ghi công”.
Năm 1999, khi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có kế hoạch cải tạo, nâng cấp Đài tưởng niệm, nhiều người có ý chuyển cây bồ đề để lấy mặt bằng. Biết được sự việc, dù tuổi cao, sức yếu, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vẫn vào ngay Quảng Trị đề nghị phải giữ nguyên chỗ cho cây bồ đề. Trong sổ lưu niệm ở nghĩa trang, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên viết: “Đây là một sự tích có tính huyền thoại, một phúc âm, một điềm lành của liệt sĩ an nghỉ nơi này. Mọi người cùng nhau giữ lấy cây bồ đề thiêng, tài sản của liệt sĩ Trường Sơn an nghỉ nơi đây”.
Giờ đây, hàng vạn người dân khi đến thăm viếng Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn đều đứng trang nghiêm dưới gốc cây bồ đề tỏa rợp bóng mát. Nhiều đoàn cựu chiến binh khi về thăm viếng liệt sĩ tại nghĩa trang thường ngồi dưới tán bồ đề, đánh đàn guitar và cùng hát cho đồng đội nghe.
Điểm cuối đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh là Bình Phước
Trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bình Phước trở thành điểm cuối đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh, nơi tiếp nhận, dự trữ và cung cấp nhân lực, vật lực chi viện cho chiến trường miền Nam.
Đường Trường Sơn hình thành sớm nhất ở Bình Phước là đường 13 từ Campuchia về Lộc Ninh. Đây là tuyến đường thuộc nhánh Tây kết nối với đường 13 từ Campuchia – nơi có điểm tập kết, tập trung hàng hóa và khí tài quân sự của ta đã được Đoàn 559 hình thành từ trước. Tiếp theo đó, tuyến đường Trường Sơn từ Bu Brăng – Tuy Đức (Đắk Nông ngày nay) qua Bù Gia Mập, Bố Đức đến Lộc Tấn (Lộc Ninh) cũng được hình thành để các lực lượng, đơn vị hành quân về tập kết tại Bình Phước, sau đó tham gia chiến trường. Năm 1974, sau khi đường ống dẫn xăng dầu được xây dựng đến rừng Bù Gia Mập, xăng dầu vận chuyển đến đây đã được các đại đội xe bồn vận chuyển về dự trữ tại các tổng kho ở Lộc Ninh (tức là 2 tổng kho VK98 và VK99). Tuyến đường Trường Sơn gắn với hoạt động vận chuyển xăng dầu này cũng đã được hình thành.
Đến tháng 3/1975, khi vùng Tây Nguyên được giải phóng, cùng với tỉnh Phước Long đã được giải phóng, đến cuối năm 1974 đầu năm 1975, tuyến đường 14 từ miền Trung qua Tây Nguyên đến Chơn Thành lúc bấy giờ đã được nối thông và không còn chịu sự quản lý của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Do đó, các đơn vị của Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã triển khai sửa chữa cầu và đường trên tuyến quốc lộ 14 đoạn qua Bình Phước để các đơn vị hành quân tham gia giải phóng miền Nam. Đường Trường Sơn đoạn từ Đắk Nông đến ngã tư Chơn Thành với chiều dài gần 100km đã được sử dụng để cơ động hơn 1.200 xe cơ giới tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Hàng ngàn tấn lương thực, vũ khí cũng được Bộ Tư lệnh Trường Sơn vận chuyển tập kết tại Bù Na và Đôn Luân để sẵn sàng cung cấp cho chiến trường. Cuối tháng 4/1975, đường từ thành phố Đồng Xoài đi Mã Đà với chiều dài hơn 30km được Sư đoàn 471 (Bộ Tư lệnh Trường Sơn) gấp rút sửa chữa để Sư đoàn 320 (Quân đoàn 3) hành quân tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Với ý nghĩa và vai trò to lớn của đường Trường Sơn, ngày 24/12/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1820/QĐ-TTg công nhận Di tích điểm cuối đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh (Km1.200) thuộc địa phận thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành (nay là thị xã Chơn Thành) là di tích quốc gia đặc biệt. Đây là điểm cuối đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh, là nơi ghi dấu những chiến công và sự hy sinh xương máu của các lực lượng Đoàn 559 – Bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến… đã không ngại gian khổ, hy sinh, bền chí, bền lòng mở đường thông tuyến, tăng cường chi viện cho chiến trường miền Nam. Hiện nay, di tích này là điểm du lịch thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử dân tộc ta và cả thế giới như một con đường huyền thoại. Trải qua thời gian hơn nửa thế kỷ tồn tại trong điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, lại thêm nhu cầu phát triển kinh tế dân sinh ngay tại vùng chiến trường ác liệt năm xưa, rất nhiều di tích lịch sử đã bị biến dạng, cảnh quan bị phá vỡ. Để phát triển du lịch kết hợp với công tác giáo dục truyền thống và lịch sử trên tuyến đường huyền thoại này, rất cần sự chung tay, góp sức của các cấp, ngành, các địa phương và đồng bào cả nước. Trong đó, cần phục chế một số sở chỉ huy, binh trạm, kho hàng,… Đặc biệt cần phục chế sáng tạo độc đáo của bộ đội Trường Sơn là làm “đường kín” khiến quân địch ngỡ ngàng.
Khám phá nét đẹp Ba Vì, Hà Nội
Nằm cách trung tâm Thủ đô Hà Nội trên 60 km về phía Tây, Ba Vì là địa điểm du lịch hấp dẫn được các bạn trẻ và không ít gia đình lựa chọn mỗi dịp cuối tuần, nghỉ lễ hay dịp Tết cổ truyền của dân tộc.
Đến Ba Vì du khách được hòa mình vào thiên nhiên, khám phá nét đẹp của các di tích, danh thắng, lễ hội, ẩm thực và có thể tham gia các loại hình du lịch lịch sử văn hóa, tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch hội thảo.
Không gian biểu diễn cồng chiêng dân tộc Mường ở Ba Vì
Nét đẹp và tiềm năng phát triển các loại hình du lịch
Ba Vì là vùng đất địa linh nhân kiệt thuộc xứ Đoài, nơi đây tập trung nhiều thiết chế văn hóa dân tộc như: đình, chùa, đền, miếu... với trên 300 di tích lịch sử văn hóa, đặc biệt có những ngôi đình được các nhà nghiên cứu xếp vào loại đình cổ nhất, kiến trúc độc đáo nhất Việt Nam như Đình Tây Đằng, Đình Thụy Phiêu, Đình Thanh Lũng... Đặc biệt, quần thể di tích đền Thượng, đền Trung, đền Hạ trên núi Tản Viên là điểm đến của du khách về du lịch Văn hóa.
Ngoài ra, Ba Vì còn sở hữu nhiều di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, được biết đến như "cái nôi" của tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh hay các phong tục, tập quán đặc sắc còn được bảo tồn nguyên vẹn của người Dao, người Mường sinh sống tại vùng đất này. Ngoài ra, khi nhắc tới Ba Vì khu du lịch K9 Đá Chông được biết đến là một trong những điểm di tích lịch sử thu hút đông đảo khách du lịch, địa danh này vô cùng đặc biệt khi gắn liền với tên tuổi của Bác Hồ vĩ đại, đó là tiềm năng để Ba Vì đẩy mạnh phát triển du lịch về nguồn, du lịch lịch sử văn hóa kết hợp với du lịch tâm linh.
Bên cạnh đó, Ba Vì còn nổi tiếng với không gian xanh, sạch, nơi chứa đựng nét đẹp hoang sơ lý tưởng và đầy thú vị của núi non, rừng già hòa quyện cùng với sông hồ, làng quê truyền thống. Nổi bật là ngọn núi Ba Vì cao 1.296 m, cùng với hệ động thực vật phong phú, quý hiếm. Ba Vì được coi là huyện du lịch, bao gồm 2 vùng lớn: Khu vực sườn Đông núi Ba Vì có thác, có suối, có rừng nguyên sinh đẹp và thơ mộng là tiềm năng lớn cho phát triển du lịch sinh thái. Nơi đây có những di tích lịch sử như đền thờ Bác Hồ, đền Thượng, đền Trung, đền Hạ. Ở khu vực sườn Tây núi Ba Vì cũng được coi là nơi có tiềm năng phát triển du lịch bởi có địa thế đẹp, một bên là sườn núi nhìn ra sông Đà tạo ra sự hấp dẫn riêng. Khu du lịch quốc gia hồ Suối Hai là nơi cuốn hút nhất với diện tích vùng ven hơn 2.000 ha, có mặt nước hồ, có những hòn đảo nhỏ xanh mát hứa hẹn cho du khách những phút giây thư giãn.
Ba Vì còn có nguồn nước khoáng nóng Thuần Mỹ thuận lợi cho việc khai thác du lịch khoáng nóng đối với du khách. Điểm nhấn là một số khu du lịch ở sườn Đông như: Khoang Xanh, Đầm Long, Tản Đà, Ao Vua. Ngoài ra, ở Ba Vì còn có sân golf Đồng Mô được đánh giá là sân golf hàng đầu miền Bắc, khu du lịch Khoang Xanh - Suối Tiên, khu du lịch Thác Đa, khu du lịch Thiên Sơn - Thác Ngà, khu du lịch Suối Mơ, du lịch Ao Vua, khu du lịch Suối Hai và Vườn Quốc gia Ba Vì.
Bên cạnh đó, Ba Vì còn có những cánh đồng xanh mướt, những trang trại bò sữa hiện đại, quy mô lớn. Với cảnh quan thiên nhiên trên những cánh đồng cỏ, mô hình chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa, các sản phẩm từ sữa cũng có thể đưa vào mô hình du lịch sinh thái - trải nghiệm Đây là loại hình du lịch đang ngày càng phổ biến và có nhiều cơ hội để phát triển, nhất là các vùng xung quanh các khu đô thị, đông dân cư.
Có một điểm cần quan đối với du lịch Ba Vì. Đó là, qua tìm hiểu thực tế cho thấy: Không chỉ thu hút du khách với vẻ đẹp thiên nhiên hữu tình, ở Vườn quốc gia Ba Vì còn có tài nguyên quý hiếm khi sở hữu hơn 200 phế tích từ thời Pháp nằm rải rác. Đó là những công trình kiến trúc được xây dựng cách đây gần 100 năm, ở độ cao 400 m trở lên, giờ mang dáng vẻ rêu phong, cổ kính rêu phong, cổ kính ẩn khuất trong những cánh rừng, tạo nên vẻ đẹp huyền ảo, mê hoặc. Ngoài giá trị lịch sử, cảnh quan, những phế tích này còn có giá trị lớn về du lịch, trở thành điểm khám phá, trải nghiệm được nhiều du khách nhất là các bạn trẻ tìm đến. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam: Những phế tích ở Ba Vì có thể coi là một khu vực khảo cổ học đô thị thời hiện đại. Nếu cơ quan quản lý có chính sách bảo tồn, phục hồi đúng cách, để những kiến trúc này kể câu chuyện của mình, thì đây sẽ là một trong những điểm đến hấp dẫn đối với du khách.
Trình diễn tục vác nước dân tộc Mường ở Ba Vì
Nhiều trải nghiệm thú vị
Hành hương lên Ba Vì du khách sẽ tham gia các loại hình du lịch lịch sử, văn hóa, về nguồn và du lịch tâm linh ở núi Ba Vì và tham quan, dâng hương tại khu di tích K9 Đá Chông, cùng nhau khám phá nét đẹp của các đình, đền, chùa. Khi lên Vườn Quốc gia Ba Vì ngoài tận hưởng không khí trong lành, du khách có thể săn mây và săn được nhiều loài hoa quý trong đó có hoa anh đào Nhật Bản. Ở Vườn Quốc gia Ba Vì hiện đã trồng và phát triển tốt khoảng 30 gốc hoa anh đào, tập trung ở trong khuôn viên các resort, có dịp đến Ba Vì vào mùa Xuân, khách thăm được trải nghiệm khung cảnh những cây hoa anh đào nở rộ, mang đến cảnh sắc rất đẹp tại Ba Vì.
Ngoài ra, khi đến Ba Vì, du khách có thể tham gia loại hình du lịch khám phá với nội dung: "Hành trình ký ức di sản", theo hành trình du khách có thể tiếp cận gần 200 nền phế tích là những công trình kiến trúc, nhà thờ, biệt thự nghỉ dưỡng mang đậm dấu ấn thời gian và ký ức lịch sử, được người Pháp xây dựng từ năm 1932-1944 trên núi Ba Vì. Vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên cùng với những dấu tích rêu phong tạo nên sự hấp dẫn đối với du khách. Cũng tại đây vào tháng 11 hàng năm sẽ diễn ra lễ hội khinh khí cầu gắn liền với hoạt động trình diễn hoa dã quỳ.
Đồng thời, khi đến Ba Vì du khách có thể ghé thăm khu du lịch sinh thái Bản Cốc, nơi được ví như "khu bảo tồn sống" về văn hóa của đồng bào dân tộc Mường, Dao trên mảnh đất này. Đến đây, du khách sẽ được tham gia nhiều hoạt động văn hóa, tìm hiểu phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Mường, Dao. Du khách được khám phá, trải nghiệm phiên chợ Mường - Dao, thưởng thức ẩm thực của đồng bào dân tộc như bánh sắn, bánh trứng kiến, rau sắn muối hay các cây dược liệu quý được trồng trên núi. Đến khu du lịch Bản Cốc là khu nhà sàn với không gian kiến trúc độc đáo của đồng bào dân tộc Mường, nơi đây bảo tồn lưu giữ nhiều hiện vật quý như chiêng, mo Mường, tục thờ cúng và nhiều hiện vật cổ. Du khách có thể tìm hiểu những phong tục tập quán, đời sống, sinh hoạt của đồng bào dân tộc Mường, được trải nghiệm nấu những món ăn của dân tộc Mường và thưởng thức tiếng chiêng cùng điệu múa truyền thống của những cô gái Mường.
Cùng với vườn Quốc gia Ba Vì thì các vườn chè tại xã Ba Trại cũng là những địa điểm du lịch lý tưởng cho du khách nhất là vào mùa Hè và mùa Thu. Đến đây, du khách nhất là các bạn trẻ, học sinh, sinh viên được trải nghiệm các công đoạn để làm ra sản phẩm chè nổi tiếng. Ngoài ra, trang trại Đồng Quê, Ba Vì cũng là một địa chỉ du lịch quan thuộc thu hút đông các bạn trẻ. Đến với trang trại các em được trải nghiệm không gian làng Việt xưa với ngôi nhà mái ngói, có trưng bày các công cụ gắn với nghề nông như: cuốc, cày, cối xay gạo, nong, nia , dần, sàng. Các em được làm quen với nghề nông khi tự tay bắt cá, trồng rau, thu hoạch nông sản, chế biến món ăn dân dã...Bên cạnh đó, để tăng tính hấp dẫn, chủ trang trại Đồng Quê đã thiết kế một chương trình trải nghiệm thú vị, kết hợp cùng cư dân bản địa đưa khách tham quan làng nghề thuốc nam của đồng bào Dao, xem biểu diễn và thưởng thức múa cồng chiêng của đồng bào dân tộc Mường tại các bản lân cận...
Nao lòng vẻ đẹp của Đồng Lâm (Lạng Sơn) Thảo nguyên Đồng Lâm là một điểm du lịch Lạng Sơn hấp dẫn cách Hà Nội chỉ 130km. Nơi đây có diện tích gần 100ha mang vẻ đẹp tựa như tranh vẽ khó có nơi nào sánh bằng. Thảo nguyên Đồng Lâm nằm tại Xã Hữu Liên, Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Cảnh đẹp như tranh ấy không thể không kể đến khu...