Đuổi học sinh tiểu bậy: Đừng đổ lỗi cho trường khi con hư
Đó là ý kiến của thầy giáo Nguyễn Hoài Nam, giáo viên trung học phổ thông trước tranh luận về việc đuổi học vì tè bậy tại trường THCS Vũ Tiến (Vũ Thư, Thái Bình).
Là giáo viên gần 30 năm, tôi phải thừa nhận, khoảng 5 năm trở lại đây, vị trí của người thầy trong xã hội không còn được như xưa. Học sinh ý thức kém, vi phạm kỷ luật nhiều hơn.
Nhiều gia đình khoán việc dạy con cho nhà trường mà không có sự kết hợp quản lý. Khi con hư, họ đổ hoàn toàn cho thầy cô.
Hãy giáo dục con trẻ từ gia đình
Hiện nay, nhiều gia đình buông lỏng việc dạy con. Có cha mẹ suy nghĩ người lớn chỉ cần đi làm, con đã có thầy cô, người thân, người giúp việc lo.
Sự buông lỏng, bỏ mặc hay lúng túng, bất lực của các bậc làm cha mẹ trong việc giáo dục con cái dễ khiến trẻ nhiễm các thói hư tật xấu.
Ở trường tôi, năm học trước, gần 20 học sinh nghỉ quá buổi, không đủ số bài kiểm tra. Thông thường, học sinh nghỉ học 1 buổi không có lý do, giáo viên đã thông báo về nhà. Gọi nhiều, có nhà lại nghĩ thầy cô lắm chuyện, trù dập con mình.
Đâu có thiếu trường hợp, các môn học trái ca, hoặc môn các em cho là phụ, nghỉ học nhiều, thậm chí nghỉ cả ngày thi. Cuối kỳ không có điểm, phụ huynh lại đến đưa phong bì cho thầy.
Video đang HOT
Ảnh minh họa
Có nhiều nhà, con bị ghi sổ đầu bài, thầy cô báo cho phụ huynh, cha mẹ chép miệng “lỗi có thế thôi, thầy bỏ qua cho cháu”. Gia đình không nghĩ, nhà trường và giáo viên muốn học sinh giữ kỷ luật từ những việc nhỏ nhất. Giáo viên cũng có cuộc sống riêng, có gia đình, đâu phải ai cũng theo dõi, tìm lỗi của các con.
Qua kinh nghiệm cá nhân, tôi thấy con trẻ hư thường do bố mẹ coi như cục vàng.
Có nhà, mỗi lần con kể chuyện mâu thuẫn với bạn trường là bố lại mẹ bảo “ Sao không đánh nó”, “Phải cho nó một bài học”. Lâu ngày, trẻ có hành vi ngỗ ngược, không tôn trọng bạn bè, chống đối thầy cô, không sợ hình phạt của thầy cô nữa vì đã có bố mẹ chống lưng.
Có lần, học sinh hút thuốc ở trường bị thầy cô bắt gặp, yêu cầu gọi phụ huynh. Mẹ em học sinh cam đoan con mình không bao giờ thế, còn hô hoán là thầy giáo vu oan, trù dập, đòi chuyển trường cho con, dọa kiện nhà trường.
Phần lớn học sinh vi phạm kỷ luật là những em không được gia đình quan tâm. Trong số 20 học sinh nghỉ học nhiều của trường tôi, có tới 15 trường hợp cha mẹ ly dị, không sống với cha mẹ, cha mẹ bận rộn không có thời gian để ý con.
Có em nhà trường gửi giấy mời gặp mặt 4-5 lần không thấy trả lời. Đến khi con bị đuổi học, phụ huynh mới đến trường thắc mắc.
Học sinh bây giờ rất ghê
Là người thầy, tôi đồng cảm với thầy hiệu trưởng phải đình chỉ học sinh 6 tháng. Lương tâm người thầy luôn coi học sinh như con. Chẳng có người thầy nào đành lòng đuổi học con mình. Nhưng với những trường hợp như thế này, quả thật rất khó để có thể giáo dục các em.
Tội lỗi nào cũng có thể bỏ qua, nhưng việc chửi bới, đe dọa thầy cô thì không thể bỏ qua được. Bị chính đứa con của mình xúc phạm, còn nỗi đau nào lớn hơn?
Học sinh hư vì nhiều nguyên nhân, gia đình, xã hội, nhà trường. Thiếu người chỉ bảo, các em không xác định được mục đích học tập, cảm thấy đến trường là gánh nặng, dẫn đến luôn cảm thấy bức bối, thách thức thầy cô, bạn bè.
Những năm gần đây, nhiều vụ giáo viên bị tố đánh mắng trẻ em. Tôi không nói tất cả đều đúng, nhưng học sinh bây giờ cũng rất ghê.
Chỉ với chiếc điện thoại, các em sẵn sàng thách thức thầy cô. Một hình ảnh, một clip tung lên mạng, sẽ có hàng nghìn bình luận chửi bới.
Hôm qua, học sinh không làm bài tập về nhà (liên tục thời gian dài), đồng nghiệp của tôi mời em ra ngoài, chỉ được vào lớp khi có bản kiểm điểm có chữ ký của bố mẹ. Nhiều ngày tiếp theo, em ấy vẫn thế, thầy cũng chẳng thể phạt mãi. Thầy to tiếng quát 1 câu, học sinh giơ ngay điện thoại lên dọa: “Ông có muốn nổi tiếng không”.
Tôi từng thấy học sinh ở ngoài đường hút thuốc, không đội mũ bảo hiểm, đánh nhau… cũng chẳng làm gì được. Ra khỏi cổng trường, thầy giáo làm gì có quyền.
Năm 2014, trường tôi từng có trường hợp thầy giáo bị học sinh cố tình đâm xe vào người. Chuyện học sinh chỉ tay bảo thầy giáo: “Ra đường còn gặp nhau” là chuyện có thật.
Bây giờ, mấy học sinh gọi giáo viên là thầy, cô, hay đều gọi là ông này, bà kia. Lên Facebook, không ít em bàn tán về người dạy mình, đọc mà đau lòng.
Khi xảy ra chuyện, mọi người thường nghĩ học sinh là người bị hại, mắng hoặc phạt các em 1 câu, có thể mang tội hành hạ trẻ em, bị kỷ luật hoặc mất việc ngay.
Dạy học sinh, ngoài văn hóa, còn phải dạy làm người, nuôi dưỡng tính cách, chỉ điều hay lẽ phải. Sau vài lần gặp những điều như thế, sẽ chẳng ai muốn phải làm quá trách nhiệm của mình.
Từ đó sinh ra những người thầy lên lớp, chỉ giảng bài, không đặt hết tinh thần truyền lửa cho học sinh, không đóng vai trò là người nuôi dưỡng tâm hồn cho học sinh. Những điều đó mấy ai hiểu?
Giáo dục một con người cần lắm sự kết hợp của gia đình, nhà trường. Không thể đổ trách nhiệm hoàn toàn cho thầy cô khi các em hư. Mặc dù, để một học sinh vô kỷ luật, là người thầy, chúng tôi luôn thấy mình có lỗi.
Theo Zing