“Đuổi học học sinh đánh nhau là phi giáo dục”
Gần đây, báo chí liên tiếp đăng tải thông tin về những vụ học sinh đánh nhau gây bức xúc trong dư luận xã hội. Ứng xử trước tình huống này, mỗi trường lại có những cách khác nhau và không thống nhất. Có trường dùng hình thức nhắc nhở cảnh cáo, triệu tập phụ huynh học sinh, có trường lại thẳng tay đuổi học.
Ý kiến của Bộ GD &ĐT sẽ như thế nào khi để xảy ra hiện tượng trên? Phóng viên báo Nguoiduatin.vn đã có buổi trao đổi trực tiếp với thứ trưởng Bộ GD &ĐT Trần Quang Quý về vấn đề này.
Trách nhiệm trực tiếp là của trường, của Sở
- Thưa thứ trưởng, trong thời gian qua các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh rất nhiều những vụ học sinh đánh nhau ở nhiều tỉnh thành. Bộ có trách nhiệm như thế nào khi để xảy ra những việc đáng tiếc như vậy?
Tất nhiên để xảy ra việc học sinh đánh nhau, trong đó có trách nhiệm của Bộ. Nhưng trách nhiệm trực tiếp phải là của các Sở, các trường vàõ của giáo viên chủ nhiệm. Vì thế để xảy ra việc học sinh đánh nhau, trước hết nhà trường sẽ bị ảnh hưởng về mặt thi đua khen thưởng. Trách nhiệm trực tiếp trong việc quản lý và giáo dục học sinh là của các nhà trường.
Về phía mình, Bộ đã chỉ đạo các trường thực hiện mô hình “Nhà trường thân thiện, học sinh tích cực”. Từ khi thực hiện mô hình này thì số vụ học sinh đánh nhau đã giảm đáng kể.
- Như thứ trưởng nói thì số học sinh đánh nhau đã giảm đi nhiều, vậy tại sao trong thời gian gần đây trên báo chí lại đăng tải nhiều vụ hỗn chiến của học sinh đến vậy?
Trên thực tế, số vụ học sinh đánh nhau của cả nước đã giảm nhiều so với trước. Tuy nhiên, hiện nay công nghệ hiện đại, học sinh có thể quay lại cảnh đánh nhau bằng điện thoại rồi tung lên mạng. Từ đó sức lan tỏa nhanh hơn, khiến dư luận xã hội bức xúc.
- Bộ có thống kê những vụ học sinh đánh nhau trong năm hay không? Và như thứ trưởng vừa nói thì số lượng đã giảm, vậy số lượng giảm cụ thể là bao nhiêu?
Năm nào Bộ cũng có thống kê. Vừa rồi Bộ vừa có văn bản gửi xuống các đơn vị giáo dục cả nước để chỉ đạo theo hướng hạn chế tình trạng học sinh đánh nhau. Đặc biệt là trước dịp Noel sắp đến, các đơn vị cần tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo an ninh, trật tự trong trường học, tập trung vào việc tăng cường công tác phối hợp quản lý, không để học sinh, sinh viên tham gia tụ tập đông người, gây rối trật tự công cộng. Các trường cần phối hợp với chính quyền địa phương và gia đình sớm ngăn chặn tình trạng học sinh, sinh viên đánh nhau ở trong và ngoài trường học, ký túc xá, đặc biệt là các vụ học sinh dùng hung khí đánh nhau, học sinh nữ đánh nhau hội đồng, quay phim, đưa lên mạng internet.
Bộ GD &ĐT cũng yêu cầu các trường phải báo cáo tình hình an ninh trật tự trường học trước ngày 10/2/2012. Đó là công việc hàng năm của Bộ và chúng tôi thấy rằng từ khi thực hiện mô hình “Nhà trường tích cực, học sinh thân thiện” thì số học sinh đánh nhau đã giảm đi khá nhiều.
Video đang HOT
Tthứ trưởng Bộ GD &ĐT Trần Quang Quý
Quan điểm của Bộ là không đuổi học học sinh
- Ứng xử trước việc học sinh đánh nhau, mỗi trường có một cách. Trường thì thẳng tay đuổi học học sinh trong khi đó có trường chỉ kỷ luật khiển trách, nhắc nhở. Vậy, Bộ chỉ đạo xử lý việc này như thế nào?
Quan điểm của Bộ là nhà trường phải giáo dục định hướng các cháu, phải giáo dục các cháu nên người. Nhà trường làm nhiệm vụ giáo dục mà lại quay lưng với học sinh thì sẽ đẩy các cháu ra ngoài xã hội. Đó là việc làm phi giáo dục.
Quan điểm của Bộ là không đuổi học học sinh. Ở một chừng mực nhất định, nhà trường nên giáo dục dạy bảo các cháu. Nhưng nếu các cháu đã có hành động đánh nhau dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Đến lúc ấy không thuộc quyền quyết định của ngành giáo dục nữa.
- Thưa thứ trưởng, ông đã nói rằng quan điểm của Bộ là không đuổi học học sinh, nhưng cách ứng xử các mỗi trường lại rất khác nhau, vẫn có nhiều trường đã đuổi học sinh. Ông có ý kiến gì về việc này?
Quan điểm của Bộ là vậy. Quan điểm của mỗi trường lại mỗi nơi một khác nên việc xử lý vấn đề này mới khác nhau. Có những trường điểm, học sinh rất ngoan thì hành động học sinh đánh nhau sẽ có thể bị đuổi học. Một số trường khác họ lại thấy chuyện học sinh đánh nhau không quá nặng nên chỉ nhắc nhở cảnh cáo. Cũng có những trường, đuổi học học sinh không phải chỉ vì học sinh đó đánh nhau mà còn bởi học sinh đó đã từng có nhiều khuyết điểm trước đó. Tuy nhiên, Bộ vẫn luôn nhắc nhở các trường không nên đẩy các cháu ra xã hội mà không được giáo dục. Hàng năm Bộ đều có văn bản chỉ đạo xuống các trường.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Theo NĐT
Nỗi ân hận muộn màng của nữ sinh đánh nhau
Chị ơi, giờ em hối hận có lẽ cũng đã muộn rồi. Em mong chị giúp em, gửi gắm mấy lời tâm sự đến những bạn đã, hay may mắn chưa tham gia vào những vụ ẩu đả thiếu văn hóa đạo đức mà em và một số nữ sinh khác đã làm, thì nên chấn chỉnh lại. Đừng để quá muộn như em".
Trong tiếng reo hò cổ vũ của những người chứng kiến, các nữ sinh mặc áo khoác đồng phục trường THPT huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) lao vào nhau đấm đá túi bụi. Đó là nội dung chính trong một đoạn clip dài gần 3 phút, vừa được tung lên mạng xã hội Youtube, gây xôn xao dư luận suốt nhiều ngày qua.
Nữ sinh hay võ sinh?
Thời gian vừa qua, những clip quay cảnh các nữ sinh ở một số tỉnh trong cả nước hành xử nhau theo kiểu giang hồ nhan nhản trên các trang mạng xã hội. Mới đây, tuy không ồn ào, gay cấn, hấp dẫn với những màn lột và xé, nhưng các em nữ sinh Hà Tĩnh cũng nổi không kém, khi đoạn clip dài gần 3 phút, được một người bạn trong nhóm quay rồi tung lên mạng và sau đó trở thành tiêu điểm trên một số tờ báo.
Trở về vùng quê chiêm trũng khi sự việc đang xôn xao khắp làng trên xóm dưới. Đâu đâu chúng tôi cũng nghe người ta truyền tai nhau nội dung cuộc hành xử này. Chừng ấy đủ biết sức nóng của đoạn clip này.
Theo thông tin từ phía công an huyện Hương Sơn cung cấp, vụ việc xảy ra ngày 1/12, có gốc rễ từ vụ lùm xùm ngày 20/11 trước đó. Sau khi đi chúc Tết các thầy cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, một số học sinh trường THPT huyện Hương Sơn rủ nhau đi ăn gà đồi ở xã Sơn Trường. Tại đây, nhóm của Trần Thị H (lớp 11A2, trường THPT huyện) đã xảy ra xích mích với nhóm của Đoàn Ngọc H (Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện). Ngay lập tức, Trần Thị H gọi "cấp cứu" cho Lê Thị T (bạn thân học cùng trường) đến "giải quyết". Vừa nghe qua sự tình do bạn thuật lại, Lê Thị T đã lao vào đẩy Đoàn Ngọc H. Xô xát xảy ra, nhưng nhờ bạn bè và người dân xung quanh can thiệp, vụ việc chỉ dừng lại đó. 10 ngày sau, khi mọi việc tưởng đã xong xuôi, thì nhóm Đoàn Ngọc H lại tìm đến gây sự với T.
Ngày 1/12, khi chạm trán nhau trên đường, gần khu di tích Hải Thượng Lãn ông (xã Sơn Trung), Đoàn Ngọc H cho rằng T "nhìn đểu" mình, nên lao vào đánh T. Kéo theo đó, là những thành viên còn lại của hai nhóm cũng tự xử nhau gây ra một vụ hỗn loạn, khiến người qua đường và các hộ dân sống gần đó bàng hoàng. Tham gia vụ việc hôm ấy, tuy không sử dụng tay chân, nhưng có một đội ngũ "góp vui" bằng miệng. Trong đó có một nam sinh tên Nguyễn Phương N, người đang bị nghi đã tung clip vụ việc lên mạng.
Được biết, ngày 9 và 10/12, công an huyện Hương Sơn đã tới làm việc với 2 trường học có học sinh tham gia vụ đánh nhau, triệu tập các nhân vật chính và phụ huynh của các em để lấy lời khai.
Chúng tôi tìm về ngôi trường nơi những nữ sinh này đang theo học. Thầy Đoàn Trọng Bình, Hiệu phó trường THPT huyện Hương Sơn lắc đầu buồn bã: "Do tính chất vụ việc nên trường chúng tôi đề ra hai bước xử lý. Khi chưa có kết luận của cơ quan điều tra, nhà trường sẽ có hình thức kỷ luật để giáo dục học sinh, như đuổi học tạm thời một tuần và hạ bậc hạnh kiểm loại yếu. Sau khi có kết luận của cơ quan công an, chúng tôi sẽ căn cứ vào đó để có biện pháp xử lý đúng người đúng tội".
Cảnh đánh nhau của các nữ sinh Trường THPT Hương Sơn ngày 1/12/2011
Nhiều em đã từng là học sinh ngoan
Chia sẻ của với chúng tôi, một số giáo viên trường THPT huyện Hương Sơn cho biết, tham gia vụ ẩu đả trong clip có một em là Lê Thị T, trước đây từng là cán bộ Đoàn sôi nổi của trường. Nhiều thầy cô thực sự tiếc cho em học sinh này, không chỉ vì T đang học lớp 12, sắp làm hồ sơ thi đại học, mà bên cạnh học lực vào diện khá, T còn tham gia tích cực vào một số hoạt động bề nổi của trường, như thành viên đội cờ đỏ trường, đội văn nghệ trường...Không hiểu vì lí do gì, bước vào năm học mới này, tư cách đạo đức của cô cán bộ Đoàn trên lại có biểu hiện suy giảm. Sau sự việc xảy ra, T đã bị gạch tên ra khỏi danh sách những hoạt động của trường, lớp.
Cũng như đàn chị, Trần Thị H đã từng thuộc diện học tốt của lớp. Khi lên lớp 10, nữ sinh này có biểu hiện xuống cấp toàn diện. H trở nên bướng bỉnh và bất trị hẳn.
Theo thông tin từ nhà trường cung cấp, hầu hết những đối tượng tham gia vụ đánh nhau trong clip, đều thuộc diện học sinh cá biệt. Đáng tiếc rằng, trước đây, các em đã từng là những học sinh ngoan. Phần lớn thiếu sự quan tâm từ phía gia đình, nên các em khá thoải mái trong sinh hoạt của mình. Như em Trần Ngân G, khi nghe tin con là một trong những nhân vật được công an gửi giấy mời sang trụ sở ngồi chơi, xơi nước, gia đình chỉ biết lắc đầu. Họ thực sự bó tay trong việc giáo dục cô con gái có tố chất gây gổ này. Ngay như Trần Thị H cũng thường xuyên bị bố mẹ đánh đập, nhưng cuối cùng cũng phải buông roi trước con, trị không nổi.
"Cậu ấm" Nguyễn Phương N thì khỏi bàn. Bố mẹ N đều là dân kinh doanh buôn bán có tiếng ở đất Hương Sơn, nhưng cũng phải ngậm ngùi cất tiền đóng học phí cho con vào két sắt. Hai năm lưu ban đã đóng cổng con đường học vấn của anh chàng sát gái này.
Các thầy cô cũng chia sẻ thêm, sau khi clip tung hoành trên mạng, nhà trường vẫn để những học sinh này lên lớp bình thường. Đợi đến khi có kết luận cuối cùng từ cơ quan điều tra, trường sẽ quyết định biện pháp xử lý. Thế nhưng, một số em trong nhóm đó lại tự cho phép mình lúc thích thì đi, lúc không muốn thì nghỉ. Vậy mà các bậc sinh thành vẫn không hay biết gì. Điều đó phản ánh sự thờ ơ, buông lỏng, thiếu quan tâm trong công tác giáo dục con cái từ phía gia đình của các bậc làm cha làm mẹ.
"Muộn rồi phải không chị?"
Trong số những đối tượng có mặt trong clip, tôi đặc biệt chú ý đến Lê Thị T. Bên ly cà phê, trong một quán nhỏ, trông em khác hẳn với cô nữ sinh hùng hổ, lao vào học sinh khác bứt tóc đấm đá túi bụi mà tôi đã được thấy trước đó. "Chị ơi, em có bị đuổi học không chị?", tôi chỉ biết nói vài câu động viên em chứ không thể trả lời, vì bây giờ đang phải đợi kết quả điều tra từ phía công an. Câu trả lời của tôi không như em mong đợi, nên cô bé gục đầu xuống bàn khóc nức nở.
"Em sợ lắm, chị ơi. Chỉ còn một học kỳ nữa thôi là em sẽ tốt nghiệp, rồi thi đại học. Nếu giờ mà bị đuổi thì em chết mất". Tôi hỏi lại em, "sao không nghĩ đến hậu quả xấu nhất ấy, khi hành xử không giống như con gái của mình", em cúi đầu lặng thinh một lúc lâu. "Em không đổ tội cho tuổi trẻ đang nông nổi, chưa suy nghĩ được sâu xa, nhưng thực sự lúc đó, em không hề nghĩ được như bây giờ. Chỉ tiếc rằng, bài học này, em tiếp thu được khi đã quá muộn", nói xong T lại ôm mặt khóc.
Dẫu không hỏi, nhưng tôi biết, chắc chắn trước khi clip này xuất hiện tràn lan trên các phương tiện truyền thông đại chúng, T cũng như bao cô cậu cuối cấp khác, ngồi đắn đo, suy nghĩ chọn lựa một ngôi trường đại học hay chuyên nghiệp nào đó để theo đuổi ước mơ của mình. Nhưng giờ thì em không dám nghĩ tới nữa, mà có nghĩ cũng chỉ làm nước mắt nặng thêm.
Đột nhiên cầm tay tôi, em bảo: "Chị ơi, giờ em hối hận có lẽ cũng đã muộn rồi. Nhưng em sẽ xem đây là bài học xương máu của mình. Em mong chị giúp em, gửi gắm mấy lời tâm sự đến những bạn đã, hay may mắn chưa tham gia vào những vụ ẩu đả thiếu văn hóa đạo đức mà em và một số nữ sinh khác đã làm, thì nên chấn chỉnh lại. Đừng để quá muộn như em".
Trao đổi với PV báo Nguoiduatin.vn, thiếu tá Lê Trọng Luận, Đội trưởng Đội Điều tra - Hình sự, công an huyện Hương Sơn cho biết: "Sau khi nắm bắt được thông tin trên mạng, ban chỉ huy công an huyện đã giao đội làm việc với BGH trường THPT Hương Sơn, Trung tâm GDTX huyện (nơi có học sinh đánh nhau). Chúng tôi đang cử cán bộ làm việc tiếp với nhà trường và các em có liên quan". Thượng tá Dương Văn Trường, Trưởng công an huyện bức xúc: "Tôi đã xem đoạn clip trên mạng. Học trò bây giờ hư hỏng quá. Sau khi làm rõ sự việc, đơn vị sẽ đề nghị nhà trường đuổi học những em này ngay".
Theo Người Đưa Tin
Đã có kết quả điều tra vụ clip nữ sinh đánh bạn ngất "Có khả năng sẽ xử lý hành chính nhiều hơn. Và cả những học sinh đưa video lên mạng cũng bị xử lý hành chính". Trao đổi với Phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam chiều ngày 14/12, một lãnh đạo công an tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Đã có kết quả điều tra và đang xin ý kiến Giám đốc công an...