Đường phố Sài Gòn ùn ùn xe cộ, nhiều người bị xử phạt ra ngoài không lý do
Sáng đầu tuần, người dân Sài Gòn đổ ra đường đi làm khiến các tuyến đường trở lên đông đúc, nhiều người bị xử phạt vì không trình bày được lý do ra đường khi gặp các chốt kiểm tra.
Sáng 26/7, nhiều tuyến đường ở Sài Gòn đông nghịt xe cộ dù vẫn đang trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Lượng phương tiện đông đúc chạy trên đường Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận sáng nay.
Đường Hai Bà Trưng, Quận 1 lúc 7h sáng. Do là sáng đầu tuần, nhiều người dân đi làm, đến công sở khiến các tuyến đường đều đông đúc.
Các phương tiện di chuyển qua cầu vượt thép ở Gò Vấp để vào các quận trung tâm thành phố.
Đường Quang Trung (Quận Gò Vấp) đông đúc ở hướng lưu thông từ Quận 12 vào nội thành.
Tại chốt kiểm tra trên đường Phan Đình Phùng, Quận Phú Nhuận, người dân đều phải dừng lại xuất trình giấy tờ với lực lượng chức năng.
Theo một cán bộ tại chốt, hầu hết người dân đều xuất trình giấy đi đường, nhiều nhất vẫn là giấy làm việc ở ngân hàng, shipper giao hàng…
Những người xuất trình giấy tờ không hợp lệ bị buộc phải quay đầu xe trở về.
Trong sáng nay, hàng chục người bị lập biên bản xử phạt vì xuất trình giấy tờ nhưng không nêu được lý do ra đường. “Rất nhiều trường hợp đưa giấy của công ty cấp cho nhưng lại không nằm trong trường hợp được ra đường, họ năn nỉ, gọi điện cho ai đó rồi kêu chúng tôi nghe máy để trình bày nhưng anh em làm việc nghiêm khắc, không thể nề hà mà để họ đi lung tung được”, chị Nguyễn Thị Thanh Trân, Chủ tịch UBND phường 17, Quận Phú Nhuận cho biết.
Video đang HOT
Không chỉ lập các chốt kiểm tra, đại diện phường 17 còn đi tuần tra tại các con hẻm, khu phong tỏa trên địa bàn để nhắc nhở người dân không ra khỏi nhà, thậm chí không sinh hoạt tại vỉa hè trước cửa nhà.
Lượng phương tiện khá nhộn nhịp trên đường Phạm Văn Đồng hướng từ TP Thủ Đức vào trung tâm thành phố sáng nay.
Sau 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16, người dân TPHCM vẫn đổ ra đường đi làm việc, nhiều chốt kiểm tra đã phải xả bớt khi lượng người dồn về chốt quá đông.
Các phương tiện lưu thông lên cầu Bình Triệu 2, từ Quận Bình Thạnh, TP Thủ Đức hướng vào Quận 1.
6h30 sáng, người dân xếp hàng chờ siêu thị tại Quận Gò Vấp mở cửa để vào mua sắm.
Hàng trăm người xếp hàng trên vỉa hè trước Bệnh viện Ung Bướu TPHCM, đường Nơ Trang Long, Quận Bình Thạnh chờ khám bệnh.
Tối 25/7, tại cuộc họp mở rộng của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thành phố đưa ra chỉ đạo, từ ngày 26/7, sau 18h, người dân tuyệt đối không ra đường, tất cả hoạt động trên địa bàn tạm dừng, trừ trường hợp cấp cứu theo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.
Lực lượng công an, quân đội, chính quyền địa phương cần tăng cường tuần tra, kiểm soát 24/24, tái kiểm tra thường xuyên việc chấp hành giãn cách xã hội tại khu dân cư, đường phố. Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu, các vi phạm phải được xử lý nghiêm, những trường hợp chống đối cần áp dụng biện pháp tạm giữ hành chính.
Bà con dốc sức vì Sài Gòn bởi: 'Nơi từng là trung tâm tình thương'
Sài Gòn nghĩa tình, Sài Gòn cũng là nơi em út mình từng được đùm bọc cưu mang ăn học giờ đang lập nghiệp trong ấy, đây là một trong những lí do khiến người Huế như chị Hồng dốc lòng chuẩn bị lương thực gửi TP.HCM.
Bà con Công giáo H.Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế phơi cá để gửi vào giúp người dân Sài Gòn. ẢNH: LÊ MINH PHÚ
Sáng 17.7, đoàn xe chở những kiện hàng yêu thương vì Sài Gòn nghĩa tình đã khởi hành từ Văn phòng Caritas Tổng Giáo phận Huế (đường Phan Đình Phùng, TP.Huế) hướng vào TP.HCM.
Đây là những chuyến xe "gói ghém" bao yêu thương của bà con tín hữu Công giáo, dòng tu, giáo xứ, tổ chức từ thiện, Bác ái - Caritas, đoàn thể cộng đồng giáo dân... ở Thừa Thiên - Huế. Họ đã ngày đêm quyên góp, huy động sức người, sức của để chế biến thực phẩm, tuyển lựa, sơ chế, đóng gói nông sản, lương thực... để thông qua các văn phòng Caritas chuyển đến bà con Sài Gòn.
"Hãy làm những gì có thể" vì Sài Gòn
Chị Ánh Hồng (ở xã Phú Hải, H.Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) tham gia chương trình thiện nguyện chế biến thực phẩm gửi bà con Sài Gòn, chia sẻ chị khá bận trong công việc buôn bán nhưng cũng muốn tranh thủ thời gian tham gia cùng với người dân quê hương gửi gắm những ân tình vào chia sẻ, động viên bà con Sài Gòn.
Người dân Thừa Thiên - Huế tranh thủ ban đêm bóc lạc đóng gói chuyển vào giúp bà con Sài Gòn
ẢNH: THÁI HOÀI
"Sài Gòn nghĩa tình, Sài Gòn cũng là nơi em út mình từng được đùm bọc cưu mang ăn học giờ đang lập nghiệp trong ấy. Còn mỗi mùa bão lũ người miền Trung chúng ta hẳn không quên ân tình người miền Nam nói chung, Sài Gòn nói riêng gửi đến chúng ta... Mình mong Sài Gòn sớm vượt qua đại dịch, trở lại nhịp sống bình thường", chị Hồng nói.
Xe chờ hàng quà từ Văn phòng Caritas Tổng Giáo phận Huế hướng vào Sài Gòn ngày 17.7
ẢNH: GIA TÂN
Để sẻ chia muôn vàn khó khăn do dịch bệnh Covid-19 mà người dân TP.HCM đang trải qua, mới đây Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam - đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh - đã có bức thư gửi đồng bào công giáo trong và ngoài nước. Trong bức thư lay động lòng người này, linh mục Nguyễn Chí Linh nhấn mạnh chưa bao giờ TP.HCM trải qua những ngày thử thách bức bách như hôm nay. Thành phố đã từng mệnh danh là "hòn ngọc Viễn Đông", là "đầu tàu kinh tế" đang lâm nguy, đang thiếu nhân sự, đang thiếu gạo, thiếu rau, thiếu tiền, thiếu thuốc...
Nhiều người dân vùng quê Thừa Thiên - Huế thức đêm chế biến thực phẩm gửi vào chia sẻ khó khăn với bà con Sài Gòn
ẢNH CTV
"Anh chị em hãy nhớ lại: chính người dân Sài Gòn hôm nay đang khốn khó, đã từng vội vã lên đường mỗi khi nghe tin đồng bào mình đây đó lâm cơn hoạn nạn... Các tỉnh miền Trung, qua trận bão lũ năm 2020, vẫn còn ghi lại dấu chân người Sài Gòn khắp hang cùng ngõ hẻm. Trái tim Việt Nam lúc nào cũng thì thào: một miếng khi đói bằng một gói khi no; nhiễu điều phủ lấy giá gương; người trong một nước hãy thương nhau cùng. Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều", linh mục Nguyễn Chí Linh viết.
Ông kêu gọi đồng bào trong nước, kiều bào hãy hướng về thành phố thân yêu này, "nơi đã từng là trung tâm tình thương trước khi trở thành ổ dịch" và "làm tất cả những gì có thể làm được để ứng cứu đồng bào ruột thịt của chúng ta".
Quần quật vì Sài Gòn
Đến trưa 17.7, 230 suất quà của nhóm thiện nguyện "Huế yêu thương Sài Gòn" chuyển từ TP.Huế vào TP.HCM đã được phát hoàn tất tại P.16, Q.8. Suất quà là một số cây trái nhà vườn như bí đao, chanh, dứa (thơm) và hải sản khô của vùng biển Thừa Thiên - Huế được nhóm tổ chức quyên góp, thu mua.
Những suất quà nghĩa tình do nhóm "Huế yêu thương Sài Gòn" quyên góp chuyển vào và trao ngay trong đêm 16.7.2021 cho bà con P.16, Q.8, TP.HCM
ẢNH: ĐẶNG TUẤN ANH
Như hàng trăm nhóm thiện nguyện khác tại Huế và hàng ngàn nhóm của các tỉnh, thành miền Trung đã và đang hướng về Sài Gòn, nhóm thiện nguyện "Huế Yêu Thương Sài Gòn" do vợ chồng luật sư Võ Công Hạnh (Công ty Công Khánh Luật - Huế) khởi xướng đã cố gắng làm những gì có thể nhằm chia sớt những khó khăn cho bà con Sài Gòn.
Chương trình nhận được sự ủng hộ nhiệt thành của bà con ở TP.Huế, Đà Nẵng và cả từ Hoa Kỳ. Đặc biệt, từ TP.HCM luật sư Đỗ Ngọc Thanh (Đoàn Luật sư TP.HCM, Chi hội Luật sư thuộc Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM), cũng lập tức đứng ra nhận làm đầu mối tiếp nhận và phân phối hàng quà đến tay bà con đang gặp khó khăn.
Luật sư Đỗ Ngọc Thanh, thay mặt nhóm "Huế yêu thương Sài Gòn" chuyển quà đến bà con P.10, Q.8, TP.HCM đêm 16.7
ẢNH:: ĐẶNG TUẤN ANH
Luật sư Thanh là người khá nổi tiếng trong các vụ án bảo vệ quyền trẻ em và được mệnh danh là "hiệp sĩ của trẻ em" nhưng gần đây ông "nổi tiếng" hơn bởi sự xuất hiện trong rất nhiều chương trình thiện nguyện. Hồi cuối năm 2020, vị luật sư người Huế này đã cùng nhiều người bạn làm nhịp cầu nối những ân tình bà con Sài Gòn đến với đồng bào miền Trung sau những thiệt hại lớn lao do bão dồn, lũ dập.
Thùng bánh mì miễn phí luật sư Đỗ Ngọc Thanh lập ra giúp bà con Sài Gòn gặp khó khăn do dịch Covid-19
ẢNH: Đ.N.T
Khi Sài Gòn gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 luật sư Thanh lại trở thành cầu nối những ân tình của bà con, anh em bạn bè giúp đỡ bà con Sài Gòn. Đặc biệt, khi Sài Gòn chính thức giãn cách toàn thành phố từ 9.7, ông và nhiều người bạn của mình đã rất ít ngủ bởi phải dành nhiều thời gian cho hoạt động thiện nguyện giúp bàn con, nhất là người lao động nghèo.
Hầu như sáng nào luật sư Thanh cũng phải thức dậy từ 4 giờ để đi lấy bánh mì về phân phát cho bà còn; đánh xe ra nhiều vùng quê xa trung tâm Sài Gòn để có được rau tươi, quả tươi chở về cho bà con bổ sung nguồn thực phẩm trong lúc bị cách ly, phong tỏa...
Nhóm thiện nguyện do luật sư Đỗ Ngọc Thanh chủ trì chuyển hàng quà "Huế yêu thương Sài Gòn" từ TP.Huế chuyển vào giúp đỡ bà con trong vùng phong tỏa
ẢNH: Đ.N.T
Còn ngay khi hay tin nhóm "Huế Yêu Thương Sài Gòn" tổ chức chương trình giúp đỡ bà con Sài Gòn, luật sự Thanh liền đảm nhận làm đầu mối, liên lạc với chính quyền, đoàn thể địa phương để được hướng dẫn lập danh sách người nhận, phương thức tiếp nhận, phân phát quà đảm bảo nguyên tắc an toàn chống dịch...
"Những việc mình làm còn quá nhỏ nhoi so với bao khó khăn của bà con Sài Gòn hiện nay. Vì Sài Gòn nghĩa tình, mình mong và tin rằng người Sài Gòn sẽ tiếp tục nhận được những giúp đỡ của mọi người của miền Trung quê mình cũng như mọi miền đất nước, để Sài Gòn sớm vượt qua những gian khó lúc này", luật sư Thanh tâm sự.
Xếp hàng dài hàng trăm mét vào siêu thị ở TPHCM, chờ cả tiếng để thanh toán Người dân Sài Gòn phải xếp hàng dài cả trăm mét ngoài phố để có thể vào siêu thị mua đồ và khi thanh toán cũng phải chờ cả tiếng để thanh toán do quy định mới nhằm tránh tập trung đông đúc, chen lấn. Ngày 8/7, các siêu thị lớn tại TPHCM hạn chế số lượng người ra vào mua hàng hóa...