Dương Thụ bắt đầu ‘leo ngược dốc’ nghệ thuật
Tối 9 và 10.11, liveshow của nhạc sĩ Dương Thụ sẽ diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Nhạc sĩ cho biết ông đang bắt đầu cuộc “leo ngược dốc” nghệ thuật vì nhận được những tín hiệu tích cực từ khán giả.
Thưa nhạc sĩ, sau gần nửa thế kỷ gắn bó với âm nhạc, tại sao bây giờ ông mới quyết định làm một liveshow cho riêng mình?
- Những gì tôi viết hơi riêng tư và không được nhiều người nghe. Nhạc của tôi khó dùng để giải trí nên các ông bầu không quan tâm. Người ta chỉ hăng hái kinh doanh thứ âm nhạc có yếu tố thương mại, nên nếu làm thì mình phải tự làm thôi.
Để có một chương trình thật sự nghiêm túc thì tốn kém lắm. Làm nhạc và “bán nhạc” lại là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Tôi không có năng khiếu “bán hàng”. Vì vậy chẳng bao giờ nghĩ sẽ tự tổ chức chương trình cho riêng mình. Đấy là lý do vì sao trước kia tôi không thể.
Nhạc sĩ Dương Thụ và ca sĩ Hồng Nhung
Năm nay đã là năm thứ 12 của thế kỷ 21, tình hình có nhiều thay đổi. Văn hóa xuống cấp nhưng không phải là tất cả. Một bộ phận nhỏ đang bắt đầu rủ nhau leo ngược dốc, họ muốn thay đổi, muốn đi lên, muốn có những giá trị tinh thần nhiều hơn. Tôi được động viên và nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều người trong cái “gia đình âm nhạc” của mình, của người thân, của bạn bè và kể cả những người mới quen biết. Họ cho tôi lòng tin và những điều kiện để tự làm chương trình riêng cho mình…
Họ nói những gì mà khiến ông thay đổi lòng tin mạnh mẽ thế?
- “Nhà Hát Lớn có 500 chỗ ngồi, mà Hà Nội có nhiều triệu người, làm gì mà sợ”. Tôi nghe cũng thấy hơi có lý nhưng vẫn nghĩ, làm nghệ thuật có khi 50 chỗ mà vẫn không kín, chuyện đâu có đùa được. Nghĩ là nghĩ thế thôi, tôi vẫn mạnh dạn tham gia vào “nhóm người leo ngược dốc” bằng cái chương trình cho 500 người này của mình. Để có một chương trình, tôi thường chuẩn bị trước ít nhất là 6 tháng, chương trình này cũng thế.
Tại sao nhạc sĩ lại chọn sân khấu và khán giả ngoài Bắc để làm liveshow đầu tiên mà không phải là khán giả trong Nam?
- Đó là một chương trình do tôi cùng với những người trong “gia đình âm nhạc” của mình và những nghệ sĩ mà tôi rất quý trọng thực hiện. Đó là các nhạc sĩ Bảo Chấn, Quốc Trung, Anh Quân, Huy Tuấn, các ca sĩ Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Nguyên Thảo, Tùng Dương, Trọng Tấn, Hà Linh Ban nhạc Anh Em các nghệ sĩ Trần Thị Mơ (cello), Xuân Huy (violon) cùng dàn nhạc thính phòng và dàn hợp xướng Học viện Âm nhạc quốc gia Đạo diễn sân khấu là Việt Tú, nghệ sĩ Nhất Lý đạo diễn âm thanh, còn ánh sáng tôi mời anh Syri Labrozec. Chương trình có tính chất một live concert, là chương trình để nghe chứ không phải để xem.
Tôi làm ở Hà Nội vì ê kíp làm nghệ thuật của tôi hầu hết ở ngoài này, không phải vận chuyển và thuê khách sạn cho hàng mấy chục con người, chi phí chương trình sẽ nhẹ hơn. Muốn vào TP.HCM hoặc xuyên Việt thì phải có đầu tư lớn, mà tôi thì không thể. Tôi hy vọng sẽ có người đầu tư để đưa chương trình vào trong đó. Nhưng thôi, bây giờ hãy làm tốt ở ngoài này đã
Sau live concert này, đầu năm 2013, nhạc sĩ Dương Thụ sẽ thực hiện chương trình số 2 của serie “Cửa sổ âm nhạc” có tên “Hồi ức âm nhạc” về bộ tứ nhạc sĩ Hà Nội là Dương Thụ, Nguyễn Cường, Phó Đức Phương, Trần Tiến.
Vừa rồi, nhạc sĩ có chia sẻ, điều trăn trở là âm nhạc thời nào thì có công chúng thời đó. Nhưng vào thời điểm hiện tại, nhạc sĩ cảm thấy buồn vì những tác phẩm nhạc xưa vẫn chiếm số đông trên nhiều sân khấu ca nhạc… Vậy trong liveshow này, nhạc sĩ muốn gửi gắm điều gì?
-Tôi rất sợ chữ trăn trở của bạn. Đấy cũng chỉ là nhưng ý nghĩ thường tình, những nhận xét thường tình, của riêng tôi thôi. 20 tuổi mà chỉ thích nhạc xưa chắc là có vấn đề. Trong một xã hội, con người không công nhận những cái hiện tại mà chỉ thích những cái cũ lại càng có vấn đề nữa.
Tôi cũng sợ cả chữ gửi gắm của bạn nữa. Vì nó to tát quá. Chương trình của tôi chỉ là tôi muốn hát lên cho người nghe những gì tôi yêu thương, những gì tôi buồn, những giấc mơ nho nhỏ và cả sự dịu dàng nữa… Người nghe có thấy như thế không, có đồng cảm không là điều tôi không dám đoan chắc. Nếu có thì thật hạnh phúc. Được lắng nghe, được chia sẻ những chuyện tâm tình thì còn gì bằng nữa.
Dù đã có nhiều chương trình ca nhạc có chất lượng, nhưng những đêm nhạc thị trường vẫn luôn hút được nhiều khán giả trẻ, khán giả trung tuổi. Với đêm nhạc của mình, ông có lo không bán được nhiều vé?
- Trước kia thì có, bây giờ thì không. Người nghe đại chúng thì thích đến với các show diễn ca nhạc do giới showbiz thực hiện, chẳng cứ giới trẻ hay người trung tuổi. Còn người thưởng thức âm nhạc có tính cách chọn lọc, tuy ít nhưng họ vẫn muốn đến với những gì mình thích. Nhà hát Lớn có 500 chỗ thôi mà, mà Hà Nội ta đông lắm. Và tôi rất mê các bậc đàn anh và giới trẻ có học thức của Hà Nội. Họ thật tuyệt vời. Bây giờ ngoài văn hóa ra, họ lại có điều kiện về tiền bạc nữa. Đấy chính là niềm hy vọng của tôi để tôi có thể “bình thản trước trận đánh lớn”.
Xin cảm ơn nhạc sĩ!
Video đang HOT
Theo Dân Việt
Nhạc sĩ Dương Thụ trong mắt 3 diva
Bộ ba Thanh Lam, Hồng Nhung và Mỹ Linh đều có những câu chuyện rất riêng, thú vị khi kể về vị nhạc sĩ tài ba.
Hồng Nhung: "Chưa ai nghe lời chú Thụ một cách tuyệt đối như tôi!"
- Tôi nghe nói rằng chị có ngoại hình rất giống cô con gái duy nhất của nhạc sĩ Dương Thụ, phải không?
- Đó là bé Mi! Những ngày tôi mới vào Sài Gòn, ở với cha, chú Thụ và bé Mi hay ghé chơi vào ngày cuối tuần. Có lẽ cùng cảnh sống một cha một con, chúng tôi dễ đồng cảm hơn. Bé Mi bệnh nặng, ra đi, để lại nỗi đau lớn nhất trong đời cha mình.
Tôi còn nhớ khi tôi hát Papa tại Nhà hát Lớn Hải Phòng năm 1985 nhân dịp đi thi âm nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, chú Thụ đã khóc với sự cảm thông sâu sắc như thế nào.
- Đâu là điểm chung giữa hai nhạc sĩ tài hoa của làng nhạc Việt: Trịnh Công Sơn và Dương Thụ, để chị gặp được họ?
- Tôi nghĩ hai nhạc sĩ viết nhạc rất khác nhau nhưng cùng xuất phát từ suối nguồn tình cảm của tâm hồn. Họ đều là những nhà tri thức với kiến thức văn hóa rộng và sâu sắc, có thể nói ít, hiểu nhiều, sức mạnh trong nhạc và lời mang nội lực đủ để ở lại trong lòng người nghe một cách sâu nặng mà không cần hình thức quá lộng lẫy, hay gây choáng ngợp.
Hồng Nhung và Mỹ Linh.
- Trong 3 diva, Hồng Nhung được coi là giọng hát phù hợp nhất với nhạcDương Thụ. Điều gì theo chị đã làm nên điều đó?
- Tôi chỉ hát một cách tự nhiên bằng chính nghiệm sinh của đời sống, không luyến láy, khoe giọng hay tạo kịch tính, có thể vì thế mà hợp với nhạc của chú Thụ. Việc đồng cảm giữa tôi và chú Thụ về thẩm mỹ nói chung trong đời sống, dù đó là gu về nhà cửa hay âm nhạc, về thời trang hay về một bộ phim hay... khiến tôi "cảm" nhạc của chú tự nhiên hơn. Cứ vào bài là hát, không cần suy tính, phân tích tác phẩm...
- Điều đáng giá nhất chị học được từ "bố" mình là gì?
- Tôi luôn trọng chú Thụ về bề dày hiểu biết văn hóa Việt, tôi sợ rằng tôi khó có thể học hết được từ chú. Chú Thụ cũng là người đặc biệt, vô cùng nhạy cảm, với gu thẩm mỹ cao, tinh vi đến từng chi tiết. Có lẽ chú Thụ chưa gặp ai nghe lời chú một cách tuyệt đối như tôi, trong cả âm nhạc và việc làm đẹp trong đời, như chuyện nhà cửa, chọn một cây hoa, hay kể cả chọn một chiếc áo đẹp...
- Đó là lý do khiến Hồng Nhung là khách hàng duy nhất "đặt hàng" được "kiến trúc sư" Dương Thụ?
- Tôi và chú Thụ cùng thích kiểu nhà ở gần gũi với thiên nhiên. Nhà của chú Thụ ở Sài Gòn vừa đẹp, vừa cho tôi cảm giác thoải mái, thư giãn. Vì thế, hơn một lần, tôi đã nhờ chú vẽ nhà cho tôi. Tôi rất nể chú Thụ và rất biết ơn chú về điều này!
- Ngược lại, nhạc sĩ Dương Thụ cũng nói rằng chú ấy học được từ chị một số điều, chị thử đoán xem?
- Có thể là tính kỷ luật của tôi, việc bỏ thời gian đầu tư vào chuyện học hành hay thể thao... Chú Thụ cũng theo tập chương trình Suối nguồn tươi trẻ, nhờ vậy, tôi trông trẻ khác thường so với tuổi tác.
- Nhạc sĩ Dương Thụ đang đứng ở đâu trong làng nhạc, lúc này, theo chị? Với chị, giai đoạn sáng tác nào của nhạc sĩ là thăng hoa hơn cả?
- Tôi tin rằng âm nhạc Dương Thụ sẽ giữ mãi vị trí riêng của mình vì vốn dĩ chưa bao giờ có chủ ý cạnh tranh. Âm nhạc của cảm xúc và tâm hồn trong sáng sẽ chẳng bao giờ cũ, dù có thể không phải là thời trang. Gần đây, ít thấy chú cho ra bài hát mới, nhưng làm sao đoán được đâu sẽ là đoạn thăng hoa nhất, bởi biết đâu, nó vẫn còn ở phía trước!
Mỹ Linh: "Không nên gọi Dương Thụ là 'Thái thượng hoàng'"
- Cái tên Dương Thụ gợi lên trước hết trong chị điều gì?
- Là cách chú đặt lòng tin vào mọi người - điều rất quan trọng nhưng cũng rất xa xỉ trong giới này. Và điều làm nên sức nặng của lòng tin ấy chính là con mắt xanh của chú. Đó có lẽ cũng là lý do khiến chú thường rất mát tay trong việc giới thiệu cho làng nhạc những tên tuổi mới.
- C hị có nghĩ rằng ngoài anh em, Dương Thụ còn là một trong những kim chỉ nam đáng giá cho chị, điều mà không ít ca sĩ trẻ hôm nay vì thiếu mà đã lạc lối?
- Hai cuộc hạnh ngộ đó phải nói là những may mắn lớn trong đời tôi! Trong cuộc sống, còn gì ý nghĩa hơn khi bạn gặp được một người chỉ đường tốt, nhất là trong một cái nghề rất dễ "sai một ly, đi một dặm".
Dương Thụ và Thanh Lam.
- Nhưng tôi cũng nghe nói rằng "người chỉ đường" ấy từng có lần... đuổi chị ra khỏi phòng thu?
- Chuyện đó quả thật là tôi không nhớ nhưng đúng là chú Thụ đôi khi nóng tính đến mức hơi vô lý và không phải lúc nào cũng đúng. Dù vậy, tôi vẫn yêu quý chú như thường. Cứ nhìn cách chú ấy chơi với đủ mọi giới thì biết! Phải là người có tầm thế nào thì mới có một "network" rộng như vậy!
- Chị nghĩ đâu là chỗ riêng cho chị trong âm nhạc Dương Thụ?
- Nơi nào cần đến sự nồng nàn và dịu dàng!
- Trong 3 diva, chị tự thấy, ai là người hát nhạc Dương Thụ thành công nhất?
- Hồng Nhung phải xếp thứ nhất, Thanh Lam cũng là thứ nhất, còn tôi là... huy chương bạc. Nhưng đó là trong các bài chú ấy viết riêng cho các chị ấy. Còn những bài viết riêng cho tôi thì tôi phải là nhất chứ!
- Có người ví Dương Thụ như là một "Thái thượng hoàng" của làng nhạc Việt, chị thấy có đúng?
- Tôi thấy nói thế không phải là nâng cao mà là hơi hạ thấp chú Thụ. Bởi nghe thì cũng oai đấy nhưng "một chiều" lắm! Giữa chú và chúng tôi, tình thân đó như giữa những người trong gia đình...
Thanh Lam: "Phải rất đau đớn mới lãng mạn được đến thế!"
- Sức hút nào đã khiến chị là người đầu tiên trong 3 diva khai phá nhạcDương Thụ?
- Tôi cho rằng đó là hồn Việt, triết lý Việt, tinh thần Việt - điều rất đáng được xem là tấm gương soi cho nhiều bạn trẻ hôm nay. Chính điều đó đã làm nên vẻ đẹp lãng mạn và bay bổng trong âm nhạc của chú...
- Nhưng người được khen hát nhạc Dương Thụ thành công nhất lại không phải là người khai phá. Phải chăng chị quá mạnh mẽ trước vẻ đẹp ngây thơ ấy?
- Hát nhạc của ai, tôi cũng muốn phải có mình trong đó. Nghệ thuật không phải là sự cộng hưởng sao? Vậy tại sao mình không tương tác? Với tôi, vẻ đẹp quyến rũ nhất trong âm nhạc Dương Thụ không phải sự ngây thơ mà là lãng mạn - đúng như con người chú. Lãng mạn cả khi tận cùng của nó là đau đớn. Chính vì từng rất đau đớn nên nỗi buồn ở chú mới ẩn sâu đến thế, và sự lãng mạn cũng mới có thể bay cao đến thế - như một cách để chú thoát ra.
- Hiểu Dương Thụ đến thế mà sao trong 3 diva, chị lại có vẻ... ít thân chú ấy nhất nhỉ?
- Mỗi nghệ sĩ có một góc riêng. Có thể góc riêng đó của tôi không giống với góc riêng của chú Thụ nên chưa đậm duyên. Dù trước đây, tôi (và Quốc Trung) cũng từng rất thân với chú. Nhưng tôi nghĩ, cái "thân" trong nghệ thuật không hẳn đã quá cần đến cái "thân" trong đời sống.
- Chị có biết câu hát "Đã hết ngồi nhìn mãi bóng đêm", nhạc sĩ Dương Thụđã đặt lời giúp Quốc Trung lúc chị vừa đi là một câu tả thực không?
- Tôi không cho rằng sự đồng cảm đó lại cần đến một phép tả thực. Bởi vào tầm tuổi ấy, với một tâm hồn giàu rung cảm, cùng một kho kinh nghiệm sống, lẽ đương nhiên chú Thụ có thể nhìn thấu suốt hết mọi vấn đề và sâu sắc hóa thân mà không cần phải là người chứng kiến.
- Nhưng khi nghe câu hát đó, chị có tự thấy mình quả là một người đàn bà đáng tiếc?
- Lẽ đương nhiên tôi luôn bị lôi cuốn trước những bài hát có mình hay một phần đời sống của mình trong đó. Có những lúc, vì vậy, cũng cảm thấy mình tan biến trong câu hát đó...
- Có đúng chị là người không ai dám mắng, trừ... Dương Thụ?
- Kể cả chú Thụ cũng chưa bao giờ "dám" mắng, vì cách chú mắng thường: "Cô là tôi sợ cô nhất đấy!", còn tôi gào lên: "Ờ, thế chú cứ tiếp tục sợ đi cho cháu được nhờ!" (cười to).
- Mắng thế nào thì chị ở lại?
- Đấy, mắng như chú Thụ! Mắng bằng cả sự yêu mến và lo lắng, trong một cái giới vốn không có nhiều sự độ lượng!
- Kinh nghiệm sống nào từ Dương Thụ là ấm áp với chị?
- Như trong âm nhạc của chú, đó chính là sự lãng mạn! Đành rằng làm nghệ thuật ai chẳng có lúc bay bổng, lãng mạn, nhưng với Dương Thụ, chú ấy có thể lãng mạn trong mọi trường hợp. Nhớ có lần tôi từng phàn nàn với chú về việc người bạn trai của mình đã để xe hết xăng lúc đã khuya khiến tôi phải khổ sở cuốc bộ hàng bao nhiêu cây số với một đôi giày cao gót... - điều với tôi là một cực hình. Vậy mà chú lại bảo: "Lẽ ra cháu nên cảm ơn ông trời vì điều đó không bao giờ lặp lại nữa đâu cháu ạ!". Và đúng là điều đó không bao giờ lặp lại nữa thật!".
Theo Đẹp
Bằng Kiều: 'Bà xã là khán giả khó tính nhất' "Vì thế, nếu nói về sự nghiệp thì có lẽ sự nghiệp lớn nhất đến bây giờ của tôi chính là Trizzie và ba cậu nhóc kháu khỉnh. Không có sự hỗ trợ từ gia đình, tôi không thể trở thành người nghệ sĩ hạnh phúc trên sân khấu được", nam ca sĩ chia sẻ. - Trở về sau đúng 10 năm định...