Dương Thụ tự làm đêm nhạc cho mình
Sau 50 năm trong nghề, tác giả “Tháng tư về” mới có cơ hội thực hiện một chương trình theo đúng ý.
Từng xuất hiện trong một vài chương trình tác giả – tác phẩm như “Con đường âm nhạc” – liveshow thứ hai mang tên “Im lặng” trên VTV3 (12/6/2005), “Họa mi hót trong mưa” trên VTC (24/4/2010) nhưng chỉ với tư cách khách mời, đến “Dương Thụ – Những câu chuyện kể của tôi”, Dương Thụ mới thực sự làm “chủ”. Ông là người lên ý tưởng, viết kịch bản, biên tập âm nhạc và lựa chọn êkíp thực hiện.
Ít lời và kín kẽ, Dương Thụ không đem những lời hoa mỹ ra PR cho chương trình. Ông thừa nhận có những điều không được như mong muốn bản thân khi tham gia những chương trình chung. Nhiều người thân cũng hỏi ông về việc sao không làm một đêm nhạc riêng kỷ niệm sự nghiệp, nhưng Dương Thụ cho rằng nếu đã làm thì phải được làm theo ý mình từ A đến Z, và như thế đồng nghĩa với việc, tìm cho mình những người ưng ý từ ca sĩ thể hiện, tới nhạc công, đạo diễn sân khấu.
Sáng tác của Dương Thụ không nhiều, cũng không được nhiều người yêu thích nhưng vẫn có một bộ phận khán giả riêng. Hơn nữa, điều làm Dương Thụ trăn trở là nhạc xưa vẫn chiếm lĩnh nhiều sân khấu ca nhạc, vô tình để lại những khoảng trống thời đại, khiến nền âm nhạc Việt khó phát triển. Việc công diễn những tác phẩm âm nhạc hiện đại, chuyên nghiệp là cần thiết và một nhạc sĩ như ông thấy mình có trách nhiệm làm điều này.
Ca sĩ Tùng Dương, đạo diễn Việt Tú, nhạc sĩ Dương Thụ và vợ chồng Anh Quân – Mỹ Linh trong buổi họp báo chiều 29/10 tại Hà Nội. Tìm hiểu thêm thông tin về đêm nhạc tại đây.
Dương Thụ nhất quyết tổ chức đêm nhạc “Những câu chuyện kể của tôi” ở Hà Nội, nơi ông sinh ra và lớn lên, dù hiện tại nơi đây đã là “một Hà Nội khác” so với những gì Dương Thụ lưu giữ trong kỷ niệm. “Những năm đầu thập niên 60, Hà Nội rất nghèo nhưng vẫn có dàn nhạc giao hưởng của mình. Nhà hát Lớn trở thành thánh đường của nghệ thuật dù công chúng của nó là những người “áo vải”. Quán ăn không thu hút bằng hiệu sách. Tôi từng nhịn ăn để mua sách, mua tổng phổ nhạc… Hà Nội bây giờ, người làm chủ là những &’danh gia vọng tộc đời mới’. Nhà cửa, xe cộ thừa mứa, tiện nghi hiện đại. Ăn chơi xa xỉ, xả láng. Còn lại dân &’vỉa hè’ nói là chủ cho sang thôi, thực ra họ là dân nghèo thành thị đúng nghĩa. Nếu ai đi từ 1954 trở về sẽ không tìm thấy Hà Nội của mình. Và những người ra đi sau 1975 như tôi cũng hiểu rằng nếu muốn còn yêu Hà Nội thì phải tập làm quen với những đổi thay, phải chấp nhận dần dần Hà – Nội – khác và phải có một cách nhìn khác” – Dương Thụ tâm sự. Chọn Nhà hát Lớn làm địa điểm tổ chức hai đêm nhạc của mình tối 9-10/11 là cách để Dương Thụ sống cùng kỷ niệm.
“Dương Thụ – Những câu chuyện kể của tôi” mở đầu cho series chương trình tác giả – tác phẩm Cửa sổ âm nhạc không lấy ca sĩ làm đối tượng chính như những show khác mà chú trọng, tôn vinh tác giả, tác phẩm. Chương trình pha trộn giữa phong cách thính phòng đương đại với nhạc nhẹ, hội tụ những nghệ sĩ từng gắn bó với Dương Thụ trong suốt quá trình hoạt động âm nhạc: các ca sĩ Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Nguyên Thảo, Tùng Dương, Trọng Tấn, Hà Linh, các nhạc sĩ: Bảo Chấn, Quốc Trung, Huy Tuấn, Anh Quân và đạo diễn Việt Tú.
“Vì đây là chương trình dành cho nhạc sĩ và các tác phẩm cho nên với nhiều ca khúc, chúng tôi vẫn sử dụng bản phối cũ nhưng sẽ làm cho nó hay hơn. Những bản phối này sẽ phải đáp ứng các yếu tố như mang tính nghệ thuật, ăn nhập với tác phẩm và khán giả phải nghe được. Chúng tôi không lựa chọn hình thức làm mới, bởi làm mới bao giờ cũng dễ hơn là làm hay hơn những gì từng thành công trước đó. Tôi và nhạc sĩ Dương Thụ đều là những người cầu toàn trong âm nhạc nên từ khi ra ý tưởng đến lúc lựa chọn dàn nhạc, nhạc công, hợp xướng, ca sĩ cho đến khi dàn dựng chương trình, chúng tôi luôn cố gắng để làm thế nào đạt được hiệu quả tốt nhất” – nhạc sĩ Anh Quân chia sẻ trong vai trò dàn dựng âm nhạc.
Video đang HOT
“Dương Thụ – Những câu chuyện kể của tôi” không chỉ là một chương trình biểu diễn âm nhạc mà còn tạo không gian giao lưu giữa khán giả với tác giả và các nghệ sĩ. Preshow “Cà phê với nghệ sĩ” sẽ diễn ra 50 phút trước giờ mở màn dành cho toàn bộ khán giả tham dự, tại sảnh trước khán phòng Nhà hát Lớn.
Huy Phạm
Theo VNE
Dương Thụ tiếc vì liveshow không có Bằng Kiều
Nhạc sĩ "Tháng tư về" không thể mời nam ca sĩ tham gia đêm nhạc của mình, dù giữa hai người có nhiều gắn bó.
- Mọi khi ra Hà Nội vẫn thấy ông cưỡi xe Bonus chạy ầm ầm, lần này lại điệu đà một chiếc Vespa cổ . Đúng hay sai chuyện mọi người gọi ông là "tay chơi sành điệu" ?
- Không phải đâu, Bonus "đắp chiếu" rồi, mà taxi thì ngốn tiền dữ quá nên phải mượn xe để chạy cho nó tiện. Hôm nay thì đúng là hơi "điệu đà" một chút thật, vì phải thực hiện cảnh quay tư liệu clip video ngắn cho một bài hát về Hà Nội diễn trong chương trình "Dương Thụ - Những câu chuyện kể của tôi" sẽ diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 9 và 10/11 tới. Kịch bản video quay ở phố cổ Hà Nội, không có gì hợp hơn chiếc Vespa dáng cổ này. Xe giữ nguyên phong cách thiết kế cổ thôi chứ là xe mới, bởi tuổi tôi mà đi xe cổ thì mạo hiểm lắm, chết máy giữa đường chỉ có đẩy. Chiếc xe máy đầu tiên tôi mua là Vespa 50, sau đổi qua Vespa Spring 150 và rồi túng tiền bán đi, tôi rất tiếc. Bây giờ đi xe cổ ở phố cổ chỉ là để nhớ lại ngày xưa thôi.
Dương Thụ cưỡi Vespa cổ ngắm Nhà hát Lớn.
- Nhưng Hà Nội ngày xưa và bây giờ không giống nhau. Trong bài hát "Mong về Hà Nội", ông từng viết: &' Tôi mong về Hà Nội,để nghe gió sông Hồng thổi, để thương áo len cài vội một chiều đông rét mướt ... '. Tại sao Hà Nội của Dương Thụ lại buồn như vậy?
- Tôi xa Hà Nội từ lúc còn trẻ và cũng không phải là người hay nhớ nhung. Nhưng vì ít nhớ nhung nên khi vì một lý do nào đó mà nhớ thì nó thành... bài hát đấy. Bởi sự dồn nén đối với làm nghệ thuật là rất quan trọng. Bài này viết vào khoảng cuối thập niên 80 tại TP HCM, khi Hà Nội với tôi vẫn là khoảng cách xa vời.
Cái ở lại trong tâm hồn tôi sâu sắc nhất không phải là những ngày vui, mà là những ngày tháng gian khổ, ở đó có thể tôi không được hạnh phúc nhưng được thử thách để biết mình là ai, và để trở thành mình, một con người độc lập, không phụ thuộc quá nhiều vào những cái ngoài mình. Ngày đó ăn đói, mặc rách, thiếu sự đùm bọc, che chở, lại không được người xung quanh kể cả gia đình hiểu, tôi cô độc và thường thấy tủi thân. Cái gì người ta có, đối với tôi giống như một giấc mơ. Năm 1972 khi tôi còn ở ngoài ấy, tôi có viết một bài hát có tên là Mượn. Xin dẫn lại ca từ của đoạn A để bạn hiểu thêm điều tôi nói:
Mượn nụ cười em chiều - thu- phố,
mượn nhà ấm đèn đêm - cửa- sổ,
mượn thì thầm lá khuya - cuối- ngõ,
hát bài tôi hát đêm -bơ-vơ.
Ký ức vì thế vừa đẹp lại vừa man mác buồn. Tất nhiên không phải là cái đẹp mà người ta thường tán tụng mà cái đẹp được nhận ra từ cuộc sống có phần lam lũ cực nhọc của chính mình. Vì thế nó giản dị, nó thật, nó không có vẻ lãng mạn quyến rũ như bạn thấy trong thi ca và âm nhạc.
- Sống ở TP HCM hơn 30 năm, nhưng chương trình riêng đầu tiên của mình ông lại chọn Hà Nội, phải chăng đó vẫn là một sự "m ong về Hà Nội " ?
- Chọn Hà Nội để làm chương trình riêng vì tôi cũng muốn "trở về", dù chỉ là một lần cho nó tử tế. Hà Nội đã thay đổi nhiều. Bạn bè tôi đã già cả rồi, nhưng lớp trẻ, ở những người tôi quen biết và được cộng tác lại rất gần gũi. Không phải là trở về để ngắm nhìn con phố cũ, để tìm lại hình ảnh của một thời xa vắng. Mà trở về để hòa nhập với những gì tốt đẹp nhất đang diễn ra.
Vị nhạc sĩ 69 tuổi hút thuốc lào ở góc một con phố cổ Hà Nội.
- Chương trình của ông có sự góp mặt của Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Nguyên Thảo, Tùng Dương, Trọng Tấn. Có người nói chỉ có ông mới có khả năng quy tụ được dàn ca sĩ hoàn hảo như thế , n hưng cũng có người bảo nếu không có những giọng ca như vậy thì chả ai biết Dương Thụ là ai vì so với một số nhạc sĩ cùng thời như Nguyễn Cường, Phó Đức Phương, Trần Tiến, Phú Quang... thì nhạc Dương Thụ không nổi bằng. Ông giải thích ra sao?
- Quy tụ nhiều ngôi sao đẳng cấp không có nghĩa là nhạc của mình hay hơn người khác. Nếu chỉ căn cứ vào số người biết và thích nhạc Dương Thụ thì có lẽ tôi không chỉ kém các nhạc sĩ mà bạn kể tên mà còn kém rất nhiều người. Các anh ấy chẳng cần diva - divo gì hết nhưng đêm diễn của họ vẫn chật ních khán giả.
Làm chương trình thì phải mời những người quen hát nhạc mình thành thử tự nhiên tập hợp toàn những diva - divo, những người biết và gắn bó với tôi từ lúc họ còn vô danh chứ chẳng có ý định "thấy người sang bắt quàng làm họ" như ai đó nghĩ. Tôi không dám nói vì sao các diva - divo này thích nhạc của tôi, họ muốn hát nhạc của tôi và muốn tôi sáng tác riêng cho họ. Đây là một chuyện tế nhị, nhưng sự thật là như thế. Tôi không có đủ tiền bạc, quyền lực, danh tiếng để ép họ hát nhạc của mình mà ngược lại chính họ cho tôi những thứ đó. Những thứ mà vài chục năm trước tôi không nghĩ đến và cũng chẳng mơ đến làm gì vì ba thứ này chưa bao giờ là mục tiêu của đời tôi. (Tôi rất ngại khi nói ra điều này vì bây giờ người ta ít tin vào những điều tốt đẹp. Nói ra thì dễ bị quy là đạo đức giả, là tìm cách đánh bóng tên tuổi mình, nhưng không nói ra thì "oan ức" quá).
Âm nhạc được hình thành bởi cái trục này: tác phẩm - người biểu diễn - người nghe. Nhạc nào thì người biểu diễn nấy và người nghe nấy. Tác phẩm của anh, người biểu diễn hát một đôi lần thấy không hợp họ cũng bỏ thôi, người nghe cũng vậy. Nhạc của tôi, người hát chỉ có một vài, công chúng cũng ít, nhưng cái trục âm nhạc lại rất bền, vậy còn mong gì hơn nữa.
- Trong dàn ca sĩ từng thể hiện thành công tác phẩm của ông, dường như các giọng ca nữ vẫn lấn át. Ông nghĩ là bài hát của mình có xu hướng thích hợp hơn cho giọng nữ hay vì ông chưa tìm thấy giọng nam thích hợp ?
- Tôi viết nhạc trữ tình nhưng là thứ trữ tình nhẹ nhàng. Cái mạnh nếu có cũng nằm cả ở trong sự nhẹ nhàng. Khi viết, là tâm hồn tôi, là tự nhiên, là chẳng có mục đích gì cả dù Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh, hay Nguyên Thảo đặt tôi viết cũng thế thôi (chỉ có chút xíu kỹ thuật ở chỗ này là chất giọng và tầm cữ âm vực thì mặc nhiên người làm âm nhạc chuyên nghiệp phải nghĩ đến khi sáng tác). Ở Việt Nam chất giọng nam trữ tình mà nhẹ nhàng trong sáng như Trọng Tấn, Bằng Kiều thì hơi hiếm. Còn giọng nữ (mezzo) thích hợp với những gì tôi viết lại khá phổ biến. Có lẽ vì vậy mà "giọng ca nữ lấn át" đúng như bạn nhận xét.
Tôi cũng đã thử với một vài giọng nam khác như anh Ngọc Tân và Đức Tuấn, hai ca sĩ này có giọng đẹp. Anh Tân hát bài Mong về Hà Nội đầu tiên đấy. Còn Đức Tuấn đầy thiện chí đã bỏ tiền ra để làm riêng một album Đức Tuấn hát nhạc Dương Thụ - một sự đầu tư kỹ lưỡng đáng khâm phục trong thời buổi lộn xộn này. Nhưng không hiểu sao cả hai ca sĩ này vẫn không gắn với nhạc của tôi. Anh Ngọc Tân là với Phú Quang và nhóm nhạc sĩ ngoài Hà Nội, còn Đức Tuấn là với nhạc xưa, với musical. Có lẽ nhạc của tôi chưa đủ "đô" đối với họ. Đối với âm nhạc, giọng nam, hay nữ chủ yếu là vấn đề âm sắc, giống như sự khác biệt giữa cây violon và piano thế thôi chứ nó không có nhiều ý nghĩa giới tính như bạn nghĩ đâu.
- Bằng Kiều vừa được cấp phép về nước biểu diễn. Nam ca sĩ này từng cho biết phong cách sáng tác của anh chịu ảnh hưởng của nhạc sĩ Dương Thụ và ông cũng là khách mời đặc biệt trong chương trình riêng của Bằng Kiều tại Việt Nam trong tháng 10 . Tại sao chương trình riêng của ông lại không có Bằng Kiều?
- Bằng Kiều đã trở thành công dân Mỹ. Đụng vào yếu tố "ngoại" này không dễ như tôi tưởng, nên tôi đành bỏ cuộc. Thôi chú cháu đành gặp nhau trong show diễn mà người ta tổ chức cho cậu ấy vậy. ( Cục Nghệ thuật Biểu diễn chỉ cấp phép cho Bằng Kiều biểu diễn hai đêm nhạc ở Việt Nam thuộc chương trình live concert, nên nam ca sĩ không được tham gia các chương trình khác tại đây - PV)
Ngọc Trần thực hiện
Ảnh: Thành Đồng
Theo VNE
Minh Tuyết về nước song ca cùng Bằng Kiều Anh "Bầu" hy vọng đêm nhạc đầu tiên của mình tại Việt Nam sẽ có sự góp mặt của những người bạn thân thiết nhất. Thông tin về việc Bằng Kiều về Việt Nam làm liveshow bắt đầu xuất hiện ngay từ lần anh về nước thăm gia đình hồi cuối năm 2011. Tuy nhiên mãi tới thời điểm này, thông tin mới...