Đường dây ‘chạy đại học Mỹ’ hoạt động ra sao?
Các công tố viên liên bang Mỹ trong tuần qua đã mở phiên tòa xét xử 50 người bị cáo buộc có liên quan đến đường dây “chạy” vào các trường đại học Yale, Stanford và một số trường đại học danh tiếng khác ở Mỹ. Đây được cho là vụ gian lận đầu vào đại học lớn nhất từng bị Bộ Tư pháp nước này khởi tố.
Nữ diễn viên Felicity Huffman được tại ngoại khi nộp 250 ngàn USD tiền bảo lãnh.
Đại học luôn là ngưỡng cửa khó khăn đối với học sinh ở mọi nơi trên thế giới, không trừ học sinh ở Mỹ. Cánh cửa đó càng hẹp hơn nếu các sỹ tử chọn vào một trong các trường Đại học Brown, Columbia, Cornell, Dartmouth, Harvard, Princeton, Pennsylvania và Yale; là tám trường được xếp vào hạng Ivy, hạng tuyển chọn trong các trường đại học của Mỹ.
Chính vì khó như vậy nên một số nhân viên tại các trường đại học danh tiếng của Mỹ đã móc nối, đã tìm cách “làm tiền” phụ huynh học sinh bằng cách lén mở một cánh cửa hậu để “dắt” các sỹ tử lén chui vào. Việc làm phi pháp của những người này bị phanh phui trong tuần trước.
Bê bối rúng động
Việc 50 đối tượng nói trên bị truy tố là kết quả của một cuộc điều tra có mật danh là Chiến dịch Varsity Blues do FBI tiến hành. Theo kết quả điều tra, kẻ cầm đầu đường dây này là William Singer, 59 tuổi, là một doanh nhân sống tại Newport Beach, bang California.
Ông ta là người sáng lập trường dự bị đại học Edge College & Career Network và tổ chức từ thiện giả mạo có tên Key Worldwide – thực chất là vỏ bọc để các phụ huynh chuyền tiền “chạy” trường vào. Chính Singer đã giúp thí sinh gian lận trong các bài thi, giúp phụ huynh học sinh trả tiền cho những huấn luyện viên của các bộ môn thể thao để họ chấm điểm cao cho con cái những người này.
Cùng bị truy tố trong đường dây này có 33 phụ huynh học sinh. Tất cả đều là những người giàu có, có tên tuổi. Họ là những chủ doanh nghiệp hay các ngôi sao trong lĩnh vực nghệ thuật như nữ diễn viên Lori Loughlin và chồng là nhà thiết kế thời trang danh tiếng Mossimo Giannulli, diễn viên Felicity Huffman, doanh nhân William E. McGlashan Jr, Agustin Huneeus (nhà sản xuất rượu chát Huneeus tại Napa Valley), Gordon Caplan (đồng Chủ tịch công ty luật quốc tế Willkie Farr), Manuel Henriquez (Chủ tịch và Tổng Giám đốc Hercules)… Những người này bị cáo buộc đã dùng tiền mua cơ hội cho con vào trường tốt dù con cái họ lẽ ra đã trượt.
Nhóm đối tượng thứ ba trong đường dây này là các trưởng các bộ môn thể thao học đường. Những người này bị cáo buộc đã nhận hối lộ để lập hồ sơ giả cho những học sinh vốn không có thành tích và khả năng thể thao, “phù phép” để biến các em thành những cầu thủ tài giỏi, những vận động viên bơi lội tuyệt vời để có thể lách qua những cánh cửa hẹp vào các trường đại học của Mỹ, bao gồm từ các trường Đại học Texas ở Austin đến Wake Forest và Georgetown.
Theo các công tố viên, việc gian lận được thực hiện theo ba cách: Nhờ người làm các bài kiểm tra SAT hay ACT, bố trí người trong đường dây làm người giám sát để hướng dẫn các thí sinh đã “chạy” làm bài thi; và cách thứ ba là bố trí một người sửa những câu trả lời sai của học sinh thành câu trả lời đúng để tăng điểm bài thi. Để đổi lấy việc tăng điểm cho con như vậy, các phụ huynh sẽ phải trả từ 15 – 75 ngàn USD. Singer sẽ thống nhất trước với cha mẹ về số điểm họ muốn con mình đạt được.
Với những trường đại học thuộc nhóm top đầu của Mỹ, thể thao là một trong những phương tiện mở ra cánh cửa sau để các bậc cha mẹ lo lót chạy được cho con một suất học. Trong trường hợp này, Singer sẽ giúp cha mẹ các học sinh dàn dựng để chụp hình con cái họ chơi thể thao hoặc sử dụng phần mềm chỉnh sửa ảnh để ghép mặt các học sinh cần “chạy” vào hình ảnh các vận động viên nhằm thổi phồng thành tích về thể thao của các em.
Các huấn luyện viên và quản lý tại trường đại học cũng được trả tiền để giúp đỡ các học sinh được nhập học dù nhiều em thậm chí không biết chơi thể thao. Sau khi hoàn tất việc chạy chọt, các bậc cha mẹ sẽ thanh toán tiền cho công ty của Singer, được ngụy trang dưới dạng quyên góp. Theo các công tố viên, trong hầu hết trường hợp, các học sinh không hề biết cha mẹ đã chạy điểm cho mình. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp khác, một số em đã đồng ý tham gia vào hành vi gian lận này.
Đường dây chạy trường nói trên bắt đầu được đưa ra ánh sáng vào khoảng một năm trước, khi các công tố viên liên bang ở Boston trong quá trình điều tra về một vụ lừa đảo chứng khoán được nghi phạm cho hay ông ta có biết về một đường dây gian lận tuyển sinh đại học.
Video đang HOT
Người này đề nghị giúp cơ quan thực thi pháp luật tìm hiểu thêm về đường dây với hy vọng được hưởng khoan hồng cho sự hợp tác của mình. Nghi phạm trong vụ lừa đảo chứng khoán sau đó cho biết, một huấn luyện viên của một trường đại học đã nhận hối lộ để giúp các học sinh có thể vào đội bóng của ông ta.
Từ tin báo này, đến tháng 4/2018, FBI đã mở cuộc điều tra và phát hiện một huấn luyện viên môn bóng đá của trường Đại học Yale tên Rudolph Meredith đã nhận khoản hối lộ 450 ngàn USD một phụ huynh để sắp xếp cho con gái của người này vào đội bóng của ông ta. Sau khi thu được bằng chứng về cuộc trao đổi diễn ra tại một khách sạn ở Boston, các nhà điều tra gây sức ép với Meredith, buộc phải khai ra kẻ cầm đầu ông Singer.
Vụ việc nói trên đã khiến dư luận Mỹ bàng hoàng vì quy mô của hành vi gian lận chưa từng xảy ra trong lịch sử giáo dục của người Mỹ, cả về số người bị truy tố cho tới phạm vi xảy ra hành vi gian lận bao trùm sáu bang. Theo cơ quan công tố, trong khoảng thời gian chín năm từ 2011 đến 2019, Singer đã nhận của phụ huynh học sinh tổng cộng 25 triệu USD để đút lót cho các huấn luyện viên thể thao, làm giả kết quả thi.
Điển hình là vụ việc một nữ sinh đã được nhận vào trường Đại học Yale sau khi Singer đã nhận của gia đình cô bé 1,2 triệu USD để làm hồ sơ giả cho nữ sinh, trong đó lý lịch thể hiện cô bé là một nữ vận động viên bóng đá xuất sắc. Trong số tiền nhận được, Singer đã trả cho huấn luyện viên trưởng của một đội bóng 400.000 USD để người này vẽ ra thành tích ấn tượng của nữ sinh gốc Á.
Đánh cắp cơ hội tiến thân của người chăm chỉ
Các bậc cha mẹ trong vụ việc bị chỉ trích dữ dội vì việc đã đánh cắp cơ hội tiến thân của những học sinh chăm chỉ học tập. Xuất hiện ở tòa án Los Angeles cùng khoảng 20 bị cáo khác hôm 12/3 có nữ diễn viên Huffman và chồng là diễn viên William H. Macy. Bà ta bị cáo buộc đã trả 15 ngàn USD để nâng điểm SAT cho con gái.
Thẩm phán Alexander MacKinnon sau đó đã cho Huffman được tại ngoại với số tiền bảo lãnh 250 ngàn USD. Ông Mossimo Giannulli được tại ngoại với số tiền bảo lãnh 1 triệu USD. Nếu bị kết án, kẻ chủ mưu và các phụ huynh đã trả tiền “chạy” trường cho con có thể phải nhận mức án lên đến 20 năm tù.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, công tố viên liên bang Mỹ Andrew E. Lelling cho rằng các phụ huynh là thủ phạm chính trong vụ việc. Họ đã lợi dụng tiền bạc để tạo ra một cuộc “thi tuyển” thứ hai bên cạnh cuộc thi tuyển chính thức vào nhiều trường đại học. “Việc làm của họ là bất công và phạm pháp”, công tố viên E. Lelling khẳng định.
Ông này cũng cho rằng việc các phụ huynh và nhân viên của các trường dùng tiền để đổi lấy suất học như vậy khiến cơ hội vào học tại các trường thuộc nhóm Ivy của Mỹ trở nên ngoài tầm tay các học sinh nghèo, đồng thời hạ thấp giá trị của những người tốt nghiệp các trường đó.
“Việc mua chuộc giám khảo dẫn tới việc những bài thi dở được chấm điểm cao trong khi bài hay bị loại, làm đảo lộn nguyên tắc căn bản của học đường và dìm chết những học sinh tài giỏi, chăm chỉ. Không thể xử nhân nhượng trong vụ này. Thủ phạm vẫn đánh cắp tương lai của những học sinh chăm chỉ để thay vào đó những đứa trẻ không xứng đáng”, vị công tố viên nói.
Ông Christopher Hunt, người điều hành một lớp luyện thi vào đại học ở Mỹ, cũng cho rằng vụ án này là điển hình cho thái độ cực đoan và việc sử dụng tiền bất hợp pháp để có được lợi thế trong cuộc tranh đua giành vị trí trong những trường đại học ưu tú được cho là đang ngày càng trở nên phổ biến.
Theo đó, thay vì cả hai thế hệ là cha mẹ và con cái đều phải nỗ lực hết mình, cha mẹ tìm thuê thầy thuê thợ giỏi còn con cái thì phải phấn đấu thì nhiều bậc cha mẹ lại chọn con đường dễ hơn là dùng tiền để mua lối vào trường đại học cho con. Nhiều người với tư cách là cựu sinh viên cũng tặng tiền cho trường đại học mà họ đã học để con họ dễ được nhận hơn. Những người khác dù chưa từng theo học ở một trường nào đó cũng có thể công khai quyên tặng tiền cho trường nếu muốn con được vào học.
Hoàng Nam
Theo Báo Pháp Luật
Hành trình từ 5 tuổi để vào đại học danh giá của con nhà giàu Mỹ
Các bậc phụ huynh giàu có ở Mỹ sẵn sàng chi 50.000 USD/năm cho con học mầm non và hàng triệu USD cho dịch vụ tư vấn tuyển sinh đại học...
Một trường đại học ở Mỹ - Ảnh: Getty Images.
Tại Mỹ, giới nhà giàu bắt đầu hành trình chuẩn bị để vào các trường đại học danh giá như Harvard, Princeton hay Yale từ năm 5 tuổi, với hệ thống trường mầm non tư thục đắt đỏ.
Theo Bloomberg, bê bối chạy trường đại học mới bị phanh phui gần đây nhấn mạnh thêm một điều vốn nổi tiếng từ lâu rằng các bậc cha mẹ giàu có sẵn sàng làm mọi thứ để con mình được "học đúng trường".
"Cuộc chiến" mầm non
Với những phụ huynh sẵn sàng trả 50.000 USD một năm cho đứa con ở độ tuổi mầm non, họ còn phải chi không ít tiền để thuê tư vấn tuyển sinh cùng nhiều công tác chuẩn bị khác để con mình vượt qua kỳ tuyển sinh của trường.
Trường liên cấp Trinity School, ở Upper West Side, New York, mới đây cho biết đã ngừng nhận hồ sơ dự tuyển cho năm học này sau khi nhận được tới 642 hồ sơ đăng ký, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh chỉ là 60. Theo đó, tỷ lệ "chọi" của Trinity School là khoảng 10%, gần tương đương với Đại học Cornell University. Học phí của Trinity là hơn 52.000 USD/năm, cao hơn học phí của Đại học Harvard.
Các trường mầm non danh giá khác tại New York như Horace Mann, Collegiate, Dalton và Brearley không tiết lộ tỷ lệ tuyển sinh của mình. Tuy nhiên, theo thông tin trong tài liệu liên quan tới một đợt phát hành trái phiếu vào năm 2017, Horace Mann cho biết trung bình trường này nhận được 346 hồ sơ cho 36 chỉ tiêu tuyển sinh.
Vì tỷ lệ cạnh tranh lớn, không ít gia đình giàu có sẵn sàng đi "cửa sau" để chắc suất cho con mình vào học ở các trường mầm non danh giá. Giới giàu New York từng xôn xao câu chuyện về những lá thư giới thiệu từ các đại sứ hoặc thậm chí cả các tổng thống. Trong đó, có thư giới thiệu thậm chí được đặt trong hộp da và chuyển tới trường bằng xe Rolls Royce.
Hàng triệu USD cho dịch vụ tư vấn tuyển sinh
Sau tất cả, hoạt động tư vấn đại học là mảnh đất kinh doanh màu mỡ. Ivy Coach, công ty có trụ sở tại New York, cung cấp gói tư vấn tuyển sinh đại học giá từ 1 - 5 triệu USD, dành cho những bậc phụ huynh có khả năng tài chính và sẵn sàng chịu chi, theo New York Times.
Quy trình tư vấn bắt đầu khi ứng viên học lớp 8. Các chuyên gia của Ivy Coach sẽ theo sát và hướng dẫn ứng viên từ chọn đúng môn học cho đến lên kế hoạch cho các hoạt động ngoại khóa. Mục tiêu cuối cùng là giúp các ứng viên vượt trội hơn so với bạn bè cùng trang lứa.
Sinh viên xếp hạng tại một trường đại học ở Mỹ.
Bước tiếp theo là chuẩn bị cho các kỳ thi chuẩn hóa như SAT hay ACT. Các trường đại học Mỹ dựa vào kết quả của một trong hai bài thi này để tuyển sinh.
Theo Brian Taylor, giám đốc điều hành của Ivy Coach, các bài thi chuẩn hóa này đều có thể ôn luyện. "Việc này có vẻ không công bằng nhỉ, khi người giàu có thể trả tiền để cho con được chuẩn bị tốt?", ông Taylor hỏi và tự trả lời: "Đúng là thế. Nhưng đây là cách thế giới vận hành".
Bê bối chấn động
Ngày 12/3, nước Mỹ chấn động khi một công tố viên liên bang cáo buộc 50 người tham gia đường dây chạy trường để đưa con cái của các gia đình giàu có vào những trường đại học danh giá, trong đó có Yale và Stanford.
Theo điều tra ban đầu, mỗi gia đình trả từ 200.000 USD đến 6,5 triệu USD để nhờ người thi hộ hoặc sửa điểm SAT, ACT và hối lộ huấn luyện viên thể thao. Giáo viên thể thao của các trường đại học nhận những đứa trẻ nhà giàu vào đội tuyển của trường nhằm tạo thành tích thể thao giả trong hồ sơ tuyển sinh.
Trên thực tế, "ngành kinh doanh" tư vấn đại học tại Mỹ trị giá hàng tỷ USD và hoàn toàn hợp pháp. Những chuyên gia có kinh nghiệm sẽ giúp học sinh leo lên từng nấc thang để đạt được mục tiêu, bao gồm các khóa học nâng cao, chơi thể thao hay tham gia vào các hoạt động cộng đồng, cũng như hướng dẫn viết bài luận và làm mọi thứ để "làm đẹp" hồ sơ.
Cuộc sống của những sinh viên trước thềm đại học được nhào nặn sao cho vừa mắt nhà tuyển sinh của các trường đại học. Tùy vào khả năng tài chính, các bậc phụ huynh có thể chi khoảng 300 USD, phí tư vấn tiêu chuẩn với các chuyên gia, hoặc đóng góp hàng chục triệu USD vào các trường đại học với hy vọng con họ sẽ được đặc cách vào học.
Điều này cho thấy một thực tế rằng, nhiều bậc cha mẹ, bất kể thu nhập là bao nhiêu, bị ám ảnh bởi ý nghĩ rằng bằng đại học danh giá là tấm vé đảm bảo cho tương lai tài chính của con mình. Và họ sẵn sàng mở hầu bao.
Theo Alexis Reddling, học giả nghiên cứu chương trình cao học về giáo dục tại Đại học Harvard, vài năm gần đây, nhiều trường đại học Mỹ nhận ra rằng các bài thi chuẩn hóa chỉ đơn giản phán ảnh gia đình học sinh chịu chi như thế nào cho các lớp ôn luyện. Và trên thực tế, nhiều trường đã không còn đặt nặng vào điểm số nhằm tạo thêm cơ hội cho những học sinh không sinh ra trong gia đình khá giả.
Vụ bê bối chạy trường "không phải là điều ngạc nhiên với những người trong giới tư vấn đại học ở Mỹ", giáo sư Redding cho biết."Điều ngạc nhiên là quy mô của nó và sự dính líu của các ngôi sao nổi tiếng".
Theo bà Redding, một trong những lý do những người giàu trong đường dây này lựa chọn "đường tắt" là bởi chi phí "đầu tư trực tiếp" đã vượt quá khả năng tài chính của nhiều gia đình thượng lưu. Theo các chuyên gia, "món quà" 10 triệu USD của các bậc phụ huynh dưới hình thức quyên góp cho trường đại học giờ đây không còn đủ để chắc một suất vào học cho con họ nữa.
Theo vneconomy.vn
Sinh viên trong vụ gian lận "chạy trường triệu đô" ở Mỹ sẽ bị xử lý ra sao? Các trường đại học top đầu Mỹ vướng vào bê bối gian lận tuyển sinh đại học do William Singer cầm đầu mới đây bị phanh phui tại Mỹ đã thể hiện động thái trước cáo buộc. Trong đó, người phát ngôn trường Đại học University of Southern California cho hay, tất cả học sinh đang nộp đơn vào trường có liên quan...