Càng sang trọng, càng dễ chết!
Lần lượt phòng trà ca nhạc tại Hà Nội như Không gian âm nhạc, Tặng bạn tri âm, Maison Sen, 2B Phạm Ngọc Thạch… đều im hơi lặng tiếng để chờ thời. Trong khi đó, những sân khấu giản dị, bình dân như Malaideli hay Sóng xanh lại khá ung dung “qua ngày giông bão”. Không gian âm nhạc của đạo diễn Việt Tú và nhà báo Chu Minh Vũ đã tạm ngưng hoạt động sau một năm ra mắt. Họ thừa nhận, lý do chính là vấn đề tài chính.
Vé tiền triệu nên không thể đi xa?
Đạo diễn Việt Tú thật thà cởi lòng: Chỉ có 3 chương trình là tương đối thắng lợi về mặt doanh thu, có chương trình không bán được vé, đành rút 2 đêm vào thành 1 đêm như chương trình của Thu Minh. Họ vẫn phải trông chờ vào sự tài trợ của giám đốc một hãng… trứng cá muối, đồng thời là bạn tâm giao. Tuy nhiên, ở thời điểm kinh tế quá khó khăn hiện nay, nhà tài trợ này cũng đành rút lui. Ekip chương trình đành ngậm ngùi nằm im chờ thời.
Từng có vài kênh truyền hình đánh tiếng mua băng ghi hình chương trình để phát sóng, nhưng đạo diễn Việt Tú cho hay, dù biết sẽ có thêm chi phí để nuôi Không gian âm nhạc, nhưng họ không thể bán vì đã hứa với khán giả rằng chương trình không phát sóng ở bất cứ đâu. Cũng đã có người khuyên mang Không gian âm nhạcvào TP HCM, nhưng đạo diễn Việt Tú cho hay, điều đó chỉ xảy ra khi thần đèn mang được khán phòng này vào Sài Gòn. Tách ra khỏi Ngụy Như Kon Tum, Không gian âm nhạc bằng không!
Phòng trà ca nhạc Không gian âm nhạc phải im hơi lặng tiếng để chờ thời dù các chương trình của các phòng trà này đều được công chúng hoan nghênh.
Tặng bạn tri âm sau lần ra mắt đầu tiên khá hoành tráng, 8 tháng nay vẫn ngủ yên. Người khởi xướng chương trình là nhạc sĩ Nguyễn Quang, con trai nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Từng tốt nghiệp ở trường âm nhạc danh tiếng của Mỹ, lại có nhiều kinh nghiệm hợp tác với Thúy Nga Paris, nhạc sĩ này hy vọng sẽ có được chương trình ca nhạc chất lượng dành tặng cho những khán giả yêu, hiểu nghệ sĩ, giống như ôm đàn hát tặng bạn nghe chơi. Vậy nhưng, sau liveshow Elvis Phương – Ý Lan, chương trình vẫn bặt vô âm tín cho tới nay. Có tin đồn rằng nhạc sĩ Nguyễn Quang đang gặp khó khăn về tài chính nên không thể tiếp tục duy trì.
Video đang HOT
Vừa làm vừa đợi
Maison Sen vốn là một nhà hàng ăn uống ở trung tâm thủ đô, nhưng bà chủ của nó lại muốn biến nơi đây thành một sân khấu ca nhạc quen thuộc. Họ đã khởi động một vài chương trình như Love Song, Tình ca phố… với các gương mặt ca sĩ Bạch Yến (hải ngoại), Văn Mai Hương, Khôi Minh, Mai Khôi, Tuấn Hưng… Không gian ấm cúng, sang trọng, gần gũi, nếu duy trì được, nơi đây cũng sẽ là một sân khấu âm nhạc thú vị. Tuy nhiên, bài toán lấy thu bù chi nhằm trả cát-sê cho nghệ sĩ và ban nhạc vẫn là một thách thức lớn và đến nay họ chưa thể giải được.
Dù đã đổi chủ, sân khấu ca nhạc ở 2B Phạm Ngọc Thạch vẫn chết như thường. Ban đầu, nó là Bee Club, sau đó được sang tên đổi chủ cho nhạc sĩ Nguyễn Quang và một doanh nhân sim thẻ, tiếp đó ca sĩ Lê Anh Dũng tiếp quản… rồi phòng trà im lặng bất thường.
Chương trình ca nhạc Music on The Roof ban đầu cũng gây chú ý với hàng loạt sao khủng như Nguyên Lê, Mỹ Linh, rồi tới các giọng ca trẻ như Văn Mai Hương, Lê Hiếu… hoặc một vài sao ngoại. 4 tháng trời im lìm, giờ đây họ mới khẽ khàng trở lại với Giấc mộng đêm hè của Uyên Linh – Hồ Trung Dũng vào tối 24/6.
Nhạc sĩ Huy Tuấn, người phụ trách chương trình, cho rằng âm nhạc trên tầng cao vẫn đi theo định hướng mình từ những ngày đầu ra đời là mang đến một sân khấu âm nhạc thực thụ với chất lượng đẳng cấp, tự nhiên, mộc mạc không phô trương hào nhoáng. Vì thế, để duy trì và nâng cao những giá trị đó, thời gian qua, chương trình đã phải chọn lọc rất kỹ những thể loại nhạc, những nghệ sỹ trình bày, và thậm chí là không gian phù hợp cho thể loại nhạc ấy.
Chậm mà chắc?
Trong khi đó, phòng trà Malaideli (92 Trấn Vũ) và Sóng xanh (6A Chùa Bộc) lại sống khá khỏe, bởi họ hướng tới những khách hàng bình thường, mức thu cũng rất bình thường. Thay vì mức tiền từ một triệu lên tới vài triệu như những sân khấu ca nhạc khác, họ chỉ tính giản dị chi phí một vài trăm, đủ để người nghe dễ chịu và sẵn sàng móc túi đi nghe ca nhạc nhiều lần.
Mới đây, ông chủ của Luala Concert, đồng thời là người quản lý tập đoàn Tuần Châu, ông Đỗ Minh, lại có sáng kiến đem sân khấu ca nhạc thoát ra khỏi Hà Nội để đến với vũ trường ở Tuần Châu. Không chỉ hát, Bayshow còn có các thể loại tạp kĩ khác như nhảy, ảo thuật… Tuy nhiên, Bay show có thành công hay không tất cả vẫn còn ở phía trước.
Theo Báo Đất Việt
Công chúng ào ào đi nghe nhạc... sến
Nếu như trước đây dòng nhạc bolero, gọi một cách dân dã là nhạc sến, được mặc định là nhạc dành cho cấp thấp, cho giới bình dân thì hiện tại, chưa bao giờ nhạc sến lại "có giá" đến như thế.
Trong thời buổi thị trường âm nhạc ảm đạm, gần như là thời điểm thoái trào của các liveshow thì các chương trình nhạc sến vẫn cứ diễn ra và vẫn cứ đông khách, dù giá vé cao ngất ngưởng.
Tiền triệu cho 1 vé nhạc sến
Chưa bao giờ người ta lại thấy nhạc sến xuất hiện trên sân khấu lớn nhiều đến thế. Liveshow Nhật ký đời tôi của Chế Linh vào tối 9/6 tại Hà Nội, hay liveshow trước đó vào cuối năm 2011 của ông hẳn là chương trình đáng mơ ước của nhiều ca sĩ trẻ hiện nay, khi khán phòng kín chỗ dù giá vé cao ngất ngưởng: thấp nhất 500.000đ, cao nhất 3.000.000đ. Chỉ sau liveshow Nhật ký đời tôi vài ngày là hàng loạt các đêm nhạc sến khác, diễn ra ở Hà Nội và TP HCM: liveshow Nhẫn cỏ cho em của nhạc sĩ Vinh Sử vào 16/6 tại Cung Văn hóa - Hữu nghị (Hà Nội) với giá vé cũng không kém: từ 500.000đ đến 2.500.000đ.
Ở liveshow Nhật ký đời tôi của Chế Linh vào tối 9/6 tại Hà Nội, hay liveshow trước đó vào cuối năm 2011 của ông, khán phòng kín chỗ dù giá vé cao ngất ngưởng: thấp nhất 500.000đ, cao nhất 3.000.000đ.
Ở TP HCM, nhiều chương trình nhạc sến đường hoàng bước vào phòng trà - không gian ấm cúng sang trọng vốn từng được xem là lãnh địa của nhạc "sang", không phải là nơi của dòng nhạc bình dân trước đây. Đó là đêm Nỗi buồn hoa phượng của ca sĩ Thanh Tuyền vào 15 và 17/.6 tại phòng trà Tiếng Xưa đêm Vũ khúc by night tại sân khấu cầu Vồng vào 13/.6 và Về đâu mái tóc người thương tại phòng trà We vào 15/6 của ca sĩ Quang Lê đêm Dấu ấn cuộc đời của Mai Quốc Huy và Randy vào 23/.6 tại phòng trà Tiếng Xưa...
Để tham dự những đêm nhạc này, khán giả phải bỏ ra số tiền không hề nhỏ: phụ thu của chương trình Quang Lê từ 800.000đ đến 1.500.000đ, còn Thanh Tuyền từ 600.000đ đến 1.000.000đ. Đây là những con số không hề thấp so với mặt bằng giá vé các chương trình hiện tại, nếu không muốn nói là cao hơn so với nhiều đêm nhạc khác. Tại các đêm nhạc này, các ca khúc sến như Xin gọi nhau là cố nhân, Huế đêm trăng, Đập vỡ cây đàn, Tương tư nàng ca sĩ, Nỗi buồn hoa phượng, Hàn Mặc Tử, Mai lỡ hai mình xa nhau... dĩ nhiên không thể thiếu.
Không chiêu, không trò vẫn có khán giả
Mỗi show diễn của ca sĩ Thanh Tuyền bao giờ cũng kín khán giả. Ảnh: Nguyên Trần
Không có gì để lý giải sức hút của nhạc sến ngoài sự gần gũi của giai điệu, của ca từ. Bất chấp việc không có chiêu trò, không được dàn dựng bắt mắt bằng công nghệ, cũng không có sự phụ trợ của vũ đạo... các đêm nhạc sến vẫn có sức hút kỳ lạ. Khi liveshow của nhiều ca sĩ, dù khá nổi tiếng, vẫn luôn là công cuộc "đốt tiền" với điệp khúc lỗ và lỗ, thì các đêm nhạc này lại hiện diện điều trái ngược. Không quá khó để tìm ra căn nguyên của điều đó, bởi sự giản đơn đến mức xa lạ với "công nghệ liveshow" của nhạc sến khiến chi phí đầu tư cho các đêm nhạc này được tiết giản hơn nhiều. Khán giả của nhạc sến cũng không hề bình dân như người ta vẫn cho là. "Trong đêm nhạc trước đây của Thanh Tuyền tại TP HCM, có nhiều khán giả từ Hà Nội, Đà Nẵng đã mua vé máy bay vào để kịp có mặt. Giá vé của ghế VIP cộng với tiền di chuyển đó đủ để xem vài liveshow hoành tráng khác", bà Xuân Hòa, chủ phòng trà Tiếng Xưa cho biết.
Chính vì sự lên ngôi của nhạc sến, nhiều giọng ca của dòng nhạc này đang được săn lùng. Một cuộc chiến ngầm để kéo ca sĩ về phía mình cũng diễn ra với các bầu sô, nhất là với các ca sĩ hải ngoại còn có chút gì mới mẻ với khán giả trong nước. Hiện một gương mặt của nhạc sến đang được các bầu sô nhắm đến ráo riết là Như Quỳnh. Tuy nhiên, vì ca sĩ này đang vướng hợp đồng với một trung tâm ca nhạc hải ngoại nên các bầu sô vẫn đang phải chờ đợi.
Theo Báo Đất Việt
Phòng trà giãy giụa trước mùa bóng đá Khi trái bóng của Euro lăn trên màn hình ti vi, cũng là lúc tụ điểm ca nhạc phải đối mặt với tình trạng ế ẩm nhất trong năm, nhất là khi Tp. HCM - thị trường giải trí sôi động nhất nước đang bước vào những ngày mưa dài. Không ít phòng trà đã chịu cảnh đóng cửa, nhường những ngày này...