Đậu đại học hay ‘lãnh án tử’?
Ngày mai thí sinh sẽ bước vào kì thi ĐH đợt 2. Áp lực có được “vé” vào ĐH khiến không ít thí sinh thay vì chăm chỉ ôn luyện hoặc nghỉ ngơi tạo tâm lý thoải mái thì chen chân tại các cửa hàng photo để làm phao…
Thí sinh làm thủ tục dự thi ĐH đợt 2 sáng 8/7. (Ảnh Lê Anh Dũng)
Hết bám “phao” lại “ôm tủ”
Khi được hỏi các thí sinh cho rằng càng sát ngày thi càng không có tâm trạng để đi chơi xả stress vì lúc nào cũng cảm thấy bất an, lo lắng. Thậm chí, có những em không ăn không ngủ được vì sốt ruột. Bởi vậy, nhiều sĩ tử “rủ nhau” đi làm “phao” dự phòng. Vì thế trước ngày thi vài ngày, các cửa hàng photo khu vực gần các trường ĐH luôn hoạt động hết công suất.
Thông thường, các thí sinh luôn có “chiến hữu” đi cùng, mỗi nhóm từ ba người trở lên. Chỉ cần một bộ tài liệu chuẩn bị sẵn có thể làm thành vô số “phao” dự phòng theo nhu cầu của người dùng. Có những bạn muốn nhanh gọn nên đã mua luôn “phao” mà các chủ quán photo đã chuẩn bị sẵn.
Cầm trên tay một tập tài liệu dày cộp với những dòng chữ nhỏ xíu nhưng Hà Huy Tuấn (Lục Ngạn, Bắc Giang) lý giải: “Em đi photo về học chứ không phải để mang vào phòng thi, bạn em bảo trong đây có một vài phần trọng tâm nên cũng xem thử thế nào. Chữ nhỏ thế này em đọc quen rồi nên thấy bình thường”.
Còn nhóm bạn của Nguyễn Hoàng Dương (Nam Sách, Hải Dương) trong lúc ngồi đợi chủ quán làm tài liệu đã thừa nhận: “Giờ này mà đi photo thì chỉ có làm “phao” chứ học hành gì? Thực ra chúng em cũng ôn nhiều rồi, nhưng vẫn lo nhất là môn Sử vì khó nhớ mốc năm, sự kiện, nhiều khi hay lẫn kiến thức nên làm mỗi người một bộ tài liệu cho an tâm.”
Một số thí sinh khác cũng rậm rịch chuẩn bị phao trước đó một tuần để kịp cắt, dán, gấp ruột mèo, nhớ số trang, mục lục tài liệu, sắp xếp phương án để “che mắt” giám thi trong phòng thi.
Video đang HOT
Cũng có không ít thi sinh không đủ can đảm làm “phao” nên nhiều sĩ tử lại chọn giải pháp “học tủ” trong những ngày này để “cứu vãn” được phần nào hay phần ấy. Nghe một bài người bạn đi ôn thi tại một số lò luyện gần Trường ĐH L. Hà Nội rỉ tai nhau có giới hạn đề khối C mỗi môn chỉ còn 10 câu nên Hoàng Hà Trang (Hạ Long, Quảng Ninh) thay vì nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng đã ngày đêm “ôm tủ” hi vọng sẽ trúng.
Còn Trịnh Thị Vân ( Thái Nguyên) lại học theo “tủ” của các bạn đi ôn ở Trường ĐH S. Hà Nội vì đó là phần trọng tâm do thầy “xịn” ở lò luyện chất lượng cao giới hạn, nếu cứ ôn theo là “chắc cốp”. Vân tiết lộ thêm: “Các anh chị từng ôn ở đây ai cũng đỗ cao, mọi người bảo thầy “đoán đề” đúng lắm nên em cũng học theo”.
Giải pháp an toàn hay nguy cơ… “lãnh án tử”
Kì thi ĐH hàng năm có quy mô lớn nhất cả nước bởi vậy từ khâu làm đề, coi thi, chấm thi đều được thắt chặt. Thêm vào đó một số trường ĐH còn trang bị thêm hệ thống camera giám sát để đảm bảo sự công bằng cho tất cả các thí sinh cũng như tăng cường tính minh bạch, an toàn tuyệt đối của kì thi.
Vì thế, với những trường hợp vi phạm quy chế thi như mang tài liệu vào phòng thi, quay cóp trong quá trình làm bài thi, trao đổi bài…và những sai sót khác sẽ bị xử lí nghiêm.
Ở những mùa thi các năm trước, nhiều thí sinh vì quá lo lắng nên đã cố tình mang tài liệu vào phòng thi, mặc dù không có ý định quay bài nhưng khi bị giám thị phát hiện vẫn bị lập biên bản và kỉ luật theo đúng quy chế.
Bạn Vũ Thị Kim Oanh (sinh viên Học viện B. Hà Nội) từng làm giám thị 2 của kì thi ĐH năm trước cho biết: “Có rất nhiều học sinh cho rằng chỉ khi giở tài liệu mới là vi phạm, nên khi bị lập biên bản xử lí các em còn thanh minh: “em chưa làm gì”, “em đã quay bài đâu?…”. Nhưng khi nhận ra hành động đó cũng được xem là gian lận trong thi cử thì đã quá muộn.
Bạn Hoàng Hà Giang (sinh viên năm 2 của một trường ĐH) khuyên, các sĩ tử mang “phao” để dự phòng là quá mạo hiểm. Theo kinh nghiệm của bản thân Giang, thi ĐH là không bao giờ có chuyện coi dễ hay “thả nổi”, mọi thí sinh đều phải “tự lực cánh sinh” nên phải cố gắng hết sức mình.
Thí sinh làm thủ tục dự thi sáng 8/7. (Ảnh Lê Anh Dũng)
“Riêng những trường hợp mang tài liệu vào phòng thi, nếu may mắn không bị phát hiện (con số này rất ít) thì cũng không làm được bài vì tâm lý lúc nào cũng lo lắng, sợ sệt và loay hoay tìm cách để giở, tới khi vừa đặt bút làm được vài dòng đã hết giờ. Còn lại nếu bị giám thị bắt thì đương nhiên sĩ tử đó sẽ thành … “tử sĩ”" – Giang chia sẻ.
Nhiều thí sinh khác cũng chung ý kiến với Giang, hầu hết các bạn đều cho rằng việc “làm phao”, “học tủ” không những không an toàn chút nào mà còn mang lại hậu quả ngược lại. Có quá nhiều tấm gương “học tủ” bị “tủ đè” một cách thảm hại của những người đi trước để lại.
Bởi vậy, trước ngày thi ĐH thay vì chọn các giải pháp an toàn như mang phao vào phòng thi, học tủ, đoán đề…để rồi nhận lấy nguy cơ “lãnh án tử”, các thí sinh nên dành thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn và xem qua lại một lượt tất cả kiến thức mình đã ôn luyện trong cả quá trình.
Theo VNN
Đề thi tiếng Anh vừa sức, đề Hóa "khó nhằn"
Sáng nay, các sĩ tử bước vào thi môn cuối cùng của kỳ thi ĐH đợt 2 năm 2010 trong thời tiết dễ chịu hơn so với những ngày trước ở cả miền Bắc và miền Trung. Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn, ngày hôm nay tại Hà Nội, nhiệt độ thấp nhất từ 28 đến 31 độ C, cao nhất từ 34 đến 37 độ C, có gió Đông Nam cấp 2 - 3. Trong kì thi ĐH 2010, đây là buổi thi đầu tiên các sĩ tử được làm bài trong thời tiết mát mẻ.
Thời tiết mát mẻ "ủng hộ" các thí sinh trong ngày thi cuối.
Tuy nhiên, phần lớn các thí sinh dự thi khối B đều cảm thấy "bất an" vì thường đề Hóa khối B sẽ "xương" hơn so với khối A. Nguyễn Văn Bắc, thí sinh của Học viện Y dược Cổ truyền, chia sẻ: "Môn Hóa khối A em đã thấy cũng tương đối rồi, Hóa khối B chắc phải khó hơn nhiều, em nghĩ sẽ có nhiều bạn mất điểm trong môn thi sáng nay".
Các thí sinh của khối V sẽ là những thí sinh cuối cùng ra khỏi phòng thi trong đợt thi ĐH năm nay. Tại hội đồng thi của ĐH Kiến Trúc, 6h30 các thí sinh có mặt tại phòng thi như các trường khác nhưng thay vì làm bài trong thời gian 90 phút thì thời gian làm bài môn Vẽ của thí sinh khối V kéo dài từ 7h15 đến tận 15h.
Các thí sinh tại trường Kiến Trúc được phép mang đồ ăn và tự phục vụ trong phòng thi. Sự khác biệt này khiến không ít phụ huynh phải lo lắng. "Cháu nhà tôi mang bánh mì và nước lọc vào phòng thi, ăn uống như thể không biết có đủ sức khỏe để làm bài hay không nữa, ngồi những 7, 8 tiếng đồng hồ trong đó, tôi lo lắm", bác Nguyễn Thị Thái, ở Tuyên Quang nói.
Sẽ có nhiều bài thi môn Anh đạt điểm 6 - 7
Kết thúc giờ thi ngoại ngữ, nhiều thí sinh ở Hà Nội có tâm trạng phấn khởi và nhận định đề vừa sức.
Theo thí sinh Lê Thị Dung, thi Học viện Ngân hàng, đề thi nằm trong chương trình, chỉ có một số câu đòi hỏi thí sinh phải nhớ chính xác từ vựng. "Với đề thi tiếng Anh này thí sinh nắm vững kiến thức có thể đạt được điểm 6 - 7 nhưng nếu đạt được điểm tối đa thì thí sinh phải có vốn từ vựng rộng", Dung nói.
Đồng quan điểm, Nguyễn Thế Tình, thí sinh dự thi Học viện Ngân hàng cũng cho rằng, số câu hỏi khó chiếm khoảng 30 - 35% đề thi.
Tại Đà Nẵng, các thí sinh ở nhiều điểm thi cũng tỏ ra vui vẻ vì đề thi môn Anh năm nay không hóc búa lắm. Thí sinh Thanh Thảo (THPT Phan Châu Trinh) thi tại HĐT CĐ Công nghệ cho biết, đề thi khối D nhìn chung dễ hơn năm ngoái. Phần kiến thức chuẩn đều nằm trong chương trình học. Riêng phần nâng cao thì hơi khó, nhưng thí sinh học lực khá cũng có thể làm được.
Tuy nhiên, tại các hội đồng thi, hầu hết các thí sinh đều "tận dụng" hết 90 phút làm bài của mình chứ không ra khỏi phòng thi sớm. Thí sinh Ngô Thị Thanh Uyên (Đà Nẵng) thi vào ĐH Sư phạm cho biết thêm: "Với em đề năm nay cũng không dễ, bởi hầu như các câu hỏi ra đều mang tính đánh đố cao. Em không làm được bài lắm, chỉ được phần kiến thức chuẩn thôi".
Đề Hóa khó, nhiều thí sinh khoanh... liều
Các thí sinh khối D có một buổi làm bài thi thoải mái vì đề thi Anh không quá khó.
Đúng như nhận định, đề thi Hóa sáng nay được nhiều thí sinh đánh giá là rất khó. Khác hẳn với tâm trạng sau khi kết thúc bài thi hai môn ngày hôm qua, Lê Thị Tuyến, thí sinh dự thi ĐH Y Hà Nội buồn rầu chia sẻ: "Hai môn thi ngày hôm qua em làm khá tốt nhưng đề thi Hóa hôm nay khó, em chỉ làm được 50% đề, còn lại em khoanh liều".
Đây cũng là tâm trạng của thí sinh Cao Thị Yến. Yến cho biết, khối thi chính của em là khối A nhưng em thấy đề Hóa khối B năm nay còn khó hơn đề Hóa khối A. "Đề Hóa hôm nay dài và số câu khó phải chiếm 30% đề".
Bùi Thanh Thủy, thí sinh dự thi vào ngành Xã hội học, cho biết: "Em rất hy vọng vào môn Địa vì Văn và Sử ngày hôm qua em làm không tốt, môn Địa thường là môn cũng dễ ăn điểm". Đối với khối D, môn Anh sáng nay cũng là môn sở trường của các thí sinh nên hầu hết các thí sinh dự thi khối D đều không mấy lo lắng.
Tại Đà Nẵng, sau khi kết thúc môn thi cuối cùng, các tuyến đường ra cửa ngõ phía bến xe trung tâm tê cứng. Tuyến cửa ngõ phía ra Ngã ba Huế chạy qua trung tâm thành phố tắc cứng vào khoảng 10h. Đường quốc lộ 1A đoạn qua ĐH Bách khoa và Sư phạm cũng trong tình trạng tương tự.
Sáng nay, đủ loại tờ rơi quảng cáo đã biến nhiều cổng trường thi ở Đà Nẵng thành... bãi rác. Trong ngày đầu thi ĐH đợt 2, hàng loạt ĐH, CĐ, trung cấp... đã cho nhân viên tiếp thị đổ xô đến trước các trường thi để phân phát tờ rơi quảng cáo cho phụ huynh, thí sinh.
Thí sinh Phạm Hồng Linh cho hay, không chỉ em mà nhiều thí sinh khác đều không thích hình thức quảng cáo này. Vì vậy, khi bị ấn tờ rơi quảng cáo vào tay, nhiều thí sinh chẳng buồn đọc mà ném thẳng xuống vỉa hè, lòng đường. Hậu quả là sau khi kết thúc buổi thi sáng nay, rất nhiều cổng trường thi như THCS Kim Đồng, THPT Trần Phú, THPT Nguyễn Thượng Hiền... tràn lan đủ loại tờ rơi quảng cáo do các phụ huynh, thí sinh xả ra.
Đợt 2 kỳ thi ĐH năm 2010 tại Đà Nẵng, hàng nghìn tình nguyện viên tiếp tục được huy động đóng chốt tại các điểm trường thi, phối hợp cùng lực lượng an ninh giữ trật tự xung quanh trường thi và sẵn sàng hỗ trợ ngay khi thí sinh cần. Đặc biệt, đã có thêm nhiều điểm tiếp sức mùa thi tại các hội đồng thi ĐH Sư phạm, ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế, CĐ Công nghệ... nhận giữ điện thoại di động giúp thí sinh, hỗ trợ thí sinh gọi điện thoại và truy cập mạng miễn phí trước và sau khi thi.
Theo Đất Việt